“Nếu công ty Mossack Fonseca bị phía Mỹ xử lý, tài sản của những khách hàng này sẽ mất trắng”. Đó là ý kiến của Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng Luật sư Interla khi trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này.
Ngày 20.4, Bộ Tư pháp Mỹ quyết định mở cuộc điều tra hình sự về cáo buộc trốn thuế của các công ty, cá nhân Mỹ trong Hồ sơ Panama - tài liệu bị rò rỉ từ công ty luật Mossack Fonseca (Panama).
Cuộc điều tra được Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng hơn 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ từ công ty luật Mossack Fonseca là vấn đề nghiêm trọng và hình thức trốn thuế trên thế giới đang là vấn đề lớn của toàn cầu.
[caption id="attachment_140309" align="aligncenter" width="410"] Luật sư Trương Quốc Hòe[/caption]
Phổ biến trên thế giới
- Thưa ông, hình thức offshore company thực chất là gì? Hình thức này đem lại lợi ích gì mà thu hút được lượng khách hàng lớn đến vậy, có cả những cái tên quyền lực nhất thế giới?
Thực chất offshore company là một loại hình công ty được cho phép thành lập theo pháp luật tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như Singapore, Hồng Kông, Anh, Panama….
Tuy nhiên offshore company có được những ưu đãi, lợi thế đặc biệt hơn so với các loại hình công ty khác tại Việt Nam và trên thế giới như Limited Company, Joint stock company hay private company do đó có rất nhiều cá nhân, tổ chức đầu tư thông qua hình thức công ty này.
Theo quy định của từng quốc gia mà mỗi loại offshore company sẽ được hưởng những ưu đãi khác nhau, nhưng nhìn chung loại hình công ty này đều có những đặc đặc điểm, lợi thế như:
Không hoạt động kinh doanh tại nước đăng kí thành lập; điều kiện thành lập giản đơn, ít chịu sự quản lý giám sát từ các cơ quan chức năng; được miễn giảm thuế lợi nhuận, bảo lưu lợi nhuận không kì hạn tại nước ngoài; chịu trách nhiệm hữu hạn tại nước ngoài; được sở hữu địa ốc, chứng khoán, bảo hiểm tại nước ngoài; được mở tài khoản tại bất kì ngân hàng nào trên thế giới; được thành lập công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện tại nước ngoài.
- Theo danh sách mới nhất, Việt Nam có 189 người có tên trong Hồ sơ Panama do Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố, ông bình luận gì về điều này? Theo ông, họ có vi phạm pháp luật hay không?
Thông tin mà ICIJ công bố về 189 người Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama đơn thuần là một loại thông tin một chiều được đăng tải trên phương tiện truyền thông. Việc xác định những người này có vi phạm pháp luật Việt Nam hay nước ngoài hay không thuộc về phán quyết của cơ quan chức năng có thẩm quyền Việt Nam và nước ngoài. Do đó, chưa thể kết luận họ vi phạm pháp luật.
Đối với hành động mở các công ty offshore ở nước ngoài để quản lý tài sản có bị cấm hay không là một vấn đề phức tạp, khó xác định. Bởi lẽ thường sẽ có 3 hệ thống pháp luật khác nhau tham gia điều chỉnh vấn đề này là: Pháp luật nơi offshore company thành lập; pháp luật nơi có tài sản; pháp luật nơi chủ sở hữu công ty offshore mang quốc tịch.
Tuy nhiên, tình trạng các cá nhân thành lập ra các offshore company để quản lý tài sản diễn ra khá phổ biến trên thế giới. Bởi lẽ đây là một hình thức quản lý, sở hữu tài sản mang lại lợi thế bởi những ưu đãi về thuế và quyền sở hữu tài sản ở nước ngoài mà offshore company được thừa nhận.
Chắc hẳn trong danh sách trên không phải ai cũng vô tội. Theo ông, thủ đoạn mà những người này dùng để trốn thuế là gì và sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào trước pháp luật?
Như tôi đã phân tích ở trên thì không ai bị kết tội khi chưa có phán quyết của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Tuy nhiên, vì hoạt động của offshore company rất phức tạp, đặc biệt từ quy định lỏng lẻo của pháp luật nước thành lập về nghĩa vụ cung cấp thông tin, báo cáo tài chính mà sẽ xuất hiện những loại tội phạm về kinh tế như tội phạm trốn thuế, tội phạm tham nhũng, rửa tiền…lợi dụng hình thức offshore company để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Theo pháp luật Việt Nam thì tùy vào mức độ vi phạm mà tội phạm trốn thuế sẽ bị xử lý theo các khung hình phạt quy định tại điều 161 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009.
Khách hàng có nguy cơ mất tiền
- Thưa ông, nếu công ty cung cấp dịch vụ là Mossack Fonseca bị Hoa Kỳ đưa ra trước pháp luật, công ty này sẽ sụp đổ. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến những khách hàng của họ?
Để có căn cứ xác định hoạt động của công ty luật Mossack Fonseca là vi phạm pháp luật. Thì một trong những công việc mà cơ quan điều tra Hoa Kì, Panama cũng như cơ quan điều tra quốc tế khác phải điều tra làm rõ những dấu hiệu sai phạm trong các giao dịch của Mossack Fonseca.
Trường hợp có đủ căn cứ xác định sai phạm trong quá trình kí kết, thực hiện các giao dịch của Mossack Fonseca thì rất có thể những khách hàng có liên quan đứng trước hệ lụy sau:
Những giao dịch của khách hàng với Mossack Fonseca sẽ bị điều tra, làm rõ. Điều này đồng nghĩa với những giao dịch này có nguy cơ bị hủy bỏ và lợi nhuận phát sinh bị xử lý. Những khách hàng liên quan có thể bị điều tra, truy cứu trách nhiệm về các tội danh trong lĩnh vực kinh tế liên quan đến tham nhũng, trốn thuế, rửa tiền.
Trong trường hợp phát hiện Công ty luật Mossack Fonseca vi phạm hợp đồng thì những khách hàng này có quyền khởi kiện hợp Mossack Fonseca tại cơ quan có thẩm quyền.
- Một số nhân vật là người Việt có tên trong danh sách đã lên tiếng khẳng định sự vô tội trước pháp luật của họ, theo ông, nếu không phạm tội trốn thuế thì hành vi này có được xem là lách thuế hay không? Cơ quan quản lý cần làm gì để khắc phục điều này?
Trước thông tin được ICIJ công bố và dư luận của xã hội thì một số người Việt có tên trong hồ sơ panama đã lên tiếng khẳng định sự vô tội trước pháp luật của họ là hoàn toàn phù hợp. Bởi lẽ việc xác định họ có phạm tội hay không hoàn toàn phụ thuộc vào phán quyết của cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, tình trạng có những cá nhân, tổ chức lợi dụng công ty hay quỹ offshore như một công cụ để lách thuế, phạm pháp là một hiện tượng đã và đang xảy ra trên nhiều quốc gia trên thế giới.
Trên thực tế đã có nhiều cá nhân, tổ chức trên thế giới bị khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo tôi để khắc phục được thực trạng này thì cơ quan quản lý Việt Nam cần giải quyết 3 vấn đề sau:
Thứ nhất, điều tra làm rõ đối với những cá nhân tổ chức có dấu hiệu lợi dụng offshore company để vi phạm pháp luật. Qua đó áp dụng chế tài, hình phạt thích đáng nhằm răn đe, hạn chế tội phạm trong lĩnh vực này.
Thứ hai, cần điều chế tài xử lý đối với tội phạm về thuế, bởi lẽ hiện nay mức phạt với tội phạm trốn thuế vẫn còn nhẹ, chưa có tính răn đe cao (mức cao nhất 7 năm tù).
Thứ ba, tăng cường giám sát, quản lý của nhà nước trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài cũng như các hoạt động chuyển tiền quốc tế tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Motthegioi