Có thể tiêu hết 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công?

Trong 8 tháng cuối năm 2020, số vốn đầu tư công cần phải giải ngân còn tới 611.000 tỷ đồng. Làm sao để giải ngân hết số tiền này vẫn đang là bài toán hóc búa.

Theo Bộ KH&ĐT, năm 2020, số vốn đầu tư công phải giải ngân gần 700.000 tỷ đồng (gồm ngân sách Trung ương, địa phương và vốn từ các năm 2016-2020 dồn lại). Giải ngân được số vốn này sẽ giúp GDP tăng thêm khoảng trên 0,4%.

Không phải chậm mà ngày càng chậm

Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, giải ngân vốn đầu tư công đến hết ngày 30/4/2020 ước đạt 89,3 nghìn tỷ đồng, bằng 18,98% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2019. Như vậy, trong 8 tháng còn lại, số vốn đầu tư công cần phải giải ngân còn tới 611.000 tỷ đồng, ước tính mỗi tháng phải giải ngân 76.000 tỷ đồng.

Giải ngân vốn đầu tư công đến hết ngày 30/4/2020 chỉ đạt 89,3 nghìn tỷ đồng (Ảnh: Tư liệu)

Mới đây, chia sẻ trên báo chí, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT bày tỏ lo lắng năm nay khó giải ngân hết 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Ông Phương thừa nhận không có công thức để tính toán chi phí cơ hội khi dự án đầu tư công chậm, triển khai ì ạch, cho dù ai cũng cảm nhận được hậu quả của nó. Dự án đầu tư công chậm một năm, tăng trưởng của tỉnh cụ thể nào đó giảm bao nhiêu tỷ đồng thì không ai tính được.

Lâu nay, thực trạng tiền có sẵn chỉ việc tiêu, nhưng tiêu sao cho hết 700.000 tỷ đồng là một bài toán không hề dễ. Một con số được Tổng cục Thống kê chỉ ra, nhiều năm gần đây, Việt Nam chưa bao giờ giải ngân hết vốn đầu tư công theo kế hoạch hàng năm. Thậm chí, năm sau lại có xu hướng giảm hơn năm trước. Cụ thể, nếu năm 2016 giải ngân được 97,8% kế hoạch, năm 2017 chỉ còn 94,4%; năm 2018 là 92,3% và năm 2019 là 89,5%.

Ts. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, đánh giá giải ngân đầu tư công không phải chậm mà ngày càng chậm, biết chậm mà không biết phải làm sao để giải ngân chính là việc chúng ta ngày càng làm khó mình. Điều này cho thấy giải ngân đầu tư chậm là "căn bệnh rất nặng cần phải chữa ngay".

Tìm cách gỡ vướng

Theo ông Thiên, những năm qua, ngân sách luôn trong tình trạng tồn đọng mấy trăm nghìn tỷ đồng đầu tư công. Nếu giải ngân được số tiền này, "bơm" được dòng máu này vào nền kinh tế, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho xã hội, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế, thúc đẩy ổn định sản xuất sau đại dịch Covid-19.

Ông Thiên nhìn nhận: Covid-19 như một cơ hội lịch sử, với 4 lý do: Thoát khỏi tư duy cũ; mở cửa được đầu tư công, thoát khỏi những trói buộc trong giải ngân đầu tư công kiểu cũ; khả năng tiến vượt, không chỉ đuổi kịp mà phải đi theo kịp thời đại; cơ hội để thoát khỏi lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhất là thị trường nông sản.

Về phía địa phương, ông Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT cho phép các địa phương chủ động điều chuyển kế hoạch 2019 nguồn vốn ngân sách Trung ương đã được kéo dài sang năm 2020 từ các dự án không có khả năng thực hiện, giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân (không phải xin phép Bộ KH&ĐT) để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Mới đây, Chính phủ ban hành Dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo đó, Chính phủ cho phép không áp dụng quy định tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư đối với dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, được bố trí vốn từ kế hoạch đầu tư công năm 2020.

Đồng thời, tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật về ngân sách, đầu tư xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 (bao gồm các nguồn vốn các năm trước chuyển sang).

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra (theo từng quý), kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ và cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan năm 2020.

Bộ Tài chính định kỳ trước ngày 25 hằng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ KH&ĐT tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Bộ KH&ĐT công khai tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương trên trang điện tử Chính phủ, Bộ KH&ĐT và phương tiện thông tin đại chúng.

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Nguồn bài viết: https://thoibaokinhdoanh.vn/viet-nam/co-the-tieu-het-700-000-ty-dong-von-dau-tu-cong-1068588.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin