Để xử lý triệt để hành vi chuyển giá né thuế, cần xây dựng Luật Chống chuyển giá

21/08/2018 09:16

(Pháp lý) - Ngoài việc cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có việc xây dựng Luật Chống chuyển giá, theo các chuyên gia, Bộ Tài chính cần thiết lập các bộ phận chuyên trách về chống chuyển giá ở các địa phương, vùng và hợp tác chống chuyển giá với các nước khác.

Cần nhanh chóng xây dựng Luật Chống chuyển giá

Đề cập đến giải pháp chống chuyển giá, TS. Đặng Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán Nhà nước cho rằng: Trên cơ sở phân tích những bất cập trong hoạt động chống chuyển giá thời gian qua và thông qua kinh nghiệm của một số nước trong khu vực ASEAN, để nâng cao hiệu quả công tác chống chuyển giá, chúng ta cần nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong công tác quản lý và chống chuyển giá.

image001

Theo TS. Hải, về lâu dài, cần xây dựng Luật Chống chuyển giá, đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho hoạt động chống chuyển giá, không chỉ có ý nghĩa đối với quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp mà còn liên quan đến quản lý thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên... đồng thời cũng cần sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan như: Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự... Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã có luật về chống chuyển giá và có hội đồng quốc gia về quản lý chống chuyển giá để ngăn chặn các hành vi chuyển giá. Tại khu vực Đông Nam Á, một số nước đã xây dựng và thực hiện Luật Chống chuyển giá từ nhiều năm nay (Malaysia, Thái Lan, Indonesia...). Những quy định trong Luật Chống chuyển giá của một số nước đã bám sát được các quy định chung của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và áp dụng cho cả công ty trong nước và nước ngoài phù hợp với đặc điểm riêng. Ngoài giải pháp trên, chúng ta cần thành lập cơ quan chuyên trách chống chuyển giá ở cấp Trung ương nhằm chỉ đạo thực hiện thông suốt công tác chống chuyển giá ở tầm quốc gia và trực tiếp xử lý các vấn đề về thông tin ở tầm quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống chuyển giá, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm thu đúng, thu đủ các khoản thu của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá; trong đó, tập trung vào những nội dung chủ yếu sau: Trước mắt cần bổ sung một điều luật về chống chuyển giá vào Luật Quản lý thuế, tạo cơ sở pháp lý ở cấp độ cao cho hoạt động chống chuyển giá; Có quy định pháp lý cụ thể về các khoản chi từ ngân sách nhà nước phục vụ công tác chống chuyển giá (chi phí để mua thông tin, chi phí điều tra, xác minh...); Quy định cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan với cơ quan thuế trong hoạt động chống chuyển giá, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài nhằm thu thập đầy đủ và kịp thời thông tin, dữ liệu về người nộp thuế. Thực tiễn công tác chống chuyển giá cho thấy muốn xác định giá chuyển giao theo các nguyên tắc chống chuyển giá mà pháp luật quy định thì phải thu thập đầy đủ thông tin, nếu không có thông tin thì không thể xác định được giá chuyển giao; Có biện pháp, chế tài đủ mạnh để xử lý đối với hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế. Pháp luật của các nước trong khu vực đều quy định các biện pháp, chế tài mạnh đối với hành vi chuyển giá, như: Singapore quy định mức phạt chung cho các vi phạm về thuế nằm từ khoảng 100% đến 400% khoản thuế phải trả; Indonesia áp dụng mức phạt từ 2% đến 48% một tháng tính trên số thuế nộp thiếu bị phát hiện do gian lận qua chuyển giá; Malaysia quy định mức phạt dao động từ 100-300% số thuế bị phát hiện gian lận, đồng thời, công khai danh tính những doanh nghiệp thực hiện chuyển giá chiếm đoạt tiền thuế nhà nước.

Ngoài những giải pháp về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan, Thạc sỹ Ngô Minh Kiểm cho rằng giải pháp trước mắt là các cơ quan thuế cần tăng cường thanh tra, kiểm tra giá chuyển giao đối với các doanh nghiệp có nhiều thành viên; các ngành nghề có dấu hiệu rủi ro lớn về thuế do hành vi chuyển giá của doanh nghiệp liên kết, các DN đã và đang thực hiện tái cơ cấu có khả năng lợi dụng chuyển giá để tránh thuế. Đặc biệt, bên cạnh tăng cường thu hút vốn FDI, cần nâng cao tính hiệu quả của quá trình thẩm định dự án để phát hiện kịp thời hành vi chuyển giá qua việc nâng giá trị vốn góp của các công ty đa quốc gia.

Hội thảo quốc tế “Chuyển giá – Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay'” do Kiểm Nhà nước và Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) phối hợp tổ chức
Hội thảo quốc tế “Chuyển giá – Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay'” do Kiểm Nhà nước và Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) phối hợp tổ chức)

Đối với Kiểm toán Nhà nước, Thạc sỹ Ngô Minh Kiểm kiến nghị sửa đổi Luật Kiểm toán Nhà nước theo hướng quy định rõ Kiểm toán Nhà nước thực hiện chức năng kiểm toán thu ngân sách tại các đối tượng nộp thuế (kể cả các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) sẽ là hết sức cần thiết để chống thất thu cho NSNN bởi các lý do sau: Thực tế trong những năm qua, KTNN đối chiếu thuế các doanh nghiệp liên doanh đã phát hiện tăng thu cho Nhà nước nhiều nghìn tỷ đồng (SAVICO, HAVCO...); phù hợp với khuyến cáo trong tuyên bố Lima “cơ quan kiểm toán tối cao được quyền kiểm toán việc thu thuế ở mức tối đa có thể” và học tập một số nước tiên tiến trên thế giới (như Mỹ) cũng thực hiện kiểm toán thu ngân sách. Tăng cường đào tạo chuyên môn về kiểm toán công tác chuyển giá, trong đó chú trọng đào tạo về kỹ năng xác định giá thị trường, trang bị kiến thức về kinh tế ngành, kỹ năng tin học, ngoại ngữ... cho các KTVNN để đảm bảo nâng cao chất lượng kiểm toán. Bên cạnh đó, cần đổi mới phương pháp kiểm toán, kiểm tra thuế: Bố trí đủ thời gian kiểm toán; không chỉ áp dụng phương pháp kiểm tra chứng từ, mà còn phải tăng cường áp dụng phương pháp điều tra, xác minh; không chỉ thực hiện đối chiếu tại cơ quan thuế mà còn phải thực hiện kiểm toán tại trụ sở các doanh nghiệp nộp thuế; cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng từ KTNN, cơ quan thuế, hải quan, công an mới có thể phát hiện được các hành vi gian lận. Hoạt động chống chuyển giá có thể tác động đến khả năng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong ngắn hạn theo hướng giảm số lượng dự án và vốn đầu tư, song về dài hạn sẽ nâng cao chất lượng, bằng việc hạn chế các nhà đầu tư không hiệu quả, thu hút được các nhà đầu tư có uy tín, môi trường đầu tư Việt Nam sẽ phát triển theo hướng tích cực, lành mạnh hơn.

Không thu hút FDI bằng mọi giá

Bày tỏ quan điểm ở một góc nhìn khác, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam khuyến cáo, chúng ta không thu hút FDI bằng mọi giá. Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam nhờ tận dụng các lợi thế kinh doanh (location savings) ở Việt Nam để có được lợi nhuận thì DN phải có trách nhiệm nộp thuế cho Việt Nam. Cần xem đây là một nguyên tắc mới trong thu hút đầu tư ở Việt Nam cả ở tầm quốc gia lẫn địa phương.

Một điều quan trọng nữa, theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, chúng ta không cấp ưu đãi thuế đại trà. Hầu hết các chính sách thuế của Việt Nam đưa ra quá nhiều ưu đãi thuế dành cho nhà đầu tư nhưng thiếu các ràng buộc hay tiêu chí phù hợp để được nhận các ưu đãi đó. Ví dụ như Luật khuyến khích đầu tư của Việt Nam đưa ra các ưu đãi cho nhà đầu tư, nhưng phần lớn đều dựa vào các tiêu chí đầu vào, ví dụ như đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, thay vì sử dụng kết quả đầu ra ví dụ như số lao động thực tế sử dụng, thu nhập bình quân của người lao động, trình độ sử dụng công nghệ, kim ngạch xuất khẩu... làm thước đo và điều kiện nhận ưu đãi. Do cấp phát quá nhiều ưu đãi đại trà khiến cho cơ sở thuế bị xói mòn nghiêm trọng. Nhiều địa phương kém phát triển thu hút đầu tư, nhưng do ưu đãi thuế quá nhiều nên đã không thu được đồng thuế nào, trong khi đó ngân sách trung ương buộc phải cấp bù ngân sách cho những địa phương như vậy. Theo Bộ Tài chính, số tiền ưu đãi thuế ngày càng lớn, riêng thuế TNDN năm 2016 Nhà nước ưu đãi đã đạt mức trên 46.800 tỉ đồng (khoảng 2 tỉ USD), riêng khối FDI là 35.500 tỉ đồng. Tính chung 3 năm (2014-2016), số tiền ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đã lên đến trên 117.000 tỉ đồng. Tính bình quân, khu vực FDI đang được miễn giảm, nhận được tổng ưu đãi tới 91,9% tổng số thuế TNDN phải nộp. Trong khi đó các DN dân doanh của Việt Nam chỉ được ưu đãi tổng 17,8% số thuế phải nộp, còn khối doanh nghiệp Nhà nước chỉ được 4,8%. Mặc dù các ưu đãi thuế có thể được áp dụng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hiệu quả và có đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và cải thiện thu nhập của người dân nhưng về mặt dài hạn, tất cả mọi doanh nghiệp đều phải nộp thuế.

Dù báo cáo thua lỗ nhiều năm nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh – đó là một nghịch lý và dấu hiệu né thuế? (ảnh minh họa)
Dù báo cáo thua lỗ nhiều năm nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh – đó là một nghịch lý và dấu hiệu né thuế? (ảnh minh họa))

Và các giải pháp khác

Các nhân viên quản lý thuế có một quyền năng nhất định đối với người nộp thuế và do vậy dễ bị lạm dụng để trục lợi cá nhân. Ở Việt Nam không thiếu các trường hợp đã được phát hiện và xử lý như việc nhân viên thuế thông đồng với doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt một phần nghĩa vụ thuế và bỏ túi phần còn lại. Điều này làm suy giảm niềm tin vào sự liêm chính và công bằng của ngành thuế, khuyến khích các hành vi gian lận thuế. Do đó, chế tài đối với không chỉ các hành vi vi phạm pháp luật thuế mà đối với cả vi phạm của những cán bộ quản lý thuế, thanh tra thuế cũng cần được tăng cường. Chế tài phải đủ mức răn đe và trừng phạt thích đáng đối với các hành vi vi phạm, đồng thời có ý nghĩa ngăn ngừa các hành vi dự kiến vi phạm.

Một giải pháp khác cũng rất quan trọng và cần thiết trong khi chưa có Luật về chống chuyển giá, theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn đó là, chúng ta phải thiết lập ngay các bộ phận chuyên trách về chống chuyển giá ở các địa phương, vùng. Ngoài bốn bộ phận chuyên trách chống chuyển giá đã được thiết lập ở bốn cục thuế thuộc bốn địa phương (Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương), Bộ Tài chính cũng cần cân nhắc thành lập thêm các bộ phận chuyên trách tương tự như vậy ở các địa phương khác cũng có số lượng và quy mô DN FDI lớn và phức tạp như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Long An... tùy theo nhu cầu và thách thức thực tế của từng địa phương. Xây dựng quy chế và quy trình làm việc cụ thể, tăng cường thẩm quyền và trách nhiệm của bộ phận chuyên trách phù hợp với tính chất phức tạp và nhạy cảm của công việc. Điều cũng không kém phần quan trọng là các bộ phận này ở các địa phương khác nhau có thể cùng phối hợp, hợp tác trong một số hoạt động đấu tranh chống chuyển giá, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Song song đó, Bộ Tài chính cũng như cơ quan thuế Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác với Chính phủ, Bộ Tài chính và cơ quan thuế các nước trong công tác chống chuyển giá trên nguyên tắc bảo vệ lợi ích quốc gia và hài hòa lợi ích của các bên có quyền và lợi ích liên quan. Các khuôn khổ hợp tác cần được thiết lập một cách bài bản, từ tầm nhìn, chiến lược cho đến các chương trình và kế hoạch hành động hợp tác cụ thể. Ngoài việc hợp tác với cơ quan thuế các nước theo các hiệp định hợp tác chống chuyển giá chính thức, cơ quan thuế Việt Nam cũng cần chủ động hợp tác với các chuyên gia thuế quốc tế có kinh nghiệm và uy tín trong một số tình huống phức tạp; đặc biệt, có thể hợp tác với các công ty kiểm toán lớn nhằm nhận được sự hỗ trợ về mặt chuyên môn, nhân lực, kỹ thuật, thông tin... từ các đối tác có kinh nghiệm này.

Hải Dương

Bạn đang đọc bài viết "Để xử lý triệt để hành vi chuyển giá né thuế, cần xây dựng Luật Chống chuyển giá" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin