(Pháp lý) - Chỉ trong tháng 3 vừa qua đã có hai vụ bắt giữ cựu Tổng thống ( TT) Pháp – ông Nicolas Sarkozy và cựu TT Hàn Quốc – ông Lee Myung-bak gây chấn động dư luận. Lý do bắt giữ hai cựu TT ở hai đất nước khác nhau này đều liên quan đến bê bối tham nhũng. Riêng ở Hàn Quốc, chỉ từ năm ngoái đến nay đã có hai đời cựu TT bị bắt giữ do dính bê bối tham nhũng. Điều đó cho thấy quốc nạn tham nhũng vẫn gia tăng hoành hành ở nhiều quốc gia trên thế giới . Song việc bắt giữ các cựu TT còn gửi đi một “thông điệp” bình đẳng trước pháp luật - bất kể ai, dù là dân thường hay Tổng thống nếu vi phạm pháp luật đều bị trừng trị nghiêm, không có ngoại lệ.
Cựu TT Pháp Nicolas Sarkozy bị điều tra nghi án nhận tiền bất hợp pháp
Ngày 20/3, cựu TT Pháp Nicolas Sarkozy đã bị cảnh sát tư pháp bắt giữ để điều tra nghi án nhận tiền bất hợp pháp, nhận tiền trái phép từ chính quyền Libya của cố TT Gaddafi trong chiến dịch tranh cử TT hồi năm 2007.
Báo chí Pháp nhận định, việc ông Sarkozy bị tạm giữ chỉ là hồi kết của một câu chuyện có tính chất phức tạp cả về chính trị, kinh tế và ngoại giao. Tờ Thế giới (Le Monde), nhật báo hàng đầu nước Pháp, đã điểm lại những diễn biến chính trong cuộc điều tra kéo dài nhiều năm qua của cảnh sát Pháp và mối quan hệ phức tạp giữa ông Sarkozy và Gaddafi. Theo đó, vào đầu năm 2007, Nicolas Sarkozy, khi ấy là Bộ trưởng Nội vụ Pháp đã có cuộc gặp đầu tiên với ông Gaddafi tại Libya. Trong cuộc gặp này, ông Sarkozy bị tình nghi đã đặt vấn đề muốn được TT Libya cung cấp tài chính cho chiến dịch tranh cử sắp tới.
Từ tháng 3 - 7/2007, thời điểm diễn ra cuộc bầu cử TT vòng 1 và vòng 2 tại Pháp, 5 triệu euro đã được chuyển cho chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy, thông qua một nhân vật trung gian là doanh nhân người Libya Ziad Takieddine. Trong một đoạn video được công bố năm 2016, doanh nhân này đã thừa nhận trực tiếp mang 3 va li tiền (tổng cộng 5 triệu euro) từ Tripoli (thủ đô Libya) đến Paris.
Giữa hai vòng bầu cử TT Pháp năm 2007, ông Choukri Ghanem cựu Thủ tướng kiêm Bộ trưởng dầu mỏ Libya đã ghi lại việc chuyển 1,5 triệu euro cho ông Sarkozy trong một cuốn sổ. Đoạn ghi chép này được trang Mediapart của Pháp công bố vào tháng 9/2016.
Trước đó, năm 2013, Viện kiểm sát Paris đã mở cuộc điều tra về các cáo buộc Libya hỗ trợ tài chính cho chiến dịch tranh cử TT của ông Sarkozy vào năm 2007. Theo sau là hàng loạt các vụ thẩm vấn và bắt giữ những người có liên quan. Đến ngày 20/3/2018, ông Nicolas Sarkozy chính thức bị cảnh sát tư pháp thẩm vấn và tạm giữ.
Theo hệ thống tư pháp Cộng hòa Pháp, kết tội sơ bộ có nghĩa bản thân ông Sarkozy chính thức bị điều tra hình sự. Tòa án sẽ tiếp tục điều tra vụ án trong vài tuần hoặc vài tháng. Vào cuối thời điểm hoạt động điều tra, các quan chức thực thi pháp luật có thể quyết định bỏ qua tội danh sơ bộ hoặc đưa Sarkozy ra xét xử với các tội danh chính thức.
Hàn Quốc bắt cựu TT Lee Myung-bak với cáo buộc nhận hối lộ
Cựu TT Hàn Quốc Lee Myung-bak đã bị bắt giữ vào sáng ngày 23/3 với cáo buộc nhận hối lộ trong thời gian đương chức.
Theo Reuters, một thẩm phán Hàn Quốc ngày 22/3 đã phát lệnh bắt giữ cựu TT Lee Myung-bak sau khi tuyên bố cựu lãnh đạo Hàn Quốc có thể tìm cách hủy chứng cứ. Ông Lee sau đó được đưa tới trung tâm giam giữ tại thủ đô Seoul ngay trong đêm.
Trước đó, cựu TT Lee Myung-bak phải đối mặt với gần 20 cáo buộc từ các công tố viên, bao gồm nghi vấn việc ông từng nhận gần 11 tỷ won (khoảng 10,28 triệu USD) bất hợp pháp từ nhiều tổ chức và cá nhân.
Cựu TT Lee Myung-bak nắm quyền trong nhiệm kỳ từ năm 2008 đến 2013 và là nhà lãnh đạo thứ 4 của Hàn Quốc bị bắt giữ.
Năm ngoái, cựu TT Park Geun-hye, người kế nhiệm ông Lee Myung-bak, cũng bị phế truất sau vụ bê bối liên quan đến người bạn thân. Bà Park Geun-hye cũng bị tạm giam và đang trong quá trình xét xử với các cáo buộc nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và cho phép bạn thân can thiệp vào công việc quốc gia. Các công tố viên Hàn Quốc đang đề xuất mức án 30 năm tù đối với bà Park và tòa án ở Seoul dự kiến sẽ tuyên án vào đầu tháng 4.
Trước khi bị đưa tới nhà giam ở Seoul, cựu TT Lee Myung-bak đã trải qua nhiệm kỳ tổng thống gây nhiều tranh cãi liên quan tới hàng loạt nghi vấn tham nhũng, biển thủ công quỹ và phớt lờ an ninh quốc gia.
Ông Lee đối mặt với hàng loạt cáo buộc gồm nhận hối lộ, trốn thuế, tham ô, biển thủ công quỹ. Tuy nhiên, điều khiến những người ủng hộ cựu TT Hàn Quốc thất vọng hơn cả là cáo buộc ông lạm dụng quyền lực, đánh đổi an ninh quốc phòng lấy lợi ích cá nhân trong những năm cầm quyền. Đặc biệt sau khi đương kim TT Moon Jae-in phát động chiến dịch “nhổ tận gốc nạn tham nhũng kéo dài” tại Hàn Quốc, những cáo buộc tham nhũng nhằm vào cựu TT Lee Myung-bak càng được chú ý nhiều hơn.
Các nhà phân tích chính trị dự đoán cuộc điều tra có thể sẽ mở rộng ra để làm rõ những nghi vấn liên quan tới các dự án về xây dựng, năng lượng cũng như các lĩnh vực khác trong nhiệm kỳ 5 năm, từ 2008-2013, của ông Lee Myung-bak.
Theo đó là nghi vấn về việc chính quyền của cựu TT Lee Myung-bak đã thắng thầu 18,6 tỷ USD để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) vào năm 2009 và sự kiện này từng được đánh giá là một trong những thành tựu lớn nhất của ông Lee. Hay một nghi vấn khác cũng đã được đưa ra liên quan tới mối quan hệ bí mật giữa cựu TT Lee Myung-bak và các tập đoàn kinh tế. Chẳng hạn, Lotte Group, tập đoàn bán lẻ khổng lồ tại Hàn Quốc, từ lâu đã mong muốn xây dựng một tòa nhà chọc trời ở thủ đô Seoul. Tuy nhiên do công trình này nằm trên đường bay của các máy bay chiến đấu cất và hạ cánh xuống căn cứ không quân Seongnam nên Không quân Hàn Quốc phản đối việc xây dựng tòa nhà Lotte. Thay vì ngăn cản dự án tiềm ẩn nhiều rủi ro của Lotte, chính quyền Lee Myung-bak thậm chí còn điều chỉnh một góc của đường băng quân sự. Kể từ đó, những tin đồn về thỏa thuận “cửa sau” giữa cựu TT Lee và tập đoàn Lotte ngày càng xuất hiện nhiều. Mặc dù một cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành, song các tài liệu của chính phủ được công bố đã phần nào chứng minh tính xác thực của những tin đồn về mối quan hệ giữa cựu TT Lee và Tập đoàn Lotte.
Ngoài ra là nghi vấn về Dự án thiếu hiệu quả. Theo đó, từ năm 2008-2012, chính quyền cựu TT Lee Myung-bak đã triển khai dự án Hồi phục Bốn dòng sông trị giá 22.000 tỷ won với mục tiêu làm sạch, giảm nguy cơ từ các trận lũ lụt hoặc hạn hán và phát triển các khu nghỉ dưỡng ven sông trên các con sông lớn của Hàn Quốc, gồm sông Hàn, Nakdong, Geum và Youngsan. Tuy nhiên, dự án này đã dẫn đến một loạt vấn đề như những vũng nước tù đọng gây ô nhiễm môi trường, phá hủy chất lượng nước, gây hại cho cá và các loại sinh vật sống dưới nước. Những người chỉ trích nói rằng việc ông Lee đưa ra một quyết định vội vàng khi thực hiện dự án này có liên quan tới những mục đích mờ ám.
Cựu TT Lee Myung-bak cho đến nay vẫn một mực phủ nhận những cáo buộc nhằm vào mình, đồng thời cho rằng cuộc điều tra nhằm vào ông mang mục đích chính trị. Tuy vậy, phần lớn người Hàn Quốc đã không còn đặt niềm tin vào cựu tổng thống khi có tới 75% người dân ủng hộ việc bắt giữ ông. Ngoại trừ đảng đối lập chính Tự do Hàn Quốc (LKP), tất cả các đảng còn lại cũng đều ủng hộ việc bắt giữ ông Lee.
Bình đẳng trước pháp luật
Từ việc nữ TT đương nhiệm Park Geun Hye bị luận tội, phế truất và bị bắt giam năm 2017, cho thấy không có “ưu tiên” gì cho nhân thân hay công trạng, dù là TT hay dân thường đều bình đẳng trước pháp luật.
Với bản Hiến pháp năm 1987, nhà nước và nhân dân Hàn Quốc đã nhất trí “loại bỏ mọi hành vi xã hội sai trái và bất công” (Lời nói đầu). Việc bản hiến pháp nêu trước tiên điều nhất trí này cho thấy ý muốn chấm dứt tập quán “cầm quyền là trên hết” bắt đầu từ thời tổng thống dân sự tiên khởi Lý Thừa Vãn bị lật đổ năm 1960, rồi sau đó được các tướng lĩnh kế nhiệm gia tăng cường độ!
Hiến pháp đầu tiên của Hàn Quốc được ban hành từ năm 1948, đến năm 1987 đã qua 9 lần sửa đổi theo “ý muốn” của từng cánh lãnh đạo trong từng giai đoạn cầm quyền. 30 năm qua, bản hiến pháp đã không bị sửa đổi.Tính bền vững của bản hiến pháp năm 1987 thể hiện một sự đồng thuận giữa nhà cầm quyền và dân chúng, mà thỏa thuận lớn nhất chính là đồng ý đặt mình trong khuôn khổ một cơ chế kiểm soát và cân đối quyền lực. Theo đó, không một chính phủ nào có thể có thế lực bao trùm lên tất cả.
Để triệt tiêu tập quán “cầm quyền là trên hết”, Hiến pháp 1987 tuyên cáo: “Tất cả viên chức nhà nước đều là công bộc của toàn dân và phải chịu trách nhiệm với nhân dân” (điều 7, khoản 1). Để điều khoản này luôn có giá trị, điều 11, khoản 2 nêu rõ: “Việc trao thưởng huân chương, huy chương chỉ có hiệu lực với người được thưởng và không đặc quyền, đặc lợi nào được nảy sinh ra từ các tưởng thưởng đó”. Nói cách khác, không có “ưu tiên” gì cho nhân thân hay công trạng và điều này giải thích làm thế nào mà đường đường một TT thuộc “con dòng cháu giống” lại có thể xộ khám như bất cứ một công dân nào khác.
Có thể thấy những thiết định “kiểm tra và cân bằng quyền lực” mà Hiến pháp Hàn Quốc đặt ra nay đã đi vào thực tế, từ việc Quốc hội nước này luận tội tổng thống vào tháng 12 năm ngoái đến những công việc thường trực khác, như việc phê duyệt dự thảo ngân sách dự chi mà chính phủ phải đệ trình trước 90 ngày, chứ không chỉ đóng dấu “hậu chi”.
Bản hiến pháp đó đã và đang tồn tại, được vận dụng trơn tru, đúng với tinh thần “cộng hòa”. Đó chính là một bước tiến tới trưởng thành của một xã hội đã trải qua hết trào độc tài dân sự đến quân sự từ khi lập quốc vào năm 1948 tới nay.
Có thể tham nhũng vẫn còn làm mờ mắt các lãnh đạo song không thể “cứ như rươi” được. Bởi thế Hàn Quốc vẫn được xếp là nước “sạch” thứ 52/176 trong bảng xếp hạng cảm nhận tham nhũng (PCI) 2016.
Còn ở Pháp, khác với nhiều Hiến pháp trên thế giới, Hiến pháp năm 1958 của Pháp không có phần riêng về địa vị hiến định của con người và công dân mà nội dung này chỉ được quy định tại Lời nói đầu, trong đó, viện dẫn Tuyên ngôn về quyền con người, quyền công dân năm 1789 và Lời nói đầu Hiến pháp năm 1946 và một vài điều khoản riêng lẻ như: nguyên tắc công dân bình đẳng trước pháp luật không phụ thuộc vào hoàn cảnh xuất thân, chủng tộc hay tôn giáo (điều 2); chủ quyền nhân dân và quyền bầu cử (điều 3); tính đa nguyên của các đảng chính trị và sự tôn trọng các nguyên tắc dân chủ (điều 4); thẩm quyền của Nghị viện ban hành các đạo luật về quyền và tự do của công dân (điều 34); quyền tự quyết của các dân tộc (điều 53); vai trò của cơ quan tư pháp trong việc bảo vệ tự do cá nhân (điều 66)…Đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp, TT Pháp phải là người bảo đảm cho sự độc lập của cơ quan tư pháp (điều 64).
Với cuộc điều tra cựu TT Nicolas Sarkozy hứa hẹn sẽ là quả bom bê bối chính trị lớn nhất tại Pháp trong hàng thập kỷ qua. Cáo buộc nhận một số tiền tranh cử lớn từ một nhà độc tài nước ngoài là cáo buộc chưa từng có và nghiêm trọng nhất đối với một cựu tổng thống ở Pháp. Các tội liên quan đến tài trợ bất hợp chiến dịch tranh cử từ một nhà độc tài nước ngoài là tội hình sự nghiêm trọng mà một cựu TT Pháp phải đối mặt trong lịch sử đương đại.
Theo luật của Pháp, một người bị chính thức điều tra khi cảnh sát có trong tay "bằng chứng vững chắc" chứng minh khả năng phạm tội của người đó. Đây là một bước để tiến đến xét xử nhưng các cuộc điều tra trong giai đoạn này vẫn có thể bị huỷ bỏ trước khi ra toà.
Hà Trang (tổng hợp)