Đối thoại không 'dạ vâng' và điều khiến ông Đinh La Thăng gật đầu

Không thấy hình ảnh một doanh nghiệp “dạ vâng”. Cũng không thấy hình ảnh một ông Bí thư say sưa chỉ đạo...

Những phút đối thoại “tay đôi” giữa Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng và Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) Mai Kiều Liên ngày 1/3 tại Tp.HCM chủ yếu xoay quanh câu chuyện Vinamilk bao tiêu sữa nguyên liệu cho các hộ nuôi bò ở huyện Củ Chi, nhưng trong nội dung trao đổi có những chi tiết rất đáng chú ý.

Nhiều định kiến xưa nay của số đông đã được bà Liên khẳng khái lý giải bằng những con số hai năm rõ mười. Vinamilk năm ngoái đã mua 131 triệu USD sữa nguyên liệu của nông dân, với giá 13.000 - 14.000 đồng/lít, cao hơn 40% so với giá bình quân thế giới.

[caption id="attachment_136370" align="aligncenter" width="410"]Bí thư Thành uỷ Tp.HCM Đinh La Thăng (bên trái) và Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên. Bí thư Thành uỷ Tp.HCM Đinh La Thăng (bên trái) và Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên.[/caption]

Bằng những lời giải thích vanh vách của một người mấy chục năm lăn lộn với dòng sữa bò, bà Liên mở ra cho cuộc làm việc nhiều thông tin mới mẻ, từ việc năng suất sữa kém, chăn nuôi manh mún... khiến người nông dân không thể hạ giá thành sữa nguyên liệu, để cạnh tranh với các nhà cung cấp khác.

Một “cô bò” New Zealand cho 30 lít sữa/ngày, bò tại trang trại Vinamilk 28 lít/ngày, thì bò Củ Chi chỉ… 12 - 15 lít/ngày. Con số đó đủ nói lên nhiều điều.

Ý tưởng nông dân mang bò góp vốn vào Vinamilk, hay bán cổ phần ưu đãi cho dân, thực ra đã được Vinamilk thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 8 cách đây... 13 năm.

Theo tính toán của một trang tin tài chính, nếu lúc đó dân bỏ 7 triệu đồng mua 1.000 cổ phiếu Vinamilk, thì đến nay họ đã có gần 500 triệu, đủ mua ôtô.

Bà Liên bình luận, nếu vẫn giữ số cổ phiếu Vinamilk cho đến nay thì nhiều người dân nuôi bò đã “khoẻ”. Nhưng tiếc là số cổ phiếu ưu đãi đó, người nuôi bò đã bán từ lâu.

Chi tiết có lẽ đắt giá nhất của cuộc đối thoại này - diễn ra trong khuôn khổ buổi làm việc giữa Thành ủy và Ban Thường vụ Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, chính là việc bà Liên nói với Bí thư Thăng về việc, Vinamilk có 49% cổ phần do Nhà nước nắm, cùng nhiều cổ đông nước ngoài, nên mọi quyết định của Hội đồng Quản trị phải mang lại lợi ích cho cổ đông, thì cổ đông mới gật.

Đấy là chi tiết mà ông Thăng cũng đã gật đầu: “Đúng, phải theo thị trường”. Vinamilk không phải là doanh nghiệp công ích.

Cũng hiếm cuộc đối thoại nào mà Bí thư Đinh La Thăng mềm mại đến thế. Không thấy hình ảnh một doanh nghiệp “dạ vâng”. Cũng không thấy hình ảnh một ông Bí thư say sưa chỉ đạo, kiểu “doanh nghiệp phải làm cho bằng được”.

Ông Thăng đã tóm lược ý của bà Liên rất nhanh, và kết luận cũng rất trúng: phải theo thị trường, mấu chốt là phải làm sao cho người dân nuôi bò đủ năng suất, đủ số lượng, sữa đạt chất lượng và có giá cạnh tranh. Đơn giản vì TPP, AEC… sẽ tự tạo luật chơi, chứ không tuân theo chỉ đạo.

Cuộc đối thoại tưởng rất “trong nhà” này, bởi vậy, hàm chứa nhiều yếu tố “kinh điển”, giữa một nhà lãnh đạo có phong cách đổi mới và một doanh nhân từng trải, kiên định.

Để những người theo dõi cùng nhận ra một điều: người nông dân không hẳn đã cần giúp “bán sữa hộ”. Điều họ thực sự cần, là sự định hướng, hỗ trợ làm ra những thứ thị trường cần, cạnh tranh được trên thị trường, để dân và doanh nghiệp bắt tay nhau một cách bền chặt, cùng đạt lợi ích.

Theo VnEconomy

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin