Đại biểu Quốc hội và những ý kiến xác đáng về 3 dự án luật điều chỉnh lĩnh vực đầu tư, kinh doanh

(Pháp lý) - Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội dành thời gian xem xét, thông qua 10 dự án Luật, trong đó có một số luật điều chỉnh lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, kinh tế… đang đòi hỏi sự thay đổi hiện nay. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến rất sâu sắc.

PPP, lãi cũng hưởng lỗ cùng chịu

Thảo luận tại Nghị trường, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng, những quy định về lĩnh vực đầu tư dự án PPP mục tiêu chính là nhằm huy động những nguồn lực to lớn đang tiềm ẩn trong dân khi nguồn ngân sách nhà nước còn eo hẹp. Do đó, không nên hạn chế đầu tư trong lĩnh vực đầu tư PPP, nhất là lĩnh vực nhà máy điện. Đại biểu phân tích chúng ta đang có cơ hội phát triển kinh tế lớn khi nhu cầu về điện tăng lên thì cần tận dụng cơ hội này, đồng thời việc huy động đầu tư lĩnh vực này sẽ đảm bảo được an ninh năng lượng. Bên cạnh đó, đối với vấn đề chia sẻ rủi ro, theo đại biểu cần áp dụng quy tắc của kinh tế thị trường, lãi cùng hưởng, lỗ cùng chịu, tuy nhiên nhà nước cần tạo điều kiện thông thoáng để thu hút đầu tư tư nhân hơn.

Đối với các quy định về hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP, nhiều đại biểu chỉ ra rằng bản chất dự án PPP là nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công - tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án, dự án đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư với nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ. Cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP. Do đó các đại biểu cho rằng nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ khó thu hút, huy động được nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho sự phát triển.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) nói: Chúng ta làm Luật PPP là hợp tác công tư chứ không phải Luật Đầu tư công. Trong quá trình bắt đầu triển khai dự án, đến lúc kết thúc quá trình vận hành, bàn giao cho Nhà nước thì có cả vốn đầu tư công và vốn tư nhân. Chỉ khi nào nhà đầu tư hết quá trình vận hành, bàn giao cho Nhà nước thì đấy mới là tài sản công 100%. Vì vậy, nếu đặt vấn đề kiểm toán một cách toàn diện dự án PPP thì không hợp lý. Bởi vì có những dự án, nhà đầu tư chỉ yêu cầu Nhà nước hỗ trợ phần giao đất, hỗ trợ mặt bằng, đền bù thì trong phần đấy kiểm toán hoàn toàn là tài sản công. Còn toàn bộ phần vốn của nhà đầu tư đầu tư vào thì chỉ kiểm soát sản phẩm chất lượng đầu ra.
Thiết kế luật về hoạt động của KTNN đối với dự án PPP đã rất rõ ràng, đúng với Hiến pháp và đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, đảm bảo quyền lợi của nhân dân.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) băn khoăn về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP, với quy định về sử dụng vốn. Để Quốc hội được quyết định chủ trương trong đầu tư dự án PPP thì dự án tối thiểu phải có tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỉ đồng và vốn đầu tư công tham gia từ 10.000 tỉ đồng trở lên, ông đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu thêm quy định này. Về lĩnh vực đầu tư dự án PPP, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH quy định này đã được bổ sung, chỉnh lý theo hướng chỉ những lĩnh vực đầu tư công do Nhà nước chịu trách nhiệm nhưng doanh nghiệp không làm được hoặc không đủ khả năng để làm mới áp dụng hình thức PPP, có sự hỗ trợ của Nhà nước như giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đề nghị: Quy định tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư tối thiểu từ 30% trở lên, để hạn chế tình trạng nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Đồng thời có chính sách ưu đãi đầu tư đối với trường hợp nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu trên 50% tổng mức đầu tư dự án. Quy định cụ thể điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP trong hai trường hợp: trường hợp tăng vốn góp nhà nước thì áp dụng tỷ lệ theo quy định của Luật Đầu tư công; trường hợp tăng tổng mức đầu tư nhưng phần vốn nhà nước không tăng với tỷ lệ từ 20% trở lên thì thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương điều chỉnh dự án đầu tư.

Về cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư dự án PPP, đại biểu tán thành quan điểm cần thiết chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư dự án PPP và đề nghị áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu hằng năm vì cơ sở thực hiện rõ ràng và dễ giám sát hơn, đồng thời giúp nhà đầu tư kịp thời cân đối tài chính cho nguồn vốn vay, bảo đảm vận hành, khai thác dự án đúng mục tiêu.

Chính sách pháp luật đầu tư: sự ổn định, minh bạch có ý nghĩa rất quan trọng

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua gồm 7 chương với 81 điều, quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài. Luật áp dụng đối với nhà đầu tư và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.

Tham gia thảo luận đối với quy định về thẩm quyền trình và phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn của dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho rằng nếu quy định phương án Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, như quy trình lập dự án và thực hiện thủ tục chuẩn bị dự án thì các đơn vị không thể chuẩn bị kịp thủ tục quyết định chủ trương đầu tư các dự án tại thời điểm báo cáo Quốc hội, chỉ có thể tổng hợp được các dự án chuyển tiếp và một số dự án hoàn thiện thủ tục chủ trương đầu tư.

Đại biểu Tôn Nữ Ngọc Hạnh

Theo đại biểu Tôn Nữ Ngọc Hạnh, trong thực tế vẫn còn một số lượng vốn nhất định cần phải để lại dưới dạng chưa phân bổ. Trong trường hợp bắt buộc phải phân bổ hết thì chắc chắn sẽ có một danh mục dự án chỉ có thông tin sơ bộ, chưa làm công tác chuẩn bị đầu tư, do vậy quy định này rất hình thức và điều này sẽ dẫn đến bất cập nếu chuẩn bị dự án đầu tư, thông tin có thay đổi thì lại phải báo cáo Quốc hội điều chỉnh dự án làm cho dự án bị kéo dài, mất thời gian. Tính linh hoạt trong điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với điều kiện cụ thể của nền kinh tế sẽ rất hạn chế.

Đại biểu đề nghị quy định Chính phủ có thẩm quyền quyết định danh mục đầu tư công trung hạn, đồng thời giao cho Quốc hội khóa trước quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn để đảm bảo thực hiện xuyên suốt, hiệu quả.

Để bảo đảm đúng ý nghĩa của tinh thần Hiến pháp, công khai, minh bạch, tránh lạm dụng sinh ra nhiều giấy phép con, dự án Luật quy định nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm. Dự thảo cũng bãi bỏ hơn 10 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước, bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan. Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu), đánh giá: "Việc thiết kế Điều 6 về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh trong luật là bước tiến bộ, thể hiện tinh thần của Hiến pháp là mọi người dân có quyền tự do kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm".

Một số vấn đề lớn mà cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng đã có bước đột phá hơn trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này như tiếp tục bảo đảm quyền tự do, bình đẳng của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh; cải cách, đơn giản hóa thủ tục thực hiện dự án đầu tư… Ngoài việc làm rõ mục đích, nội hàm của một số khái niệm liên quan đến ngành, nghề và điều kiện đầu tư kinh doanh, thì việc sửa đổi các quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư là cần thiết. Những quy định về nội dung này trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) góp phần bảo đảm quyền của nhà đầu tư trong việc tiếp cận các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cũng như đảm bảo sự phát triển của nền kinh tế.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nêu ý kiến: "Dự thảo luật quy định rõ hơn việc thực hiện chính sách ưu đãi theo hướng ưu đãi phải đảm bảo tính ổn định vĩ mô. Sự ổn định, minh bạch còn có ý nghĩa rất quan trọng và tránh chồng chéo trong các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cũng cần sự phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư có chọn lọc, mức đầu tư giữa các vùng miền không nên có sự cào bằng. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư dự án mới ở các địa phương nhưng phải có sự kiểm soát chặt chẽ."

Đại biểu thảo luận tại Hội trường Diên Hồng về Luật Đầu tư (sửa đổi)

Luật Doanh nghiệp và quyền bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp

Dự thảo Luật Doanh nghiệp đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV và Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này (theo dự thảo ngày 29/4/2020) gồm 10 chương với 219 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, nhóm công ty và hộ kinh doanh.

Dự thảo lần này cũng quy định về khái niệm doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần có quyền biểu quyết với tỷ lệ chi phối trong doanh nghiệp. Đồng thời không quy định doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có quyền phát hành trái phiếu riêng lẻ tại dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) để bảo đảm không gây rủi ro, làm ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và sự an toàn của thị trường tài chính.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng không nên quy định nội dung về hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp mà nên ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh, vì đối tượng của Luật doanh nghiệp là tổ chức; các chế định về cơ chế, chính sách chung điều chỉnh doanh nghiệp nhưng không điều chỉnh đối với hộ kinh doanh, như vậy sẽ gây nên lúng túng đối với hộ kinh doanh khi nghiên cứu, áp dụng luật.

Đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ việc thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm 100% vốn điều lệ thành sở hữu trên 50% vốn điều lệ, quy định này trở lại như quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005. Đại biểu cho rằng việc liên tục thay đổi khái niệm làm thiếu tính ổn định của luật; gây ra tâm lý băn khoăn về quyền bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp thuộc các hình thức sở hữu và thành phần kinh tế hoặc quyền tham gia quản trị doanh nghiệp của các chủ sở hữu vốn khác, vì ngoài phần vốn góp của nhà nước còn có vốn các thành phần kinh tế khác tham gia. Đồng thời, sẽ tác động đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, không làm giảm số lượng doanh nghiệp nhà nước; chủ trương thu hút các thành phần kinh kinh tế khối tư nhân đầu tư phát triển kinh tế.

Đại biểu cũng đề nghị, làm rõ quy định doanh nghiệp có quyền không có con dấu thì có bảo đảm về mặt pháp lý khi ký kết hợp đồng, thực hiện các giao dịch thương mại, dân sự và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp hoặc xử lý tranh chấp. Tán thành sửa đổi giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông cổ đông hoặc nhóm cổ đông từ 10% xuống 05% được thực hiện các quyền như xem xét và trích lục báo cáo tài chính và các báo cáo của Ban kiểm soát, các hợp đồng, giao dịch, yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông, yêu cầu kiểm tra các vấn đề liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty… nhằm bảo vệ quyền của cổ đông thiểu số và nhóm cổ đông trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần quy định điều kiện phải sở hữu cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng để không làm ảnh hưởng đến việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. Tiếp tục quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và thực tiễn thực hiện có hiệu quả cao trong công tác điều hành, quản lý và tổ chức hoạt động của doanh nghiệp; giao cho cổ đông quyền tự quyết định mô hình điều hành doanh nghiệp. Tăng cường trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh để kiểm tra, đôn đốc việc góp vốn điều lệ và điều chỉnh đăng ký vốn điều lệ và hoạt động của doanh nghiệp.

Cho rằng việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp ở thời điểm này là cần thiết, tuy nhiên, khác với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) bàn về nghĩa vụ doanh nghiệp được quy định tại Điều 6 của dự thảo luật, ông đề nghị bổ sung quy định về nghĩa vụ doanh nghiệp, trường hợp doanh nghiệp có dự án sử dụng đất tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi trụ sở chính thì phải thành lập tư cách pháp nhân và thực hiện nghĩa vụ kê khai nộp thuế tại địa phương đó. Việc bổ sung quy định này nhằm đảm bảo nguồn lực cho địa phương nơi có dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh giải quyết các vấn đề đặt ra về môi trường, đầu tư hạ tầng, an ninh trật tự… Đồng thời quy định này cũng đảm bảo quy định đồng bộ với các luật quản lý thuế, tiếp cận đất đai.
Cũng theo ông Bình, quy định trước đây, người gửi đăng ký kinh doanh phải tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về nội dung đăng ký kinh doanh. Và cán bộ tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lý của hồ sơ. Điều này làm nảy sinh tình trạng doanh nghiệp dùng địa chỉ kinh doanh của người khác làm trụ sở doanh nghiệp; dùng giấy chứng minh nhân dân giả, chứng minh nhân dân của người khác đứng tên doanh nghiệp, thành lập doanh nghiệp chủ yếu để mua bán hóa đơn trục lợi, gây khó khăn cho quản lý nhà nước và đặc biệt là công tác quản lý thuế.

Do vậy dự thảo lần này cần bổ sung quy định về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, cần phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh trụ sở doanh nghiệp thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc có hợp đồng thuê mướn địa điểm làm trụ sở hợp pháp. Đồng thời đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của các ngành chức năng trong việc kiểm chứng thông tin đăng ký doanh nghiệp và chế tài xử lý đối với các đối tượng liên quan khi xảy ra sai phạm.

Thái Vũ

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin