(Pháp lý) - Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên gia, doanh nghiệp và người dân. Trao đổi với Phóng viên Pháp lý sau khi Luật được thông qua, các Luật gia cho rằng: “Những văn bản hướng dẫn Luật tới đây cần chi tiết, cụ thể, đồng thời giải thích rõ những điểm còn quy định chung chung để Luật được thực thi thống nhất và sớm đi vào cuộc sống”.
Theo thông tin từ Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng – Bộ Công an, tới đây sẽ có 25 Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật An ninh mạng. Và Bộ Công an đã bắt tay vào chuẩn bị các văn bản này. “Đây là quá trình rất khẩn trương, đương nhiên có ưu tiên Nghị định nào trước, Nghị định nào sau, Thông tư nào trước, Thông tư nào sau. Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng. Cơ quan soạn thảo luôn luôn lắng nghe để điều chỉnh, cầu thị đưa ra những nội dung phù hợp nhất vào Nghị định hướng dẫn”, ông Thuận trả lời trên báo chí.
Cần tập trung hướng dẫn rõ ràng các điều luật ở Nghị định
Là chuyên gia pháp luật, ông Dương Đình Khuyến (Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tư vấn pháp luật & Trợ giúp pháp lý của Hội Luật gia VN) cho rằng, tới đây cơ quan có thẩm quyền cần cụ thể hóa nhiều quy định trong Luật An ninh mạng. “Theo tôi, những quy định điều luật mà người dân, dư luận băn khoăn nhất cần được hướng dẫn cụ thể ở Nghị định. Không nên giữ những thuật ngữ chung chung, cần làm rõ thuật ngữ an ninh mạng trong phạm vi nào bởi hoạt động trên không gian mạng khác với các hoạt động trong không gian truyền thống. Không gian mạng là thứ vô hình, không biên giới. Do đó, việc xác định phạm vi điều chỉnh về mặt lãnh thổ đối với hoạt động trên không gian mạng sẽ là điều vô cùng khó khăn. Nếu chúng ta không thể ban hành các quy định hướng dẫn chi tiết và khả thi trong việc xác định phạm vi điều chỉnh về lãnh thổ, Luật An ninh mạng sẽ khó có thể thực thi hiệu quả trong đời sống. Ngoài ra là các quy định cụ thể, giải thích cụ thể về hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác, xúc phạm vĩ nhân, danh nhân, anh hùng dân tộc…”.
Theo thông tin từ Bộ Công an thì dự định sẽ có nhiều văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư để hướng dẫn Luật. Tuy nhiên theo tôi, cần tập trung hướng dẫn cụ thể trong Nghị định, tránh hướng dẫn trong Thông tư. Xét về thẩm quyền ban hành, nhiều Bộ có thể ban hành Thông tư, hướng dẫn các quy định của Luật An ninh mạng thuộc trách nhiệm, quản lý, theo dõi, giám sát của Bộ ngành mình. Tuy nhiên, nếu để các Bộ ngành hướng dẫn Luật, tôi e họ sẽ hướng dẫn theo hướng “dễ cho họ, khó cho công dân, tổ chức khi thực hiện”. Bởi thế, có thể sẽ có những quy định tùy tiện làm khó công dân, tổ chức trong hoạt động an ninh mạng.
Quá trình thực hiện Luật An ninh mạng không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức mà còn là trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ an ninh mạng, xử lý vi phạm về an ninh mạng. Theo ông Dương Đình Khuyến, những quy định khiến người dân lo ngại nhiều nhất trong Luật là quy định về những thông tin bị cấm trên môi trường mạng. Nó dẫn tới việc, các hành vi vi phạm an ninh mạng có thể dễ dàng bị hình sự hóa. Bởi vậy, trong quá trình thực thi thì các cơ quan xử lý vi phạm về an ninh mạng cần hết sức thận trọng khi xử lý một hành vi mà Luật quy định là vi phạm. “Chìa khóa” để hạn chế tùy tiện thì đòi hỏi Nghị định hướng dẫn Luật cần cụ thể, chặt chẽ, rõ ràng để tránh tùy tiện khi áp dụng pháp luật – Luật gia Dương Đình Khuyến nêu quan điểm góp ý.
Ý dân cần đưa vào Nghị định
Để Luật (hoặc các văn bản chính sách pháp luật) ban hành ra sớm đi vào cuộc sống thì nguyên tắc quan trọng bậc nhất đó là Luật (hoặc văn bản chính sách pháp luật) phải sát cuộc sống, ý nguyện của người dân, “hơi thở” cuộc sống được thể hiện trong Luật.
Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến (Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội) cho rằng: Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì văn bản pháp luật liên quan đến đối tượng bị tác động nào thì phải hỏi ý kiến nhóm đối tượng đó. Hiện có 3 cách khác nhau để “ý dân” được đưa vào các chính sách pháp luật: Thông qua các đợt lấy ý kiến của Quốc hội (theo quy định của Hiến Pháp); Khi xây dựng pháp luật thì cơ quan soạn thảo Luật phải lấy ý kiến của người dân (Theo Luật Ban hành VBQPPL); Các cơ quan soạn thảo Luật đưa lên trang thông tin điện tử, ai quan tâm thì góp ý trực tiếp… Tuy nhiên, quy trình quy định lấy ý kiến của nhân dân thì rõ ràng nhưng việc tiếp thu lại tùy thuộc rất nhiều vào cơ quan soạn thảo.
Ngay sau khi Luật An ninh mạng được ban hành, là người gắn bó mật thiết với người dân, Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến đã chứng kiến quá trình Luật được tuyên truyền đến với người dân qua các buổi tiếp xúc cử tri của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các buổi thông tin đến người dân của Lãnh đạo Bộ Công an. Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc tuyên truyền pháp luật, ông Tuyến cho rằng để Luật này sớm đi vào cuộc sống thì cần tuyên truyền để người dân hiểu Luật. Thực tế, số lượng người dân được đọc và hiểu văn bản quy phạm pháp luật không nhiều.
“Theo thông tin từ dư luận, các cơ quan ban ngành và Chính phủ đã và đang chuẩn bị 25 văn bản hướng dẫn Luật. Theo tôi, đó là con số quá nhiều! Cần xem xét các điều Luật giao cho Chính phủ hướng dẫn cụ thể thì tổng hợp lại để xây dựng trong 1 Nghị định hướng dẫn chi tiết. Trong tình hình thực tế hiện nay, người dân có thể thông qua các kênh như Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, góp ý cho dự thảo của Nghị định này. Các cơ quan soạn thảo Nghị định hướng dẫn Luật này cần qua các kênh khác nhau, nắm ý kiến của người dân và thể chế trong Nghị định, giải quyết những băn khoăn của dân”, ông Tuyến nói.
Cho biết quan điểm về việc xử lý một hành vi vi phạm Luật An ninh mạng, Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng: Một hành vi vi phạm pháp Luật An ninh mạng có thể bị xử lý bằng nhiều hình thức khác nhau như xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Theo tôi, sẽ khó tùy tiện khi xử lý vi phạm về an ninh mạng. Bởi lẽ, để xem xét và xử lý một vi phạm ở mức độ nào đều có những quy trình luật định. Xử lý vi phạm hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Xử lý vi phạm hình sự thì theo quy trình của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Không có chuyện tùy tiện trong xử lý người dân bởi sự giám sát từ xã hội, báo chí đối với quá trình thực thi pháp luật trong giai đoạn hiện nay là rất cao.
Phan Tĩnh