Doanh nhân, hoa hồng và bánh mỳ

Doanh nhân là một danh từ cao quý mà xã hội dùng để gọi những con người có khát vọng và ý chí, biết vượt lên để làm giàu, và họ đã được yêu mến như là những con người tinh hoa và có công trạng lớn đối đất nước.

Bắt đầu từ 2004, ngày 13/10 hàng năm được chọn làm “Ngày Doanh nhân Việt Nam”, theo quyết định số 990/QĐ-TTG, Thủ tướng Phan Văn Khải ký ban hành ngày 20/9/2004. Quyết định chọn ngày 13/10 làm “Ngày Doanh nhân Việt Nam” của Thủ tướng Chính phủ là theo đề nghị của các Hiệp hội doanh nghiệp và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chính quyền nhân dân non trẻ được hình thành. Trong một bối cảnh cực kỳ ngặt nghèo, thù trong giặc ngoài, đất nước kiệt quệ vì nạn đói khủng khiếp, ngân khố thì trống rỗng… Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí của mình đã ngay lập tức đặt niềm tin vào giới tư sản yêu nước và họ đã hết lòng ủng hộ. Bản Tuyên ngôn Độc lập được khởi thảo ngay trên bàn của một nhà tư sản tại con phố buôn bán lớn nhất ở Hà Nội. Chưa đầy nửa tháng sau, với sự hằng tâm hằng sản của biết bao nhiêu người có công có của, Ngày Quốc khánh 2/9/1945, ra mắt Chính phủ, tuyên bố Việt Nam độc lập và tự do, đã được tổ chức trọng thể. Cuồn cuộn những dòng người, vang động những thanh âm “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Hồ Chí Minh muôn năm!”…

[caption id="attachment_184784" align="aligncenter" width="558"] Bác Hồ với giới công thương năm 1946
Bác Hồ với giới công thương năm 1946[/caption]

Cũng chưa đầy nửa tháng sau, “Tuần lễ Vàng”, biểu tượng của giới công thương và các nhà tư sản thiết thực ủng hộ nước nhà độc lập, để kêu gọi mọi người dân hiến góp vàng bạc và của cải cho Chính phủ tổ chức kiến quốc, đã lên thành cao trào. Ngày 18/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng giữa một tập hợp thật xum vầy các đại diện của giới công thương tại cuộc gặp gỡ ở Bắc Bộ phủ. Một tấm ảnh đen trắng đã ghi lại, giờ thành lịch sử!

Ngày 13/10/1945, Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam. Một bức thư chỉ với hơn 200 chữ, nhưng có ý nghĩa như một văn bản kinh tế riêng biệt đầu tiên của Chính phủ giữa bộn bề đại sự lớn lao. Đó là một văn bản mang tính chất hiệu triệu. Hồ Chí Minh viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới công – thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Người phân tích: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”. Người gửi gắm niềm tin vào các nhà công nghiệp và thương nghiệp hãy mau mau “cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”.

59 năm sau bức thư của “Thuở ban đầu dân quốc ấy”, ngày 13/10 trên tiêu đề bức thư lịch sử này, được chọn làm “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.

Một sự lựa chọn rất đỗi tự hào và nhiều ý nghĩa.

Ngay trước thềm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Một lần nữa, Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân, nhấn mạnh tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vô cùng hào hứng.

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam được tổ chức hồi tháng 7/2017 với sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, với câu hỏi doanh nhân cần gì ở Chính phủ vào thời điểm này, 65% chọn Chính phủ hành động, 24% chọn Chính phủ liêm chính và 11% chọn Chính phủ kiến tạo.

Các doanh nhân đã nói thẳng, họ cần Chính phủ hành động. Doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ cần hoa hồng, mà họ cần cả bánh mỳ.

Sự xác lập vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế có thể coi là hoa hồng dành cho những con người đang tạo công ăn việc làm, đảm bảo thu nhập cho các chục triệu người lao động, góp phần vào tăng trưởng, phát triển kinh tế.

Nhưng, họ sẽ không thể sống, phát triển nếu chỉ có hoa hồng. Bánh mỳ của doanh nghiệp chính là môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, an toàn, chi phí kinh doanh hợp lý, rủi ro thấp…

Cụ thể hơn, họ cần Chính phủ thực hiện đúng các cam kết đã đưa ra. Ví dụ Nghị quyết 19-2017/NQ-CP tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đặt mục tiêu đến hết năm 2017, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4, nhưng hiện tại vị trí của Việt Nam là thứ năm.

Hay như Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 xác định khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP; 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội…

Ngay trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện có.

Kết quả của việc thực hiện các con số trên chính là “bánh mỳ” doanh nghiệp cần.

Nhà nước đã có đạo luật riêng là Luật Doanh nghiệp, điều chỉnh và bảo hộ cho hoạt động của Doanh nhân. Đảng ta đã có nghị quyết riêng về Doanh nhân là Nghị quyết 09-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ Doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế (2011). Mới đây nhất, vào tháng 6/2017, hai nghị quyết của Trung ương đã được ban hành: Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đảng, Nhà nước và nhân dân càng ngày càng nêu cao vai trò và động lực của Doanh nhân trong sự nghiệp chung vì dân chủ, văn minh và tiến bộ xã hội.

Hội nghị Thượng đỉnh Tổng giám đốc APEC (APEC CEO Summit) năm 2017 cũng như Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng trong Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2017, khoảng 1.200 doanh nhân là lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực APEC và Việt Nam sẽ có mặt trong các cuộc đối thoại với lãnh đạo các nền kinh tế APEC.

Thông điệp về một Việt Nam là địa điểm kinh doanh thân thiện, đối tác kinh doanh tin cậy mà Chính phủ Việt Nam đang muốn gửi đi sẽ có giá trị hơn rất nhiều khi đi kèm với tinh thần kinh doanh đầy nhiệt huyết, sáng tạo của các doanh nhân, những kế hoạch kinh doanh dài hạn, bền vững của doanh nghiệp Việt Nam, dù đó là doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp nhỏ, vừa hay các doanh nghiệp siêu nhỏ.

Theo ANTT

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin