Điểm lại những “hạn chế” khó tin của Bộ luật Hình sự 2015

12/07/2016 02:24

(Pháp lý) - Trên 90 lỗi thuộc Bộ luật Hình sự (BLHS) cần phải sửa đổi, bổ sung bởi nếu không sẽ khó áp dụng hoặc áp dụng thế nào cũng được hoặc sẽ gây khó cho đối tượng phải thi hành. Bài viết sau sẽ thống kê những hạn chế được dư luận cho là những hạn chế khó tin của BLHS sửa đổi năm 2015.

[caption id="attachment_144236" align="aligncenter" width="410"] BLHS sửa đổi 2015 phải lùi thời hạn thi hành do phát hiện có trên 90 lỗi BLHS sửa đổi 2015 phải lùi thời hạn thi hành do phát hiện có trên 90 lỗi[/caption]

 

Trùng lặp các tình tiết định khung

Lỗi dễ nhận thấy nhất ở BLHS sửa đổi lần này là có nhiều điều luật bị trùng lặp các tình tiết định khung. Cụ thể là tại các điều 233, 249, điều 250, điều 252. Trong đó, Điều 233 về Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng. Với quy định như trong văn bản đã công bố điểm d khoản 2 mâu thuẫn với điểm b khoản 3 về quy định số m2 đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Dẫn đến việc khi có hành vi vi phạm sẽ không biết xử lý khoản 2 hay ở khoản 3?

Hay cụ thể tại Điều 249 về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Với qui định như trong văn bản đã công bố thì khi có vi phạm ở mức dưới 10kg sẽ không bị xử lý về hành vi này? Và khi có người tàng trữ Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam thì không biết nên xử lý theo khoản 2 hay khoản 3 vì khối lượng ghi trong các khoản là giống nhau?!

Hay tại Điều 250 về Tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Với qui định đã công bố thì khi có vi phạm dưới 10kg sẽ không bị xử lý về hành vi này. Nếu người nào vận chuyển Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam thì không biết sẽ bị xử lý theo khoản 1 hay khoản 2 vì khối lượng cho mức phạt ghi trong các khoản là giống nhau?!

[caption id="attachment_144237" align="aligncenter" width="410"]Các tội danh về ma túy bị trùng lặp tình tiết định khung nhiều (Ảnh công an thu giữ tang vật một vụ án) Các tội danh về ma túy bị trùng lặp tình tiết định khung nhiều (Ảnh công an thu giữ tang vật một vụ án)[/caption]

Hay tại Điều 252 về Tội chiếm đoạt ma túy. Với qui định đã công bố thì khi vi phạm dưới 10kg sẽ không bị xử lý về tội này. Nếu người nào chiếm đoạt Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam thì cũng không có căn cứ rõ ràng để xử lý theo khoản 1 hay khoản 2?!

Hay tại điều 304 về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự. Điều luật này bất cập ở “Nếu vật phạm pháp có số lượng đúng 31 kilôgam thuốc nổ thì không có qui định xử lý?” Tương tự ở điều 305 về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ. Nếu quy định như hiện tại thì số thuốc nổ có số lượng đúng 31 kilôgam thuốc nổ thì không có qui định xử lý?!

Hay tại điều Điều 370 về Tội ra bản án trái pháp luật. Nếu qui định như văn bản đã công bố thì trường hợp gây thiệt hại đúng 1.000.000.000 đồng sẽ không biết xử lý theo khoản 2 hay khoản 3?

Một cái bẫy với doanh nghiệp khởi nghiệp

Trong BLHS 2015 có quy định thêm một tội danh hình sự mới là “Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông”.

Nếu bỏ tội kinh doanh trái phép được coi là một tiến bộ thì BLHS 2015 hình sự hóa vi phạm cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông lại bị coi là thụt lùi. So sánh với tội danh “kinh doanh trái phép” đã được bãi bỏ, điều 292 có nội dung gần như tương tự, tuy nhiên chỉ áp dụng với những dịch vụ trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

Đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ điều 292 Bộ luật Hình sự 2015 vì mạng máy tính, mạng viễn thông là phương tiện, công cụ kinh doanh của đa số doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam trong hầu hết các lĩnh vực và là xu hướng chung của thế giới.

[caption id="attachment_144238" align="aligncenter" width="410"] Một vụ bắt giữ thực phẩm bẩn Một vụ bắt giữ thực phẩm bẩn[/caption]

Ngoài ra, đây là một điều luật khó thực thi. Trên thực tế, sẽ rất khó có được chế tài áp dụng điều luật hình sự này tới những nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên mạng từ nước ngoài đến thị trường Việt Nam. Ngày nay, với sự phát triển mở của công nghệ thông tin, các công ty không cần phải có địa điểm tại một quốc gia, lãnh thổ để có thể hoạt động, kiếm lợi, hoặc lôi kéo người dùng tại thị trường quốc gia, lãnh thổ đó. Hầu hết trò chơi điện tử trên máy tính, điện thoại thông minh mà giới trẻ Việt Nam đang chơi hàng ngày có nguồn gốc từ Trung Quốc và những nhà cung cấp trò chơi điện tử này không có giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử tại Việt Nam. Facebook là mạng xã hội có lượng người sử dụng khổng lồ tại Việt Nam, và công ty này hoàn toàn không có giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại nước ta. Việc áp dụng chế tài hình sự lên những cá nhân, tổ chức không có mặt tại Việt Nam, trong trường hợp này, gần như là không có cách nào thực hiện được. Tuy nhiên, lại thực hiện được đối với những nhà cung cấp dịch vụ trên mạng trong nước. Như vậy, điều 292 BLHS 2015, tuy không cố ý, nhưng có tác động mang lại kết quả bất công bằng đối với những nhà cung cấp dịch vụ trong nước so với những nhà cung cấp dịch vụ từ nước ngoài.

Điều luật này còn bị cho rằng, đi ngược lại với chính sách của bộ máy Chính phủ mới. Bởi lẽ, Chính phủ mới có chủ trương, chính sách khuyến khích khởi nghiệp, thúc đẩy công nghệ thông tin nhưng điều 292 BLHS 2015 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông lại có những quy định làm vô hiệu hóa những khuyến khích đó.

Nhiều điều luật chung chung

Nếu nghiên cứu kỹ BLHS 2015, chúng ta còn thấy một số điều luật nếu không có giải thích hoặc hướng dẫn thì không thể áp dụng được.

Ví dụ: điều 175 (điều 140 BLHS 1999) quy định về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đã bỏ tình tiết “bỏ trốn để chiếm đoạt” trước đây quy định tại điểm a khoản 1 điều 140 BLHS. Vậy kể từ ngày 1/7/2016 (nếu bộ luật có hiệu lực thi hành) trở đi cứ vay mượn, thuê tài sản của người khác rồi bỏ trốn để chiếm đoạt thì không phạm tội sao?!

Còn nữa, theo quy định tại điều 12 thì người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội đã được liệt kê trong điều luật, còn các tội phạm khác không được “liệt kê” tại điều 12 thì không phải chịu trách nhiệm hình sự như: tội chiếm đoạt tàu bay tàu thủy (điều 278), tội cản trở giao thông đường không, tội tham ô tài sản với vai trò đồng phạm (điều 353), tội nhận hối lộ với vai trò đồng phạm (điều 354)... và nếu chịu khó rà soát thì thấy còn nhiều tội phạm cũng rất cần thiết buộc người từ đủ 15 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, trong khi đó lại quy định họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản (điều 173), tội hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản (điều 178).

Tương tự, về giai đoạn chuẩn bị phạm tội, khoản 1 điều 14 BLHS 2015 quy định: “Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm trừ trường hợp quy định tại điều 109, điểm a khoản 2 điều 113 hoặc điểm a khoản 2 điều 299 của bộ luật này”.

Nhưng khoản 2 của điều luật vẫn quy định: “Người chuẩn bị phạm một trong các tội sau đây thì phải chịu trách nhiệm hình sự, trong đó có tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (điều 113)... Trong khi đó thì có nhiều người chuẩn bị phạm tội sẽ “thoát” vì không được liệt kê tại khoản 2 điều 14 như: chuẩn bị phạm tội tham ô tài sản, chuẩn bị phạm tội nhận hối lộ…

Tên điều luật và nội dung luật không thống nhất

Trong BLHS 2015, điều 337, tên và nội dung điều luật mâu thuẫn. Cụ thể như sau: Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước.

“1. Người nào cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.

3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Đọc lên ta thấy, tên của điều luật quy định hai tội với bốn hành vi: cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước. Nhưng khoản 1 của điều luật này lại chỉ quy định một tội với một hành vi “cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước”, còn ba hành vi: chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước thì không thấy đâu nữa?!

Điều luật về thực phẩm bẩn: Chưa bám sát cuộc sống

BLHS 2015 có điều 317 về Tội vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là một điều luật được toàn dân mong chờ nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, khó thực thi trong thực tế. Cụ thể, điều luật này quy định: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;

b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;

c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;

d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Người phạm tội có tình tiết tăng nặng định khung thuộc khoản 2 điều luật này thì mức hình phạt từ ba năm đến 7 năm; thuộc khoản 3 mức phạt từ 7 năm đến 15 năm; thuộc khoản 4 mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm”.

Nguyên Thẩm phán Phạm Công Hùng gọi vấn đề thực phẩm bẩn là "đại nạn" để đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của việc kinh doanh thực phẩm bẩn. Ông Hùng cho rằng, việc sử dụng các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, hóa chất độc hại trong chế biến thực phẩm sẽ hủy hoại cơ thể của hàng triệu người, là mầm mống phát sinh những căn bệnh nguy hiểm khác gây bất an cho xã hội.

So sánh Điều 317 BLHS 2015 đã sửa đổi, bổ sung với quy định tương ứng tại BLHS 1999, ông Hùng nhận thấy BLHS 2015 quy định chi tiết hơn nhưng cũng rất khó xử lý người phạm tội. Bởi lẽ, hành vi khách quan của tội phạm phải thỏa mãn các dấu hiệu người phạm tội biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm; dư lượng vượt ngưỡng cho phép; thực phẩm không bảo đảm quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm và ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ... thì mới bị xử lý hình sự.

Là một chuyên gia pháp luật, ông Hùng cho rằng: Với những người buôn bán nhỏ lẻ, các cửa hàng đại lý, thậm chí các siêu thị lớn mà đặt ra tiêu chí buộc họ phải biết các thông số trên là một điều rất xa rời thực tiễn. Mặt khác tại điểm d khoản 1 Điều 317 BLHS 2015 quy định mức thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng mới bị xử lý hình sự là bỏ lọt một số lượng rất lớn người phạm tội khi họ là những người buôn bán nhỏ lẻ và cơ quan điều tra cũng khó lượng hóa số tiền thu lợi bất chính của họ.

Đồng thời, ông này cho rằng các khung hình phạt của Điều 317 BLHS 2015 rất nhẹ, chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của tội danh này. Vì thế việc trừng trị những người đã có hành vi phạm tội chưa đủ sức răn đe.

Người phạm tội này gây hậu quả hàng loạt, "giết người không dao" một cách âm ỉ nên phải phạt nghiêm. Mức phạt cần nâng lên cao nhất tới tù chung thân, tử hình mới hợp lý chứ không chỉ tối đa 20 năm như trong quy định mới này.

Minh Hải (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Điểm lại những “hạn chế” khó tin của Bộ luật Hình sự 2015" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin