EU khởi kiện quốc gia thành viên và giá trị phán quyết Tòa án Liên minh Châu Âu (?)

(Pháp lý) - Theo luật của Liên minh Châu Âu (EU), phán quyết của Tòa án Châu Âu có hiệu lực bắt buộc đối với tất cả các thành viên Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, không phải lúc nào các quốc gia thành viên cũng tuân thủ tuyệt đối, điều đó luôn làm leo thang những căng thẳng, bất đồng và chia rẽ trong nội bộ khối này.
tru-so-ecj-1666776312.jpg

Trụ sở Tòa án Liên minh châu Âu - Ảnh: REUTERS

Liên minh châu Âu khởi kiện Malta về chương trình "hộ chiếu Vàng"

Mới đây, ngày 29/9, Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức kiện Malta lên Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) với cáo buộc chương trình “hộ chiếu vàng” của nước này vi phạm luật của Liên minh Châu Âu.

Theo hãng tin Bloomberg, ông Didier Reynders, Ủy viên phụ trách tư pháp của Liên minh châu Âu cho biết: “Malta đã vi phạm luật của Liên minh châu Âu khi cấp quyền công dân khối này cho các khách hàng để đổi lại các khoản thanh toán hoặc đầu tư được xác định trước, trong khi trên thực tế, người được cấp quyền công dân không có bất kỳ liên kết thật sự nào với quốc gia thành viên liên quan”. Ông Reynders cũng nhấn mạnh rằng: “Các giá trị của Liên minh châu Âu không phải để bán”.

Theo Le Monde, kể từ năm 2013, Malta đã triển khai chương trình “hộ chiếu vàng”. Theo đó, những người nước ngoài giàu có muốn trở thành công dân Malta chỉ cần đầu tư khoảng một triệu euro (khoảng 970.000 USD) vào nước này, bao gồm thuê hoặc mua bất động sản với giá trị và khung thời gian nhất định, thể hiện mối liên kết với Malta. Họ cũng phải vượt qua các quy trình thẩm định để bảo đảm rằng họ có uy tín và tư cách tốt. Chương trình này đã thu hút rất đông người trong giới thượng lưu trên thế giới, chủ yếu là người Nga, Trung Quốc, Saudi Arabia… Bởi, sở hữu hộ chiếu của Malta đồng nghĩa là những người này và gia đình của họ được phép sống và làm việc tại bất kỳ nước nào trong Liên minh châu Âu mà không cần thị thực. Theo chỉ số xếp hạng hộ chiếu Henley Passport Index, hộ chiếu của Malta có đặc quyền được miễn thị thực nhập cảnh tới 182 điểm đến. Kể từ năm 2013, Malta đã thu được 1,1 tỷ euro (1,08 tỷ USD) từ chương trình “hộ chiếu vàng”.

Tuy nhiên, nhiều cuộc điều tra đã phát hiện các vấn đề tiêu cực trong quá trình này. Cụ thể, giới chức Liên minh châu Âu phát hiện nhiều người nộp đơn xin cấp hộ chiếu Malta chỉ đơn giản là thuê nhà để xe nhằm đáp ứng nhu cầu, trong khi không thực sự sống ở Malta. Một số người khác không có liên kết hoặc xác định Malta là quê hương đã công khai ý định sử dụng nước này như một bàn đạp để tiếp cận các quốc gia Liên minh châu Âu khác. Trong khi đó, Chính phủ Malta đã không minh bạch về việc ai được cấp quyền công dân thông qua kế hoạch của họ. Nhiều kết quả điều tra cho thấy, quyền công dân Malta đã được trao cho nhiều người liên quan gian lận, rửa tiền và trốn thuế cũng như các tội phạm tài chính khác nhau.

Malta không phải quốc gia duy nhất áp dụng chương trình “hộ chiếu vàng”. Trước đó, CH Cyprus và Bulgaria cũng là hai quốc gia triển khai việc cấp hộ chiếu này. Dù vậy, cả hai đã ngừng chương trình này khi bị Liên minh châu Âu “tuýt còi” sau hàng loạt những bê bối. Giới phân tích cũng đánh giá, chương trình nói trên dù thu hút được cả nhà đầu tư song cũng tạo ra những nguy cơ tiềm tàng về trốn thuế, rửa tiền và nghiêm trọng hơn là mất an ninh trong khu vực.

Tuy nhiên, Malta đã bác bỏ mạnh mẽ cáo buộc mà EC đưa ra, cho rằng chương trình “hộ chiếu vàng” không vi phạm các nguyên tắc về hợp tác thân thiện được quy định trong Hiệp ước Maastricht (văn kiện đặt nền móng cho sự ra đời của Liên minh châu Âu).

Người phát ngôn Bộ Nội vụ Malta cho biết: “Chương trình dựa trên các quy trình thẩm định mạnh mẽ nhằm giải quyết các rủi ro liên quan rửa tiền và tài trợ khủng bố. Đồng thời, quy trình này bảo đảm chỉ những cá nhân xứng đáng mới có quốc tịch Malta”. Malta cũng khẳng định, đang hợp tác với EC “một cách xây dựng và thiện chí”.

Dù vậy, trong một tuyên bố, EC cho rằng mặc cho sự phản đối của khối, trong những tháng gần đây, Malta chỉ ngừng chương trình cấp “hộ chiếu vàng” cho công dân các nước Nga và Belarus, song tiếp tục thực hiện chương trình này với công dân các nước khác và chưa có ý định chấm dứt. EC cho biết, nếu thua kiện tại Toà án Công lý Liên minh châu Âu, Malta phải tuân thủ phán quyết của tòa án hoặc chịu phạt nặng.

Giá trị  phán quyết của Toà án Châu Âu (?)

Theo luật pháp hiện hành của Liên minh châu Âu (EU), phán quyết của Tòa án Châu Âu có hiệu lực bắt buộc đối với tất cả các thành viên Liên minh châu Âu. Cũng có thể hiểu theo cách đơn giản và nôm na hơn ở đây là luật pháp chung của Liên minh châu Âu được đặt lên cao hơn luật pháp của quốc gia thành viên. Nhà nước quốc gia thành viên có trách nhiệm phải tuân thủ phán quyết của Tòa án Châu Âu. Tuy nhiên, không phải lúc nào các quốc gia thành viên cũng tuân thủ tuyệt đối, điều này làm leo thang căng thẳng, bất đồng, chia rẽ trong nội bộ khối.

phien-toa-ecj-1666776319.jpg

Các Thẩm phán của Toà án Công lý Châu âu xem xét vấn đề pháp lý trong một phiên toà

Hồi đầu năm 2021, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã khởi kiện Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Séc liên quan đến chính sách về vấn đề người nhập cư. Tòa án Công lý Liên minh châu Âu đã ra phán quyết rằng Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Séc đã không thực hiện nghĩa vụ của mình theo luật của Liên minh châu Âu khi từ chối tiếp nhận người tị nạn.

Trong phán quyết, Toà án Công lý Liên minh châu Âu cho rằng các quốc gia này đã không chấp nhận chia sẻ 120.000 người xin tị nạn đã đến Italy và Hy Lạp, theo một chương trình tái phân bổ người di cư đã được Hội đồng châu Âu nhất trí hồi năm 2015. Theo Toà án Công lý Liên minh châu Âu , Ba Lan và Cộng hòa Séc cũng vi phạm khi không thực hiện nghĩa vụ của mình theo quyết định của Hội đồng châu Âu trước đó, liên quan đến 40.000 người di cư.

Toà án Công lý Liên minh châu Âu còn cho biết 3 nước trên không có quyền viện dẫn việc duy trì luật pháp hoặc bảo vệ an ninh nội bộ, hay cho rằng chương trình phân bổ hạn ngạch người di cư là không ổn định, khi họ từ chối tuân thủ. Ban đầu, Ba Lan và Cộng hòa Séc đồng ý tiếp nhận 100 và 50 người di cư, nhưng thực tế Cộng hòa Séc chỉ nhận 12 người, trong khi Ba Lan và Hungary không nhận bất kỳ người di cư nào.

Sau đó, Tòa án Hiến pháp Hungary đã ra phán quyết rằng Hungary có quyền áp dụng các biện pháp riêng trong những lĩnh vực Liên minh châu Âu chưa thực hiện các bước thích hợp để thực hiện các quy tắc chung của Liên minh châu Âu.

Phán quyết trên sau khi chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban không thừa nhận phán quyết của tòa án Liên minh châu Âu cho rằng Budapest vi phạm luật Liên minh châu Âu bảo vệ người di cư khi trục xuất họ đến biên giới với Serbia.

Trong phán quyết của mình, Tòa án Hiến pháp Hungary cho biết họ không xem xét vấn đề luật của Liên minh châu Âu đứng trên luật của Hungary dựa trên lập trường của Chính phủ Hungary về vấn đề người nhập cư.

Hay trước đó, Tòa án Hiến pháp liên bang Đức - Tòa án cao cấp nhất ở nước Đức cũng từng ra phán quyết bác bỏ hoàn toàn phán quyết nói trên của Tòa án Châu Âu trong bất đồng giữa Đức và Liên minh châu Âu về Chương trình mua trái phiếu khu vực công của Ngân hàng trung ương châu Âu.

Tòa án Châu Âu đã đưa ra phán quyết xác định rằng việc làm của Ngân hàng Trung ương Châu Âu bung tiền ra cứu trợ đồng Euro và giúp các nước thành viên Liên minh châu Âu dưới hình thức mua về trái phiếu đã phát hành là phù hợp với luật pháp hiện hành chung hiện tại của Liên minh châu Âu.

Các thẩm phán Tòa án Hiến pháp Đức ra phán quyết rằng, cho rằng Ngân hàng trung ương châu Âu đã vượt quá quyền hạn và chương trình mua trái phiếu khu vực công của Ngân hàng trung ương châu Âu không tương ứng với mục tiêu ổn định vật giá, đồng thời yêu cầu Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) từ bỏ chương trình này nếu trong vòng 3 tháng Ngân hàng trung ương châu Âu không chứng minh được sự cần thiết của chương trình.

Ủy ban Châu Âu cho rằng với phán quyết riêng kia, Tòa án Hiến pháp liên bang Đức đã vượt quá quyền hạn được cho phép và nhà nước Đức đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của thành viên đối với Liên minh châu Âu.

Đặc biệt, Ủy ban châu Âu cũng từng khởi kiện Ba Lan liên quan tới chương trình cải cách tư pháp gây tranh cãi của nước này. Theo đó, năm 2017, đảng Pháp luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền tại Ba Lan đã thông qua một đạo luật giảm tuổi nghỉ hưu của thẩm phán tại các tòa án bình thường và các công tố viên và tuổi nghỉ hưu sớm của thẩm phán tại Tòa án Tối cao xuống 60 tuổi đối với nữ và 65 tuổi đối với nam, từ mức ban đầu là 67 tuổi cho cả hai giới.

Luật cũng trao cho Bộ trưởng Tư pháp, một chính trị gia thuộc đảng cầm quyền, quyền hạn kéo dài thời gian làm việc của các thẩm phán tại các tòa án bình thường sau tuổi nghỉ hưu mới nói trên.

Ủy ban châu Âu - cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu, có vai trò bảo vệ luật pháp Liên minh châu Âu, tuyên bố các luật này đi ngược lại luật của Liên minh châu Âu và đã kiện Ba Lan ra Tòa án Công lý châu Âu

 Sau đó, Tòa án Công lý châu Âu đưa ra phán quyết Ba Lan đã vi phạm luật Liên minh châu Âu với cuộc cải cách ngành tư pháp của mình.

Tuy nhiên, sau đó,  Tòa án hiến pháp Ba Lan tuyên bố một vài điều khoản của các hiệp ước Liên minh châu Âu và một vài phán quyết của tòa án Liên minh châu Âu đi ngược lại luật cao nhất của Ba Lan.

Phán quyết của Toà Hiến pháp Ba Lan ngay lập tức đã gây ra các phản ứng mạnh mẽ từ phía các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu và nhiều nước châu Âu. Ủy viên châu Âu phụ trách Tư pháp, ông Didier Reynders tuyên bố châu Âu lo ngại về phán quyết của Tòa Hiến pháp Ba Lan, coi đây là một sự vi phạm vào một trong các nguyên tắc nền tảng của Liên minh châu Âu, đó là luật pháp của Liên minh châu Âu có tính ưu thế so với luật pháp của các nước thành viên Liên minh châu Âu. Bộ trưởng Ngoại giao Luxemburg, ông Jean Asselborn thì lên tiếng cảnh báo, Ba Lan đang đùa với lửa và vụ việc này sẽ càng làm mâu thuẫn giữa Ba Lan với Liên minh châu Âu thêm trầm trọng…

Ba Lan và Liên minh châu Âu bất đồng trong nhiều năm qua về cải cách tư pháp. Liên minh châu Âu cam kết sẽ mạnh mẽ chống lại những gì họ coi là vi phạm các chuẩn mực dân chủ.

Quay trở lại vụ tranh chấp giữa Malta và Ủy ban châu Âu (EC) liên quan đến chương trình “hộ chiếu vàng”, chưa rõ vụ việc sẽ đi đến đâu, song nó cho thấy vụ kiện này là hành động cực chẳng đã của Liên minh châu Âu, khi buộc phải phơi bày những bất đồng, chia rẽ trong nội bộ khối.

Đinh Chiến

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin