Các trường hợp ký hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập
Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực từ ngày 22/2/2023.
Nghị định nêu rõ các công việc thực hiện hợp đồng bao gồm:
1- Các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật lao động, pháp luật dân sự và quy định của pháp luật khác có liên quan, gồm:
- Lái xe, bảo vệ, trừ trường hợp quy định tại mục 2 ở dưới;
- Lễ tân, phục vụ; tạp vụ; trông giữ phương tiện; bảo trì, bảo dưỡng, vận hành trụ sở, trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Công việc hỗ trợ, phục vụ khác thuộc danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập không được xác định là công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.
2- Các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách như công chức, gồm:
- Bảo vệ ở các cơ quan, đơn vị: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; Kho tiền hoặc Kho hồ sơ ấn chỉ có giá trị như tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Kho ấn chỉ thuế, Kho ấn chỉ hải quan;
- Lái xe phục vụ Bộ trưởng hoặc chức vụ, chức danh tương đương Bộ trưởng trở lên; lái xe chuyên dùng chuyên chở tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước;
- Người làm công việc hỗ trợ, phục vụ khác tại cơ quan trọng yếu, cơ mật ở Trung ương theo quyết định của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý.
3- Các công việc chuyên môn, nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Mức điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH năm 2023
Thông tư 01/2023 của Bộ LĐ-TB&XH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH (hay còn gọi là hệ số trượt giá BHXH) có hiệu lực từ ngày 20/2/2023.
Thông tư 01/2023 quy định việc điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng BHXH đối với người lao động (NLĐ) thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 trở đi, hưởng BHXH một lần hoặc chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong năm 2023; NLĐ đóng BHXH thuộc khu vực tư nhân, hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần hoặc chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong năm 2023.
Cụ thể, tiền lương tháng đã đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm sẽ bằng tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm nhân với mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng. Trong đó, mức điều chỉnh cho những năm đóng BHXH trước năm 1995 là 5,26; năm 1995 là 4,46; các năm tiếp theo từ 4,42 (năm 1996) xuống còn 1,00 (năm 2022).
Theo mức điều chỉnh nêu trên, một người đóng BHXH đủ điều kiện hưởng lương hưu vào năm 2023, mức hưởng lương hưu hằng tháng của người này sẽ phụ thuộc vào tỉ lệ hưởng lương hưu và mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Khi đó, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH sẽ chính là tổng số tiền lương tháng đã đóng BHXH sau khi điều chỉnh chia cho tổng số tháng đã đóng BHXH.
Tương tự những người đóng BHXH bắt buộc, với những người đóng BHXH tự nguyện thì thu nhập đã tính đóng BHXH cũng sẽ được điều chỉnh để bù trượt giá.
Thông tư 01/2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 20/2/2023, tuy nhiên các quy định nêu trên sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2023.
Người lao động nếu không may mắc ung thư có thể lãnh BHXH 1 lần ngay sau khi nghỉ việc không chờ 01 năm như quy định trước đây. (Ảnh minh họa)
Quy định mới về thời gian nghỉ việc hưởng BHXH
Thông tư 18/2022 của Bộ Y tế (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 56/2017 quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế) sẽ có hiệu lực từ ngày 15/2/2023. Nhiều quy định quan trọng về việc hưởng BHXH của NLĐ đã được sửa đổi.
Cụ thể, việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH phải được thực hiện trên nguyên tắc một lần khám chỉ được cấp một giấy. Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đã được cấp, người bệnh phải tái khám để người hành nghề y xem xét quyết định.
Trường hợp NLĐ trong cùng một thời gian được hai chuyên khoa trở lên của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau khám và cùng được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thì chỉ được hưởng một trong những giấy chứng nhận có thời gian nghỉ dài nhất.
Trường hợp NLĐ khám nhiều chuyên khoa trong cùng một ngày tại cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với nhiều bệnh khác nhau thì chỉ cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và được giải quyết hưởng chế độ BHXH đối với bệnh có chế độ cao nhất.
Thông tư 18/2022 của Bộ Y tế thêm quy định NLĐ có thể sử dụng phiếu khám bệnh, phiếu kết quả cận lâm sàng, đơn thuốc để chứng minh việc gặp vấn đề về sức khỏe, cần được giám định để làm thủ tục hưởng chế độ hưu trí, chế độ tử tuất, nhận BHXH một lần.
Mức chi thực hiện biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường
Thông tư số 82/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2023..
Theo Thông tư, NSNN chi xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy cho các đối tượng theo quy định của Luật Phòng chống ma túy, khoản 1 Điều 18 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế: Mức chi xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể căn cứ vào hóa đơn chứng từ chi tiêu hợp pháp và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mức chi xét nghiệm tình trạng nghiện ma túy theo giá dịch vụ y tế do cấp có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở công lập đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chi chuyển giao đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở bảo trợ xã hội gồm: Chi hỗ trợ cho đối tượng trong thời gian đi đường: Tiền ăn 70.000 đồng/ngày/người, tối đa không quá 03 ngày; tiền thuê phòng nghỉ (nếu có) theo mức quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.
Chi tiền tàu xe hoặc thuê phương tiện vận chuyển đưa đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở bảo trợ xã hội: Mức chi theo giá phương tiện công cộng phổ thông áp dụng tại địa phương.
Chi công tác phí cho người được giao nhiệm vụ chuyển giao đối tượng: Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.
Chi chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ học văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề, hỗ trợ tìm việc làm của người chưa thành niên tại cơ sở bảo trợ xã hội: Áp dụng nội dung và mức chi của đối tượng bảo trợ xã hội được nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định của địa phương.
Giảm 50% lệ phí khi đăng ký thường trú qua Cổng dịch vụ công trực tuyến
Công dân đăng ký cư trú qua Cổng dịch vụ công trực tuyến được giảm 50% lệ phí
Thông tư số 75/2022 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú có hiệu lực từ ngày 5/2/2023.
Thông tư nêu rõ, công dân Việt Nam khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú (đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, tách hộ) với cơ quan đăng ký cư trú theo quy định pháp luật cư trú thì phải nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư này.
Mức lệ phí nộp hồ sơ trực tiếp như sau:
Đăng ký thường trú là 20.000 đồng/lần đăng ký; Đăng ký tạm trú, gia han tạm trú là 15.000 đồng/lần; Đăng ký tạm trú theo danh sách, gia hạn tạm trú theo danh sách 10.000 đồng/lần; Tách hộ 10.000 đồng/lần.
Tuy nhiên, công dân sẽ được giảm 50% mức lệ phí trên khi đăng ký thường trú qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Tiêu chuẩn giám định viên tư pháp lĩnh vực nông nghiệp
Tại Thông tư Thông tư 20/2022/TT-BNNPTNT quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn có hiệu lực từ ngày 20/2/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy định rõ tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp lĩnh vực này.
Theo đó, công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam được lựa chọn, xem xét bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn phải có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 7 Luật Giám định tư pháp năm 2012, bao gồm:
1- Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt, không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp năm 2012.
2- Có trình độ đại học trở lên do cơ sở giáo dục của Việt Nam đào tạo theo quy định của pháp luật hoặc do cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo và được công nhận để sử dụng tại Việt Nam.
3- Có thời gian hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 5 năm trở lên tính từ ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức hoặc ký hợp đồng lao động, phù hợp với lĩnh vực giám định tư pháp mà người đó được bổ nhiệm.
Quy định các trường hợp Thẩm phán không được phân công giải quyết án
Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư 01/2022/TT-TANDTC quy định việc phân công Thẩm phán giải quyết, xét xử vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Theo Thông tư quy định, tại thời điểm phân công giải quyết án, Thẩm phán thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ không được phân công giải quyết án:
1. Thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc thay đổi theo quy định của pháp luật tố tụng đối với vụ việc đó.
2. Đang trong thời gian được cử đi biệt phái, công tác, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn có thời hạn từ 01 tháng liên tục trở lên.
3. Đang trong thời gian nghỉ phép, nghỉ chế độ thai sản, nghỉ điều trị bệnh hoặc vì lý do sức khỏe khác mà không thể thực hiện nhiệm vụ.
4. Đang trong thời gian bị kỷ luật, chờ xem xét kỷ luật hoặc thuộc trường hợp bị tạm dừng phân công giải quyết án theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
5. Trường hợp khác mà Thẩm phán không thể thực hiện được nhiệm vụ giải quyết, xét xử vụ việc.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2023
Quy định mới về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài
Thông tư 20/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân có hiệu lực từ ngày 15/2/2023.
Thông tư quy định, các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để phục vụ mục đích tài trợ, viện trợ của tổ chức bao gồm:
a) Mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ theo các cam kết, thỏa thuận giữa Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương với nước ngoài. Nguồn tài trợ, viện trợ là các khoản kinh phí từ ngân sách hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ;
b) Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh. Nguồn tài trợ, viện trợ là nguồn tiền đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân trong nước và/hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ;
c) Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ cho các chương trình, các quỹ, dự án do tổ chức trong nước và/hoặc tổ chức ở nước ngoài thành lập nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển trong các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục (tài trợ học bổng), y tế. Nguồn tài trợ là nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ các trường hợp mua, chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của tổ chức để phục vụ mục đích khác.
Ảnh minh họa
Hướng dẫn sử dụng kinh phí hoạt động xúc tiến đầu tư
Thông tư số 80/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về định mức sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động xúc tiến đầu tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/02/2023.
Theo Thông tư, nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến đầu tư gồm: Nguồn chi thường xuyên của ngân sách trung ương để thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư quốc gia, hoạt động xúc tiến đầu tư của các Bộ, cơ quan ở trung ương; nguồn chi thường xuyên của ngân sách địa phương để thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư của địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước; đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp tham gia; tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Thông tư quy định cụ thể chi cho công tác nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; chi tổ chức đoàn khảo sát, nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài.
Tiêu chí xác định linh kiện được miễn thuế nhập khẩu sản xuất sản phẩm CNTT
Có hiệu lực từ ngày 15/2/2023, Thông tư 25/2022/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc xác định nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT), nội dung số, phần mềm.
Thông tư quy định, nguyên liệu, vật tư, linh kiện được miễn thuế nhập khẩu cho hoạt động sản xuất sản phẩm CNTT, nội dung số, phần mềm đáp ứng các tiêu chí sau đây:
a- Là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử quy định tại Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 08/4/2013 ban hành danh mục sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử và Thông tư số 20/2021/TT-BTTTT ngày 03/12/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 08/4/2013 ban hành danh mục sản phẩm phần mềm và phần cứng, điện tử; hoặc thuộc danh mục sản phẩm nội dung số theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Căn cứ vào tình hình phát triển và chính sách quản lý trong từng thời kỳ, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cập nhật, điều chỉnh các danh mục cho phù hợp;
b- Không thuộc Danh mục máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện ngành viễn thông - CNTT, nội dung số, phần mềm trong nước đã sản xuất được tại phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư số 05/2021/TT-BKHĐT ngày 17/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành các danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được.