Để có nền tư pháp gần dân, là chỗ dựa tin cậy của dân…

15/02/2017 15:01

(Pháp lý) - Ngành tư pháp thời gian qua đã có nhiều nỗ lực cải cách, góp phần quan trọng bảo vệ công lý, giữ vững an ninh trật tự xã hội, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của dân...Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, ngành tư pháp vẫn chưa đáp ứng mong mỏi của dân.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì một Phiên họp của Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương (tháng 9/2016)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì một Phiên họp của Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương (tháng 9/2016))

Quốc hội cần tăng cường giám sát tối cao các hoạt động tư pháp, đồng thời đặt ra yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật liên quan... để hướng tới nền tư pháp gần dân, là chỗ dựa tin cậy của dân.

Trước thềm năm mới 2017, Phóng viên Pháp lý đã có cuộc trao đổi với 2 vị Đại biểu Quốc hội: ông Nguyễn Văn Pha (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) và ông Ngọ Duy Hiểu ( Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) xung quanh chủ đề trên.

Tư pháp chưa đáp ứng mong mỏi của dân

Phóng viên: Thưa hai ông, ở vị trí là ĐBQH thường xuyên tiếp xúc với cử tri, các ông thấy cử tri thường mong mỏi gì ở nền tư pháp của nước nhà? Và khả năng đáp ứng được mong mỏi ấy của nền tư pháp nước ta hiện nay ra sao?

Ông Nguyễn Văn Pha: Mong mỏi của người dân đối với hoạt động tư pháp thì rất đa dạng, mỗi người dân ở những vị trí khác nhau có mong mỏi khác nhau tùy thuộc vào việc họ đang ở trong quan hệ pháp lý nào, dân sự hay hình sự, kinh tế hay lao động... Tựu trung lại, người dân muốn tư pháp phải công bằng, bình đẳng, minh bạch và phải bảo vệ cho được quyền lợi ích chính đáng, hợp pháp của dân. Bên cạnh đó là bảo vệ quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ chế độ…

Soi kĩ vào nền tư pháp của nước ta, rõ ràng có nhiều điều kiện cả về thể chế, cả về tổ chức bộ máy có thể đáp ứng được những mong mỏi đó. Tuy nhiên do những hạn chế nhất định cả về khách quan và chủ quan nên có một số vấn đề mà tư pháp chưa đáp ứng được mong mỏi của nhân dân. Còn nhiều quy định chưa sát với đòi hỏi của cuộc sống, còn không ít hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong tư pháp, có án oan, có bức cung nhục hình gây bức xúc trong nhân dân và công luận….

Trên thực tế, các hành vi, các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động tư pháp có thể xảy ra ở nhiều khâu (từ xử lý tin báo, tố giác tội phạm, xem xét yêu cầu khởi kiện dân sự, kinh tế, hành chính, lao động, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét giảm án, tha tù) nhiều đối tượng (Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Giám định viên tư pháp, Công chứng viên, Thừa phát lại)…. Nói thế để thấy những tiêu cực trong tư pháp rất phức tạp, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Ông Ngọ Duy Hiểu: Qua ý kiến của đông đảo nhân dân, tôi nhận thấy người dân mong muốn nền tư pháp nước nhà thật sự trong sạch, dân chủ, công bằng, khoa học và hiện đại, đề cao vị trí của người dân trong nền tư pháp đó.

Đồng tình với ông Pha, tôi cho rằng so với mong muốn của người dân thì nền tư pháp chưa thực sự đáp ứng . Nhân dân mong mỏi nhiều hơn ở nền tư pháp. Trước hết là tiếng nói của nhân dân trong việc hình thành các quy định của pháp luật. Tiếp đến là tiếng nói của họ trong thực thi pháp luật. Tuy nhiên, thực tế thì còn có những câu chuyện “đau lòng” như trong vụ Xin chào (Thành phố Hồ Chí Minh), vụ án đó cho thấy quyền của người dân chưa được tôn trọng, tiếng nói của người dân chưa được lắng nghe đầy đủ trong tư pháp.

Ông Nguyễn Văn Pha -Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trả lời phỏng vấn TCPL
Ông Nguyễn Văn Pha -Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trả lời phỏng vấn TCPL)

Phóng viên: Thời gian qua, đã có một số điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán bị khởi tố vì gây oan sai. Xin được hỏi ông Ngọ Duy Hiểu , ông nghĩ gì về hiện tượng này? Và nhận xét gì về khâu kiểm soát quyền lực tư pháp hiện nay?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Oan sai gây hậu quả nặng nề cho người liên quan và ảnh hưởng không tốt tới uy tín, danh dự ngành tư pháp.Thực tế cho thấy, những vi phạm của kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm phán không quá cá biệt. Tôi cho rằng việc gây ra oan sai của những người thực thi công lý là đáng tiếc, rất đáng trách bởi họ có trách nhiệm duy trì và đảm bảo công lý nhưng lại không thực hiện hết chức trách của mình. Gây ra oan sai họ bị xử lý là điều đương nhiên.

Hiện nay, hệ thống pháp luật của chúng ta khá hoàn thiện trong việc tạo hành lang pháp lý để các chủ thể tiến hành tố tụng thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là ta cần phải có cách thức để giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực đó.

Khi bàn đến việc kiểm soát quyền lực tư pháp, tôi rất quan tâm đến trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu các cơ quan tư pháp phải thực sự tinh thông khi nghe cấp dưới báo cáo, tham mưu; làm thế nào để không bị động, luôn đặt câu hỏi, phản biện với vấn đề mà cấp dưới đưa ra. Từ đó ngăn ngừa được bệnh lạm quyền, lợi dụng chức vụ quyền hạn dẫn đến oan sai, vi phạm trong thực thi pháp luật.

Tiếp đó, trong quá trình thực thi pháp luật của các cơ quan tư pháp phải đề cao tính dân chủ, công khai để báo chí, luật sư, luật gia có thể giám sát. Đồng thời phải phát huy vai trò của người dân trong giám sát hoạt động tư pháp. Ta có hệ thống hòm thư, số điện thoại đường dây nóng góp ý của công dân, hình thức này cần được thực hiện thực chất hơn. Khi thấy cán bộ có dấu hiệu vi phạm, bị nhiều đơn thư phản ánh thì phải kiểm tra, xử lý, không được bao che. Đối với người vi phạm, nhất là người cố ý, phải xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa những vi phạm khác.

Phóng viên: Gây oan sai, ngành tư pháp phải bồi thường cho dân. Thế nhưng trên thực tế, để nhận được bồi thường oan sai người dân thường phải trải qua hành trình rất gian nan. Theo hai ông lý do là vì đâu và cần sửa đổi cơ chế chính sách thế nào để không làm khó người dân đi đòi bồi thường?

Ông Nguyễn Văn Pha: Số lượng các vụ án oan sai được phát hiện thời gian qua tính trên bình diện toàn quốc là không nhiều. Tuy nhiên việc giải quyết bồi thường cho người bị oan sai thường rất chậm trễ. Lý giải vấn đề này, có người cho rằng nguyên nhân chính là do các quy định pháp luật về bồi thường nhà nước không hợp lý, không đầy đủ, khó áp dụng; có người lại cho rằng nguyên nhân chính là do ý thức chủ quan của các cơ quan có trách nhiệm giải quyết việc bồi thường. Tôi cho rằng có cả hai nguyên nhân trên.

Điều chỉnh quan hệ bồi thường này là Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Trong báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội có nêu ra một số hạn chế của luật này như: Quy định mô hình cơ quan bồi thường còn phân tán, dẫn đến người bị oan gặp khó khăn trong việc xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường và việc giao cho cơ quan có thẩm quyền tố tụng đã làm oan có trách nhiệm giải quyết bồi thường, tạo ra tâm lý né tránh, đùn đẩy, kéo dài việc giải quyết bồi thường.

Quy định buộc người bị oan phải có đơn yêu cầu mới giải quyết bồi thường; các tài liệu, giấy tờ làm căn cứ chứng minh thiệt hại còn phức tạp, chưa hợp lý gây khó khăn cho người bị oan.

Quy định về thủ tục, thời hạn giải quyết bồi thường, việc lập dự toán, quản lý và cấp phát kinh phí bồi thường theo hai cấp (Trung ương và địa phương), chi trả tiền bồi thường còn phức tạp, nảy sinh nhiều bất cập, làm việc bồi thường kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị oan.

Luật hiện hành cũng chưa quy định cụ thể trách nhiệm hoàn trả, mức hoàn trả của người có thẩm quyền tố tụng gây nên oan, sai để nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ, hạn chế việc phát sinh bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự.

Tôi tán thành phần lớn những nhận định trên. Tuy nhiên để hạn chế oan sai thì không chỉ Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước có thể xử lý được mà còn là một hệ thống các quy định về tố tụng, về hình sự, dân sự, kinh tế, tổ chức bộ máy… Do đó, cần cải cách mạnh hơn nữa chế độ chính sách cho cán bộ, nhân viên các ngành tư pháp để họ yên tâm phục vụ. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm khắc về hành chính, hình sự với những người làm oan sai…

Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội trả lời phỏng vấn TCPL.
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội trả lời phỏng vấn TCPL.)

Ông Ngọ Duy Hiểu: Hoạt động bồi thường của nhà nước phản ánh mối quan hệ giữa nhà nước và công dân. Đúng là hiện nay công tác này có những hạn chế như ông Pha đã chia sẻ. Một vấn đề nổi cộm và được nhiều người quan tâm hiện nay đó là việc xác định thiệt hại, mức bồi thường và trách nhiệm hoàn trả, mức hoàn trả của công chức gây oan sai đối với Nhà nước. Việc xác định thiệt hại và mức bồi thường không dễ đi được tới cùng vì tính phong phú, phức tạp, khó xác định của vấn đề. Căn cứ vào thực tiễn giải quyết bồi thường oan sai những năm qua và tham khảo pháp luật các nước, ta đưa ra những quy định mang tính bao quát, khái quát làm chuẩn mực chung cho các trường hợp. Việc vận dụng linh hoạt trên cơ sở nền tảng pháp lý vì lẽ công bằng vẫn là vấn đề thuộc về người áp dụng. Vấn đề hoàn trả của công chức gây oan sai đối với Nhà nước cũng cần được tính toán kỹ làm sao vừa có tính răn đe, phòng ngừa, thể hiện trách nhiệm của công chức về việc làm sai của mình, nhưng cũng không để gây ra tâm lý “sợ”, “ngại”, “né” nhiệm vụ được giao.

Hiện nay, có một băn khoăn khác về cơ quan xét xử bồi thường, để có tính khách quan theo tôi có thể quy định trong Luật TNBTNN (sửa đổi) về việc chọn một tòa án cùng cấp ở địa phương khác xét xử bồi thường nhằm đảm bảo khách quan khi đưa ra quyết định về bồi thường.

Tăng cường vai trò của Luật sư

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, một giải pháp chống oan và giảm sai cho người dân, đó là cần phải có sự “đối trọng” của Luật sư với cán bộ tư pháp. Hai ông đánh giá thế nào về việc tạo điều kiện để Luật sư tham gia hoạt động tư pháp hiện nay?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Luật sư có vai trò rất lớn trong hoạt động tư pháp. Họ giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, đồng thời còn giám sát các hoạt động tư pháp nói chung. Thực tế hiện nay không ít luật sư vẫn còn bị các cơ quan tiến hành tố tụng gây khó dễ, hạn chế việc thực hiện quyền luật sư của mình. Theo tôi, để phát huy vai trò của luật sư thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần có cái nhìn đúng hơn về luật sư và vai trò của họ, cần tạo điều kiện để luật sư tham gia các vụ án nhiều hơn nữa bởi hiện nay tỉ lệ các vụ án có luật sư còn thấp, cơ quan tiến hành tố tụng phải thực sự lắng nghe luật sư. Khi luật sư có kiến nghị, các cơ quan này phải có trách nhiệm xem xét, trả lời các kiến nghị của họ.

Ông Nguyễn Văn Pha: Qua tổng kết thực tiễn về tình hình bức cung, nhục hình dẫn đến oan sai thì nguyên nhân của các trường hợp bức cung, dùng nhục hình chủ yếu do yếu kém về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, do tư tưởng nóng vội, bệnh thành tích của một số cán bộ điều tra. Tại các địa phương xảy ra một số vụ nhục hình có phần trách nhiệm của VKS chưa sâu sát trong kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam; có phần do Luật sư chưa được tham gia tố tụng sớm, một số nơi Luật sư còn gặp khó khăn khi gặp, hỏi người bị tạm giữ, tạm giam.

Tạo điều kiện để luật sư tham gia hoạt động tư pháp là cần thiết để hạn chế những vi phạm về tố tụng, chống bức cung, nhục hình trong điều tra, truy tố. Ở giai đoạn xét xử thì cần thiết để đảm bảo nguyên tắc tranh tụng có hiệu quả. Tuy nhiên do nhận thức của cán bộ và bất cập trong một số quy định về tố tụng nên tại nhiều vụ án, vai trò của luật sư bị xem nhẹ. Để khắc phục điều này theo tôi ta cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau: Nhận thức và xác định đúng vai trò, vị trí của người bào chữa trong tố tụng hình sự; hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự theo hướng bổ sung thêm quyền của người bào chữa khi tham gia tố tụng; xây dựng cơ chế đảm bảo cho các quy định của pháp luật về quyền của luật sư được thực hiện trên thực tế; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ và kỹ năng tranh tụng cho các luật sư bào chữa.
Tuy nhiên, với giới luật sư, tôi nghĩ để thực sự góp phần vào mục tiêu bảo vệ công lý thì đối với mỗi luật sư, hơn ai hết phải là người thực sự tinh thông nghề nghiệp, gương mẫu chấp hành pháp luật; bên cạnh đó phải là người có tâm, biết giữ chữ “tín” để làm tròn trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ pháp chế, bảo vệ thân chủ.

Tăng cường giám sát tối cao với hoạt động tư pháp và hoàn thiện thể chế

Phóng viên: Những năm qua, UBTP của Quốc hội đã có nhiều cuộc giám sát về việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp Trung ương và địa phương, đặc biệt là giám sát về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan. Xin được hỏi ông Nguyễn Văn Pha, thời gian qua, công tác giám sát đối với hoạt động cơ quan tư pháp nổi lên những vấn đề gì?

Ông Nguyễn Văn Pha: Qua giám sát, UBTP đã kiến nghị các cơ quan điều tra, VKSND, TAND giải quyết các trường hợp có dấu hiệu oan hay bỏ lọt người phạm tội và bồi thường cho người bị oan....

Đặc biệt trong những vụ án nghiêm trọng, quá trình kêu oan kéo dài, Thường trực UBTP đều tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, đề nghị các cơ quan hữu quan cung cấp thông tin và giải trình đầy đủ. Nếu phát hiện đúng là oan sai thì mạnh dạn kiến nghị và kiên trì đeo bám các cơ quan chức năng để giải quyết cho người dân. Hầu hết các kiến nghị trong hoạt động giám sát của UBTP đều được các cơ quan tiến hành tố tụng hữu quan tiếp thu và thực hiện.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, kêu oan ngày một gia tăng mà số lượng thành viên chuyên trách và bộ phận giúp việc để xem xét, xử lý có hạn, trong khi đó vẫn phải làm nhiều việc quan trọng cấp bách khác. Qua làm việc với một số cơ quan tư pháp Trung ương vừa qua chúng tôi được biết một trong những lý do để số lượng đơn thư đề nghị giám đốc thẩm tăng nhiều là do tâm lý “cầu may”, nhất là của những người can án hình sự. Mà theo quy định của pháp luật, khi đã nhận được đơn thì dù đúng, dù sai các cơ quan hữu quan vẫn phải nghiên cứu để giải quyết hoặc trả lời. Ở Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm đã vượt quá nhiều so với biên chế cán bộ cần có để xử lý. Ở UBTP cũng có tình trạng tương tự. Tuy nhiên, tôi cũng xin nói thẳng là rất nhiều đơn thư (nếu không muốn nói là tuyệt đại đa số đơn thư) không đủ cơ sở để UBTP kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại.

Một khó khăn nữa như phần đầu tôi đã nói, với một số vụ đã xác định chính xác là oan sai thì quá trình giải quyết cũng hết sức chậm trễ. Ngoài nguyên nhân từ những bất cập của các quy định pháp luật liên quan thì không thể không nói đến sự nhiệt tình, trách nhiệm của những người được giao giải quyết.

Phóng viên: Dưới góc độ một Đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động các cơ quan tư pháp, theo hai ông, những cán bộ ngành tư pháp hiện nay để thực hiện công việc một cách “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” có khó khăn, trở ngại lắm không?

Ông Nguyễn Văn Pha:Trong di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta nói chung và ngành tư pháp nói riêng có nhiều tư tưởng bất hủ. Tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc tháng 2/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao tấm gương “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” cho nhân dân noi theo”. Tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành tư pháp năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu yêu cầu trong công tác xử án: “Phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung Tòa án. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”.

Như vậy việc “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” là chủ quan mà mỗi cán bộ tư pháp phải thường xuyên gìn giữ, rèn luyện nhưng hoạt động tư pháp, hoạt động xét xử còn phụ thuộc rất lớn vào điều kiện khách quan tức là thể chế, chính sách nữa. Mặc dù ngày nay, so với cha anh chúng ta trước kia thì sự quan tâm của nhà nước về chế độ, chính sách cho cán bộ tư pháp, nhất là Thẩm phán, Kiểm sát viên… đã là một trời một vực. So với cán bộ, công chức của phần lớn các cơ quan hành chính nhà nước khác thì mức lương và phụ cấp của họ cũng cao hơn hẳn. Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng, tới đây bên cạnh việc hoàn thiện các quy định pháp luật để giám sát, kiểm tra, xử lý sai phạm đối với cán bộ, công chức các cơ quan làm án thì nhà nước cũng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ tư pháp hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Quang cảnh một Hội nghị do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức bàn về “Tăng cường giải pháp phòng, chống oan sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan”
Quang cảnh một Hội nghị do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức bàn về “Tăng cường giải pháp phòng, chống oan sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan”)

Ông Ngọ Duy Hiểu: Theo tôi “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” là những nội hàm tạo nên giá trị xã hội đặc trưng của ngành tư pháp. Tuy nhiên hiện nay, trên thực tế còn không ít các vụ việc cơ quan tư pháp gây oan sai, nhận hối lộ, bức cung, nhục hình… đó là những việc rất đau lòng. Hiện nay, hệ thống pháp luật của chúng ta khá đầy đủ nhưng ta còn thiếu những biện pháp kĩ thuật để đảm bảo cho các quy định thực thi trong thực tế.

Chẳng hạn như để chống bức cung, nhục hình ta đã quy định lắp camera khi gặp gỡ, hỏi cung bị can, bị cáo trong một số vụ án. Theo tôi, thế vẫn chưa đủ, cần cả hệ thống camera trong phòng xét xử, phòng nghị án và thậm chí là cả phòng làm việc của cơ quan tiến hành tố tụng. Ngoài ra, phải thật chặt chẽ, thận trọng lựa chọn cán bộ tư pháp ngay ở đầu vào, cần có những quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn tuyển chọn cán bộ tư pháp. Nên có bước đào tạo “đệm” trước khi một người muốn bước vào ngành tư pháp như cách để họ hiểu về nghề nghiệp, đòi hỏi của nghề nghiệp, nhất là đạo đức. Tiếp đến là thường xuyên giáo dục, rèn luyện họ khi đã trở thành cán bộ của cơ quan tư pháp.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò gương mẫu, liêm chính của người đứng đầu ở mỗi cơ quan tư pháp đối với cán bộ cấp dưới. Người đứng đầu gương mẫu, trong sáng là điều kiện quan trọng có một thế hệ cán bộ tư pháp trong sạch, liêm chính, tuân thủ pháp luật.

Đặc biệt, cần xử lý nghiêm minh với những người vi phạm. Theo tôi, trước tình hình vi phạm như hiện nay cần áp dụng các hình thức xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự, đưa ra khỏi ngành những cá nhân cố ý vi phạm. Hạn chế tối thiểu biện pháp kiểm điểm, rút kinh nghiệm đang tràn lan hiện nay.

Để có nền tư pháp vì dân...

Phóng viên: Và câu hỏi cuối cùng, Phóng viên xin hỏi hai ông, trong tình hình hiện nay để có nền tư pháp gần dân, là chỗ dựa tin cậy của dân, ta cần có những yêu cầu gì đặt ra với các cơ quan tư pháp?

Ông Ngọ Dụy Hiểu: Trong xu thế hiện nay để nền tư pháp vì dân trước hết ta phải có những quy định pháp luật thực sự vì dân, là tâm tư, nguyện vọng của dân. Thêm vào đó, phải có những cán bộ thực thi pháp luật vì dân. Cán bộ thực thi pháp luật vì dân phải thể hiện qua từng hành động, cử chỉ, qua phong cách làm việc, qua trăn trở với những vấn đề của dân phản ánh, khiếu nại, tố cáo, kêu oan...

Vì dân phải ngấm vào máu, trở thành phương châm hành động của mỗi cán bộ tư pháp. Vấn đề này nói thì đơn giản nhưng để thực hiện trong bối cảnh hiện nay thì không hề đơn giản chút nào…

Ông Nguyễn Văn Pha: Yêu cầu đối với nền tư pháp gần dân, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân hay bảo vệ công lý là một trong những yêu cầu đặt ra trong Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Theo tinh thần Nghị quyết số 49/ NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị).

Theo tôi thì yêu cầu đầu tiên là tiếp tục hoàn thiện các đạo luật về tố tụng như Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính đến các luật như Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, Luật cán bộ, công chức, Luật phòng, chống tham nhũng... Trong đó, phải đặt ra yêu cầu minh bạch hơn nữa các hoạt động tư pháp, đảm bảo tốt nguyên tắc độc lập, công bằng trong hoạt động xét xử; tăng cường giám sát của nhân dân, Quốc hội, HĐND, MTTQVN và các tổ chức thành viên của Mặt trận đối với các cơ quan tư pháp và cán bộ tư pháp; đơn giản hóa thủ tục để luật sư tham gia hoạt động tư pháp, người dân thuận lợi trong hành trình đòi quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình; phát huy đầy đủ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tư pháp…

Tiếp đến là cán bộ tư pháp (Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán) phải không ngừng trau dồi về chính trị, đạo đức và chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thiện mình. Những người trong sạch, hết mình vì dân, vì công lý cần được tôn vinh, khen thưởng; những người cố ý vi phạm pháp luật để mưu lợi riêng thì cần bị xử lý nghiêm khắc để làm gương.

Cuối cùng, nhận thức của xã hội với cải cách tư pháp cũng đong đếm một phần hiệu quả của cải cách tư pháp. Khi nhận thức của người dân thay đổi, họ có ý thức hơn trong việc đòi hỏi quyền lợi, hiểu biết về trách nhiệm của mình.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông Nguyễn Văn Pha và ông Ngọ Duy Hiểu đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Tạp chí Pháp lý!

Phan Tĩnh (thực hiện)

Bạn đang đọc bài viết "Để có nền tư pháp gần dân, là chỗ dựa tin cậy của dân…" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin