Đề nghị xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù

Bộ Công an đang đề nghị xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

33-1689054490.jpg

Ảnh minh họa

Bộ Công an cho biết, từ khi Luật Tương trợ tư pháp (Luật TTTP) được ban hành ngày 21/11/2007 đã thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tăng cường hội nhập quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp; nội luật hóa một số cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực tư pháp. Bên cạnh các mặt đã đạt được, cùng với những yêu cầu mới phát sinh của quá trình hội nhập quốc tế, yêu cầu hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sau hơn 14 năm triển khai thực hiện Luật TTTP về chuyển giao người bị kết án phạt tù đã bộc lộ những hạn chế bất cập chưa phù hợp với pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; nhiều quy định của Luật TTTP năm 2007 chưa phù hợp với thực tiễn và điều kiện thực tế ở Việt Nam cần được hoàn thiện, cụ thể:

 (1) Luật TTTP điều chỉnh bốn lĩnh vực nhưng mỗi lĩnh vực lại có phạm vi, đối tượng điều chỉnh độc lập tương đối với tính chất đặc thù riêng gồm TTTP về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù nên các quy định của Luật khó đảm bảo việc áp dụng thống nhất. Điều này dẫn đến hạn chế là các quy định chung của Luật không điều chỉnh được những đặc thù riêng trong từng lĩnh vực. Cụ thể dẫn độ có tính chất cưỡng chế (không cần sự đồng ý của người bị dẫn độ) trong khi chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù có tính chất nhân đạo (phải có sự đồng ý của người đang chấp hành án phạt tù).

Cùng với đó, việc thực hiện hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù chủ yếu trên cơ sở các điều ước quốc tế (ĐƯQT) về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù (người bị kết án phạt tù) mà theo quy định của Luật ĐƯQT năm 2016 thì từng Bộ, ngành chủ trì có trách nhiệm đối với việc tổ chức thực hiện các điều ước do mình chủ trì ký kết...

(2) Một số quy định của Luật TTTP được ban hành từ năm 2007 không còn phù hợp với các luật mới được Quốc hội ban hành, chưa tương thích với các quy định của pháp luật quốc tế và các ĐƯQT về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian gần đây dẫn đến gây khó khăn trong việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. 

(3) Khi ban hành Luật TTTP năm 2007, nhà làm luật đã coi hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù (phạm nhân) thành một hoạt động TTTP (mang tính cưỡng chế nhằm thực hiện quyền lực Nhà nước) trong khi mục đích chính của chuyển giao phạm nhân là tạo điều kiện tốt nhất cho người bị kết án trong chấp hành án và tái hòa nhập cộng đồng (bản chất nhân đạo), được thực hiện trong giai đoạn thi hành án hình sự, đối tượng là phạm nhân người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài bị xử phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thân, đang chấp hành án tại Việt Nam, có nguyện vọng được tiếp tục chấp hành phần hình phạt còn lại tại đất nước mà họ mang quốc tịch hoặc nước mà họ có mối quan hệ cộng đồng thân thiết...

(4) Luật TTTP chưa đáp ứng yêu cầu mới do sự phát triển trong từng lĩnh vực TTTP, thiếu những quy định cụ thể phù hợp cho từng lĩnh vực. Nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn gây khó khăn cho việc thực hiện hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù chưa được luật hóa... Luật chưa có quy định về: Cơ quan trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt, cơ quan có trách nhiệm thông báo cho người đang chấp hành án phạt tù về quyền được chuyển giao, cơ quan có trách nhiệm lập yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù gửi cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, điều kiện từ chối tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù, nguyên tắc chuyển đổi hình phạt, chuyển giao các đối tượng vừa là người bị kết án ở nước ngoài vừa là đối tượng truy nã của Việt Nam, chuyển giao người bị kết án vừa là công dân Việt Nam vừa là công dân nước tiếp nhận hoặc chuyển giao, xem xét lại bản án, hiệu lực của việc chuyển giao đối với Việt Nam và đối với nước ngoài, xác minh sự đồng ý của người bị kết án phạt tù đối với việc chuyển giao, quá cảnh người bị kết án, thời điểm người bị kết án có quyền rút đơn xin chuyển giao, tạm đình chỉ xem xét yêu cầu chuyển giao, hủy bỏ quyết định chuyển giao…

Trước những cơ hội và thách thức đặt ra, đòi hỏi pháp luật về TTTP phải là khuôn khổ pháp luật đồng bộ và hiện đại, phù hợp với đặc thù riêng của từng lĩnh vực, phù hợp với thực tiễn và xu thế quốc tế, bảo đảm hiệu quả hợp tác quốc tế trong TTTP nói chung và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù nói riêng. Đồng thời, việc tổ chức thực hiện các nội dung khác của công tác TTTP cũng đòi hỏi phải được tiến hành đồng bộ, bài bản, khoa học.

Việc xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là yêu cầu cấp thiết khách quan, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới. Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù sẽ được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù còn phù hợp của Luật TTTP và các văn bản hướng dẫn thi hành các quy định này, bổ sung các nội dung mới, cụ thể, chi tiết đáp ứng các yêu cầu phát triển của hội nhập quốc tế và yêu cầu, đặc thù của hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù nói riêng; hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp phù hợp với pháp luật quốc tế, về cải cách tư pháp.

Để đạt được mục tiêu xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Bộ Công an đã xây dựng Báo cáo đánh giá tác động của chính sách với sự đóng góp, tham gia của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau, tập trung vào 03 chính sách chính sau:

Chính sách 1: Hoàn thiện pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; nội luật hóa quy định của điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; luật hóa những vấn đề phát sinh từ thực tiễn trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Chính sách 2: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành trong việc thực hiện hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Chính sách 3: Xây dựng cơ chế pháp lý hoàn thiện trong công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù nhằm khẳng định chính sách nhân đạo và chính sách phòng, chống tội phạm của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin