Cấm lợi dụng bầu cử để tuyên truyền trái luật

13/04/2016 03:16

Không có sự phân biệt nào giữa người tự ứng cử và người được giới thiệu ứng cử.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ngày 14-4, Hội nghị Hiệp thương bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ĐB HĐND các cấp sẽ diễn ra. Hội nghị này sẽ thảo luận, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử. Sau đó, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ xem xét, phân bổ các ứng cử viên (ƯCV) về các địa phương và các ƯCV bắt đầu tiến hành vận động bầu cử.

Ứng cử viên và cử tri hãy trao đổi cởi mở

. Phóng viên: Những người ứng cử sẽ thực hiện vận động bầu cử như thế nào, thưa ông?

+ Ông Trần Thanh Mẫn: Luật quy định các ƯCV vận động bầu cử bằng cách: gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử và thông qua phương tiện thông tin đại chúng.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức, các ƯCV báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH, ĐB HĐND. Đồng thời, người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm.

Người ứng cử ĐBQH cũng trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử của Hội đồng Bầu cử Quốc gia; người ứng cử ĐB HĐND trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử của ủy ban bầu cử (nếu có).

. Người ứng cử bị cấm làm những gì?

+ Những điều cấm này, luật đã quy định cụ thể. Đó là: Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

[caption id="attachment_138593" align="aligncenter" width="410"] Ứng cử viên đại biểu HĐND TP.HCM khóa VIII tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử quận Phú Nhuận. Ảnh: HTD
Ứng cử viên đại biểu HĐND TP.HCM khóa VIII tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử quận Phú Nhuận. Ảnh: HTD[/caption]

Không có phân biệt đối xử

. Thưa ông, nếu người được giới thiệu ứng cử không chuẩn bị được chương trình hành động thì sao?

+ Từ trước tới nay chưa có trường hợp nào người ứng cử không thể chuẩn bị được chương trình hành động của mình, bởi đây là cơ sở để cử tri đánh giá và bày tỏ sự tín nhiệm hay không tín nhiệm đối với ƯCV. Thông qua sự chuẩn bị này, ƯCV ngoài việc thể hiện trách nhiệm với cử tri còn là quyền lợi, là cơ hội để họ thể hiện về phẩm chất, trình độ, năng lực và uy tín của mình trước cử tri.

Ngoài căn cứ vào chương trình hành động, cử tri còn căn cứ vào nhiều yếu tố khác như danh sách trích ngang lý lịch, tiểu sử tóm tắt… và đặc biệt là đối chiếu với các tiêu chuẩn của ĐB để lựa chọn người xứng đáng đại diện cho mình.

. Theo quy định, người tham gia ứng cử và cử tri có thể cùng đối thoại, trao đổi những vấn đề của đất nước cùng quan tâm. Vậy những vấn đề được coi là “nhạy cảm” thì có hạn chế nào không?

+ Phải khẳng định việc người ứng cử và cử tri trao đổi những vấn đề cùng quan tâm là cần thiết để cử tri có thể hiểu rõ về người mà họ có thể bầu vào cơ quan dân cử. Vì vậy, hai bên có quyền đối thoại dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, mang tính xây dựng về tất cả vấn đề của đất nước, của địa phương mà pháp luật không cấm.

. Cũng theo quy định thì người ứng cử không tự đứng ra tổ chức hội nghị cử tri hay tập hợp người để vận động bầu cử. Như vậy, liệu có đảm bảo công bằng giữa người tự ứng cử và người được giới thiệu ứng cử?

+ Việc vận động bầu cử phải theo quy định của pháp luật. Việc luật quy định các hội nghị tiếp xúc cử tri phải do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức, cá nhân không được tự đứng ra tổ chức nhằm ngăn chặn tình trạng lôi kéo, mua chuộc cử tri.

Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND quy định cụ thể về quyền vận động bầu cử của người ứng cử, dù bằng hình thức gặp gỡ, tiếp xúc tại hội nghị tiếp xúc cử tri hay thông qua phương tiện thông tin đại chúng thì mỗi người đều được dành thời lượng báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình như nhau, không có sự phân biệt đối xử giữa người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử.

. Xin cám ơn ông.

Không được làm khó người tự ứng cử

Kỳ bầu cử ĐBQH lần này, số người tự ứng cử nhiều. Điều này cho thấy không khí xã hội rất dân chủ. Không ai được gây khó dễ cho người tự ứng cử, đó là vi phạm pháp luật. Về truyền thông thì phải đảm bảo thời lượng tuyên truyền giữa các ƯCV là như nhau. Các ƯCV cũng cần chú ý không dùng những lợi ích vật chất để vận động ứng cử. Phải đảm bảo có cuộc bầu cử công bằng.

Ông VŨ TRỌNG KIM, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

 

Theo Plo.vn

Bạn đang đọc bài viết "Cấm lợi dụng bầu cử để tuyên truyền trái luật" tại chuyên mục Đối thoại. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin