Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Gang thép Thái Nguyên ban đầu có tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng, sau khi được bổ sung chỉnh sửa thì số tiền lên thành 3.843 tỷ đồng và đến năm 2012 tổng dự án được điều chỉnh tăng lên 8.104 tỷ đồng…
Mặc dù dự án có quy mô và tổng mức đầu tư rất lớn, song quá trình thực hiện từ khâu lập báo cáo nghiên cứu khả thi, điều chỉnh dự án cho đến ký hợp đồng EPC, thanh toán đều xảy ra vi phạm, khuyết điểm, trong đó có những sai phạm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến dự án, nguy cơ thiệt hại số tiền lớn.
Chỉ định nhà thầu Trung Quốc sai quy định
Ngày 18/3/2003, Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) có Tờ trình đề nghị Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) Dự án với tổng mức đầu tư là 2.724 tỷ đồng. Đến ngày 8/10/2003, VNS ký quyết định phê duyệt Báọ cáo NCTKT và đồng ý triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (NCKT) với các nội dung: công suất dự kiến tăng thêm 500.000 tấn/năm phôi đúc liên tục, nguyên liệu chính quặng sắt khai thác trong nước và quy mô đầu tư (đầu tư mới đồng bộ dây chuyền sản xuất khép kín với các hạng mục từ khai thác mỏ nguyên liệu lò kốc, thiêu kết...), chỉ định nhà tư vấn nước ngoài (Tổng viện nghiên cứu thiết kế gang thép Bao Đầu Trung Quốc - BERIS) lập Báo cáo NCKT, thời gian thực hiện từ quý IV/2003 đến quý I/2004…
Về quyết định nêu trên của VNS, Thanh tra Chính phủ (TTCP) xác định: “VNS chỉ định nhà thầu BERIS thực hiện tư vấn, lập Báo cáo NCKT Dự án với giá trị là 3,4 tỷ đồng nhưng không thẩm định năng lực của tổ chức tư vấn lập Dự án theo quy định của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP”.
Bên cạnh đó, TTCP cho rằng việc lập Báo cáo NCKT nhưng không lập thiết kế cơ sở để thẩm định phê duyệt là chưa thực hiện đúng quy định. Ngoài ra, một số nội dung trong Báo cáo NCKT cũng chưa được làm rõ trước khi thẩm định và phê duyệt, điển hình như: Tại thời điểm TISCO gửi tờ trình xin thẩm định báo cáo NCKT trong đó có nêu “ tổng mức đầu tư là 3.843 tỷ đồng, nguồn vốn tự có của TISCO và vốn vay…” nhưng thực tế chưa có tổ chức tín dụng nào có phương án tài chính và phương án trả nợ để cho TISCO vay.
Bộ và VNS báo cáo sai?
Đáng chú ý, TTCP còn phát hiện, tại thời điểm phê duyệt Báo cáo NCKT Dự án cũng chưa làm rõ được nguồn nguyên liệu để luyện cốc… Mặc dù còn nhiều vấn đề tồn tại, song Bộ Công Thương VNS đã có văn bản báo cáo Thủ tướng “Dự án đã hội đủ điều kiện”…
Sau khi được Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư dự án, ngày 9/9/2005, TISCO có tờ trình gửi VNS xin thẩm định Báo cáo NCKT trong đó nêu “TISCO đã hoàn thành bổ sung chỉnh sửa lần 2 Báo cáo NCKT…, đến nay Báo cáo NCKT đã được bổ sung hoàn chỉnh phù hợp với yêu cầu và quy định hiện hành; trong đó tổng mức đầu tư là 3.843 tỷ đồng…”. Đến năm 2009, Chủ tịch HĐQT TISCO ký quyết định điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư và kế hoạch đầu tư điều chỉnh với tổng mức đầu tư là hơn 3.843 tỷ đồng.
“Khi điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư, TISCO không tiến hành thẩm định lại những nội dung thay đổi (chi phí xây dựng, lắp đặt; chi phí thiết bị…) mà điều chỉnh giảm các chi phí khác để bù cho phần tăng thêm của chi phí thiết bị là không đúng quy định tại Nghị định số 12/NĐ-CP” - TTCP chỉ rõ trách nhiệm thuộc về Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, lãnh đạo các phòng tham gia thẩm định VNS và Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc Ban QLDA TISCO.
Mặc dù năm 2007, TISCO và nhà thầu Công ty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) ký hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng và lắp đặt (EPC) với giá trị gần 161 triệu USD với cam kết “trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, đã bao gồm các khoản thuế và chi phí cần thiết” và trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhà thầu này đã cung cấp nhiều thiết bị sai khác về nguồn gốc xuất xứ, chủng loại nhưng đến năm 2012, VNS và TISCO có văn bản gửi Bộ Công Thương và Chính phủ xin điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên thành 8.104 tỷ đồng, tăng 4.261 tỷ đồng so với ban đầu.
Đáng chú ý, thời điểm khi TISCO, VNS và Bộ Công Thương xin điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án thì đa số các bộ, ngành được lấy ý kiến đều phản đối, cho rằng thiếu cơ sở. Bỏ qua những khuyến cáo, tổng mức đầu tư được điều chỉnh tăng nhưng toàn bộ các hạng mục chính chưa hoàn thành; MCC chưa chuyển đủ thiết bị theo danh mục, tình trạng máy móc hư hỏng và đặc biệt dự án chậm tiến độ 10 năm và tạm dừng thi công, “đắp chiếu” từ năm 2013.
Kết luận của TTCP xác định, MCC cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật với giá trị hơn 38 triệu USD. Hiện một số thiết bị đã bị gỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, tiến độ của dự án. Dù vậy, TISCO đã không yêu cầu tái xuất, phạt vi phạm mà còn làm các thủ tục để tiếp nhận. Cụ thể, có các máy móc, thiết bị đã nhập khẩu với tổng giá trị 31,5 triệu USD có sai khác về mã hiệu, thông số kỹ thuật…; 5 đầu máy toa xe trị giá hơn 5 triệu USD và 42 chiếc ô tô trị giá hơn 1 triệu USD được nhập về đều sai khác về trọng tải.
Theo tienphong.vn
Nguồn bài viết: https://www.tienphong.vn/kinh-te/du-an-gang-thep-thai-nguyen-hanh-trinh-doi-von-len-8100-ty-dong-1379653.tpo