Sau các vụ không kích của Mỹ, Anh và Pháp nhằm vào Syria, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) tuyên bố vẫn sẽ tiếp tục nhiệm vụ điều tra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, gần thủ đô Damascus.
Hôm nay (14-4), thông cáo của OPCW nêu rõ tổ chức này vẫn đang hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia an ninh của Liên Hiệp Quốc để đánh giá tình hình cũng như đảm bảo an toàn cho các chuyên gia cử tới Syria.
OPCW nêu rõ: "Nhóm thực thi sứ mệnh tìm kiếm sự thật của OPCW sẽ tiếp tục được triển khai tới Syria nhằm xác minh sự thật xung quanh những cáo buộc về sử dụng vũ khí hóa học ở Douma". Theo đó, nhóm này sẽ có mặt tại Douma trong ngày 14-4.
Hãng tin Reuters giải thích về cách làm việc của nhóm chuyên gia như sau: Ngoài việc lấy mẫu, họ sẽ thu thập các manh mối khác để xác định liệu các chất cấm đã được dùng trong vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở Douma hôm 7-4 hay không.
Lấy mẫu
Ưu tiên hàng đầu của các thanh sát viên là lấy mẫu, cả về mặt môi trường (chẳng hạn đất) và y sinh (như máu) từ các nạn nhân cũng như hiện trường. Các mẫu thu được sẽ được gửi về phòng thí nghiệm chính của OPCW ở Hà Lan.
Các mẫu điều tra nói chung sẽ tiếp tục được bóc tách, có thể lên tới 4 lần trong một số trường hợp, và được gửi tới các phòng thí nghiệm quốc gia độc lập có liên kết với OPCW.
Tuy nhiên, họ bị giám sát khá nghiêm ngặt trong quá trình làm việc. Theo đó, các nhà điều tra phải có mặt vào thời điểm mẫu được lấy và đảm bảo chính họ lấy các mẫu này.
Trước đây, OPCW từng làm việc chung với các nhân viên y tế đến từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tuy nhiên, chính WHO đã cung cấp các mẫu điều tra tương tự lấy từ nạn nhân và các nhân chứng. Những mẫu này có thể là máu, nước tiểu hay các mẫu mô.
Bằng chứng
Trước khi các mẫu môi trường được thu thập tại Douma, thì thời gian diễn ra vụ tấn công cho tới nay đã 1 tuần. Điều này khiến nhiệm vụ thu thập bằng chứng trở nên khó khăn hơn bình thường,
Phái bộ của OPCW sẽ làm việc nhanh nhất có thể để thu thập bất kỳ mẫu chlorine và sarin nào. Sarin và những chất độc khác từng được tìm thấy trong cuộc chiến tranh 7 năm qua ở Syria.
Khí chlorine phát tán khá nhanh và trong một số trường hợp khó có thể tìm ra dấu vết sau 1 ngày. Trong khi đó, chất độc thần kinh sarin hay nhiều chất hóa học khác có thể được tìm thấy sau nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần được sử dụng.
Các nhà thanh sát cũng sẽ tìm kiếm các bằng chứng khác, chẳng hạn dụng cụ đựng chất độc, mảnh vỡ bom và tên lửa, các địa điểm bị ảnh hưởng, các hố bom… và sẽ chụp lại chúng. Các dụng cụ vận chuyển thường hay chứa dấu vết của chất hóa học.
Nhân chứng
Các nhân chứng cho biết họ đã nghe tiếng rít của những quả bom thùng rơi từ trên trời xuống.
Thông thường, một quả bom thùng thường được làm từ một thùng kim loại đã được lấp đầy bằng chất nổ cao, có thể là mảnh kim loại, dầu, hóa chất, được một máy bay trực thăng chở đến và quăng xuống khu vực hoạt động.
Các bom thùng thế này được sử dụng nhiều tại Syria. Một số bom thùng chứa chlorine và chất nổ. Những bom thùng như vậy, nếu được tìm thấy, có thể là bằng chứng cho thấy một vụ tấn công hóa học.
Phái bộ OPCW sẽ phỏng vấn những người phản ứng khẩn cấp, những người sống sót, các nhân viên y tế đã chữa trị cho các nạn nhân và các nhân chứng khác để xác định liệu họ có bị các triệu chứng liên quan tới việc phơi nhiễm vũ khí hóa học hay không. Những triệu chứng này gồm ngạt thở, sùi bọt mép, co giật, tiểu hoặc tiêu không kiểm soát.
Nguy cơ về an toàn
Cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và các phiến quân ở thị trấn Douma, Đông Ghouta đã dừng lại, nhưng mối đe dọa về an ninh vẫn còn chực chờ. Các nhà thanh sát từng 2 lần bị tấn công trong quá trình tiếp cận hiện trường ở Syria trước đây.
Hồi tháng 8-2013, các nhà thanh sát đã bị một tay súng bắn tỉa nã đạn gần khu Đông Ghouta, nơi hàng trăm người bị nhiễm chất độc thần kinh sarin.
Đến tháng 5-2014, một đoàn xe chở các nhà điều tra bị tấn công bằng thuốc nổ và súng tự động trong lúc họ di chuyển tới thị trấn Kafr Zita ở thành phố Hama, miền trung Syria. Tuy nhiên, may mắn không ai bị thương nặng.
Cả Mỹ, Anh và Pháp đều cáo buộc chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đứng sau vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học khiến ít nhất 70 người chết ở Douma hôm 7-4. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây tuyên bố Paris còn có "bằng chứng".
Tuy nhiên, chính phủ ông Assad phủ nhận cáo buộc của Mỹ, nói rằng những thông tin về vụ tấn công ở Douma là "thêu dệt". Trong khi đó, Nga cho rằng đây chỉ là cái cớ để Washington có các hành động chống lại chính quyền ông Assad trong tương lai.
Cuộc điều tra của OPCW không biết sẽ kéo dài bao lâu, nhưng nó sẽ mở ra hi vọng để phần nào biết được đâu là thật và đâu là giả.
Theo Tuoitre