Chuyên gia phân tích nguyên nhân khó xử lý hình sự pháp nhân dù có dấu hiệu tội phạm

30/11/2018 13:09

(Pháp lý) - Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) có nhiều quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, được coi là những quy định tiến bộ, phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, đến nay chưa có một pháp nhân cụ thể bị truy trách nhiệm hình sự, mặc dầu trên dư luận đã có thực tế về pháp nhân có dấu hiệu phạm tội. Bài viết sau, Phóng viên Pháp lý sẽ cùng các Luật sư phân tích làm rõ nguyên nhân và đưa ra các đề xuất kiến nghị.

Pháp nhân có dấu hiệu của tội phạm không hiếm trên thực tế

Theo tài liệu báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh điều tra, Nguyễn Kim có trên 5.000 lao động. Bảng lương của những cán bộ cốt cán ở Nguyễn Kim thể hiện mức thu nhập hàng tháng như sau: Phó Tổng Giám đốc 200 – 400 triệu đồng, Giám đốc Trung tâm cấp 1 từ 45 – 55 triệu đồng, Phó Giám đốc 40 triệu đồng, Trưởng phòng trực tiếp 16 triệu đồng, gián tiếp 18,5 triệu đồng, chuyên viên chuyên trách 10 triệu đồng. Tuy tiền lương người lao động có thu nhập cao, nhưng Nguyễn Kim lại không trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo quy định để nộp vào ngân sách, mặc dù toàn bộ người lao động đã ủy quyền quyết toán thuế TNCN hàng năm cho Nguyễn Kim. Ở đây, Nguyễn Kim chỉ lấy lương cơ bản làm cơ sở tính thuế với người lao động. Số tiền còn lại bao nhiêu, Nguyễn Kim đưa vào tiền tăng ca để không phải nộp thuế TNCN.

 Có nhiều quan điểm khác nhau về hành vi “né” thuế của Nguyễn Kim (ảnh minh họa)
Có nhiều quan điểm khác nhau về hành vi “né” thuế của Nguyễn Kim (ảnh minh họa))

Không chỉ tiền lương, tiền thưởng của người lao động, Nguyễn Kim cũng tính thành tiền ngoài giờ. Trung bình mỗi năm, người lao động như Giám đốc được thưởng 10 tháng lương, Trưởng phòng 9 tháng, chuyên viên 4 tháng... Tuy nhiên, số tiền này Nguyễn Kim tính hết vào lương ngoài giờ để “né” không nộp thuế TNCN. Với những vi phạm nghiêm trọng trên, Nguyễn Kim bị Cục thuế TP.HCM truy thu và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền lên đến hơn 148 tỉ đồng (giai đoạn từ năm 2012 đến cuối năm 2017). Cụ thể, Nguyễn Kim bị truy thu thuế TNCN 104 tỉ đồng, bị phạt vi phạm hành chính về thuế hơn 19,4 tỉ đồng; số tiền chậm nộp thuế TNCN hơn 24,1 tỉ đồng.

Khi sự việc của Nguyễn Kim phác lộ, nhiều ý kiến cho rằng Nguyễn Kim trốn thuế. Trao đổi với chúng tôi, một Luật sư của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, trong các quy định pháp luật về thuế hiện thời thì không phân định rõ các hành vi né, lách thuế và trốn thuế. Tức là các hành vi dù gọi tên là thế nào thì cũng là hành vi trốn thuế, nó tùy thuộc vào đánh giá của các cơ quan quản lý.

Trước đó, nếu Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 không bị hoãn hiệu lực thi hành vì những sai sót thì vụ việc của Khải Silk liên quan đến việc nhập lụa của Trung Quốc và gắn mác của Việt Nam cũng là một vụ việc “tiêu biểu” cho dấu hiệu phạm tội của pháp nhân thương mại. Vụ Khải Silk đã chuyển cơ quan điều tra nhưng chưa có hồi âm. Có nhiều ý kiến cho rằng, có dấu hiệu của tội buôn bán hàng giả.

Khi vụ án về đường đây đánh bạc ngàn tỉ phác lộ, có quan điểm cho rằng các nhà mạng có thể là đồng phạm. Điều tra bước đầu xác định, tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là 9.583,2 tỷ đồng, trong đó, tiền từ thẻ viễn thông và thẻ game là 9.296 tỷ đồng. Trong số này, cơ quan điều tra ước tính doanh nghiệp viễn thông hưởng lợi khoảng 1.402 tỷ đồng (tương đương 16% tổng giá trị thẻ viễn thông); doanh nghiệp trung gian thanh toán hưởng lợi khoảng 258,4 tỷ đồng...

Trao đổi với báo chí khi đó, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật – Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á cho biết: Để nạp tiền chơi bạc thông qua qua nhà mạng, người chơi có hai phương thức nạp là mua thẻ cào điện thoại và nhắn tin SMS theo cú pháp định sẵn. Sau khi người dùng nạp tiền thì hệ thống thiết bị của nhà mạng sẽ gửi cho hệ thống thiết bị của công ty trung gian một bộ mã để họ nhận biết và nạp tiền cho khách. Khi nhận được bộ mã từ nhà mạng, công ty trung gian xử lý thông tin và nạp tiền cho khách tương ứng với số tiền họ đã nạp. Công ty trung gian có thể trực tiếp xử lý nạp tiền cho khách hoặc chuyển tiếp bộ mã đó cho website đánh bạc. Theo cách trên thì nhà mạng không trực tiếp hoặc có thể không biết người dùng nạp tiền để làm gì nhưng công ty trung gian biết và có các thuật toán nạp theo yêu cầu của khách. Tuy nhiên, cần chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng trong việc xác định thoả thuận/hợp đồng giữa các nhà mạng với công ty trung gian thanh toán.

Nếu có thoả thuận giao toàn bộ cho công ty trung gian nhưng các nhà mạng vẫn đối soát, kiểm soát để có căn cứ thanh toán, gia hạn hợp đồng thì các nhà mạng phải có trách nhiệm liên đới trong đường dây tổ chức đánh bạc mà Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương cầm đầu. Vì khi đó, nhà mạng biết công ty trung gian đang sử dụng dịch vụ của họ cho mục đích phi pháp. Khoản tiền nhà mạng thu được có thể coi là thu lợi bất chính từ hoạt động phi pháp. “Các nhà mạng có thể là đồng phạm về tội: Tổ chức đánh bạc, Gá bạc, quy định tại Điều 322 BLHS, hoặc là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”, Luật sư Thuật phân tích và nêu quan điểm.

 Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật trao đổi với PV Pháp lý
Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật trao đổi với PV Pháp lý)

Cũng theo Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, giả sử nhà mạng biết được hành vi nguy hiểm cho xã hội của công ty trung gian và đối tượng tổ chức đánh bạc, nhưng họ không kịp thời xử lý ngăn chặn hay chấm dứt cung cấp dịch vụ thì đây chính là căn cứ chứng minh dấu hiệu lỗi cố ý của nhà mạng. Trong trường hợp này, nhà mạng đã biết, chấp nhận, tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật để kiếm lợi; hay nói cách khác, đây sẽ là căn cứ để xác định trách nhiệm pháp lý của nhà mạng và xử lý số tiền thu lợi bất chính.

Quy định pháp luật về trách nhiệm hình sự của pháp nhân

Theo quy định tại Điều 75 BLHS năm 2015 thì pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại, vì lợi ích của pháp nhân thương mại, có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS.

Theo quy định tại Điều 76 BLHS năm 2015 thì pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm quy định tại các điều: Điều 188 (Tội buôn lậu); Điều 189 (Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 200 (Tội trốn thuế); Điều 203 (Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước); Điều 209 (Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (Tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (Tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản); Điều 234 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã).

Trước khi BLHS năm 2015 chưa được sửa đổi, bổ sung thì chỉ có 31 tội danh mà pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung thì ngoài 31 tội danh đã được quy định trong BLHS thì Quốc hội đã bổ sung thêm 2 tội, đó là Tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và Tội rửa tiền (Điều 324). Như vậy, tổng số tội danh mà pháp nhân thương mại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự là 33 tội.

Luật cần quy định cụ thể và rõ ràng hơn… mới xử lý trách nhiệm hình sự pháp nhân được

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) đánh giá: Các quy định về xử lý hình sự với pháp nhân thương mại khá đầy đủ, nhưng thực tế áp dụng thì còn lúng túng. Hầu hết các vụ việc được phản ánh qua báo chí là khá nghiêm trọng nhưng cơ quan bảo vệ pháp luật lại chưa xử lý hình sự một vụ việc nào cụ thể, có thể do trong quá trình chuyển cơ quan điều tra thì nhận định, đánh giá khác nhau.

Thông qua thực tế các vụ việc được phản ánh, tôi thấy rằng để xử lý hình sự một pháp nhân thương mại thì cần sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành như thuế, quản lý thị trường, thanh tra, bảo hiểm xã hội với cơ quan điều tra. Sự liên kết và trách nhiệm của các cơ quan này có ý nghĩa quan trọng trong việc xử lý hình sự một pháp nhân thương mại cụ thể. Luật sư này cũng cho rằng, cần có một thông tư liên ngành hướng dẫn sự hợp tác giữa Thuế, Quản lý thị trường, Bảo hiểm xã hội, Thanh tra… với cơ quan điều tra, để tạo ra sự liên kết cũng như quy định về trách nhiệm của các cơ quan khi xử lý pháp nhân thương mại.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề chưa có pháp nhân thương mại nào bị xử lý trách nhiệm hình sự đến thời điểm hiện nay, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật cho rằng: BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017) được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018, thời gian áp dụng chưa nhiều nên tính đến nay chưa có vụ án nào truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại.

Với riêng quan điểm về đồng phạm là pháp nhân thương mại, Luật sư Thuật cho biết thêm: Nghiên cứu toàn văn Bộ luật, tôi thấy rằng, BLHS năm 2015 “thừa nhận” giữa các pháp nhân thương mại có thể là đồng phạm với nhau trong quá trình thực hiện tội phạm, nhưng luật vẫn hơi “lấn cấn” và chưa đặt ra quy định cụ thể để điều chỉnh về vấn đề này.

Luật sư Phạm Hoài Nam trao đổi với PV Pháp lý
Luật sư Phạm Hoài Nam trao đổi với PV Pháp lý)

Điều 8 BLHS (Khái niệm tội phạm) có quy định “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý..”. Như vậy, có hai chủ thể chính thực hiện hành vi phạm tội gồm “người có năng lực trách nhiệm hình sự” và “pháp nhân thương mại”.

Tuy nhiên, Điều 17 BLHS năm 2015 có quy định về đồng phạm lại chỉ quy định như sau: “1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. 2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. 3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm…”. Như vậy, rõ ràng là không có quy định liên quan pháp nhân thương mại mà chỉ có đề cập đến việc “hai người” trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm hoặc có sự câu kết chặt chẽ giữa “những người” cùng thực hiện tội phạm.

Thực tế thì, ngoài quy định pháp nhân theo Bộ luật Dân sự thì về mặt xã hội, pháp nhân thương mại cũng chỉ là tổ chức do con người cụ thể điều hành hoạt động. Vậy liệu có đồng phạm xảy ra giữa người với pháp nhân thương mại hoặc pháp nhân với pháp nhân thương mại không ? Thực tiễn xã hội trong thời gian qua cho thấy có sự đồng phạm này, ví như pháp nhân thương mại thực hiện tội phạm với vai trò tổ chức, xúi giục, giúp sức.

Sở dĩ chúng tôi nói BLHS “lấn cấn” bởi Điều 17 không quy định đồng phạm đối với pháp nhân thương mại, nhưng điểm a khoản 1 Điều 85 BLHS quy định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại có ghi nhận “Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội”. Vậy sự “câu kết” có phải đồng phạm không ? Nếu không coi là đồng phạm theo Điều 17 thì căn cứ đâu để xác định trách nhiệm pháp lý khi pháp nhân có hành vi tổ chức, xúi giục, giúp sức tội phạm ? Từ phân tích trên, chúng tôi cho rằng cần phải quy định làm rõ việc đồng phạm của pháp nhân thương mại theo Điều 17 BLHS. Nếu không quy định rõ sẽ thiếu căn cứ xử lý trách nhiệm pháp lý của pháp nhân thương mại.

Phan Tĩnh

Bạn đang đọc bài viết "Chuyên gia phân tích nguyên nhân khó xử lý hình sự pháp nhân dù có dấu hiệu tội phạm" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin