Cảnh báo một số hành vi vi phạm pháp luật hình sự khi thực hiện cổ phần hóa DNNN

(Pháp lý) - Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN) là một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước ta nhằm huy động các nguồn lực trong và ngoài nước vào phát triển kinh tế, đồng thời là một giải pháp quan trọng để cơ cấu lại nền kinh tế trong quá trình đổi mới. Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều mặt tích cực thì trong quá trình CPH cũng xuất hiện không ít các hành vi tiêu cực, trong đó cảnh báo một số hành vi vi phạm pháp luật hình sự cần được nghiêm trị.

Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Pháp lý đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Minh Phong (Phó Vụ truởng, Phó Ban tuyên truyền lý luận Báo Nhân Dân; nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội).

Các hành vi phạm tội liên quan đến chức vụ quyền hạn: cần đặc biệt đề phòng

TS. Nguyễn Minh Phong cho biết: Quá trình CPH DNNN ở nước ta được chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn thí điểm từ 1992-1997 mới chỉ CPH được 7 doanh nghiệp thì đến giai đoạn mở rộng từ 1997-2001 đã CPH được 930 doanh nghiệp và giai đoạn đẩy mạnh từ 2002 đến nay đã CPH được trên 3.920 doanh nghiệp. Tổng kết lại quá trình CPH DNNN nói trên, có thể thấy cơ chế nguy hiểm nhất của ta hiện nay là giao cho chính DN (mà quyền hạn tập trung ở người đứng đầu DN) thực hiện CPH bao gồm từ việc xây dựng phương án và triển khai thực hiện, đồng thời cũng cho họ có luôn tư cách người mua cổ phần.
Điều đó tạo cơ hội rất lớn cho chính những người trong cuộc lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện các hành vi trục lợi hoặc chiếm đoạt tài sản của DN…với các thủ đoạn như: Trì hoãn, làm chậm, kéo dài quá trình CPH để duy trì vị trí quản trị, điều hành DN càng lâu càng tốt nhằm mục đích “kiếm chác”, “ăn độc quyền”.

  Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong trao đổi với PV Pháp lý
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong trao đổi với PV Pháp lý)

Có thể thấy lợi ích của việc được giao quyền quản lý tài sản nhà nước và DNNN là quá lớn, có cơ hội để trục lợi. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều cá nhân không muốn thay đổi, trì hoãn quá trình tái cơ cấu, đặc biệt là tái cấu trúc quản trị.

Sự lạm dụng còn có thể phát sinh ngay từ trước khi lên phương án CPH như để doanh nghiệp thua lỗ rồi sau đó mua được rẻ. Khi xây dựng phương án CPH họ tiếp tục cố tình xây dựng phương án chất lượng không cao, tìm cách đưa ra các tỷ lệ mua bán cổ phần cộng với giá khởi điểm, cộng với việc phân bổ cổ phần sao cho có lợi cho bản thân họ và người nhà của họ; tìm nhiều cách khác nhau để định giá trị DN thật thấp (như “đi đêm” với bên định giá, không khai báo đầy đủ các tài sản của DN khi định giá…) làm cho mọi người ít mua cổ phần do đánh giá không cao về chất lượng và tiềm năng hoạt động của DN, từ đó những “ông chủ tịch”, “bà giám đốc” này sẽ tìm cách mua vào và tính đủ lượng bán ra.

Ngoài ra, khi thực hiện CPH, những người được giao nhiệm vụ này còn có thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện các biện pháp loại bớt đối thủ bằng cách cố tình che giấu thông tin liên quan, công bố chậm, công bố những điều kiện rất ngặt nghèo để các đối thủ, người mua muốn tham gia cũng khó và nhiều thủ đoạn khác nhằm “lách” nguyên tắc công khai, minh bạch trong CPH. Thậm chí để loại bớt đối thủ, những người được giao thực hiện CPH còn có thể thực hiện hành vi báo cáo giả, chẳng hạn như mặc dù có nhiều người đăng ký mua cổ phần nhưng “anh ta” lại báo cáo rằng ít người mua và ít cổ phần được đăng ký mua. Với các thủ đoạn này, họ sẽ cho rằng vì cổ phần không bán được, cổ phần ứ đọng nên đề xuất giảm giá cổ phần để bán dưới thấp, tạo cơ hội cho mình và người thân mua thêm cổ phần so với tỷ lệ cho phép.

Bên cạnh đó, những người có chức vụ, quyền hạn còn có thể sử dụng quyền lực để gây sức ép đối với các cổ đông, người lao động khiến họ bán lại cổ phần cho mình thấp hơn, bằng giá hoặc cao hơn một chút nhưng là bắt buộc phải bán. Nếu không bán thì “o ép” như “dọa” đuổi việc; bố trí, luân chuyển hoặc tạo ra những công việc gây khó khăn cho cổ đông và cuối cùng cổ đông buộc phải bán cổ phần.

Có thể thấy việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi trong quá trình CPH DNNN có thể có rất nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Tùy theo sự biểu hiện khác nhau trong phương thức, thủ đoạn, mục đích…mà hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn được giao thực hiện CPH DNNN có thể có dấu hiệu của các tội danh khác nhau liên quan đến chức vụ, quyền hạn như: Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (vì vụ lợi); Báo cáo sai trong quản lý kinh tế…

TS. Nguyễn Minh Phong phân tích thêm: Khi xây dựng phương án cổ phần hóa cũng như khi triển khai phương án, ai là người có lợi thế nhất trong việc ra quyết định bán và mua các cổ phần? Chắc chắn đó là các lãnh đạo DNNN, là người hiểu biết rõ nhất về thực trạng tài sản và kinh doanh của doanh nghiệp, lại có điều kiện về tài chính và các mối quan hệ với cơ quan cấp trên, ngân hàng, đối tác kinh doanh.

Cho nên, để trục lợi, họ sẽ tìm cách bán hết cổ phần DN với giá thật thấp để có cơ hội thu gom, thâu tóm để bản thân họ hoặc người thân của họ trở thành cổ đông lớn và tiếp tục quản lý DN sau CPH.

“Mục đích của CPH DNNN không chỉ là để cơ cấu lại nền kinh tế mà còn phải làm sao duy trì doanh nghiệp hoạt động tốt sau khi bán cổ phần và chuyển đổi. Thế nhưng, không ít lãnh đạo DNNN trở thành cổ đông lớn và tiếp tục quản lý doanh nghiệp sau cổ phần hóa thì chỉ làm thay đổi về hình thức sở hữu chứ DN thực chất không được “thay máu” quản trị”, TS. Nguyễn Minh Phong cho hay.

Đất đai và chứng khoán: Hai lĩnh vực thường có sai phạm trong quá trình CPH

Trong quá trình CPH DNNN, vấn đề định giá cũng như chuyển đổi quyền và mục đích sử dụng đất, sự móc ngoặc giữa doanh nghiệp với các cơ quan hữu quan như tài chính, đất đai có thể xảy ra khá dễ dàng.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, biểu hiện lớn nhất về sai phạm trong lĩnh vực đất đai khi CPH DNNN là việc xác định giá trị DN không tính giá trị quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp để cổ phần hóa; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không thực hiện đấu giá theo quy định tại Luật Đất đai; việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chủ yếu dựa vào kết quả của DN tư vấn nhưng không đầy đủ và chưa sát với giá thị trường...

Lộ trình CPH DNNN cần hết sức đề phòng các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của DNNN.
Lộ trình CPH DNNN cần hết sức đề phòng các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của DNNN.)

Thời kỳ trước đây, nhiều khu vực đất vàng, với diện tích rộng lớn lên tới hàng nghìn, thậm chí vài nghìn mét vuông đã được giao miễn phí cho các DNNN quản lý, sử dụng, xây dựng trụ sở sản xuất. Đất đai là tài sản của nhà nước, thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Do đó, khi cổ phần hóa, đất phải giao trả lại cho nhà nước quản lý. DNNN chỉ được thực hiện cổ phần hóa phần tài sản trên đất. Trong trường hợp muốn bán lại, nhượng lại cho chủ đầu tư khác phải tổ chức đấu thầu, phải qua cạnh tranh mới xác định được giá trị thực sự. Nhưng thực tế, đến khi thực hiện chủ trương cổ phần hóa, nhiều lãnh đạo DNNN đã lợi dụng những lỗ hổng trong quản lý, biến những mảnh đất vàng có giá trị khổng lồ thành cơ hội vơ vét tư túi. Nhiều khu đất vàng đều được chuyển nhượng, sang tên hoặc chỉ định đầu tư mà không hề qua đấu giá công khai, nên mới xảy ra thất thoát, lãng phí rất lớn.

Đối với lĩnh vực chứng khoán, các hành vi vi phạm đã và có thể xảy ra trong quá trình CPH DNNN là:

Không tổ chức đấu giá chứng khoán (tìm cách để chỉ phát hành cổ phần, cổ phiếu theo hình thức chào bán riêng lẻ); Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về thông báo phát hành trái phiếu;

Thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ không đúng với phương án đã đăng ký; Thực hiện phát hành trái phiếu riêng lẻ không đúng với phương án đã được chấp thuận; Thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ nhưng không đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo cho tổ chức đăng ký và công bố trên trang thông tin điện tử về việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ của tổ chức đăng ký; thực hiện phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm theo chứng quyền nhưng không đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Thực hiện phát hành trái phiếu riêng lẻ khi chưa được cá nhân, tổ chức có thẩm quyền chấp thuận phương án phát hành.

Không niêm yết trong thời hạn cho phép mà buộc phải niêm yết; Không đưa chứng khoán đã chào bán ra công chúng vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn quy định;

Chứng nhận việc chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu được chào bán, phát hành riêng lẻ trong thời gian hạn chế chuyển nhượng, Thực hiện chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong thời gian hạn chế chuyển nhượng theo quy định pháp luật.

Công bố thông tin không đúng thời hạn, không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Không công bố thông tin theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Công bố thông tin có nội dung không chính xác…

“Ngoài ra, sử dụng thông tin nội bộ mua bán chứng khoán và vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần hoặc phần vốn góp cũng là các hành vi thường xảy ra trong quá trình CPH”, theo TS. Nguyễn Minh Phong.

Tùy từng phương thức, thủ đoạn, mục đích, tính chất và mức độ sai phạm mà các hành vi trên có thể có dấu hiệu của các tội danh cụ thể trong BLHS như: Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai; Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai; Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán… và một số tội khác liên quan đến lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn.

Những đối tượng “hỗ trợ” cho sai phạm trong CPH DNNN: không thể vô can

Khi CPH DNNN, những người có chức vụ, quyền hạn nằm trong Ban chỉ đạo thực hiện CPH là các đối tượng có thể trực tiếp thực hiện các hành vi vi phạm để trục lợi như đã phân tích ở các phần trên. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, để thực hiện được các hành vi trục lợi, họ còn cần đến sự “giúp sức”, “hợp tác” của bên liên quan, đó chính là: Tổ chức tư vấn định giá và tổ chức thực hiện kiểm toán nhà nước đối với DN CPH.

Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bên liên quan này có thể đóng vai trò đồng phạm – “giúp sức” cho các hành vi phạm tội của người có chức vụ, quyền hạn trong Ban chỉ đạo CPH; có thể trực tiếp phạm tội độc lập như nhận hối lộ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…

Nhiều khu vực đất vàng của Nhà nước có dấu hiệu bị thất thoát lớn khi CPH DNNN.
Nhiều khu vực đất vàng của Nhà nước có dấu hiệu bị thất thoát lớn khi CPH DNNN.)

Đặc biệt, một “bên” nữa không thể không nhắc tới khi bàn về những đối tượng liên quan đến sai phạm đã và có thể xảy ra trong quá trình CPH DNNN, đó chính là người thân hoặc bạn bè (nói chung là những người được “hưởng lộc” từ hành vi sai phạm) của người có chức vụ, quyền hạn trong DN CPH. Những người này có thể đứng đằng sau “giúp sức” lãnh đạo DN CPH trong việc mua gom cổ phần, cổ phiếu và thực hiện nhiều hoạt động khác có dấu hiệu sai phạm nhằm trục lợi…Và tùy từng trường hợp, từng hành vi mà có thể cũng đóng vai trò đồng phạm trong các hành vi phạm tội của người có chức vụ, quyền hạn hoặc cũng có thể đóng vai trò là chủ thể thực hiện tội phạm như: Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; Tội che giấu tội phạm; Tội không tố giác tội phạm…

Theo TS. Nguyễn Minh Phong: “Hiển nhiên rằng, “anh” giám đốc hoặc “anh” chủ tịch DN CPH là đối tượng có thể trực tiếp thực hiện các hành vi sai phạm nhằm trục lợi nhưng các “anh” thuộc bên định giá DN, kiểm toán DN và đặc biệt là người thân, bạn bè… mà có các hành vi thông đồng, lợi ích nhóm, hỗ trợ, giúp sức thì không thể vô can!”

Trầm Hương

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin