Điều gì sẽ xảy ra khi Mỹ vỡ nợ?

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vừa đưa ra cảnh báo Chính phủ Mỹ có thể cạn ngân sách vào ngày 18/10 tới nếu quốc hội nước này không nâng mức trần nợ.

131-1633659986.jpeg

Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, D.C. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong bối cảnh các nghị sỹ Mỹ vẫn đang tranh cãi trong vấn đề nâng mức trần nợ công, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vừa đưa ra cảnh báo Chính phủ Mỹ có thể cạn ngân sách vào ngày 18/10 tới nếu quốc hội nước này không nâng mức trần nợ.

Một khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa không tìm ra tiếng nói chung trong vấn đề trần nợ công, nguy cơ vỡ nợ và ngừng hoạt động của Chính phủ Mỹ có thể xảy ra. Và nếu vỡ nợ, nền kinh tế nước này hoàn toàn có thể rơi vào suy thoái.

Câu chuyện về mức trần nợ công ở Mỹ

Trần nợ là giới hạn số tiền mà chính phủ liên bang Mỹ được phép vay. Theo New York Times, khi chính phủ Mỹ thâm hụt ngân sách-tức là chi nhiều hơn thu-nên cần phải vay mượn số tiền khổng lồ để trang trải cho các khoản chi tiêu như bảo hiểm y tế, lương hưu cho người già, lãi vay, lương công chức, binh sĩ… Khi tranh luận về trần nợ công, nhiều nghị sĩ nói đến việc chính phủ phải cắt giảm chi tiêu.

Tuy nhiên, quyết định nâng trần nợ công không có nghĩa là chính phủ được triển khai các chương trình mới mà chỉ là có tiền để trả các nghĩa vụ tài chính đã phát sinh. Khi chạm trần nợ, Mỹ sẽ không thể đi vay mới để trả các khoản vay cũ đến hạn, dẫn tới vỡ nợ.
Theo hiến pháp, chỉ quốc hội Mỹ mới có quyền phê duyệt hoạt động vay nợ của chính phủ liên bang.

Từ thế kỷ XVIII trở về trước, mỗi lần chính phủ muốn vay mượn qua phát hành trái phiếu đều phải xin ý kiến của quốc hội, quy trình này rất tốn thời gian.

Từ năm 1917 trở đi, quốc hội Mỹ bắt đầu áp dụng trần nợ công. Theo đó chính phủ được vay mượn một cách linh hoạt tùy theo nhu cầu, miễn là không vượt trần.

Ngày 2/8/2019, khi ông Donald Trump đang làm Tổng thống, quốc hội Mỹ đã quyết định tạm dừng áp dụng trần nợ trong vòng 2 năm. Đến ngày 31/7/2021, nợ công thực tế của Mỹ tăng lên bao nhiêu thì trần nợ của Mỹ cũng tăng thêm bấy nhiêu. Cuối tháng 7 vừa qua, trần nợ tự động được áp dụng lại ở mức mới là 28.400 tỷ USD, tương đương với quy mô vay của chính quyền liên bang khi đó.

Vì vậy về mặt kỹ thuật, nước Mỹ đã chạm trần nợ từ ngày 31/7. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã sử dụng "các biện pháp đặc biệt" để tránh vỡ nợ. Các biện pháp này là những công cụ kế toán tài khóa nhằm hạn chế đầu tư chính phủ, dành tiền để trả các khoản nợ đến hạn.

Trong nhiều năm qua, nâng trần nợ công chỉ là công việc thường kỳ hàng năm. Tuy nhiên khi môi trường chính trị trở nên phân cực hơn, các đảng phái ngày càng áp dụng nhiều chiến thuật đẩy vấn đề trần nợ lên cao trào để buộc bên kia nhượng bộ.

Cuộc chiến về ngân sách chính phủ và mức trần nợ công tại Quốc hội

132-1633660178.jpg
Trong ảnh (tư liệu): Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi chủ trì phiên tuyên thệ của các Hạ nghị sĩ Quốc hội khóa 117 tại Washington DC., ngày 3/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Vào cuối tuần trước, chính phủ Mỹ lại một lần nữa bị đẩy đến trước nguy cơ bị đóng cửa vì bước sang năm tài khoá mới mà kế hoạch ngân sách nhà nước vẫn không được quốc hội thông qua.

Trong lịch sử nước Mỹ từ trước đến nay đã nhiều lần chứng kiến tình cảnh chính phủ bị đóng cửa vì không có ngân sách, khi thì từ vài giờ đến vài ngày, lúc từ vài tuần đến vài tháng.

Lần gần đây nhất chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa là vào cuối tháng 1/2019 và đã phải ngừng hoạt động trong thời gian kỷ lục 35 ngày. Nguyên nhân việc chính phủ phải đóng cửa thì lần nào cũng như nhau, đó là kế hoạch ngân sách không được Thượng viện thông qua.

Tác động của những lần chính phủ phải đóng cửa này đều tai hại đối với nước Mỹ trên nhiều phương diện. Thế nhưng kịch bản đóng cửa chính phủ này vẫn thường xuyên xảy ra.

Nguyên nhân là vì hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ thường xuyên bất đồng, họ thường bất hợp tác với nhau và phe đối lập không muốn phe cầm quyền gặt hái thành công trong nhiệm kỳ cầm quyền.

Bởi vậy các nhà phân tích cho rằng, vấn đề ngân sách ở Mỹ không đơn thuần là chuyện thiếu nguồn tài chính thật sự, mà là biểu hiện rõ rệt của bất đồng chính trị và lợi ích, và là công cụ để chính phủ và quốc hội kiểm soát lẫn nhau hoặc để mặc cả về các vấn đề khác.

Cách đây 2 năm, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, phe đảng Dân chủ khi ấy ở phía đối lập đã phải nhượng bộ trong vấn đề ngân sách cho phe đảng Cộng hòa, nhưng ở thời điểm bây giờ khi phe đảng Cộng hòa ở phía đối lập thì lại chưa sẵn sàng nhượng bộ.

Tổng thống Biden hiện đang thúc đẩy hai gói chi tiêu khổng lồ trị giá 1.000 tỷ USD và 3.500 tỷ USD cho các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy an sinh xã hội.

Đây là kế hoạch chi tiêu đầy tham vọng của chính quyền Tổng thống Biden trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng tài chính.

Theo ông Biden, hai dự luật chi tiêu trên không phân biệt cánh tả hay cánh hữu, ôn hòa hay cấp tiến mà là những dự luật làm cho nước Mỹ trở nên cạnh tranh hơn và giành lại vị thế đầu tàu thế giới. Theo ông, việc phản đối các khoản đầu tư đó sẽ khiến vị thế của nước Mỹ sa sút.

Xây dựng lại cơ sở hạ tầng vốn là một trong những cam kết tranh cử chính của ông Biden. Dự luật chi tiêu xã hội mà ông Biden đề xuất bao gồm trợ cấp chăm sóc trẻ em, nhà ở và y tế, miễn học phí các trường cao đẳng cộng đồng và trợ cấp cho năng lượng sạch, những đề xuất mà ông cho là sẽ không làm tăng nợ công do sẽ được tài trợ bằng nguồn thu thuế người giàu và các doanh nghiệp. Theo ông Biden, các khoản đầu tư trên mang tính cấp bách, trong khi Trung Quốc đã chi cho cơ sở hạ tầng gấp 3 lần so với Mỹ.

Tuy nhiên, kế hoạch tham vọng trên của Tổng thống Biden đã bị các nghị sỹ đảng Cộng hòa phản đối, đồng thời kêu gọi chính quyền phải có nguyên tắc tài chính.

Các thành viên đảng Cộng hòa tại hai viện quốc hội đã từ chối bỏ phiếu về vấn đề này, thậm chí tuyên bố ngăn cản các thành viên đảng Dân chủ tiến hành bỏ phiếu ủng hộ. Thay vào đó, các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đang tìm cách ép các nghị sĩ đảng Dân chủ sử dụng một phương cách phức tạp gọi là thỏa hiệp để chịu trách nhiệm duy nhất về nâng trần nợ công. Nhưng cho đến nay, phe Dân chủ bác bỏ đề xuất này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kiến nghị giải pháp tình thế là đề nghị quốc hội thông qua ngân sách quá độ và nâng trần mức độ vay nợ công (hiện tại là 28.400 tỷ USD) hoặc tiếp tục ngừng áp dụng mức trần này cho tới tháng 12/2022.

Đề nghị này của Tổng thống đã được Hạ viện thông qua bởi phe đảng Dân chủ của ông Biden hiện đang chiếm đa số. Nhưng phe đảng Cộng hòa ở Thượng viện lại cương quyết phản đối.

Hiện phe đảng Dân chủ chỉ có 50/100 nghị sỹ ở Thượng viện và các vấn đề liên quan đến ngân sách đều phải được Thượng viện thông qua với đa số ít nhất 70/100 nghị sỹ. Đây là trở ngại lớn đối với chính quyền Tổng thống Biden tại Thượng viện.

Trong bối cảnh hai đảng vẫn đang tranh cãi quyết liệt liên quan đến mức trần nợ công, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 30/9 vừa qua đã phải gấp rút ký thành luật một dự luật ngân sách tạm thời để chính phủ nước này có thể duy trì hoạt động tới ngày 3/12/2021.

Động thái này tuy đã tạm thời ngăn được khả năng đóng cửa chính phủ Mỹ, song những tranh cãi giữa hai đảng về việc nâng giới hạn vay của chính phủ trước nguy cơ vỡ nợ thì vẫn chưa chấm dứt.

Điều gì xảy ra nếu Mỹ vỡ nợ?

132-1633659986.jpeg
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong lúc bất đồng giữa hai đảng vẫn gay gắt, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 5/10 đã cảnh báo nếu hai đảng không đạt được thỏa thuận về nâng trần nợ công, nước Mỹ hoàn toàn có thể bị vỡ nợ, đẩy nền kinh tế nước này trước nguy cơ rơi vào suy thoái, khi mà hạn chót cho việc nâng trần nợ vào ngày 18/10 tới đang đến gần.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yell ngày 28/9 nêu rõ sau ngày 18/10 ngân sách của Bộ Tài chính Mỹ “sẽ nhanh chóng cạn kiệt” và có thể không đủ cho các khoản cần thanh toán gấp. Điều này đồng nghĩa Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Bà Yellen cho biết, nếu không nâng trần nợ công, chính phủ sẽ không thể trả lương công chức, người nghỉ hưu và thanh toán các khoản nợ đến kỳ hạn.

Bà Yellen khẳng định, việc nâng mức trần nợ công không làm tăng chi tiêu mà chỉ đơn giản là cho phép Bộ Tài chính Mỹ có đủ ngân sách cấp cho các dự án đã được Quốc hội phê chuẩn.

Nếu nguy cơ cạn ngân sách của chính phủ Mỹ trở thành hiện thực, sẽ dẫn đến một loạt hậu quả nghiêm trọng đối với hoạt động kinh doanh và gây xói mòn lòng tin của người tiêu dùng, đồng thời tăng chi phí đi vay của người nộp thuế và tác động tiêu cực đến xếp hạng tín dụng của Washington trong nhiều năm tới. Ngoài ra, thị trường tài chính có thể rơi vào tình trạng gián đoạn, khiến giới đầu tư giảm sút niềm tin.

Theo các nhà phân tích, mục đích thực chất của phe Đảng Cộng hòa là không để cho ông Biden cầm quyền thành công và nhằm tới cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào đầu tháng 11 năm tới.

Chuyện chính phủ bị đóng cửa chỉ là chuyện nhất thời, rồi cuối cùng thì phe đảng Cộng hòa cũng sẽ phải đạt thỏa hiệp với phía đảng Dân chủ để chấm dứt tình trạng chính phủ bị đóng cửa. Nhưng nguy hại hơn đối với nhiệm kỳ cầm quyền hiện tại của ông Biden và đối với đảng Dân chủ lại là vấn đề mức trần nợ công.

Nếu như không nâng trần nợ công hoặc tiếp tục ngừng áp dụng mức trần nợ công như trong 2 năm qua thì ông Biden sẽ không thể thực hiện được cả hai chương trình kế hoạch tài chính với quy mô khổng lồ mà ông đã cam kết về đối phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, giải quyết các vấn đề xã hội và nâng cấp cũng như mở rộng và phát triển mới mạng lưới cơ sở hạ tầng ở nước Mỹ.

Hai chương trình kế hoạch tài chính này thuộc trọng tâm cầm quyền của ông Biden mà thành công của chúng sẽ quyết định việc phe Đảng Dân chủ bảo vệ được đa số trong Hạ viện và ít nhất cũng không mất ghế trong Thượng viện ở cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới.

Trong khi đó, phe đảng Cộng hòa hiện cũng quyết tâm giành về phần thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới, cũng là để tạo tiền đề và đà chuyển biến có lợi cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024 ở nước Mỹ.

Trước những bất đồng giữa hai đảng, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 4/10 đã chỉ trích các nghị sĩ đảng Cộng hòa là "liều lĩnh và nguy hiểm" vì từ chối tham gia cùng đảng Dân chủ trong việc nâng mức trần nợ công của Mỹ, khiến cường quốc số một thế giới này đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Tổng thống Biden nhấn mạnh sự cản trở của phe Cộng hòa có thể đẩy nền kinh tế vào tình thế nguy hiểm. Chính phủ Mỹ khó có thể tránh được một vụ vỡ nợ gây tê liệt nền kinh tế nếu các thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa tiếp tục  tranh cãi kịch liệt về nâng mức trần nợ công.

Chính phủ Mỹ cũng đang đề nghị các nhà lãnh đạo doanh nghiệp gặp Tổng thống Joe Biden để thảo luận về sự cần thiết phải tăng trần nợ công của Mỹ. Việc đề xuất cuộc họp trên là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Nhà Trắng nhằm gây áp lực buộc đảng Cộng hòa bỏ phiếu tán thành việc tăng trần nợ công hoặc cho phép đảng Dân chủ của ông Biden tiến hành việc tự tăng mức trần nợ mà không gây trở ngại về thủ tục.

Cuộc gặp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp được cho là nhằm thể hiện mong muốn của các giám đốc điều hành trong cộng đồng doanh nghiệp trong việc tránh khỏi những tác động của cuộc chiến giữa hai phe Dần chủ và Cộng hòa về mức trần nợ công, đồng thời gây áp lực lên các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa, vốn có xu hướng ủng hộ các chính sách được coi là thân thiện với doanh nghiệp.

Nhà Trắng cho rằng, cả hai đảng trước đây đã từng ủng hộ việc tăng trần nợ công, bao gồm nhiều lần trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump. Bởi vậy, ông Biden và bộ máy của ông đã sử dụng những luận điệu sắc bén nhằm buộc các đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu giúp Chính phủ tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ.

Chưa rõ những tranh cãi giữa hai đảng ở Mỹ sẽ đi đến đâu song rõ ràng, câu chuyện bất đồng về mức trần nợ công đang diễn ra ở Mỹ đang đặt ra một bài toán khó với Tổng thống Biden, đó là khắc phục sự phân hóa và chia rẽ trên chính trường nước Mỹ hiện nay./.

Theo bnews.vn

Nguồn bài viết: https://bnews.vn/dieu-gi-se-xay-ra-khi-my-vo-no/215904.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin