Với việc được bầu làm đại biểu Quốc hội và có thể đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch nước, ông Vương Kỳ Sơn tiếp tục là nhân vật quan trọng trong chính trường Trung Quốc những năm tới.
Vương Kỳ Sơn, người từng đứng đầu chiến dịch chống tham nhũng "Đả hổ, Diệt ruồi" ở Trung Quốc, đã trở lại chính trường trong vai trò mới khi trúng cử đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Nhân Đại, tương tự quốc hội ) khóa 13.
SCMP cho hay ông Vương nằm trong số 118 đại biểu quốc hội Trung Quốc của tỉnh Hồ Nam, được bầu ra trong Hội nghị thứ nhất của Nhân đại Hồ Nam khóa 13 diễn ra ngày 29/1. Quốc hội Trung Quốc không có giới hạn tuổi nhưng đây là trường hợp đầu tiên kể từ những năm 1990 mà một thành viên Thường vụ Bộ chính trị đã nghỉ được tiếp tục bầu làm đại biểu quốc hội.
Tiếp tục ở lại chính trường
Trong hai thập niên qua, tất cả các quan chức nhà nước cấp cao của Trung Quốc, từ chủ tịch nước đến các bộ trưởng, cũng như 25 thành viên trong Bộ Chính trị của đảng, đều có ghế trong Nhân đại. Tuy nhiên, thực tế là các lãnh đạo hàng đầu sắp và đã nghỉ hưu đều không tiếp tục ở lại trong Nhân đại vào nhiệm kỳ tiếp theo.
Trước khi nghỉ hưu, ông Vương là "ngôi sao" trong đảng Cộng sản Trung Quốc, đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật TW đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI), cầm trịch chiến dịch chống tham nhũng có ảnh hưởng sâu rộng đến chính trường nước này vài năm qua.
Chiến dịch "Đả hổ, Diệt ruồi, Săn cáo" của ông Vương đã khiến khoảng 1,3 triệu đảng viên bị kỷ luật hoặc điều tra vì tham nhũng hay các sai phạm khác. Tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng này cũng là một phần bổ sung trong điều lệ đảng được Đại hội Đảng 19 của Trung Quốc phê chuẩn hôm 24/10.
SCMP hồi tháng 12 năm ngoái cho biết dù không còn có tên trong Thường vụ Bộ Chính trị và Bộ Chính trị, ông Vương vẫn có tiếp tục tham gia các cuộc họp với tư cách thành viên không bỏ phiếu.
Ngoài ra, ông có thể sẽ được bổ nhiệm vị trí phó chủ tịch nước trong kỳ họp của Nhân Đại vào tháng 3. SCMP dẫn nhiều nguồn tin nói ông Vương sẽ được bầu vào vị trí này để tiếp tục hỗ trợ ông Tập trong các vấn đề như đối ngoại - đặc biệt trong quan hệ với Mỹ. Trước khi lãnh đạo CCDI vào năm 2012, ông Vương từng giữ chức phó thủ tướng Trung Quốc phụ trách tài chính.
Quyền lực phó chủ tịch
Việc Vương Kỳ Sơn nghỉ Thường vụ Bộ Chính trị ở tuổi 68 vừa là nguyện vọng của chính bản thân ông, đồng thời phản ánh quy tắc bất thành văn vốn tồn tại suốt nhiều năm trong hệ thống chính trị Trung Quốc đó là "67 tuổi lên, 68 tuổi xuống".
Tuy nhiên, luật pháp nhà nước Trung Quốc không có quy định nào giới hạn về tuổi tối đa để đảm nhiệm chức vụ chủ tịch nước hay phó chủ tịch, ngoài quy định không giữ chức quá 2 nhiệm kỳ và độ tuổi tối thiểu là 45.
Dù phó chủ tịch nước thường được xem là chức vụ mang ý nghĩa tượng trưng, trong hai thập kỷ qua, vị trí này thường được "trấn giữ" bởi những nhân vật quyền lực trong đảng.
Trước khi vươn lên làm lãnh đạo số 1 Trung Quốc, cả Tập Cận Bình và người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào đều là phó chủ tịch, sau khi giữ các vị trí trong ban Thường vụ Bộ Chính trị (PSC).
Nhưng từ năm 2013, tầm quan trọng của vị trí phó chủ tịch suy giảm khi ông Lý Nguyên Triều, thành viên Bộ Chính trị nhưng không phải PSC, đảm nhiệm chức vụ này. Ông Lý chủ yếu phụ trách công việc đại diện cho nhà nước trong đối ngoại.
Thành tích lớn lao của Vương Kỳ Sơn trong nhiều lĩnh vực từ chống tham nhũng cho đến đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính có thể lý giải một phần nguyên nhân ông được Chủ tịch Tập giữ lại với một vai trò quan trọng tương xứng.
Ngoài ra, một số nhà phân tích nhận định rằng sự hiện diện của ông Vương còn giúp ông Tập Cận Bình gửi đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của ông đối với chiến dịch chống tham nhũng.
Theo Zing