Các ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với đề nghị xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế.
1-1694509690.jpg
 

Việc phát triển KCN, KKT thời gian qua bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến tháng 12/2022, trên địa bàn cả nước đã hình thành hệ thống các Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) gồm: 407 KCN, trong đó có 04 khu chế xuất được thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 128.684 ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 86.208 ha, chiếm khoảng 67% diện tích đất thành lập.

26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biên giới đất liền, với tổng diện tích 766.000 ha.

18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực ven biển, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 871.523 ha, trong đó khoảng 100.000 ha được quy hoạch để phát triển các khu chức năng.

Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, KCN, KKT đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, thể hiện trên các mặt: Thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn; góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển KCN, KKT thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, thể hiện chủ yếu trên các mặt: Chất lượng, hiệu quả quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu. Loại hình phát triển chậm được đổi mới.

Chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; liên kết, hợp tác trong KCN, KKT, giữa các khu với nhau và giữa KCN, KKT với khu vực bên ngoài còn hạn chế. Phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội. Hiệu quả sử dụng đất chưa cao.

Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong đó, một trong những nguyên nhân chính là thể chế và pháp luật có liên quan đến KCN, KKT chưa được hoàn thiện, chưa có sự sáng tạo, đột phá để thích ứng với yêu cầu phát triển, tạo hướng đi mới cho phát triển KCN, KKT, cụ thể:

Tính pháp lý về quy định khung đối với KCN, KKT chưa cao. Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động KCN, KKT chưa có sự thay đổi căn bản, mới dừng lại ở cấp Nghị định. Trong khi đó, hoạt động của KCN, KKT liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: quy hoạch, đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, lao động...

Điều này gây không ít khó khăn trong quá trình thực thi chính sách về KCN, KKT, nhất là việc phát triển mô hình mới; thường xảy ra sự xung đột, thiếu thống nhất khi quy định của pháp luật chuyên ngành được sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư của Việt Nam nói chung và của KCN, KKT nói riêng thiếu hiệu quả để định hướng dòng đầu tư. Hiện chính sách ưu đãi đầu tư đối với KCN, KKT áp dụng chung trên địa bàn cả nước, chưa tính đến một số yếu tố đặc thù về điều kiện phát triển của từng KKT; chưa phân biệt giữa lĩnh vực sản xuất và dịch vụ; thiếu chính sách khuyến khích việc hợp tác, liên kết giữa các dự án trong KCN, KKT. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc thu hút các khu thành lập sau và ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hơn; thúc đẩy việc hình thành các khu mang tính chuyên môn hóa cao và hình thành các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Chính sách ưu đãi đầu tư vào KCN, KKT chưa đồng bộ, phức tạp, chồng chéo, thiếu tính ổn định và khó dự đoán. Thực tiễn này là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư về sự ổn định của môi trường đầu tư và tính minh bạch, công bằng của chính sách và làm gia tăng vướng mắc, khiếu nại, tranh chấp trong hoạt động đầu tư.

Do vậy, để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển và sức cạnh tranh của các KCN, KKT, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được đề ra, việc xây dựng Luật là yêu cầu cấp thiết nhằm hoàn thiện thể chế và pháp luật có liên quan đến KCN, KKT, tạo khung pháp lý thống nhất để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Dự thảo Luật đề xuất 6 nhóm chính sách thực hiện.

Chính sách 1: Quy định nội dung và các điều kiện liên quan đến việc lập phương hướng xây dựng KCN, KKT trong quy hoạch vùng; phương án phát triển hệ thống KCN, KKT trong quy hoạch tỉnh.

Chính sách 2: Quy định về điều kiện đầu tư hạ tầng KCN, thành lập KKT.

Chính sách 3: Ưu đãi đối với các KCN, KKT tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, các dự án đầu tư thực hiện liên kết ngành, cụm liên kết ngành tại KCN, KKT.

Chính sách 4: Thúc đẩy sự phát triển của các loại hình KCN mới, KKT mới, khu chức năng mới trong KKT.

Chính sách 5: Ưu đãi đối với các doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên, hỗ trợ.

Chính sách 6: Quản lý nhà nước về KCN, KKT.

Thúc đẩy sự phát triển của các loại hình KCN mới, KKT mới

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mô hình phát triển trên thế giới đã thay đổi đáng kể theo hướng chuyên ngành, chuyên môn hóa và phát triển bền vững, đảm bảo tính hiện đại, cạnh tranh và bắt kịp tiến trình cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Trong khi đó, KCN tại Việt Nam vẫn chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với mục tiêu chính là tăng diện tích lấp đầy. Trong vài năm gần đây, một số loại hình như KCN sinh thái, KCN chuyên ngành, KCN hỗ trợ, KCN công nghệ cao đã bước đầu hình thành và phát triển tại một số địa phương, song số lượng còn hạn chế. Các chính sách ưu đãi đầu tư đối với các loại hình KCN mới và các dự án đầu tư vào các KCN này không có sự khác biệt so với các KCN đa ngành thông thường.

KKT cửa khẩu chủ yếu dừng lại ở việc trao đổi hàng hóa, mua sắm phi thuế quan, chưa tương xứng với tiềm năng trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước lân cận và khu vực.

KKT ven biển đều có chung định hướng đầu tư, phát triển đa ngành, như: xây dựng cảng biển nước sâu, sân bay và thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực như công nghiệp nặng, cơ khí, đóng tàu, dịch vụ cảng biển, du lịch biển, chế biến hải sản, điện..., chưa xác định rõ các ngành then chốt cần tập trung phát triển, gắn với lợi thế của từng KKT và khai thác hiệu quả kinh tế biển.

Các loại hình khu chức năng trong KKT chậm có sự đổi mới. Việc huy động nguồn vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển còn hạn chế; nhiều địa phương vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn hỗ trợ từ NSTW, chưa tích cực, sáng tạo trong việc huy động nguồn vốn khác.

Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các quy định nhằm đổi mới, đa dạng hóa các loại hình KCN, KKT, khu chức năng trong KKT mới và khuyến khích đầu tư vào các loại hình này để thích ứng với yêu cầu trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo sức hấp dẫn, cạnh tranh quốc tế của KCN, KKT trong thu hút, hợp tác đầu tư, lấy đổi mới mô hình phát triển, phương thức quản lý tiên tiến, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong KCN, KKT làm nền tảng.

Trong đó tập trung vào các chính sách khuyến khích phát triển loại hình KCN sinh thái và doanh nghiệp sinh thái với vai trò là một trong các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam. Đẩy mạnh huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn thông qua việc bổ sung các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp sinh thái hoạt động tại KCN sinh thái.

Phát triển KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, tập trung cho một nhóm ngành hoặc một ngành nhất định như: các ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh, ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, ngành công nghiệp đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát triển KCN công nghệ cao để thu hút dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ thông tin; dự án có chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ và dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, giáo dục và đào tạo và đặc biệt là các dự án công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hỗ trợ công nghệ cao.

Việc xây dựng và phát triển các loại hình KCN sinh thái, KCN chuyên ngành, KCN hỗ trợ, KCN công nghệ cao cũng như việc thu hút đầu tư thứ cấp vào các KCN này phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chí cao hơn so với các KCN thông thường. Vì vậy, trong phạm vi Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến đề xuất các chính sách ưu đãi về đầu tư, thuế, tài chính, đất đai đối với các loại hình KCN nêu trên; dự kiến đề xuất thời hạn hoạt động của các dự án hạ tầng KCN sinh thái, KCN chuyên ngành, KCN hỗ trợ, KCN công nghệ cao không quá 70 năm.

Áp dụng các loại hình khu chức năng mới trong KKT (khu thương mại tự do, khu phi thuế quan,…) để thúc đẩy sự phát triển của các KKT.

Chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên, hỗ trợ

Mục tiêu của chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp sinh thái và các doanh nghiệp khác thuộc diện được ưu tiên, hỗ trợ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về chủ trương, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các đối tượng được ưu tiên khác theo quy định của pháp luật được tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận đất đai. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai chính sách nhằm ưu tiên bố trí quỹ đất cho các đối tượng này còn nhiều hạn chế. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng thường ưu tiên cho thuê lại đất đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn, sử dụng diện tích đất rộng.

Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cần có các quy định về việc bố trí quỹ đất, mức giá cho thuê đất phù hợp cũng như các ưu đãi khác cho các doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên, hỗ trợ đầu tư vào KCN, KKT.

Các doanh nghiệp sinh thái trong KCN sinh thái phải đáp ứng nhiều điều kiện, tiêu chí khắt khe về kinh tế, môi trường, xã hội. Tuy nhiên, quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, thuế, tài chính, đất đai chưa xác định doanh nghiệp sinh thái trong KCN sinh thái là đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung quy định các chính sách ưu đãi về đầu tư, thuế, tài chính, đất đai đối với doanh nghiệp sinh thái hoạt động tại KCN sinh thái để khuyến khích phát triển loại hình này.

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin