Công lý không thể là một từ suông!

03/08/2016 03:20

Một thông điệp mạnh mẽ từ người đứng đầu ngành toà án Việt Nam đã được phát đi từ ông Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) khi ông được Quốc hội bầu tiếp tục đảm trách cương vị này trong nhiệm kỳ khoá 14 (2016-2021). Liệu dư luận có thể kỳ vọng về ngành toà án trong việc xây dựng một nhà nước thượng tôn pháp luật, nghiêm minh, công bằng và liêm chính?

[caption id="attachment_145438" align="aligncenter" width="410"]Ông Nguyễn Hoà Bình tuyên thệ trước Quốc hội vào ngày 8.4.2016. Ông Nguyễn Hoà Bình tuyên thệ trước Quốc hội vào ngày 8.4.2016.[/caption]

Với 472/490 phiếu hợp lệ (chiếm 95,55% tổng số đại biểu quốc hội) tán thành, ông Nguyễn Hoà Bình đã được tín nhiệm giữ chức vụ Chánh án TANDTC. Ông vốn đã đảm nhiệm các chức vụ Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Phó bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Viện trưởng VKSNDTC. Thời kỳ ông đảm trách cương vị Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT (đầu những năm 2000) có lẽ là thời gian bộc lộ bản lĩnh của một người “đánh án” kinh tế xuất sắc, trong đó nổi lên là vụ án tham nhũng, tiêu cực rất lớn xảy ra ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Lã Thị Kim Oanh thao túng gây ra.

Thiếu tướng Trương Hữu Quốc, Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Tổng cục trưởng Cảnh sát hồi đó đã có lần bật mí với tôi rằng đây là một vụ án rất phức tạp và cũng rất "xương". Khả năng vụ việc sẽ động chạm đến nhiều quan chức cao cấp nên có thể rất khó xử lý nếu không mạnh tay. Vì thế, vụ việc đã bị đùn đẩy, chẳng ai ở Hà Nội muốn vào cuộc dù họ là đơn vị phát hiện ban đầu. Cuối cùng thì buộc Tổng cục Cảnh sát phải trực tiếp làm. Có cái lạ là ngay hồi đó, ông Nguyễn Hoà Bình tuy chưa là tướng, vậy mà ông Quốc đã xem ông như "người có bản lĩnh của một dũng tướng "... Và đó là một trong nhiều chuyện cũ mà không nhiều người biết về ông.

Bày tỏ trong sự xúc động sau phút tuyên thệ, ông Nguyễn Hoà Bình nói: "Đảm nhiệm trọng trách mà Quốc hội giao phó, là người đứng đầu cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi sẽ cùng tập thể lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao phát huy truyền thống, đoàn kết một lòng, đề cao kỷ luật, xây dựng Tòa án nhân dân trong sạch và liêm chính; thực hiện tốt nhiệm vụ Hiến pháp quy định, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; chăm lo xây dựng đội ngũ thẩm phán giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh để nhân danh Nhà nước đưa ra những phán quyết thượng tôn pháp luật, nghiêm minh và công bằng".

Chỉ trước đó vài ngày, vào ngày 20.7 tại TP.HCM đã diễn ra phiên toà ở TAND quận Thủ Đức, tuyên phạt Nguyễn Hoàng Tuấn 10 tháng tù và Ôn Thành Tân 8 tháng 20 ngày tù (Tân đã chấp hành xong hình phạt) về tội cướp giật tài sản trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Họ thấy vị đắng chát và nghèn nghẹn trong lòng, trong khi lẽ ra họ phải hả hê trước phán quyết nghiêm khắc của pháp luật đối với các vụ cướp giật tại thành phố chưa thật bình yên này. Vì sao lại có chuyện lạ lùng vậy?

Theo hồ sơ, khoảng 22 giờ ngày 17.10.2015, Tuấn gặp Tân tại một tiệm Internet ở Q.9, TP.HCM. Cả hai chơi điện tử đến hôm sau thì ngừng. Sau đó, Tân chở Tuấn đi xin việc làm. Trên đường đi, Tân và Tuấn đói bụng nhưng không có tiền, bèn ghé một tiệm tạp hóa hỏi mua 2 bịch chuối sấy, 1 ổ bánh mì ngọt, 1 bịch đậu phộng rang muối, 3 bịch me trộn đường. Quy ra tiền, gói đồ ăn đó có giá chỉ 45.000 đồng.

Khi chủ quán đưa các món đồ thì Tuấn giật lấy nhảy lên xe chạy đi.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo TAND TP.HCM ngày 25.7, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã cho rằng cần phải xem xét lại vụ án nói trên một cách toàn diện, bởi theo ông tòa địa phương đã chưa xem xét hết các tình tiết với người chưa thành niên khi xét xử.

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói, để bảo đảm việc giải quyết vụ án trên đúng quy định của pháp luật, đồng thời rút kinh nghiệm vụ án này, Chánh án TAND tối cao yêu cầu TAND TP.HCM khẩn trương kiểm tra xem các bị cáo có kháng cáo hay có kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm của Viện KSND TP đối với bản án sơ thẩm hay không. Nếu có thì TAND TP thụ lý vụ án theo thủ tục phúc thẩm.

Tiếp sau đó, vào ngày 29.7, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) cũng đã có chỉ đạo tương tự với thuộc cấp, phải thực hiện ngay việc kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng giảm nhẹ cho các bị cáo, đảm bảo đúng tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân của các bị cáo và nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nhân dịp này, ông Viện trưởng cũng yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ của VKSNDTC, của các tỉnh, thành trong cả nước tổng rà soát các vụ án khác đang có vấn đề để báo cáo lên.

Người dân cảm thấy như được thở phào khi nhận được những thông tin thấm đậm tính nhân đạo của pháp luật được phát đi từ chính 2 vị đứng đầu của TANDTC và VKSNDTC. Và có lẽ đó cũng chính là những tín hiệu tốt đẹp mở đầu cho một chặng đường còn nhiều cam go, phức tạp để thực thi công lý trên đất nước ta khi mà luật pháp vẫn đang còn nhiều bất cập dù rằng các bộ luật đã được xây dựng ngày một nhiều hơn trước đây...

Từ câu chuyện rất thật và gần đây nhất nói ở trên, có lẽ người đứng đầu cơ quan cầm cân nảy mực như ông Nguyễn Hoà Bình sẽ phải quan tâm rốt ráo tới công tác đào tạo thẩm phán và chấn chỉnh lại bộ máy từ Trung ương xuống cơ sở, nếu không sẽ khó tránh được những chuyện tương tự bị lặp lại. Những nhiệm kỳ trước, chúng ta đã từng chứng kiến những câu nói rất thật nhưng lại trở thành "vạ miệng" khó đỡ của các vị tiền nhiệm từng lãnh đạo TANDTC. Đại thể như có vị đã nói rằng "luật pháp của Việt Nam thì muốn xử kiểu gì cũng được". Rồi lại có vị khác cũng rất thật thà nói đại ý rằng hiện tại, số lượng thẩm phán thiếu nên phải "vơ vét", bổ nhiệm cả những thẩm phán chưa đủ trình độ và điều kiện quy định...

Với cách xử lý thấu tình đạt lý của 2 vị đứng đầu cơ quan pháp luật của Việt Nam, liệu có thể hy vọng rồi đây những vụ án oan như Nguyễn Văn Chẩn, như Huỳnh Văn Nén... sẽ không còn xuất hiện nữa? Đồng thời, những vụ án tham nhũng, những hành vi phạm pháp của các nhóm lợi ích đục khoét nền kinh tế nước nhà sẽ được phanh phui và nghiêm trị thẳng tay? Sẽ không còn vùng cấm với bất kỳ một ai?

Tôi vẫn kỳ vọng những điều tốt đẹp hơn ở nhiệm kỳ này, trong đó có công tác điều tra xét xử. Nói như một triết gia phương Tây mà tôi từng nghe giảng từ bà giáo già dạy tiếng Pháp rất thông tuệ hồi tôi còn là sinh viên của 40 năm trước, cô Hoàng Thị Niệm. Cô đã yêu cầu chúng tôi dịch câu: "Nếu công lý chỉ là một từ suông thì cuộc sống sẽ không còn ý nghĩa" trong một bài khoá.

Rồi sau đó bà còn giảng cho chúng tôi nghe thêm những kiến thức về châu Âu, nơi được xem như vùng đất sớm nhất có tư tưởng văn minh về phương thức trị quốc bằng luật pháp. Tôi tin là đất nước chúng ta rồi cũng sẽ đến lúc phải như thế, chỉ nhanh hay chậm một phần cũng là do những người đứng đầu cơ quan xét xử cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam có quyết liệt đổi mới hay không.

Theo Motthegioi

Bạn đang đọc bài viết "Công lý không thể là một từ suông!" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin