Chuyện về những chiến sĩ công an mưu trí, dũng cảm, vì nhân dân phục vụ

15/08/2016 06:21

(Pháp lý) - Phá án bằng trí tuệ và linh cảm đặc biệt, gieo mầm thiện trong trại giam, “kình ngư” cứu nạn cứu hộ... họ là những chiến sĩ công an công tác ở nhiều vị trí khác nhau nhưng có điểm chung là thầm lặng cống hiến, mưu trí và dũng cảm. Đặc biệt, khi hành động, họ đã truyền cảm hứng cho nhiều người. Và ở trên mặt trận nào, họ cũng xứng đáng là những chiến sĩ công an vì nhân dân phục vụ.

Đại tá Nguyễn Thế Nghiệp: Bậc thầy phá án

Người đầu tiên trong chuỗi những câu chuyện về công an nhân dân, chúng tôi muốn giới thiệu là anh Nguyễn Thế Nghiệp, một người cảnh sát điều tra ấn tượng. Anh quê gốc ở Thái Bình. Ngay từ nhỏ, anh đã ấp ủ ước mơ trở thành bác sĩ. Thi vào trường Y lần đầu thiếu điểm, anh Nghiệp quyết tâm ôn tập để thi tiếp vào năm sau. Trong lúc đang miệt mài đèn sách thì Công an huyện Vũ Thư (Thái Bình) có đợt tuyển quân thế là anh đăng ký. Kể từ “bước ngoặt” đó, chàng trai Nguyễn Thế Nghiệp theo ngành công an cho đến nay. Tốt nghiệp trường công an và theo cha vào Quảng Nam-Đà Nẵng công tác tại Công an huyện Quế Sơn. Qua nhiều năm phấn đấu, năm 1997, sau khi chia tách tỉnh, anh được phân công làm Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự – PC45 Công an Quảng Nam cho đến nay.

[caption id="attachment_146174" align="aligncenter" width="410"]Đại Tá Nguyễn Thế Nghiệp – Bậc thầy phá án Đại Tá Nguyễn Thế Nghiệp – Bậc thầy phá án[/caption]

Trong suốt quá trình công tác và cống hiến anh đã phá hàng nghìn vụ án nhưng dấu ấn đặc biệt lại là các vụ án mờ. Minh chứng cho điều này là kết quả phá vụ án trộm cắp tài sản do Vũ Mạnh Hùng tỉnh Thái Bình gây ra vào năm 2014. Hùng là một tên trộm chuyên nghiệp đã có 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản. Để có tiền thỏa mãn cơn nghiện ma túy, Hùng cùng người tình Nguyễn Thị Thảo (Thái Bình) lên kế hoạch ra miền Trung “khoắng” tài sản của các cơ quan hành chính. Hùng đã thực hiện các phi vụ trộm cắp trên các địa bàn Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Gây án xong, Hùng và Thảo lập tức bay ra Bắc. Cũng như những phi vụ trước đó, Hùng ung dung về quê hưởng thụ tài sản trộm cắp. Từ Thái Bình vào Quảng Nam gây án trong tích tắc rồi cao chạy xa bay gần 1.000 km, Hùng và Thảo đinh ninh rằng công an sở tại không thể nào lần ra dấu vết của mình. Nào ngờ, chỉ sau 3 ngày, đại tá Nguyễn Thế Nghiệp đã đưa cặp đôi bất hảo này ra ánh sáng.

Khi khám nghiệm hiện trường, phòng Cảnh sát Hình sự phát hiện có một mẩu đế giày nhỏ bị gãy. Linh tính đó là đế giày của hung thủ, Đại tá Nghiệp đã cho xác minh. Một chủ cơ sở giày nhiều năm kinh nghiệm mô phỏng được loại giày tương ứng với mẫu đế giày trên, đồng thời cho hay, loại giày này đa số người phía Bắc hay dùng. Liên hệ với các vụ trộm công sở ở các tỉnh, thành lân cận trong thời gian gần đó, Đại tá Nghiệp nhận thấy, các vụ trộm có nhiều đặc điểm giống nhau. Từ đây, Đại tá Nghiệp nhận định, đối tượng là người Bắc, không phải là người địa phương, đã gây án ở nhiều công sở. Điều tra theo hướng phán đoán của Đại tá Nghiệp cùng với việc sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, 3 ngày sau đó, các trinh sát đã xác định danh tính của kẻ tình nghi. Ngày 22/11/2014, Vũ Mạnh Hùng bị bắt giữ và 5 ngày sau, người tình của y là Nguyễn Thị Thảo cũng bị bắt.

Đại tá Nghiệp không chỉ làm những cán bộ dưới quyền nể phục mà còn khiến công an các tỉnh lân cận ngưỡng mộ. Đại úy Lương Quốc Nghĩa (Đội trưởng Đội phòng chống tệ nạn thuộc PC45) chia sẻ: Phá xong vụ này, công an các tỉnh miền Trung ai cũng thán phục. Nói về kinh nghiệm phá án, đại tá Nghiệp cho hay, mỗi khi tiếp cận hiện trường phải chú ý tất cả các chi tiết, không thể bỏ sót một chi tiết nào. “Cũng có nhiều khi dấu vết hung thủ lộ ra rất tình cờ. Nếu trinh sát không nhanh nhạy rất dễ bỏ qua”, đại tá Nghiệp nói.

Một vụ án mờ mà Đại tá Nghiệp đã góp công vào phá án bằng linh cảm đặc biệt đó là vụ Lê Văn Phúc sát hại chị Nguyễn Thị Tuyết (huyện Thăng Bình) năm 2014 do yêu đơn phương. Vụ án xảy ra vào ban đêm tại đoạn đường vắng không ai chứng kiến, nạn nhân bị vùi xác 4 ngày sau mới phát hiện nên các dấu vết đã bị mờ, thay đổi. Lần theo hàng chục mối quan hệ của nạn nhân, triệu tập hàng trăm đối tượng hình sự nhưng không có kết quả.
Song chính trong lúc đến hiện trường, đại tá Nghiệp nghi ngờ trước sự thờ ơ của một nhóm đối tượng đang đánh bi-a gần hiện trường vụ án. Vị đại tá “lão luyện” liền cho điều tra viên triệu tập các đối tượng này về trụ sở làm việc. Sau khi thanh lọc cả nhóm, còn 2 đối tượng có dấu hiệu khả nghi, trong đó có một đối tượng tên Zít... Trinh sát liên hệ thì được biết đối tượng Zít tên thật chính là Phúc. Từ đây, bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau 4 giờ đấu tranh, cuối cùng Lê Văn Phúc đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Với những chiến công lập được, đại tá Nghiệp 3 lần vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, ngoài ra anh còn sở hữu hàng chục giấy khen, huân chương của Bộ Công an, UBND tỉnh, Tỉnh ủy Quảng Nam…

Lặng lẽ ươm mầm thiện cho xã hội

Cũng là chiến sĩ CAND, Trung tá Ngô Trí Thảo lặng lẽ ươm những mầm thiện cho xã hội. Thành tích của anh, phần lớn là thầm lặng, không ồn ã, phô trương.

Với thâm niên 15 năm làm Đội trưởng Đội trinh sát, Trung tá Ngô Trí Thảo luôn là "khắc tinh" của phạm nhân trốn nã, bản thân anh có nhiều tham mưu giỏi về công tác trinh sát giúp cho Ban giám thị trại giam có những đối sách hợp lý trong quản lý, giáo dục và cảm hóa phạm nhân. Theo Trung tá Thảo, khó khăn lớn nhất trong công tác trinh sát là tình hình tư tưởng phạm nhân có những diễn biến phức tạp, số phạm nhân phạm tội có mức án cao ngày càng nhiều và đặc biệt là phạm nhân chống đối được bóc tách, chuyển từ các trại khác đến nhiều dẫn đến có những phức tạp nhất định.

[caption id="attachment_146175" align="aligncenter" width="410"]Trung tá Ngô Trí Thảo – Người lặng lẽ ươm mầm thiện Trung tá Ngô Trí Thảo – Người lặng lẽ ươm mầm thiện[/caption]

Trước thực tế như vậy nhưng Trung tá Thảo vẫn vượt khó, kiên trì cảm hóa tội phạm. Điển hình như phạm nhân Nguyễn Văn Vinh (SN 1986), quê Vĩnh Hòa, TP Nha Trang (Khánh Hòa), phạm tội cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, án tù 10 năm và vào trại giam ngày 12/2/2006, thụ án tại Trại giam A2 (Bộ Công an). Do thường xuyên chống đối và bị kỷ luật nên ngày 7-5-2012 được chuyển về Trại giam số 6. Sau thời gian chống đối, phạm nhân Vinh đã được Trung tá Ngô Trí Thảo cảm hóa, giáo dục nên đã chấp hành tốt nội quy, chuyển từ loại yếu thành loại khá trong quá trình xếp loại cải tạo.

Trường hợp khác là phạm nhân Lê Hoàng Tâm (SN 1988), trú Nông Cống (Thanh Hóa), phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, thụ án 9 năm tù tại Trại giam A2. Sau thời gian chống đối được bóc tách chuyển về Trại giam số 6, phạm nhân này đã không còn đòi yêu sách và đã ngoan ngoãn chấp hành nội quy của trại giam. Ngày 26/1/2015, phạm nhân này đã viết đơn tự nguyện xin ở lại trại giam số 6 tiếp tục thi hành án.

Không chỉ cảm hóa phạm nhân ở trại, Trung Tá Ngô Trí Thảo ghi dấu ấn trong những lần bắt phạm trốn trại. Phạm nhân Hoàng Văn Thuận (SN 1964), trú xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), trốn khỏi nơi giam giữ từ năm 1991 sau khi bị kết án 8 năm tù về tội cướp tài sản. Là kẻ ma mãnh, Thuận không ở một chỗ mà di chuyển qua nhiều địa phương, sau đó chọn xã Phước An, huyện Tuy Phước (Bình Định) để ẩn náu dưới vỏ bọc là người chồng mẫn cán. Tuy nhiên, do vợ chồng không có con, Thuận sinh hư tính, thường xuyên rượu chè, cờ bạc và đánh đập vợ nên bị chính quyền nhắc nhở. Sợ bị lộ danh phận, Thuận lên Tây Nguyên đi làm thuê nhưng đã bị trinh sát Trại giam số 6 lần ra tung tích và bắt về quy án vào năm 2011.

Mới đây nhất, vào tháng 10-2015, nữ phạm nhân Nguyễn Thị Hồng Hạnh (SN 1986), trú tại Ba Đình (Hà Nội), phạm tội trộm cắp tài sản, lợi dụng sơ hở sau giờ lao động đã trốn khỏi Trại giam số 6 rồi tìm cách về Hà Nội. Ngay sau khi phát hiện ra, Đội trinh sát đã phối hợp với công an các địa phương, lần theo dấu vết nóng của nữ phạm nhân này. Tuy nhiên, với kinh nghiệm "số má" của mình, Hạnh rất ma mãnh khi tìm cách đổi xe liên tục trong suốt chặng hành trình. Khi về đến quê nhà, thị tìm cách vượt biên sang Trung Quốc để lẩn trốn nhưng đã bị trinh sát Trại giam số 6 phối hợp với Công an phường Phúc Xá bắt giữ thành công.

Trong hơn 25 năm công tác tại Trại giam số 6 và suốt 15 năm giữ cương vị đội trưởng Đội Trinh sát, Trung tá Ngô Trí Thảo đã có nhiều đóng góp, cống hiến cho đơn vị, giúp giữ vững an toàn trại giam. Bản thân anh cũng đã được đơn vị và Tổng cục VIII, Bộ trưởng Bộ Công an tặng nhiều phần thưởng cao quý. Song Trung tá Ngô Trí Thảo vẫn nói, phần thưởng cao quý nhất anh muốn nhận được, là ngày càng có nhiều phạm nhân hoàn lương, sớm cải tạo tốt để trở về sum họp với gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

“Kình ngư cứu nạn” tuổi 28

Đã nhiều năm gắn bó với nghề cứu nạn, cứu hộ (CNCH) Trung úy Võ Thành Công (Đội CNCH dưới nước, Phòng CNCH, Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh) đã cùng đồng đội lặn tìm hơn 100 thi thể nạn nhân, nhiều tang vật... giúp cho lực lượng Công an “giải mã” nhiều vụ án được các đồng đội yêu mến đặt biệt danh “kình ngư cứu nạn.”

[caption id="attachment_146176" align="aligncenter" width="410"]Trung úy Võ Thành Công – Người khi thấy nguy hiểm thì lao vào cứu người Trung úy Võ Thành Công – Người khi thấy nguy hiểm thì lao vào cứu người[/caption]

Những kí ức về nghề luôn sâu đậm trong tâm trí của vị Trung úy trẻ này. Anh kể về một vụ đã thôi thúc mình hành động: Trong một vụ án, thi thể bà Võ Thị Bảy (68 tuổi) bị hung thủ chặt xác phi tang thành 10 phần ném xuống sông Rạch Tạm (huyện Bình Chánh) vào những ngày giáp Tết 2010, Công vẫn còn ám ảnh. “Khi đó, nhận yêu cầu hỗ trợ từ cơ quan điều tra tìm tang vật vụ án, tôi và đồng đội nghĩ đó là súng, dao, kiếm chứ không ngờ là những phần thi thể nạn nhân. Đến nơi nghe kể về vụ án rùng rợn, tôi thấy có luồng điện chạy dọc sống lưng. Nhưng chứng kiến những đau đớn của gia đình nạn nhân, chúng tôi đã quên đi những sợ hãi, ám ảnh và bắt đầu trầm mình xuống dòng nước lạnh buốt. Hơn hai giờ ngụp lặn dưới dòng kênh thối, tôi giật mình khi chạm phải phần đầu nạn nhân. Có một vết thương rất lớn, có thể do búa đập, nhìn rất thương tâm. Toàn bộ phần tóc và da đầu nạn nhân đã bị hung thủ lột phi tang. Cùng thời điểm đó, đồng đội của tôi đã vớt lên bờ 8 phần thi thể nạn nhân nữa. Hình ảnh từ lần lặn tìm xác chết đó cho tới bây giờ đối với tôi vẫn luôn là nỗi ám ảnh.” – Công tâm sự.

Công việc của Công là phải đối đầu với nhiều nguy hiểm, nhiều lúc anh đứng giữa lằn ranh sống chết nhưng vẫn không hề nao núng vì anh luôn đặt nhiệm vụ cứu người là trên hết. Năm 2011, chiếc tàu biển chìm trên sông Soài Rạp, Công cùng hai đồng đội lặn tìm thi thể nạn nhân bị kẹt bên trong khoang tàu. Lúc họ làm nhiệm vụ, một chiếc tàu lớn khác gần đó đứt neo trôi dạt. Nếu bị va chạm, con tàu đắm sẽ dịch chuyển và nhóm CNCH có thể kẹt lại bên trong. Nhận báo hiệu từ các đồng đội trên bờ, hai người lặn cùng anh nhanh chóng ngoi lên, còn anh do lặn sâu bên trong nên không hay biết. Chỉ vài phút sau khi Công thò đầu lên mặt nước thì tàu va nhau. Đồng đội ai cũng mừng vì họ tưởng anh không thể thoát.

Không chỉ xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ CNCH dưới nước, mà ngay cả những sự cố trên cạn xảy ra, Công cũng luôn sát cánh cùng đồng đội có mặt tại hiện trường. Tại những hiện trường như: vụ sập công trình xây dựng nhà CR4 trên đường Tôn Dật Tiên (Phú Mỹ Hưng, quận 7); vụ nổ nhà “Phương khói lửa” gần cầu Nguyễn Văn Trỗi (quận 3) khiến 11 người thiệt mạng; vụ cứu 14 nạn nhân sập hầm tại Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Công trường quốc tế, quận 3)…người ta đều thấy bóng dáng anh cùng đồng đội nỗ lực hết mình “cứu cái còn trong cái mất”. “Khi có sự cố người ta chạy khỏi vùng nguy hiểm thì chúng tôi lại lao vào nơi đó để cứu người. Công việc thậm chí có thể đánh đổi bằng mạng sống của mình, nếu không quyết tâm và tâm huyết với nghề thì khó trụ vững”- anh chia sẻ. Nhờ sự gan dạ, dũng cảm nên Công nhiều lần được khen thương đánh giá cao và những tình cảm yêu mến mà đồng đội và lãnh đạo cấp trên dành cho anh. Thế nhưng, Công vẫn khiêm tốn nói rằng, thành tích của anh là nhờ sự giúp đỡ yêu thương của anh em đồng đội, sự tận tình chỉ bảo của các thế hệ cha anh đi trước.

Điều đặc biệt về 3 chiến sĩ công an chúng tôi nhắc đến trong bài viết này là họ đều rất khiêm tốn. Họ coi mỗi chiến công là của tập thể, coi “phần thưởng” của mình là những điều làm xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Họ xứng đáng với truyền thống tự hào của ngành công an “vì nước quên thân vì dân phục vụ”.

Minh Anh (tổng hợp)

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện về những chiến sĩ công an mưu trí, dũng cảm, vì nhân dân phục vụ" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin