Để không còn những đại dự án nghìn tỷ “trôi sông”...

01/08/2016 02:12

(Pháp lý) - Nhiều chuyên gia pháp luật kinh tế cho rằng: sở dĩ thời gian qua, nhiều đại dự án nghìn tỷ chết yểu, thất thoát, lãng phí khiến tiền thuế của dân đóng góp bị “trôi sông”, là do pháp luật còn lỏng lẻo, không truy cứu được TNHS cá nhân nào gây thất thoát, lãng phí. Để không còn những đại dự án nghìn tỷ “trôi sông”, các chuyên gia kiến nghị nhiều giải pháp.

>>Những đại dự án nghìn tỷ chết yểu, trách nhiệm thuộc về ai?

>>Bổ nhiệm người đứng đầu DNNN và những thách thức

[caption id="attachment_145320" align="aligncenter" width="259"] Nhiều dự án đầu tư công hiện nay đang gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước, nhưng không truy cứu được TNHS cá nhân (ảnh minh họa)
Nhiều dự án đầu tư công hiện nay đang gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước, nhưng không truy cứu được TNHS cá nhân (ảnh minh họa)[/caption]

 

Những nguyên do gây thất thoát, lãng phí ở các dự án ngàn tỷ

Đầu tư công ở nước ta hiện nay quá dàn trải và kém hiệu quả đã khiến cho ngân sách nhà nước mỗi năm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, lỗ hổng và thất thoát, lãng phí trong đầu tư công hiện nay được xác định bởi những nguyên do sau:

Thứ nhất, trong khâu chủ trương đầu tư: Xác định sai chủ trương đầu tư, dẫn đến đầu tư không có hiệu quả, hoặc hiệu quả đầu tư kém, không ít nhà máy do xác định sai chủ trương đầu tư dẫn tới khi đưa vào hoạt động không có nguyên liệu... và để khắc phục tình trạng này phải di chuyển hoặc bỏ nhà máy... dẫn đến thất thoát, lãng phí nghiêm trọng... Như vậy, sai lầm trong chủ trương đầu tư sẽ gây lãng phí, thất thoát nghiêm trọng nhất, cả về lãng phí trực tiếp và lãng phí về gián tiếp.

Thứ hai, trong khâu khảo sát thiết kế: Đây cũng là một trong những yếu tố khiến cho các dự án đầu tư công thiếu hiệu quả, bởi khi khảo sát không đảm bảo chất lượng, chưa đủ mẫu, chưa sát với thực tế hoặc không đúng với những tiêu chuẩn, quy chuẩn dẫn đến việc phải khảo sát lại hoặc phải thay đổi, bổ sung, điều chỉnh thiết kế, phương án thi công nhiều lần, kéo theo là làm thay đổi dự toán, làm chậm tiến độ thi công,...sẽ gây lãng phí và nguy cơ đội vốn rất cao.

Thứ ba, trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng: Bớt xén tiền đền bù của dân; đền bù không thoả đáng, không đúng đối tượng; chi trả tiền đền bù không theo định mức, khung giá Nhà nước và địa phương ban hành; khai khống diện tích, khối lượng tài sản được đền bù; làm giả hồ sơ đền bù... từ đó làm tăng thêm vốn đầu tư xây dựng công trình và chính việc đền bù không thoả đáng, hợp lý, không tuân theo quy định làm cho việc bàn giao mặt bằng xây dựng không đúng thời hạn quy định, dẫn đến chậm tiến độ thi công công trình, gây lãng phí, thất thoát vốn.

Thứ tư, trong công tác triển khai và điều hành kế hoạch đầu tư hàng năm như: Bố trí danh mục các dự án đầu tư quá phân tán, dàn trải, không sát với tiến độ thi công của dự án đã được phê duyệt, bố trí kế hoạch đầu tư cho dự án không đủ điều kiện dẫn đến kéo dài thời gian thi công, chậm đưa vào sử dụng làm giảm hiệu quả đồng vốn đầu tư; bố trí kế hoạch đầu tư chỉ chú trọng kế hoạch khối lượng, không xây dựng kế hoạch vốn dẫn đến phát sinh mất cân đối giữa kế hoạch khối lượng và kế hoạch vốn dẫn đến hiện tượng thừa thiếu vốn giả tạo cho các dự án; bố trí kế hoạch đầu tư hàng năm cho các dự án không theo sát tiến độ đầu tư thực hiện dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt trong quyết định đầu tư...

Thứ năm, trong khâu lựa chọn nhà thầu: Làm sai lệch bản chất đấu thầu như không thực hiện đúng trình tự đấu thầu; xét thầu, đánh giá để xếp loại nhà thầu khi lựa chọn nhà thầu không chính xác, thiếu chuẩn mực, không đủ khả năng; hiện tượng thông đồng giữa các nhà thầu khi tham gia đấu thầu đã khống chế giá trúng thầu cho đơn vị được thoả thuận để thắng thầu đưa đến phá giá trong đấu thầu.

Thứ sáu, trong khâu thi công xây lắp công trình: Thi công không đảm bảo khối lượng theo thiết kế được phê duyệt hoặc thi công không đúng thiết kế dẫn đến phải phá đi làm lại; sử dụng vật liệu không đảm bảo chất lượng; khai khống khối lượng; ăn bớt vật liệu trong quá trình thi công, chất lượng công trình không đảm bảo...

[caption id="attachment_145319" align="aligncenter" width="307"]Luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị cần đấu thầu quốc tế để chọn nhà thầu có đủ năng lực nhằm tránh gây thất thoát trong các dự án có vốn ngân sách nhà nước Luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị cần đấu thầu quốc tế để chọn nhà thầu có đủ năng lực nhằm tránh gây thất thoát trong các dự án có vốn ngân sách nhà nước[/caption]

 

Để không còn những dự án nghìn tỷ trôi sông...

Điều 220 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung) ( Bộ luật này hiện nay đang tạm hoãn thi hành) quy định khá rõ về Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó:

“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Vi phạm quy định về quyết định chủ trương đầu tư;

b) Vi phạm quy định về lập, thẩm định chủ trương đầu tư;

c) Vi phạm quy định về quyết định đầu tư chương trình, dự án; d) Vi phạm quy định về tư vấn, thiết kế chương trình, dự án.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Khi mới lên nhậm chức, Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh từng cảnh báo: “Cá nhân nào có quyền ký phê duyệt dự án đầu tư mà không xác định rõ được nguồn vốn, để dự án triển khai kéo dài gây lãng phí thì cá nhân đó sẽ phải chịu trách nhiệm về cả hành chính và kinh tế”. Tuy nhiên, việc kỷ luật, truy cứu trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra thất thoát trong đầu tư công vẫn được coi là “của hiếm”? Vì sao thất thoát nhiều mà cá nhân chịu trách nhiệm thì ít? Trả lời cho câu hỏi này, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, chính việc thiếu cơ chế cá nhân chịu trách nhiệm trong các dự án đầu tư công dẫn đến nhiều đại dự án đầu tư công như: Đạm Ninh Bình, Gang thép Thái Nguyên…thất thoát, lãng phí. Vấn đề mấu chốt ở đây, nếu chúng ta không quy trách nhiệm rõ ràng cho từng người cụ thể thì khi phát hiện ra sai phạm, thất thoát thì rất khó xử lý?. Ngoài ra, Luật sư Đức cũng cho biết thêm, đầu tư công trong 10 năm qua không gặt hái được hiệu quả như mong muốn, cho dù số kinh phí đầu tư tăng cao so với tổng GDP. Muốn loại trừ rủi ro, cần phải “mạnh tay” loại bỏ những dự án không xứng tầm, chưa cấp thiết, thiếu thực lực. Ngoài ra, việc tiến hành đấu thầu ở những dự án đầu tư công cũng có vấn đề. Tôi cho rằng, chúng ta nên loại bỏ hẳn những nhà thầu Trung Quốc. Đồng thời, để tránh tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, chúng ta cần tiến hành đấu thầu quốc tế để chọn ra những nhà thầu có đủ năng lực về tài chính, uy tín, kinh nghiệm…để quản lý, điều hành và thực hiện dự án. Lúc đầu có thể đắt hơn nhưng sẽ hạn chế khâu đội vốn. Như vậy, đắt nhưng thực ra lại rẻ.

Còn theo ông Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, để bịt những lỗ hổng trong đầu tư công, trước hết, cần gia tăng những hành động cụ thể vào đề án tái cơ cấu đầu tư công thông qua phối hợp thể chế, giám sát độc lập và cạnh tranh quốc tế đấu thầu. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu đầu tư công đòi hỏi phải có lộ trình và là sự kết hợp đồng bộ giữa tái cấu trúc cả nền kinh tế lẫn hệ thống ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong số 34.000-36.000 dự án đầu tư công đang thực hiện, chỉ khoảng 60% là có thực hiện báo cáo giám sát. Tỉ lệ trên là rất đáng lo ngại. Nhiều dự án dùng vốn của Nhà nước nhưng không báo cáo và điều trớ trêu là họ vẫn thực hiện các dự án này bình thường, dù chế tài đã có. Ngoài ra, ông Tự cũng đánh giá: Đây là vấn đề cho thấy vì sao đầu tư công trong thời gian qua không hiệu quả. Vì thế cần có những quy định nghiêm ngặt nhằm "bịt" lỗ hổng giám sát, đánh giá dự án đầu tư công.

Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) chỉ rõ, điểm yếu của đầu tư công là tình trạng khép kín trong đầu tư công đã kéo dài trong nhiều năm. Theo đó, phần lớn các doanh nghiệp lớn chuyên ngành có liên quan trực tiếp đến đầu tư công đều là doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp trực thuộc Bộ hoặc trực thuộc UBND cấp tỉnh), không độc lập với người có thẩm quyền quyết định đầu tư. Vì lý do này nên việc thẩm định, đánh giá dự án đầu tư trong nhiều khâu không đảm bảo được tính độc lập, khách quan. Bên cạnh đó, quy định pháp luật hiện hành về đầu tư vốn nhà nước không quy định rõ trách nhiệm đến cùng của các tổ chức, cá nhân có liên quan nên thiếu các công cụ pháp luật cần thiết để có thể ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi tình trạng nợ đọng, lãng phí, thất thoát trong đầu tư và hiệu quả đầu tư thấp Luật sư Kiệm kiến nghị: chúng ta cần phải rạch ròi rõ trách nhiệm của các bên liên quan: từ người phê duyệt, thẩm định dự án đến người ký quyết định cho xây dựng dự án…sai đến đâu thì xử lý tới đó, không bao che, không dung túng, cần thiết phải xử lý hình sự để răn đe, chặn những cá nhân có ý định vô trách nhiệm với những dự án tiền tỉ, chỉ tìm mọi cách có dự án để đục khoét tiền tỉ từ những dự án này. Đồng thời, mọi thông tin về dự án cần công khai minh bạch để người dân biết và cùng giám sát. Một vấn đề khác cũng khiến cho việc đầu tư công hiện nay thiếu hiệu quả chính là cơ chế xin – cho. Với cơ chế này, cả hai phía “xin” và “cho” đều có lợi ích chung và lợi ích nhóm, có hiện tượng “đi có, về có, đi không, về không” và cũng có hiện tượng “gửi dự án”. Hệ quả là đầu tư công rất kém hiệu quả, thất thoát lên đến 20-30%, thậm chí nhiều công trình còn đội vốn lên tới cả nghìn tỷ đồng.

Kết mở

Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung (2015) hiện nay tuy đang tạm hoãn thi hành để lấy thêm ý kiến của chuyên gia, nhân dân. Tới đây sẽ được QH cho ý kiến sửa đổi tiếp cho hoàn thiện. Đáng chú ý, trong Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung (2015) đã có quy định khá chi tiết tội danh mới - Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. Người dân đang kỳ vọng, chờ đợi, khi Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung tới đây được QH thông qua sẽ là căn cứ pháp lý vững chắc nhằm xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân gây thất thoát, lãng phí lớn trong các dự án đầu tư công.

Văn Don (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết "Để không còn những đại dự án nghìn tỷ “trôi sông”..." tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin