Chung tay hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế xin cho (bài 2): Xin tiền và xin quyền- Hậu họa không kể hết

27/05/2016 07:40

(Pháp lý) - Theo nhận định của Thanh tra Chính phủ, cơ chế xin-cho còn là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, mua sắm công, tổ chức cán bộ, quản lý doanh nghiệp nhà nước...

>> Bài 1: Ở ta xin từ hạt gạo đến dự án: Lý do to hơn… mục đích

Về lịch sử, có nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế xin-cho có nguồn từ thời kì bao cấp. Lý do nó tồn tại là do một hoàn cảnh lịch sử bắt buộc...

Xã hội ta đã có nhiều năm mở cửa nhưng cơ chế này vẫn bám rễ trong nhiều hoạt động của đời sống xã hội và là nguyên nhân của không ít tiêu cực, thậm chí ở trong những hoạt động then chốt nhất. Có thể lấy ví dụ về việc chi tiêu tiền ngân sách nhà nước (thông thường từ 22-23% GDP của đất nước, tiền của dân và tiền vay của nước ngoài) do Nhà nước được quyền quyết định chi tiêu.. Đây là một khối lượng tiền rất lớn. Việc chi tiêu này dựa vào Quy trình phân bổ ngân sách, tùy theo tình hình mà cơ quan hoạch định chính sách sẽ quyết định dự toán cho Bộ, Tỉnh thành và các cơ quan khác nhau chi tiêu thế nào. Việc đó phụ thuộc vào thực tế và đề xuất, quy trình này có kẽ hở dẫn đến việc cấp dưới phải lệ thuộc vào cấp trên và dẫn đến tình trạng phải chạy chọt, xin cho và lụy thuộc.

Vấn nạn xin cho rất đa dạng, đa hình trong xã hội ta. Ở ta còn có chuyện xin cho quyền. Một số trong những quyền quan trọng nhất là: quyền tiếp cận tín dụng, quyền tiếp cận các dịch vụ xã hội, quyền tiếp cận thị trường và quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên (trong đó có đất đai). Rủi ro lớn nhất ở đây là không dễ thiết kế các tiêu chí để xác định ai được, ai không được và xác thực ai đáng được ai không. Tiêu cực vì vậy rất dễ xảy ra.

[caption id="attachment_141260" align="aligncenter" width="410"]Cơ chế xin cho làm nảy sinh tình trạng cán bộ nhũng nhiễu để tham nhũng  ( ảnh minh hoạ) Cơ chế xin cho làm nảy sinh tình trạng cán bộ nhũng nhiễu để tham nhũng
( ảnh minh hoạ)[/caption]

Cơ chế xin cho còn tạo ra cơ chế để người ta lẩn tránh trách nhiệm. Thông thường để đề xuất, đề nghị, ở ta còn hình thành cơ chế tập thể đề xuất kiến nghị để đi xin. Để được sự đồng tình lại do một tập thể khác nữa đồng ý. Khi có vấn đề như đề xuất ngược, đề xuất vi phạm pháp luật, đề xuất gây lãng phí… người ta dễ mạo danh tập thể vi phạm, tập thể đưa đề xuất gây lãng phí để lẩn tránh trách nhiệm khi xin cho.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam cũng là người trăn trở nhiều về cơ chế xin cho. Dưới góc nhìn của một người kinh nghiệm, ông đã đứng trên núi nợ công của đất nước để nhìn lại cơ chế xin cho. Ông cho rằng bề ngoài, Việt Nam thâm hụt ngân sách, nhiều nước khác (kể cả Mỹ) cũng thâm hụt ngân sách. Ở đâu cũng vậy, thâm hụt ngân sách sinh ra nợ công. Nhưng về thực chất, thâm hụt ngân sách, nợ công ở nước ta và ở các nước có khác nhau. Ở Việt Nam chúng ta chi cho ngân sách thường xuyên nhiều hơn ngân sách cho đầu tư phát triển. Ông lập luận rồi đi đến khẳng định, chúng ta ăn tiêu cao hơn mức đáng "ăn" và đầu tư cho tương lai ít hơn mức cần đầu tư để tạo tăng trưởng. Điều đó cũng có nghĩa là việc hoạch định chung đang cho nhiều hơn mức chúng ta có. Điều đó sinh ra núi nợ công của nước nhà.

Bàn về hệ lụy của cơ chế này, tiến sĩ Nam chia sẻ thêm: Việt Nam chưa thực sự có tự do và cởi trói cho kinh doanh. Thực tế thì không phải chỉ có các doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề có điều kiện (còn nhiều ngành nghề như thế) mới có nhiều phép tắc, thủ tục phải xin (và được cho), mà cả các doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề không có điều kiện cũng không hoàn toàn tự do. Điều đó có nghĩa là cơ chế xin cho bóp nghẹt sự phát triển chính đáng. “Một nền kinh tế không thể phát triển mạnh và bền vững với sự thiếu tự tin và cảm giác cô đơn của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nội địa trong ma trận quản lý hiện tại là thực trạng của chúng ta hiện nay” ông chia sẻ.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam cho rằng, việc duy trì cơ chế "xin - cho" sẽ đẩy bài toán tăng thu ngân sách, giảm rủi ro nợ công của nước ta vào ngõ cụt, đẩy sự tăng trưởng kinh tế vào bế tắc. Nếu nói xa hơn nữa, nó đưa nước ta đến lệ thuộc kinh tế. Thậm chí, thành nô lệ về kinh tế. Tệ hại hơn, có thể nô lệ không chỉ về kinh tế.

Ở Việt Nam, ta xin cho nhiều, rất dễ để thấy những hệ lụy. Có thể ví dụ thêm về việc xin cho quyền bổ sung nhân sự cấp phó chẳng hạn. Cơ chế xin - cho chức vụ đã làm bức xúc cho nhân dân và từng được đặt lên bàn nghị sự của các ĐBQH. Thiếu tướng Trần Đình Nhã - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng: Hiện nay có hiện tượng có quá nhiều cấp phó. Có khoảng 139.000 cấp trưởng, còn cấp phó hơn con số đó rất nhiều. Khi người ta xin cấp phó bao giờ người ta cũng đưa ra lý do hợp lý như đang quản lý nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hay chế độ vùng miền. Thế kỷ 21 rồi mà sao bây giờ phải có cấp phó miền Bắc, rồi phải có cấp phó miền Trung, rồi cấp phó của miền Nam… Tại sao lại phải như thế? Đó chỉ là ban phát chức vụ, xin cho.

Trong cơ quan nhà nước, cấp trưởng phải chịu trách nhiệm. Còn cấp phó chỉ là người giúp cấp trưởng thực hiện một nhiệm vụ nào đó hay thay thế cấp Trưởng khi cấp trưởng vắng mặt. Ngoài việc đi kèm với cấp phó là chức vụ, còn phải có phụ cấp chức vụ và những chế độ chính sách khác, nhưng những cái đó không phải san sẻ từ cấp trưởng mà do ngân sách nhà nước cấp. Đã tốn kém lại càng tốn kém. Ngân sách nhà nước oằn vai gánh vác, cơ quan nhà nước xin đi vay thêm… nợ nghiễm nhiên đổ lên đầu người dân.

Cơ chế xin - cho tạo điều kiện cho đặc quyền đặc lợi, tham nhũng lên ngôi, rồi nó hành dân cho mỏi mệt, hành doanh nghiệp cho ngấp ngoải… trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hệ lụy của nó với hiện thực và tương lai của đất nước là rất lớn.

(Đón đọc tiếp các bài liên quan trên số TCPL kỳ phát hành tháng 6/2016)

Minh Hải (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Chung tay hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế xin cho (bài 2): Xin tiền và xin quyền- Hậu họa không kể hết" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin