Điều giản dị của những Chính khách bậc nhất Việt Nam

(Pháp lý) - Khi những vị trí đặc biệt của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ gọi tên họ, nhiều người dân đã nhen lên những cảm xúc đặc biệt. Họ được dân nhớ đến như những tấm gương bình dị, làm những việc lớn lao và trở thành những trụ cột của đất nước. Những chính khách bậc nhất ấy đã sống, đã làm việc và gợi cảm hứng yêu mến cho bao người…

Dấu ấn vì dân của Chủ tịch nước Trần Đại Quang

[caption id="attachment_139939" align="aligncenter" width="410"]Chủ tịch nước Trần Đại Quang khi ở cương vị Bộ trưởng Bộ Công an Chủ tịch nước Trần Đại Quang khi ở cương vị Bộ trưởng Bộ Công an[/caption]

Ngày 2/4/2016 vừa qua, Quốc hội bầu Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước. Một vị trí xứng đáng với những cống hiến của ông. Ngay lập tức, nhiều báo đã viết “Dấu ấn Trần Đại Quang”.

Ông được biết đến như một lãnh đạo bình dị, âm thầm, nhưng lại có những chỉ đạo quyết liệt, sắt thép trước các vấn đề an ninh của đất nước và những quyết định hợp tình hợp lý, đặt lợi ích của người dân lên trên hết.

Khi còn làm Bộ trưởng Bộ Công an, ông đã chỉ đạo ngành “đánh thẳng, đánh mạnh” vào nhiều lĩnh vực nhạy cảm được ví như “VÙNG CẤM” trong phòng chống tội phạm. Lực lượng công an, dưới sự chỉ đạo của ông, đã khiến giới tội phạm khiếp đảm và chùn bước khi liên tiếp bóc dỡ hàng loạt vụ trọng án, kéo theo là những bản án nghiêm khắc dành cho không ít cựu cán bộ chủ chốt và ông trùm “máu mặt”.

Điều đáng nói là ông xuất hiện ngay ở những điểm nóng nhất và đưa ra những chỉ đạo kịp thời nhất. Việc ông xuất hiện ngay ở hiện trường vụ thảm án ở Bình Phước là một ví dụ. Chia sẻ tâm tư của mình, ông nói: Hôm đó, tôi đang chủ trì cuộc họp tại Bình Dương. Ngay sau khi vụ án xảy ra, tôi chủ động rút ngắn cuộc họp, tranh thủ buổi trưa đến ngay hiện trường. Tâm trạng người dân hết sức bàng hoàng khi ngay chốn đô thị, 6 người trong một gia đình đang êm ấm bỗng chốc bị tàn sát không còn một ai. Tổn thất trong những hoàn cảnh như vậy là quá sức chịu đựng của người thân và điều người dân mong mỏi là kẻ thủ ác phải sớm bị bắt giữ, bị trừng trị”. Sự xuất hiện, động viên của ông đã trở thành động lực thúc đẩy những đồng đội của ông nỗ lực phá liên tiếp 4 vụ trọng án gây chấn động ở Nghệ An, Bình Phước, Quảng Trị và Yên Bái chỉ hơn một tháng, khiến dư luận an lòng.

Khi làm Bộ trưởng Bộ Công an, ông còn được biết đến với những quyết sách vì cả những người dân nhỏ bé, thiệt thòi. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, em Bùi Kiều Nhi (ở Tuyên Hóa, Quảng Bình) đạt tổng điểm xét tuyển đại học với 29 điểm khối C. Với số điểm trên, Nhi có nhiều cơ hội đậu vào Học viện Chính trị Công an Nhân dân. Thế nhưng, ngay sau đó Nhi nhận được công văn của Công an huyện Tuyên Hóa thông báo em không đủ điều kiện theo học tại các trường Công an Nhân dân vì đã khai báo không chính xác trong phần khai xét lý lịch. Tuy nhiên, sau khi xem xét, Bộ Công an dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Đại Quang đã đồng ý cho Bùi Kiều Nhi đỗ vào Học viện Chính trị Công an Nhân dân.

Hay trong vụ sai phạm của công an Hải Dương khi thu giữ gần 2 tấn bạch tuộc khiến toàn bộ số hàng hóa hư hỏng, khi đó mặc dù có người cho rằng “hỏng thì chịu thôi, kiện sao nổi”, nhưng rất khẩn trương sau đó, người dân đều được đền bù thỏa đáng trước sự chỉ đạo của ông. Cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược. Trong mỗi quyết định, chỉ đạo của Đại tướng Trần Đại Quang luôn ẩn chứa hai chữ “vì dân”.

Không chỉ là một tư lệnh ngành làm việc hiệu quả, thương dân, ông còn có phong thái ung dung đĩnh đạc, không màu mè, khoa trương của một chính khách trong các chuyến công du và đối thoại quốc tế. Năm 2015, Đại tướng Trần Đại Quang được tin tưởng giao trọng trách thay mặt Nhà nước và Chính phủ thảo luận về hàng loạt chủ đề “nóng” với nhiều quan chức cấp cao các nước. Từng câu phát biểu đi thẳng vào trọng tâm vấn đề cần thảo luận, mỗi ánh mắt, cử chỉ đến cái bắt tay của ông đều toát lên “tầm” của một lãnh đạo cấp quốc gia, khiến quan chức hàng đầu nước Mỹ thêm phần nể trọng.

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Học viện An ninh Nhân dân đã nhận xét: “Đại tướng Trần Đại Quang là một con người trưởng thành từ người lính, đã trải qua nhiều cương vị lãnh đạo và ở đâu anh cũng luôn thể hiện được bản lĩnh và trí tuệ của mình. Tôi càng quý anh ấy hơn ở tình cảm gần gũi, bao dung và sống có trước có sau”. Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Trần Đại Quang đã hiện diện ở nhiều mặt trận quan trọng, có nhiều chỉ đạo quyết liệt, đồng thời cũng đưa ra không ít những quyết định mang đậm tính nhân văn...”.

Nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam: Một chính khách bình dị và quyết đoán

Tháng 9/2007, nhịp dẫn cầu Cần Thơ bị sập trong giai đoạn đang thi công. Khi ấy, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đang là Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. Nghe tin, dù đang chuẩn bị chuyến công du nước ngoài, bà hủy bỏ để bay về Cần Thơ. Thời điểm đó, hầu hết các lãnh đạo đều được CSGT hướng dẫn đi vòng qua Cần Thơ đến bến Ninh Kiều, ngồi xuồng cao tốc để đến hiện trường. Với cách đi vòng xa như vậy, các vị lãnh đạo được ngồi xe ô tô đến tận bến tàu. Bà không chọn con đường đó mà đề nghị đi đường bộ để đến hiện trường nhanh hơn và đến gia đình các nạn nhân tiện hơn.

Không chỉ có lần đó, những hình ảnh bình dị của bà khi còn là bà Bộ trưởng in sâu trong dư luận. Vào tháng 1/2011, tại đất nước Libya chấn động vì làn sóng biểu tình của hàng nghìn người chống chính phủ do đại tá Muammar Gaddafi cầm quyền với nhiều người bị bắn chết. Tại quốc gia này khi ấy có trên 10.000 lao động Việt Nam làm việc. Trước tình hình như vậy, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lập tức chỉ đạo doanh nghiệp theo dõi sát tình hình, khuyến cáo lao động tránh xa địa điểm có biểu tình, tránh tụ tập đông người. Việc đưa lao động mới sang quốc gia này bị tạm dừng.

[caption id="attachment_139940" align="aligncenter" width="410"]Bà Nguyễn Thị Kim Ngân khi ở cương vị Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Bà Nguyễn Thị Kim Ngân khi ở cương vị Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội[/caption]

Cuối tháng 2, khi các quốc gia khác sơ tán lao động khỏi Libya, Bộ Lao động và Bộ Ngoại giao đã ngay lập tức tham mưu cho Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại khu vực này do Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Bộ trưởng Lao động Nguyễn Thị Kim Ngân đứng đầu. Là người chịu trách nhiệm quan trọng, trong suốt quá trình chỉ đạo sơ tán người Việt khỏi vùng chiến sự, liên tiếp những động thái tích cực đi kèm thông điệp rõ ràng từ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân đã khiến các gia đình có người lao động tại Libya yên tâm: “Trong cuộc giải cứu này không có chuyện mặc cả tiền bạc, điều kiện với các nước trong khu vực mà mục đích là nhanh chóng đưa người lao động về nước an toàn”. Với sự chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ, trong đó có sự quyết liệt của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân tất cả lao động về nước an toàn và đều được hỗ trợ, ưu đãi tìm việc làm mới. Cuộc giải cứu lao động Việt Nam khỏi Libya đã kết thúc từ lâu nhưng dấu ấn về một Bộ trưởng quyết đoán, vì dân còn đọng sâu trong lòng người dân Việt Nam và những gia đình có người thân lao động ở Libya.

Tại Quốc hội, bà từng là nữ Phó Chủ tịch mang nhiều trăn trở để nâng cao chất lượng các phiên họp Quốc hội ở các hoạt động chất vấn, công tác làm luật… Những ý kiến của bà rất xác đáng khiến người người có thể kì vọng vào những đổi mới của Quốc hội khóa XIV. Đáng chú ý, khi ở vị trí Phó Chủ tịch Quốc hội, bà là người 2 năm liền khi lấy phiếu tín nhiệm nhận được nhiều phiếu mức tín nhiệm cao nhất của Quốc hội. Nói về phong thái của bà Kim Ngân, ông Huỳnh Đức Thắng, nguyên Trưởng phòng Tổ chức kế hoạch huyện Thạnh Phú – Bến Tre chia sẻ: “Thuở chị còn làm GĐ Sở Tài chính – Vật giá tỉnh Bến Tre, chị điều hành công việc rất được lòng các sở ngành và huyện, thị; trả lời chất vấn các kỳ họp HĐND tỉnh rất khôn khéo và thuyết phục. Tôi là cấp dưới của chị, rất ái mộ chị từ giọng nói thu hút, xử lý các tình huống khó khăn về ngân sách (lúc ấy Bến Tre chưa cân đối được ngân sách) mà không thể phàn nàn về chị! Chúc chị luôn khỏe mạnh để thực hiện những trọng trách mà Đảng và nhân dân đang cần”. Còn một người dân ái mộ đã viết: “Không phải bà Kim Ngân trúng cử vào Bộ Chính trị, tôi mới ngưỡng mộ. Trong các phiên điều khiển phiên họp Quốc hội, UBTVQH, bà (thực ra, với tôi là cô Kim Ngân) rất sắc sảo, tài hoa và cả nhan sắc gây được nhiều ấn tượng tốt đẹp về phong cách làm việc mới của Quốc hội nước ta. Tôi cứ so sánh bà với nhiều lãnh đạo quốc tế là nữ. Tôi tự hào vì Việt Nam ta có nữ chính khách tài năng, sắc sảo, nhan sắc như bà Kim Ngân.

Cuối tháng 3/2016, Trưởng ban Kiểm phiếu Huỳnh Văn Tý cho biết có 472 phiếu (95%) tán thành bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội, thay thế ông Nguyễn Sinh Hùng vừa thôi chức. Với chức danh chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, 467 đại biểu (91%) đồng ý để bà Ngân nhận nhiệm vụ mới. Sau đó, tờ trình nghị quyết bầu hai chức danh trên cũng được 100% đại biểu có mặt bấm nút thông qua.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Từ cậu học trò nghèo giỏi nhất vùng trở thành Phó Thủ tướng

Trên báo Dân Việt cách đây không lâu, bạn đọc đã được chứng kiến lời kể đầy tự hào của bà Võ Thị Cầm (mẹ của GS.TS Vương Đình Huệ) và những người bạn học về tuổi thơ “dữ dội” của ông Vương Đình Huệ. Theo đó, mẹ của tân Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ rất tự hào về con, bà nói: “Con cái thành đạt, ai cũng tự hào. Nhưng đã làm “đầy tớ” của dân thì phải làm cho hết lòng. Yêu lấy dân thì dân sẽ yêu lại. Tôi vẫn thường dặn mỗi khi Huệ về thăm nhà”.

[caption id="attachment_139941" align="aligncenter" width="410"]Ông Vương Đình Huệ  khi ở cương vị Trưởng Ban kinh tế Trung ương Ông Vương Đình Huệ khi ở cương vị Trưởng Ban kinh tế Trung ương[/caption]

Nhắc lại kỉ niệm thời thơ ấu của ông Huệ, mẹ Võ Thị Cầm kể lại “từ năm 6 tuổi, Huệ đã phải quần quật làm việc nhà, tìm rau nấu cám cho lợn, cùng anh chị ra biển cào nghêu, bắt ốc, nhặt cá rơi. Những năm học cấp 1 rồi lên cấp 3, trên người nó lúc nào cũng chỉ độc có 1 cái áo thôi. Lỡ gặp mưa là phải vắt phơi khô để mặc lại. Đói ăn, thiếu mặc nhưng chưa khi mô nó đòi hỏi điều gì. Nó hiểu được nỗi vất vả của mẹ nên hễ đi học về là lại lao ra biển cào nghêu, bắt ốc để đỡ đần mẹ, rồi đi chăn trâu cho người ta kiếm gạo.

Thầy giáo Hoàng Văn Thái – Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 1- là người bạn học những năm cấp 3 với Ông Vương Đình Huệ, cho biết: “Huệ học giỏi không những nổi tiếng ở Nghi Lộc mà cả tỉnh Nghệ An. Năm lớp 10 (năm 1974), lúc đó cả tỉnh đang khó khăn mà Huệ vẫn được tỉnh Nghệ An tặng cho chiếc xe đạp về thành tích học tập thì phải biết độ siêu về học hành của cậu ấy thế nào rồi. Bây giờ dạy học trò, chúng tôi vẫn nhắc nhở các em về tấm gương bác Vương Đình Huệ”.

Tuổi thơ khốn khó nhưng ông Vương Đình Huệ vẫn nỗ lực vươn lên. Khi ở những vị trí nhất định, ông đã để lại nhiều dấu ấn riêng.  Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 13, ông Vương Đình Huệ được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đó chính là thời gian thị trường tài chính – chứng khoán có nhiều biến động nhất. Sau 2010, nền kinh tế Việt Nam chịu hậu quả nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, lạm phát Việt Nam lên đến hai con số, doanh nghiệp đình đốn hoạt động, thị trường chứng khoán suy giảm kéo dài. Đích thân Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã bất kể thời gian, giờ giấc họp bàn cùng lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước để đưa ra những kế sách “giải cứu” hữu hiệu nhất. Nhiều chuyên gia kinh tế cho hay, trong bối cảnh nguy nan lúc đó, việc Việt Nam đã giữ cho thị trường vận hành an toàn, liên tục, không bị gián đoạn, sụp đổ, để rồi sau đó trở lại đà tăng trưởng ấn tượng quả là dấu ấn lớn nhất…

Tháng 12/2012, ông Vương Đình Huệ được Bộ Chính trị phân công giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Ban Kinh tế Trung ương cũng đã thực hiện thẩm định 31 đề án then chốt quyết định nền kinh tế đất nước để trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tiêu biểu như các đề án: Chủ trương giải quyết Tập đoàn Vinashin; Chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Phương án kết thúc đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do (FTA Việt Nam – EU; Việt Nam – Liên minh Á – Âu; Hiệp định TPP,…); Đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế Phú Quốc, Kiên Giang…

Nói về ông, có không ít ý kiến khách quan. Là một chuyên gia kinh tế chia sẻ về cá nhân Ủy viên Bộ Chính trị Vương Đình Huệ, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhận xét: “Tôi được biết ông Vương Đình Huệ đã được đào tạo về lý thuyết có hệ thống, đồng thời trải nghiệm qua các chức vụ như: Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Trong cả nghiên cứu lý thuyết lẫn điều hành thực tiễn, ông ấy đã có những trải nghiệm và có kết quả, đặc biệt ông ấy tham gia trọn vẹn trong thời kỳ tổng kết đổi mới đất nước ta 30 năm qua. Với những từng trải về mặt thực tiễn, có hệ thống về mặt lý thuyết, lý luận, đường lối, quan điểm, ông ấy có đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đều là những chính khách bậc nhất của Việt Nam. Lịch sử đã gọi tên họ và mong rằng, với trọng trách trên vai, bằng kinh nghiệm, trải nghiệm, khả năng và lòng thương dân, mối lo nước, họ sẽ cùng tập thể Quốc hội, Chính phủ có những quyết định quan trọng, đúng đắn đưa đất nước phát triển trong những giai đoạn mới.

Vũ Anh Tâm (tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin