Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có khoảng 500.000 DN, nhưng sau hơn 5 năm triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT), đến nay chỉ có hơn 700 DN áp dụng HĐĐT. Đây là con số quá ít, khi vài năm trở lại đây, số lượng DN được cấp phép thành lập tăng lên nhanh chóng…
“Ngại” minh bạch
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ DN lớn, Tổng cục Thuế cho rằng, ngoài những khó khăn không mấy thuyết phục về trang thiết bị, công nghệ, có không ít DN vẫn mang tư tưởng “sợ” minh bạch, “né” doanh thu, trốn thuế, như bán hàng mà chưa muốn xuất hóa đơn (HĐ) hoặc bán một đằng xuất một nẻo..., nên họ ngại HĐĐT. Điều này lý giải thêm vì sao cơ sở pháp lý đã có và lợi ích đều hướng về DN, nhưng vẫn có một số DN chưa sẵn sàng triển khai HĐĐT trong các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ.
Theo ông Đinh Đức Thụ, Phó Giám đốc Ban khách hàng tổ chức DN VNPT, sở dĩ các DN chưa mặn mà với HĐĐT chủ yếu là do ngại thay đổi, lo ngại khi thực hiện HĐĐT thì các thông tin của DN như doanh thu, khách hàng... không an toàn (sẽ bị cơ quan thuế hoặc nhà cung cấp biết). ”Qua triển khai cho thấy, có rất nhiều DN đủ điều kiện cơ sở vật chất và được tuyên truyền, giới thiệu cụ thể về lợi ích của HĐĐT, nhưng một số DN nhất quyết chưa triển khai. Lý do đơn giản là vì họ ngại thay đổi và lo lắng về tính minh bạch trong việc sử dụng HĐĐT”.
Tuy nhiên xu thế HĐĐT là tất yếu và thực tế việc sử dụng HĐĐT mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả DN, khách hàng, cơ quan thuế và xã hội.
Những con số biết nói...
Theo tính toán của VNPT, với số lượng trung bình phải xuất là 7,5 triệu HĐ/tháng (tương đương khoảng 90 triệu HĐ/năm) thì chi phí cho HĐ giấy tự in khoảng 2.550 đồng/HĐ (HĐ đặt in khoảng 2.900 đồng/HĐ), ước khoảng 19 tỷ đồng/tháng (tương đương 228 tỷ đồng/năm). Sau khi áp dụng HĐĐT đã tiết kiệm hơn 70%, tức chi phí HĐĐT chỉ còn khoảng 500 đồng/HĐ. Như vậy, chỉ tính sơ sơ qua việc sử dụng HĐĐT này (HĐĐT giảm hơn 2.000 đồng/HĐ so với HĐ giấy) VNPT có thể tiết kiệm được hơn 15 tỷ đồng/tháng (khoảng 180 tỷ đồng/năm - PV).
Không chỉ VNPT, sự vào cuộc của EVN cũng thu được nhiều tỷ đồng, khi triển khai tới 24 triệu HĐĐT/tháng (tương đương 280 triệu HĐ/năm); hay Viettel với số lượng phát hành khoảng 5 triệu HĐ/tháng (tương đương 60 triệu HĐ/năm)...
Theo ước tính sơ bộ của Vụ DN lớn (Tổng cục Thuế), DN sử dụng HĐ giấy trung bình phải bỏ chi phí trên 1.000 đồng/HĐ và với số lượng HĐ cả nước khoảng 2,5 tỷ HĐ/năm thì chi phí bỏ ra chí ít cũng lên đến 2.500 tỷ đồng/năm. Nếu lấy con số này trừ đi phần tiết giảm được (50-70%) so với HĐ giấy, thì số tiền mà DN có thể tiết kiệm được do sử dụng HĐĐT lên tới trên 1.000 tỷ đồng/năm.
Không những thế, việc chuyển đổi hình thức HĐĐT này còn giúp DN chủ động hơn trong các công việc khởi tạo và phát hành HĐ, giảm thiểu được sai sót trong kê khai thuế và tiết kiệm thời gian. Điều này cũng sẽ giúp ngành thuế “quản” được việc phát hành HĐ của người nộp thuế; hỗ trợ tích cực cho công tác đối chiếu, xác minh HĐ để qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi sử dụng HĐ bất hợp pháp.
Đồng thời, giúp cơ quan thuế xây dựng được cơ sở dữ liệu HĐ tập trung và thống nhất để phục vụ công tác quản lý thuế của Nhà nước, trong đó có việc thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế; trên cơ sở đó sẽ giảm thiểu được các rủi ro cho cơ quan Thuế và DN sử dụng HĐ, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch giữa các thành phần kinh tế. Ở góc độ ngân sách, việc sử dụng HĐĐT cũng sẽ được tăng thu hàng tỷ đồng, do các DN không phải chi những khoản chi không cần thiết và việc kê khai doanh thu của DN minh bạch hơn.
Từ thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc phải xem xét lại, không thể ”chiều” DN theo kiểu ”khuyến khích”, mà cần phải có biện pháp ”mạnh” để tất cả các DN cùng triển khai HĐĐT, nếu không, không chỉ DN mất tiền mà Nhà nước cũng thất thu thuế...
(Còn tiếp)
Theo ông Đinh Đức Thụ - Phó Giám đốc Ban khách hàng tổ chức DN, VNPT, việc sử dụng HĐĐT không chỉ giúp tăng tính minh bạch của DN, giảm thiểu tình trạng mua bán HĐ trôi nổi, HĐ giả trên thị trường, mà còn đảm bảo lợi ích của cả ba bên: DN, cơ quan quản lý, các nhà cung cấp dịch vụ... Đối với cơ quan thuế, HĐĐT là biện pháp khả thi để quản lý hoạt động thuế.
Đối với DN, HĐĐT sẽ có lợi về kinh tế như giảm 50 -70% cho phí so với in ấn HĐ, giảm chi phí nhân lực, thời gian phát hành HĐ, không mất chi phí lưu trữ, bảo quản và dễ dàng tra cứu.Tuy nhiên, để dịch vụ này sớm được triển khai trên diện rộng, Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi, ban hành các văn bản pháp lý về HĐĐT, tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng và triển khai dịch vụ.
Bên cạnh đó , Tổng cục Thuế cần đẩy mạnh tuyên truyền về hành lang pháp lý và lợi ích của việc phát hành HĐĐT tới DN, để các DN hiểu rõ được những lợi ích của việc sử dụng HĐĐT và triển khai thực hiện sớm loại hình dịch vụ này.
Theo Bao Phapluat