Cơ quan tố tụng chưa quan tâm tới việc kê biên khiến nhiều tài sản bị tẩu tán

14/03/2016 08:28

Ông Mai Lương Khôi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết trong các vụ án hình sự, có nhiều vụ việc giá trị phải thi hành án lớn nhưng các cơ quan tố tụng chưa thực sự quan tâm đến việc kê biên tài sản của đương sự để bảo đảm thi hành án. Chính vì thế đến giai đoạn thi hành án, đương sự không còn tài sản để thi hành án.

[caption id="attachment_136900" align="aligncenter" width="410"] Ông Mai Lương Khôi (Ảnh: BTP).
Ông Mai Lương Khôi (Ảnh: BTP).[/caption]

Lo lắng trên được ông Mai Lương Khôi đưa ra tại cuộc họp nóng với lãnh đạo 26 Cục Thi hành án dân sự địa phương cuối tuần qua.

Thực tế đó, theo ông Khôi, đã khiến nhiều tài sản bị tẩu tán, chuyển dịch hết trước thời điểm bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. “Chỉ còn những tài sản có giá trị nhỏ, không đáng kể, không đủ bảo đảm thi hành án”- ông Khôi nói.

Hơn nữa, đương sự trong rất nhiều vụ việc là đối tượng đang thụ hình tại các trại giam nên không có khả năng tạo ra thu nhập, không có tài sản để thi hành án. Trong khi cơ chế xử lý hình sự đối với tội “Không chấp hành án” hiệu quả còn chưa cao. Số vụ việc bị xử lý về tội này còn thấp so với thực tế nên tính răn đe, phòng ngừa tội phạm chưa cao.

Thống kê mới nhất của Tổng cục Thi hành án dân sự cho thấy các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng chiếm tỷ lệ lớn, nhất là ở các địa phương đóng vai trò là trung tâm kinh tế của khu vực và của cả nước như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương...

Chỉ tính riêng số việc và tiền trong các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng năm 2015 của 26 địa phương đã là 12.880 việc, tương ứng với số tiền trên 58.283 tỷ đồng (chiếm trên 76% số việc và 84,5% số tiền phải thi hành loai này của toàn quốc). Trong khi đó, việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp (chủ yếu là bất động sản) gặp rất nhiều khó khăn do thị trường bất động sản còn trầm lắng, người dân có tâm lý e ngại khi mua tài sản liên quan đến thi hành án.

Nhiều vụ án có giá trị lớn nhưng kết quả thi hành án đạt thấp không hiệu quả, nhất là trong các vụ án kinh tế lớn, số tiền thu hồi được rất nhỏ so với số tiền phải thi hành án, điển hình là vụ Vinashin, vụ Huỳnh Thị Huyền Như....

“Tình hình trên cho thấy, việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án năm 2016 của cả hệ thống thi hành án là rất khó khăn trong điều kiện kinh tế đất nước vẫn còn nhiều diễn biến thiếu ổn định (giá dầu lên xuống, tình hình thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Nam Bộ...) và nhất là đây là năm bản lề thực hiện Nghị quyết kinh tế chính trị xã hội giai đoạn 2016-2020 và cũng là năm thi đua lập thành tích hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự. Do đó, để có thể hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đòi hỏi toàn hệ thống thi hành án dân sự, nhất là các địa phương nêu trên phải có sự nỗ lực, cố gắng rất lớn; trong đó, phải tập trung đánh giá đúng tình hình, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc để đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực”- ông Khôi nhấn mạnh.

Một bộ phận cán bộ thi hành án vi phạm kỷ luật, bị xử lý

Theo ông Mai Lương Khôi, về cơ bản việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự từng bước đã được siết chặt và đi vào nề nếp. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận công chức chấp hành kỷ luật, kỷ cương còn chưa nghiêm, vi phạm phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, vi phạm nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước dẫn đến phải kiểm điểm, xử lý kỷ luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân cũng như uy tín của cơ quan, đơn vị và hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự. Ví dụ như những vi phạm trong một vài năm trở lại đây tại các địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đà Nẵng...

“Để xảy ra các vi phạm đó một phần do trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý ngành chưa có sự đột phá, vẫn còn bị động”- ông Khôi đánh giá.

Tổng cục Thi hành án dân sự đánh giá việc quản lý cán bộ, công chức của người đứng đầu, lãnh đạo cơ quan, đơn vị có nơi còn lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm; không theo sát dẫn đến không nắm chắc được diễn biến, tình hình thực tế ở các Chi cục Thi hành án, Cục Thi hành án dẫn đến có nơi có biểu hiện mất dân chủ.

Những chủ trương, biện pháp chỉ đạo thực hiện đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị chưa sắc bén, chưa kịp thời. Chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế; trong khi công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng còn hình thức, chủ yếu phổ biến một chiều, chưa hình thành ý thức tự giác rèn luyện của cán bộ, công chức.

“Trong sinh hoạt chưa coi trọng việc tự phê bình và phê bình, phê bình còn né tránh, nể nang. Có trường hợp công chức có biểu hiện tiêu cực, vi phạm đạo đức, lối sống, có dư luận không tốt nhưng không kịp thời phê bình, xử lý nghiêm minh”- báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự nhận xét.

Ông Mai Lương Khôi khẳng định thời gin tới sẽ hướng mạnh vào việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật tại các Chi cục Thi hành án dân sự; đồng thời xử lý nghiêm cán bộ có vi phạm và xác định trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định.

Theo Dantri

 

Bạn đang đọc bài viết "Cơ quan tố tụng chưa quan tâm tới việc kê biên khiến nhiều tài sản bị tẩu tán" tại chuyên mục Bài nổi bật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin