Mặc dù, Cty CP địa ốc Alibaba (Địa ốc Alibaba) đã bị chính quyền TP HCM “tuýt còi” vì “mạo nhận” chủ đầu tư dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, nhưng công ty này vẫn dửng dưng.
Thậm chí, ngày 26/11/2017, công ty vẫn tổ chức “mở bán tập trung dự án Alibaba…”
Từ đây đặt ra nhiều dấu hỏi về lỗ hổng pháp lý trong vấn đề xử lý địa ốc Alibaba, liệu con voi có chui lọt lỗ kim?
Chính quyền vào cuộc nhanh chóng
Trước giờ, vi phạm của các Cty BĐS thì khá nhiều nhưng mức độ vi phạm phổ biến mới chỉ dừng lại ở việc mua bán đất nền không ra được sổ đỏ cho khách hàng dẫn tới những vấn đề về pháp lý; Nhận tiền đặt cọc rồi “bỏ chạy” hoặc không giao nền dẫn tới kiện cáo… Còn những hành vi bán dự án ảo, dự án “bánh vẽ”, chào bán đất nền dự án trong khi chính quyền TP HCM đang mời gọi, tìm kiếm nhà đầu tư như dự án thuộc Khu Đô thị Tây Bắc Củ Chi thì có lẽ chỉ có tại Địa ốc Alibaba.
Không những thế, độ liều và quái của ban lãnh đạo Cty này còn thể hiện bằng việc, mặc dù chính quyền TP HCM đã “tuýt còi” nhưng Địa ốc Alibaba vẫn cố tình vi phạm bằng việc kêu gọi khách hàng xuống tiền giữ chỗ 50 triệu đồng/1 nền. Sau gần 2 tuần cho nhận cọc giữ chỗ, tới nay, đã có 493 khách hàng đặt cọc với tổng số tiền lên tới hơn 16 tỷ đồng.
Ngày 16/11/2017, UBND TP HCM đã ban hành Văn bản số 15123 gửi khẩn cấp các sở ngành, UBND huyện Củ Chi kiểm tra hoạt động của Địa ốc Alibaba.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng đã 2 lần phát đi cảnh báo về hoạt động kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Địa ốc Alibaba. Đây là lần đầu tiên, hiệp hội này lên tiếng cảnh báo và nêu đích danh doanh nghiệp đưa vào diện cảnh báo với những phân tích về tài chính, pháp lý khá cụ thể.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA khẳng định, dự án Khu nhà ở thấp tầng, dịch vụ đô thị tại Khu VIII- 3 thuộc Khu đô thị Tây Bắc đang được thành phố mời gọi đầu tư. Dự án chưa được giải phóng mặt bằng, chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nên chưa thể có bản đồ phân lô nền nhà để chào bán.
Nhưng khó xử lý vì lỗ hổng pháp lý
Theo tìm hiểu của phóng viên, những ngày qua, trên Website diaocalibaba.vn có đăng tải một bài viết với nội dung quy chụp: “Điều gì khiến cho 100 đầu báo tập trung lực lượng để đập nát Địa ốc Alibaba?” Nội dung bài viết này cũng phản bác lại những “cáo buộc” của HoREA rằng: Địa ốc Alibaba chưa từng có trường hợp khởi kiện hay tố giác nào của khách hàng tới báo chí hay tòa án...”.
Phía Địa ốc Alibaba cũng lập luận rằng: Theo Luật pháp hiện hành, đối với dự án không phải bất động sản hình thành trong tương lai, không có điều luật nào cấm tổ chức đặt chỗ dự án khi chưa chính thức trở thành chủ đầu tư. Đặt chỗ là thỏa thuận của các bên và chịu sự Điều chỉnh của Luật Dân sự dựa trên sự tự nguyện, thỏa thuận giữa hai bên. Luật Kinh doanh BĐS không cấm việc đặt chỗ, giữ chỗ.
Với những lời lẽ phản bác trên, Địa ốc Alibaba không chỉ nhắm tới HoREA mà còn xoáy sâu vào trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai, đầu tư. Bức xúc trước việc Địa ốc Alibaba quá lộng hành, thách thức cơ quan pháp luật nên HoREA đã cực lực lên tiếng.
May mắn là, sau cảnh báo của HoREA thì UBND TP HCM đã lên tiếng với công văn bản gửi các sở ngành và UBND huyện Củ Chi yêu cầu kiểm tra hoạt động của Địa ốc Alibaba.
Tuy nhiên, chính văn bản của UBND TP HCM cũng phần nào như cho thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của Địa ốc Alibaba là chưa rõ và không hề có nội dung chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM. Đồng nghĩa với việc lo lắng của HoREA về việc hiện Luật Doanh nghiệp có thể có sơ hở, có độ “vênh” giữa Luật Kinh doanh Bất động sản và Bộ Luật Dân sự... là rất thực tế.
Cho dù, các cơ quan quản lý Nhà nước cảnh báo, nhưng Địa ốc Alibaba vẫn cứ tổ chức mở bán và cho khách đặt chỗ mua đất nền. Cụ thể là vào sáng ngày 26/11/2017, Địa ốc Alibaba đã tổ chức lễ mở bán Dự án Alibaba Tân Thành (Bà Rịa Vũng Tàu), nhận cọc giữ chỗ của hàng trăm khách hàng với số tiền 50 triệu đồng/1 nền.
Tới thời điểm này, HoREA cứ cảnh báo, báo chí cứ viết, Địa ốc Alibaba vẫn phớt lờ, thách thức chính quyền và dư luận, vẫn ngang nhiên rao bán hàng.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp