(Pháp lý) - Nhìn vào hệ thống văn bản luật pháp về môi trường, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam không thiếu những quy định pháp luật quản lý môi trường. Nhưng vì sao thời gian qua lại có chuyện nhiều “con voi” lọt qua “lỗ kim”, gây hậu quả môi trường nghiêm trọng đến vậy ??? Sau vụ Formosa, có lẽ sẽ có nhiều cuộc họp để kiểm điểm, rút kinh nghiệm, làm rõ…ở các Bộ, Ban, Ngành địa phương. Song một việc cần làm ngay là các cơ quan chức năng cần cấp thiết “vá” những lỗ hổng cơ chế, lỗ hổng pháp luật để bảo vệ môi trường.
>> Bài 1: Vi phạm về môi trường: “Muôn hình vạn trạng”
>> Bài 2: Cơ chế quản lý đầu tư gắn với bảo vệ môi trường: Thực tế và bài học
Vi phạm về môi trường vẫn được pháp luật “nương tay”
Gần đây trên báo phổ biến những tin tức như “phạt công ty đổ chất thải 8 triệu đồng”, “Phạt công ty sản xuất giấy 14 triệu đồng do làm ô nhiễm môi trường”... Đọc tin xong, nhiều người bị ức chế bởi vi phạm thì lớn nhưng xử phạt thì nhẹ.
Một số chuyên gia giảng dạy ở Đại học Luật Hà Nội khi trao đổi với Phóng viên Pháp lý đã thốt lên “xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường đã có nhiều cải thiện nhưng còn quá nhẹ”. Hiện nay, phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, cá nhân hay tổ chức vi phạm còn bị xử phạt bổ sung hoặc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
[caption id="attachment_147023" align="aligncenter" width="410"] Luật sư Nguyễn An là người trăn trở nhiều với pháp luật vì cộng đồng và phát triển bền vững.[/caption]
Trong quá trình xử phạt thường xuyên có hiện tượng, chính quyền địa phương can thiệp để doanh nghiệp xử mức phạt nhẹ. Với hình thức xử phạt bổ sung, chỉ sau yêu cầu ngừng hoạt động để khắc phục sự cố thì doanh nghiệp nhanh chóng được cho phép hoạt động trở lại. Nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà theo luật thì phải đình chỉ hoạt động hoặc di dời, thế nhưng cơ quan chức năng lại không kiên quyết xử lý, nhiều lần gia hạn thời hạn di dời… Lý do của những “khác lạ” trên là các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường là nguồn thu nhập chính của địa phương, họ chấp nhận ô nhiễm môi trường để đánh đổi lấy GDP.
Đến nay, BLHS sửa đổi 2015 vẫn chưa có hiệu lực. Hành vi vi phạm nghiêm trọng về môi trường của pháp nhân vẫn chưa bị xử lý hình sự. Chế tài xử phạt hành chính cũng có những ưu điểm nhất định, nó đánh vào kinh tế - yếu tố mà pháp nhân vi phạm về môi trường thường quan tâm nhất. Vi phạm bị xử lý hành chính ở mức thấp khiến doanh nghiệp có thể đánh đổi “bị phạt thay vì phải bỏ ra hàng chục tỉ đồng để đầu tư thiết bị, công nghệ xử lý môi trường”. Mức xử phạt hành chính quá nhẹ và thái độ làm việc thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng sở tại đã dung dưỡng cho các doanh nghiệp tha hồ “giết” môi trường Việt Nam.
Nhiều chuyên gia kiến nghị, cần phải sửa đổi các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường theo hướng nâng cao nhiều hơn mức phạt tiền, mở rộng các trường hợp áp dụng hình thức xử phạt bổ sung.
Siết lại các quy định về ĐMC và ĐTM để truy được trách nhiệm cá nhân
Đó là ý kiến của luật sư Nguyễn An (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội). Luật sư An phân tích: Nhìn từ những vụ việc về môi trường nổi cộm gần đây, tôi cho rằng cần có những thay đổi trong đánh giá môi trường khi thực hiện các dự án. Hiện ở ta có sự phân định khá rạch ròi trong việc dự án kiểu nào thì phải làm đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
ĐMC là việc phân tích và dự báo các tác động tiềm tàng của dự án chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trước khi phê duyệt nhằm đảm bảo phát triển bền vững (Luật BVMT 2014, Chương I, điều 3). Danh mục các dự án phải làm ĐMC hiện được quy định tại phụ lục I của nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ. ĐTM là việc phân tích, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó (Luật BVMT 2014, Chương I, điều 3). Danh mục các dự án phải làm ĐTM hiện được quy định tại phụ lục II của nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo LS. An, việc quy định ĐMC, ĐTM như hiện nay có thể dẫn đến nhiều vấn đề và hệ lụy. Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam coi ĐMC, ĐTM là nghĩa vụ. Bởi vậy mới có tình trạng họ làm cho có để hợp thức hóa dự án đầu tư. Có không ít doanh nghiệp kêu các thủ tục trên là gánh nặng dẫn đến phải xin xỏ, chạy chọt.
[caption id="attachment_147024" align="aligncenter" width="410"] Luật gia Dương Đình Khuyến từng trợ giúp pháp lý cho người dân ở Thanh Hóa trong vụ đòi bồi thường do công ty Nicotex gây ra[/caption]
Không dừng lại ở đó, khi có sự cố xảy ra khó quy được trách nhiệm cụ thể vì đơn vị thẩm định, phê duyệt và cơ quan giám sát tách rời nhau nên dễ đổ trách nhiệm cho nhau. Cụ thể, người thẩm định, phê duyệt thì cho rằng họ làm ở giai đoạn trước thực hiện dự án nên ĐTM chỉ là bản kế hoạch, sơ sài... Sau đó cơ quan giám sát lại cho rằng, do thiếu năng lực chuyên môn trong thẩm định nên thẩm định, phê duyệt có vấn đề từ đó đi vào hoạt động phải điều chỉnh.
Theo Luật sư Nguyễn An, hiện nay có hiện tượng nhiều dự án lớn nhưng chỉ phải làm ĐTM, điều đó là không ổn. Bởi lẽ, nhìn từ sự cố của Formasa (Formosa thuộc diện dự án chỉ phải thực hiện ĐTM trước khi được phê duyệt) thì thấy tác động và ảnh hưởng trên diện rộng lớn. Luật sư này kiến nghị, để có thể giúp người có trách nhiệm cấp cao đưa ra những quyết định ở tầm chiến lược, Việt Nam cần phải sửa đổi hệ thống pháp luật để áp dụng cả ĐMC và ĐTM cho các dự án, cụm dự án có tiềm năng tác động môi trường, xã hội lớn.
Một vấn đề còn tồn tại khi thực hiện làm ĐTM và ĐMC ở Việt Nam là việc tham vấn cộng đồng, lâu nay ở Việt Nam chủ yếu làm cho có. Chính quyền các cấp và cộng đồng địa phương nếu không được tham vấn một cách đàng hoàng thì sẽ không thể phản hồi có ý nghĩa về tác động môi trường. Chính vì vậy hướng dẫn dưới luật cần quy định cụ thể về vấn đề này theo hướng siết lại các hoạt động lấy ý kiến cộng đồng.
Quan trọng hơn, sau khi phê duyệt ĐTM thì cần coi trọng khâu giám sát. Giám sát ĐTM phải theo nhiều giai đoạn khác nhau nhưng phải đi theo cả chu trình của dự án. Cũng cần quy định, thu hẹp những điều được thay đổi trong ĐTM.
Và đặc biệt sau hàng loạt sự cố môi trường xảy ra thời gian qua, vấn đề mà người dân quan tâm là phải cá thể hóa được trách nhiệm cá nhân, phải có cơ chế quy trách nhiệm cá nhân những cán bộ, quan chức chịu trách nhiệm thẩm định phê duyệt giám sát ĐTM.
“Sửa những quy định làm khó dân”
Đó là ý kiến của ông Dương Đình Khuyến (Phó Tổng thư kí, Trưởng Ban tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, HLGVN). Những năm vừa qua, nhiều sự kiện ô nhiễm môi trường nghiêm trọng diễn ra, nhiều công ty, tổ chức có trách nhiệm đã phải đứng ra bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra.
Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường thuộc nhóm bồi thường thiệt hại ngoài Hợp đồng, về mặt nguyên tắc, trách nhiệm bồi thường chỉ phát sinh khi đáp ứng đủ các yếu tố sau: Phải có thiệt hại xảy ra; Phải có hành vi trái pháp luật; Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật; Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại .
Tuy nhiên, từ thực tế giải quyết một số vụ lớn liên quan đến môi trường như vụ Vedan, Nicotex…cho thấy việc người dân phải chứng minh thiệt hại xảy ra là rất khó vì nhiều lý do. Thiệt hại về môi trường thường xảy ra trên diện rộng, tác động tới nhiều đối tượng như sức khỏe, tính mạng, tài sản của các cá nhân, có thể là lợi ích hợp pháp của các tổ chức, hay môi trường tự nhiên… Trong nhiều trường hợp không thể tách biệt được thiệt hại về môi trường tự nhiên tại một khu vực nhất định với thiệt hại về tài sản, sức khỏe, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tại khu vực đó. Khó minh định thiệt hại từ thời gian nào, mức độ nào?!
Nghĩa vụ chứng minh thiệt hại thuộc về người có yêu cầu bồi thường, người chịu thiệt hại trong các vấn đề về môi trường thường là người dân. Để chứng minh thiệt hại thì bắt buộc phải có giám định. Chi phí giám định thiệt hại là rất lớn. Điều này là một rào cản đối với người dân muốn chứng minh thiệt hại.
Ngoài ra, có một số ý kiến khác còn cho rằng việc người dân phải chứng minh hành vi trái pháp luật của doanh nghiệp gây thiệt hại là rất khó. Bởi lẽ, nếu không phải là vụ vi phạm đã có kết luận của cơ quan nhà nước thì tự người dân chứng minh một hành vi vi phạm pháp luật rất khó được công nhận giá trị pháp lý trước Tòa. Đồng thời, việc chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra rất phức tạp và trong một số trường hợp gần như không thể tách biệt được hành vi – hậu quả tương ứng.
Hậu quả xảy ra với người dân có thể là sự tổng hợp của nhiều hành vi vi phạm do nhiều chủ thể khác nhau cùng thực hiện như nhiều nhà máy trong khu công nghiệp; thiên tai, dịch bệnh, nguồn gen,…; Có thể là nước thải sinh hoạt, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Trong khi đó, pháp luật quy định phải chứng minh mối quan hệ nhân quả, tức là hành vi gây thiệt hại phải là nguyên nhân trực tiếp hoặc là nguyên nhân có ý nghĩa quyết định đối với thiệt hại đã xảy ra để xác định bị đơn dân sự (người có trách nhiệm bồi thường), cũng là quy định gây khó với người dân.
Hiện nay, pháp luật quy định thời hiệu khởi kiện chỉ là 2 năm cũng là cản trở lớn cho người bị thiệt hại trong hành trình đi tìm công lý. Do các thiệt hại không xảy ra tức thời ngay sau khi có hành vi gây thiệt hại mà xảy ra trong khoảng thời gian khá dài nên đến khi chứng minh được thiệt hại hay mối quan hệ nhân quả giữa hành vi – thiệt hại thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại trong nhiều trường hợp là không còn.
Rõ ràng với các quy định pháp luật hiện hành về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng áp dụng cho ô nhiễm môi trường hiện nay cho thấy nhiều quy định gây bất lợi cho người đi kiện.
Từ đó ông Khuyến kiến nghị: Để giảm những phiền hà, khó khăn, bức xúc cho người dân đòi bồi thường thiệt hại do môi trường gây ra, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Cần có cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm chứng minh thiệt hại với người dân. Đối với cơ chế giải quyết khởi kiện ở tòa, cần có cơ chế chính sách về án phí, có thể nghiên cứu giảm một phần án phí nếu người dân đi khởi kiện môi trường...
Phan Mai