Là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vất, sáng 15/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã trả lời nhiều câu hỏi khó.
Có thể xử lý hình sự
Bắt đầu phần chất vấn, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị Bộ trưởng làm rõ hơn những sai phạm tại các dự án nghìn tỷ gây thua lỗ, đắp chiếu.
"Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong các dự án đầu tư thua lỗ? Trách nhiệm quản trị doanh nghiệp ở đó như thế nào? Các dự án này sử dụng tài sản nhà nước, là tiền thuế của dân.
Bộ trưởng nói rằng khoán trắng cho doanh nghiệp tự quyết định đầu tư, đến khi thua lỗ lại báo cáo Quốc hội, Chính phủ là không ổn. Ví dụ đạm Ninh Bình có vấn đề về công nghệ, vậy thì trách nhiệm của Bộ Khoa học và công nghệ đến đâu?"
Trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói: Có rất nhiều nguyên nhân khiến các dự án Gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ, đạm Ninh Bình, bột giấy Phương Nam và các dự án xăng sinh học rơi vào cảnh thua lỗ, không hiệu quả.
Cả 5 dự án đều được xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư từ giai đoạn 2003- 2008 và cho đến tận hôm nay. Như thế là dự án đầu tư quá dài so với thời hạn. Thị trường nguyên liệu có nhiều biến động, ví như giá dầu thô trước đây ở mức hơn 100USD/thùng thì nay tụt xuống hơn 40 USD/thùng, dẫn đến tính hiệu quả của dự án không còn. Sơ xơi Đình Vũ cũng thế, sản phẩm cũng không cạnh tranh được với sản phẩm nước ngoài.
Bộ trưởng cũng nêu năng lực hạn chế của ban quản lý dự án cũng như các đơn vị trực tiếp phân công quản lý dự án, năng lực trong tổ chức đàm phán, ký kết các hợp đồng thực hiện các dự án này...
Phải xem xét xử lý trách nhiệm và kinh nghiệm rút ra không để xảy ra tình trạng tương tự.
Trước hết về trách nhiệm cần làm cẩn trọng, đánh giá đầy đủ theo khung pháp lý, đánh giá đúng trong từng giai đoạn cụ thể để xem xét trách nhiệm của các cấp quản lý nhà nước, của DN, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, của tổ chức và cá nhân.
Đồng thời làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan có sự vô tình hay cố ý. Trong đó không loại trừ có sự cố tình làm sai trong quản trị của DN, điều này sẽ được làm rõ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm nếu có, đặc biệt là các vi phạm pháp luật, có sự cố tình làm sai chắc chắn sẽ xem xét kể cả trách nhiệm hình sự - Bộ trưởng nói.
Áp dụng quy trình máy móc
Đề cập tới dự án bauxite Tây Nguyên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương giải trình về tính hiệu quả của dự án này mà chính Bộ Công thương từng cam kết có hiệu quả từ 7 năm trước. Đến thời điểm này, những gì dư luận lo lắng là đúng, khi mà thua lỗ, mất an toàn...
Mặc dù có trả lời đại biểu nhưng câu trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh được cho là không thỏa đáng. Với phần trả lời trên, nữ đại biểu đoàn Đà Nẵng mong muốn Bộ trưởng nói rõ hơn bằng văn bản.
Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) thì đặt câu hỏi “Bao giờ người dân được sống trong môi trường an toàn, và bao giờ thì những bất cập xoay quanh cái gọi là vận hành đúng quy trình xả lũ sẽ được loại bỏ?”.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương thừa nhận nguyên nhân là do quá trình vận hành quy trình một cách quá máy móc.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết theo quy định, các công trình thuỷ điện phải đảm bảo an toàn xả lũ với 3 yếu tố mới được cấp phép tham gia hoạt động điện lực. Cụ thể là có phương án phòng chống lụt bão do Chủ tịch địa phương làm Trưởng ban và có sự tham gia của Ban quản lý dự án thuỷ điện; có quy trình xả lũ được phê duyệt (công trình có dung tích 1 triệu mét khối trở lên công suất 30 MW do Bộ Công Thương phê duyệt quy trình xả lũ, dưới mức này do địa phương phê duyệt); các chủ đập và DN đều phải tham gia cùng địa phương xây dựng phương án xả lũ hạ lưu. Vấn đề này đã được tuân thủ đối với các dự án đã cấp phép, kể cả thuỷ điện Hố Hô và An Khê-Kanak.
Tuy nhiên lại có tình trạng là các đập thuỷ điện khi xả đều gây ra bức xúc trong dư luận, cụ thể là thuỷ điện Hố Hô và An Khê-Kanak.
"Bộ Công Thương đã cẩn thận đi kiểm tra đánh giá cụ thể và nhận thấy nguyên nhân là do quy trình xả lũ được vận hành máy móc, không phối hợp đồng bộ". Ông Trần Tuấn Anh giải thích:
"Theo quy định, chủ đập phải thông báo cho chính quyền địa phương hạ lưu trước khi xả lũ nhưng lại không nói rõ hình thức thông báo. Quy trình có nhưng các bên không tổ chức diễn tập nên khi xảy ra tình huống phải xả lũ thì thực hiện không đảm bảo yêu cầu. Chủ đập thông báo không đầy đủ về thông tin xả lũ, lúc thì do mất điện, lúc thì đánh kẻng báo động nhưng không nghe thấy. Hoặc ở trường hợp thuỷ điện Hố Hô xả lũ vừa qua, chủ đập gọi điện thông báo nhưng chính quyền địa phương không nghe máy, sau đó cũng không liên lạc lại được", Bộ trưởng nói.
Trước thực tế đó, ông Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương đã thực hiện tổng kiểm tra lại, rà soát đánh giá chất lượng quy trình xả lũ và hoạt động phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn xả lũ, làm rõ trách nhiệm địa phương và chủ đập. Trên cơ sở đó sẽ xử lý làm nghiêm theo chế tài. Đối với doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ và vi phạm sẽ không cho tham gia hoạt động điện lực và rút giấy phép.
Theo Bao Datviet