Cố tình làm trái quy định của Nhà nước và gây thất thoát vốn tại Veam

04/04/2019 08:25

Việc tự ý ký kết các hợp đồng tín dụng khiến Vetranco lỗ hàng trăm tỷ đồng và lâm vào tình thế đặc biệt khó khăn đã có nhiều dấu hiệu sai phạm. Vậy ai là người chịu trách nhiệm phía sau những thất thoát này?

Những bản hợp đồng tín dụng có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng

Sự việc rủi ro nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Veam (viết tắt là Vetranco) cũng như trong quan hệ thương mại giữa Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (Veam) và Vetranco đã làm cho Veam lâm vào nguy cơ thiệt hại rất lớn về kinh tế; Vetranco lâm vào tình thế đặc biệt khó khăn trong hoạt động và người lao động nguy cơ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Mặc dù chỉ sở hữu 51% vốn điều lệ tại Vetranco trị giá hơn 6 tỷ đồng (6,375 tỷ VNĐ), nhưng Veam vẫn bảo lãnh cho Vetranco vay vốn của Ngân hàng với số tiền gần 150 tỷ đồng.

 

 Các khoản nợ của Vetranco
Các khoản nợ của Vetranco)

Cụ thể, tổng giá trị các khoản tín dụng theo 03 hợp đồng tín dụng là 143.000.000.000 đồng. Toàn bộ khoản tín dụng này được Veam bảo lãnh 100% cho Vetranco. Việc bảo lãnh của Veam nói trên được cho là đã vi phạm vào khoản 3, Điều 3, Thông tư 242/2009/TT-BTC, theo quy định này thì doanh nghiệp không được phép tự ý ký kết các hợp đồng tín dụng với mức vay vốn vượt quá 03 lần vốn điều lệ. Trong những trường hợp này, lẽ ra Công ty phải gửi báo cáo lên đại diện chủ sở hữu để xem xét, quyết định.

Tại hợp đồng tín dụng thứ nhất theo hạn mức số 1240-LAV-201100396 (ngày 15/8/2012) giữa ngân hàng Agribank (Chi nhánh Hoàng Mai và Vetranco) thì hạn mức cấp tín dụng là 40.000.000.000 đồng được bảo lãnh bằng cam kết của Veam ngày 17/8/2011.

Tại hợp đồng tín dụng thứ 2, mức vay ngắn hạn theo mức số 01/2013/HĐTDNH (ngày 22/72013) giữa Sở giao dịch III Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Vetranco. Trong đó, hạn mức cấp tín dụng là 50.000.000.000 đồng, được bảo lãnh bằng hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn số 02/2009/SGD3-VEAM và thư bảo lãnh vay vốn ngày 23/6/2011.

Tại hợp đồng tín dụng thứ 3, theo hạn mức số 1220-LAV-201300128 (ngày 27/3/2013) giữa Agribank Việt Nam, Chi nhánh Long Biên và Vetranco thì hạn mức cấp tín dụng là 63.000.000.000 đồng, được bảo lãnh bằng cam kết bảo lãnh của Veam ngày 17/01/2013. Việc bảo lãnh này đã vi phạm Thông tư số 117/2010/TT-BTC được quy định tại Điều 3, Điều 4.

Việc Veam bán các lô hàng cho Vetranco trị giá hơn 80 tỷ đồng nhưng không yêu cầu các biện pháp bảo đảm nhằm đảm bảo nghĩa vụ thanh toán và những người quản lý tại Veam có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản nợ phải thu khó đòi, các khoản nợ không thu hồi được. Tuy nhiên không thấy có bằng chứng cho thấy Veam đã nỗ lực thu hồi các khoản nợ này. Điều này vi phạm nghiệm trọng các nguyên tắc tài chính và vị phạm qui định tại điều 25.1 Nghị định 71/2013 Nghị định Chính phủ.

Điều 20.9 Nghị định 25/2010 và điều 20 Nghị định 99/2012 đã quy định theo đó những người quản lý của Veamcó trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển nguồn vốn tại Vetranco và chỉ đạo những người đại diện quản lý phần vốn góp của Veam tại Vetranco sử dụng quyền chi phối, quyền phủ quyết trong việc quyết đinh phê duyệt các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh tại Vetranco.

Tuy nhiên, những người quản lý này đã không thực hiện các trách nhiệm nêu trên dẫn đến việc không kiểm soát được nguồn vốn nhà nước tại Vetranco, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng.

Ai là người ký những hợp đồng vi phạm trên?

Theo tìm hiểu của PV, các thư bảo lãnh của Veam cho Vetranco vay vốn ở các hợp đồng tại thời điểm năm 2011 - 2013 đều do ông Lâm Trí Quang, (lúc đó là Tổng Giám đốc VEAM) và ông Ngô Văn Tuyển (lúc đó là Phó Tổng giám đốc phụ trách chỉ đạo kinh doanh thương mại) ký. Đây là những bản hợp đồng không đảm bảo được yêu cầu bảo toàn vốn dẫn đến việc phát sinh công nợ lớn, công nợ khó đòi tiềm ẩn khả năng mất vốn.

Biên bản về công nợ của Công ty Vetranco
Biên bản về công nợ của Công ty Vetranco)

Trong văn bản số 39/VEAM-HĐTV (ngày 17/9/2013) thể hiện ý kiến của Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) gửi tới HĐTV, Ban điều hành, Đảng ủy, Công đoàn Tổng công ty Veam có nội dung nêu rõ: “Khi Vetranco đang làm ăn rất tốt nhưng nhận thấy Vetranco có khoản vay Tổng công ty gần 69 tỷ đồng là rất lớn so với vốn điều lệ của họ, chúng ta đã có chủ trương phải từng bước thu hồi số công nợ này, tuy nhiên, Tổng Công ty Veam đã không thu hồi dần tiền vay mà tiếp tục cho nợ tiền hàng để đến thời điểm hiện tại cả tiền vay, tiền nợ lên đến 150 tỷ đồng là không hợp lý; ngoài khoản cho vay, nợ nêu trên, TCty còn bảo lãnh cho Vetranco tới 173 tỷ đồng (theo báo cáo mới thực vay 110 tỷ) cũng rất không hợp lý. Việc bảo lãnh không theo các phương án và thời hạn cụ thể là không kiểm soát được mục đích, tính hiệu quả, mức độ an toàn sử dụng vốn của Vetranco; Việc tiền vay, tiền nợ, tiền bảo lãnh gấp khoảng 20 lần vốn điều lệ của Vetranco mà không có các điều kiện bảo đảm và giám sát là thiếu chặt chẽ”.

Theo các hợp đồng đã ký giữa Veam (trực tiếp là ông Quang - Tổng GĐ và ông Tuyển- Phó Tổng GĐ) với Vetranco vào năm 2013, Veam đã ký các hợp đồng nhập hàng với cơ chế trả tiền ngay rồi bán cho Vetranco trả chậm trong thời gian 90 ngày và chỉ đạo Vetranco cũng bán chịu cho các công ty tư nhân khác và cho nợ 90 ngày tạo thành vòng khép kín. Các hợp đồng của Veam cho Vetranco nợ với số tiền lớn nhưng không có cơ chế đảm bảo tiền nợ theo quy định dẫn đến làm thất thoát tài sản của Veam tại Vetranco trên 240 tỷ đồng. Trong đó, ông Quang ký bảo lãnh trên 150 tỷ đồng, còn lại trên 80 tỷ đồng là ông Tuyển trực tiếp ký.

 

 Các hợp đồng mua bán đều được ký bởi ông Ngô Văn Tuyển
Các hợp đồng mua bán đều được ký bởi ông Ngô Văn Tuyển)

Điều đáng lưu ý, ở thời điểm năm 2011 – 2013, nguồn vốn của ngân hàng rất khan hiếm, lãi suất các ngân hàng huy động từ 14-18%/năm. Do vậy, các doanh nghiệp muốn vay vốn phải đáp ứng cơ chế đảm bảo rất chặt chẽ nên rất khó tiếp cận nguồn vốn và lãi suất thực chất để các doanh nghiệp vay được vốn của các ngân hàng với lãi suất dao động từ 21-27%/năm.

Đặc biệt, hai ông Lâm Trí Quang và Ngô Văn Tuyển triển khai các hợp đồng nêu trên không thông qua HĐQT, có dấu hiệu cố ý làm trái quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến thất thoát của Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Tại văn bản số 39/VEAM-HĐTV ngày 17/9/2013, Chủ tịch HĐTV Veam đã đề nghị xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vụ việc nêu trên. Ngày 23/1/2018, cơ quan Kiểm toán Nhà nước đã ra Thông báo số 65/TB-KTNN nhắc lại việc xem xét, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong những vụ việc nêu trên. Tuy nhiên, từ đó đến nay, hai ông Quang và Tuyển vẫn không bị xem xét trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật dù đã có kiến nghị từ các cấp, các cơ quan có thẩm quyền.

Dư luận bất bình khi sự việc gần như đã “chìm xuồng” từ lâu. Hiện tại, ông Quang đã nghỉ hưu, còn ông Tuyển vừa được bổ nhiệm Quyền Tổng Giám đốc Veam thay ông Trần Ngọc Hà. Điều đáng nói, ông Hà nguyên Chủ tịch HĐTV Veam, người đã có văn bản đề nghị xem xét trách nhiệm của ông Tuyển lại được “bổ nhiệm” vào vị trí đòi nợ trong đó có những khoản nợ do chính ông Tuyển mang đến.

Theo congly.vn

Nguồn bài viết: https://congly.vn/dieu-tra-diem-nong/co-tinh-lam-trai-quy-dinh-cua-nha-nuoc-va-gay-that-thoat-von-tai-veam-292202.html

Bạn đang đọc bài viết "Cố tình làm trái quy định của Nhà nước và gây thất thoát vốn tại Veam" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin