Có xử lý hình sự được cá nhân, tổ chức định giá sai?

07/05/2019 09:45

(Pháp lý) - Do những bất cập trong các quy định pháp luật về định giá tài sản, nên việc xử lý trách nhiệm hình sự những cá nhân, tổ chức định giá sai là rất khó.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho hay, những sai phạm về thẩm định giá thời gian qua cho thấy một ngành kinh doanh có điều kiện, nhưng việc quy định thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng, chỉ cần có 3 thẩm định viên mà chưa có các quy định ràng buộc trách nhiệm pháp lý.

Theo ông Thỏa, Bộ Tài chính cần tổ chức ngay hoạt động kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá tại doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp thực hiện lộ trình xây dựng các tiêu chí kiểm soát riêng về các lĩnh vực như: thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá bất động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị… để phù hợp với những đặc thù từng loại tài sản trong thẩm định giá.

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài Chính (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, khi định giá tài sản doanh nghiệp Nhà nước, nếu người ta muốn cố tình định giá cao thì họ vẽ ra một viễn cảnh tươi đẹp, thay đổi số liệu để định giá cao tài sản đó, còn nếu họ muốn định giá thấp đi thì ngược lại, họ không tính vào tài sản lợi thế thương hiệu, đất đai, giấy phép. Do đó, các quy định pháp luật cần phải thay đổi để buộc khi tính giá trị doanh nghiệp cần phải tính đầy đủ, để muốn tính giá thấp hay giá cao cũng không được.

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài Chính (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM)
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài Chính (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM))

Theo ông Bảo, từ trước đến nay có nhiều vụ án bắt đầu từ khâu định giá tài sản sai lệch, bị Thanh tra Chính phủ hoặc Kiểm toán Nhà nước phát hiện. Khi doanh nghiệp bị định giá quá cao hoặc quá thấp so với giá trị, nhóm lợi ích hưởng lợi, cơ quan thanh tra vào cuộc thì dư luận, cơ quan chủ quản mới biết. Tức là khi sự việc đã diễn ra rồi thì mới có chế tài, trong khi có rất nhiều cơ quan, nhiều quy định liên quan để giám sát việc thực hiện cổ phần hóa.

“Vậy chúng ta thực hiện thế nào mà để cho hàng loạt những vụ định giá sai? Trước nay rất hiếm khi có một Bộ, ngành nào đó đề nghị ngưng thương vụ, định giá lại khi chủ động phát hiện sai phạm trong quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp, mà chỉ có cơ quan thanh tra đề nghị truy thu, xử lý. Vậy câu hỏi đặt ra là vai trò của cơ quan quản lý ở đâu?”, ông Bảo nhấn mạnh.

Trên thế giới có các công ty kiểm toán lớn, có uy tín, họ được soát xét hết ngóc ngách của thương vụ từ định giá, pháp lý… Phải tự hỏi chúng ta đã làm tốt điều này như họ chưa?. Nếu chưa thì có cần thuê những hãng của họ thẩm định hay không?. Do đó, cần có những hàng rào về pháp lý để ngăn chặn những hành vi trục lợi, nâng cao trách nhiệm Thẩm định viên. Luật pháp cần nghiêm minh, chặt chẽ. Tức là người ta muốn làm sai nhưng không thể làm sai, nếu người ta làm sai thì bị xử lý nặng”, ông Bảo nói.

Đồng tình với những kiến nghị trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh dẫn chứng một ví dụ mới xảy ra gần đây, là câu chuyện Mobifone sử dụng tới 4 đơn vị định giá AVG, mà chuyên gia này cho rằng rất “bí hiểm” là mức định giá của các đơn vị này thấp nhất 16.565 tỷ đồng và cao nhất là 33.299 tỷ đồng (chênh lệch gấp đôi).

“Chỉ với 4 đơn vị thôi mà đã có sự chênh lệch lớn như thế, liệu Mobifone có sử dụng “chiêu trò quân xanh, quân đỏ” để đưa ra nhiều giá khác nhau hay không. Từ đó, khi chuyển nhượng có thể dìm hàng hoặc đẩy giá lên để rút tiền?”, ông Thịnh đặt câu hỏi.

Trụ sở Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn
Trụ sở Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn)

Ông Thịnh cũng cho rằng, xét về quy luật thị trường, việc sử dụng 3-4 đơn vị “đối tác” để định giá thì liệu có thể có quan hệ mật thiết hay “người nhà” ở trong đó hay không. Do đó, ông Thịnh cho rằng, việc các cơ quan chức năng yêu cầu thanh tra toàn diện để xác định việc định giá đó đúng hay chưa, có ẩn khuất gì đăng sau vụ chuyển nhượng này hay không là rất cần thiết. Để chặt chẽ hơn trong công tác định giá tài sản, ông Thịnh kiến nghị, cơ quan quản lý phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc định giá, kiểm toán ở các cơ quan công chứng, định giá. Nếu anh đã ký vào biên bản định giá thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm ở việc định giá giá trị tài sản đó. Nếu sau này có cơ quan định giá lại phát hiện có sai sót lớn, có sự móc ngoặc thì phải chịu trách nhiệm”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Bàn về chế tài xử lý, ông Thịnh chỉ ra những tồn tại xoay quanh việc xử lý những công ty định giá sai, những doanh nghiệp này có phải chịu trách nhiệm hình sự không, đến nay chưa được quy định rõ. Điều này làm cho các đơn vị định giá thiếu trách nhiệm. Chính vì thế, trong nhiều vụ việc sai phạm cổ phần hóa được phanh phui gần đây thì các công ty định giá vẫn chưa bị xử lý hình sự. Việc này, theo ông Thịnh là có nguyên nhân từ lỗ hổng luật pháp khi vấn đề này không được quy định cụ thể, rõ ràng. Do đó, tới đây chúng ta cần có cơ chế xử lý rõ ràng.

Tiếp lời, Luật sư Vũ Văn Thiệu – Hãng luật Incip kiến nghị, pháp luật cần hoàn thiện thể chế về định giá đất đai, tài sản hữu hình và tài sản vô hình (tài sản trí tuệ, thương hiệu,…) trong cổ phần hóa theo cơ chế thị trường. Quy định rõ trách nhiệm của tổ chức tư vấn định giá độc lập trong định giá tài sản, vốn và xác định giá trị doanh nghiệp. Xác định rõ trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong việc kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp, định giá tài sản, vốn nhà nước.

Đối với những tài sản thuộc DNNN, cần hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý của các tài sản trước khi tiến hành sắp xếp, cổ phần hóa hay thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm cơ chế cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Sử dụng có hiệu quả chính sách thuế, phí gắn với nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch đất đai một cách ổn định. Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm nhà đầu tư thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa, Luật sư Thiệu đề xuất.

Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều – Giám đốc Công ty Luật TNHH Bắc Nam chỉ rõ, việc định giá thấp hơn giá trị thực tế ở cả Hãng Phim truyện Việt Nam, Cảng Quy Nhơn, Công ty Điện Quang, bởi các tổ chức định giá đã không xem xét giá trị tài sản là quyền sử dụng những “lô đất vàng” đang trong tình trạng là đất thuê của Nhà nước trả tiền hàng năm; Không xác định giá trị vô hình của doanh nghiệp như: Giá trị thương hiệu; giá trị lợi thế kinh doanh, giá trị lịch sử, văn hóa … của doanh nghiệp được cổ phần hóa. Mặt khác, sự quản lý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền còn lỏng lẻo khiến cho các tổ chức cá nhân lợi dụng để làm sai trái. Đây là bất cập lớn trong thực tiễn công tác thẩm định giá.

 Nhiều người bức xúc với quyết định của công ty Vivaso nên đã treo băng rôn ở khu vực cổng Hãng phim truyện Việt Nam.
Nhiều người bức xúc với quyết định của công ty Vivaso nên đã treo băng rôn ở khu vực cổng Hãng phim truyện Việt Nam.)

Từ thực tế nói trên, vị Luật sư này đặt vấn đề, những sai phạm trên đây chưa bị xử lý, đặc biệt là xử lý về trách nhiệm hình sự bởi những quy định pháp luật về xác định giá trị doanh nghiệp còn thiếu và chưa bám sát thực tế dẫn đến các doanh nghiệp và những tổ chức, cá nhân hành nghề định giá, đấu giá lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để lách luật. Dẫn dụ một ví dụ cụ thể, theo Luật sư Kiều, quy định của Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 và gần đây là Nghị định 32/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018 và các thông tư hướng dẫn thi hành chưa hướng dẫn cụ thể về cách tính toán những giá trị vô hình của doanh nghiệp như: giá trị thương hiệu, giá trị lợi thế kinh doanh, giá trị lịch sử, văn hóa của doanh nghiệp được cổ phần hóa… Trên thực tế, các giá trị này được yêu cầu phải tính vào giá trị doanh nghiệp. Đây là bất cập lớn trong thực tiễn công tác thẩm định giá, dẫn đến các đơn vị tư vấn thẩm định giá khó thống nhất trong tiếp cận, định giá các loại tài sản vô hình nói trên.

Từ những bất cập trên, Luật sư Kiều cho rằng, hành vi sai phạm trong định giá giá trị tài sản của các cá nhân, tổ chức chỉ bị xử lý khi cơ quan bảo vệ pháp luật chứng minh được cá nhân là những người có chức vụ, quyền hạn, cố ý làm sai lệch kết quả, can thiệp để kết quả định giá, đấu giá thấp xuống hơn thực tế để hưởng lợi cho cá nhân thì có thể bị khởi tố trong nhóm tội về chức vụ quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như: “Tội tham ô tài sản” quy định tại Điều 353 hoặc “Tội nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 hoặc “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” .

Nếu cá nhân là những người có chức vụ, quyền hạn nhưng lơ là, thiếu sự giám sát, quản lý … không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ những nhiệm vụ được giao dẫn đến để các tổ chức, cá nhân khác lợi dụng để làm sai phạm trong hoạt động định giá, đấu giá để họ trục lợi, dù cá nhân này không được hưởng lợi từ hoạt động sai phạm của người khác thì vẫn có thể bị xử lý hình sự về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Nếu cá nhân trực tiếp hay qua trung gian đưa hoặc sẽ đưa cho cá nhân người có chức vụ quyền hạn hoặc đưa cho cá nhân tổ chức nào đó một khoản lợi ích vật chất để cá nhân, tổ chức đó cố ý làm sai lệch hồ sơ, tài liệu dẫn đến sai lệch kết quả định giá, đấu giá thì sẽ bị xử lý hình sự về “Tội đưa hối lộ” theo quy định tại Điều 364 hoặc “Tội môi giới hối lộ” theo Điều 365 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Đình Hòa

 

Bạn đang đọc bài viết "Có xử lý hình sự được cá nhân, tổ chức định giá sai?" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin