(Pháp lý) - Sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), tại thành phố Hồ Chí Minh, đô thị hóa đã diễn ra trên nhiều quận, huyện, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế, văn hóa, xã hội của một thành phố vốn năng động và nhiều tiềm năng phát triển. Cho đến nay, có thể nhận thấy, tốc độ đô thị hóa ở Quận 2 (TP.HCM) đã và đang diễn ra mạnh mẽ nhất, đặc biệt là sự biến đổi cơ sở hạ tầng đô thị, đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Có được những thành tựu này phần lớn là do tác động từ các chủ trương chính sách của Nhà nước nói chung và của TP.HCM nói riêng.
Tạp chí Pháp lý trân trọng giới thiệu bài viết của NCS. Nguyễn Thị Hồng Trang (Giảng viên trường ĐH Sài Gòn) phân tích các chủ trương và chính sách đã tác động đến quá trình đô thị hóa ở Quận 2 kể từ năm 1997. Tác giả bài viết còn cho thấy điểm khác biệt trong các chính sách áp dụng tại Quận 2, các yếu tố chủ quan và khách quan ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Quận trong suốt 18 năm qua.
1. Đô thị và đô thị hóa:
1.1 Đô thị
Cho đến nay, có nhiều định nghĩa khác nhau về đô thị:
Theo Bách khoa toàn thư Hoa Kỳ (The American Encylopaedia), “thành phố (city) là một tập hợp dân cư có quy mô đáng kể, ở đó điều kiện sống được xem là theo kiểu đô thị, trái ngược với đời sống nông thôn và miền thôn dã… Theo nghĩa này, thành phố là một hiện tượng chung của xã hội văn minh” ( Bách khoa toàn thư Hoa Kỳ (2000), Nxb Scholastic Corporation, tr.248)
Trong Từ điển Bách khoa Việt Nam, “Đô thị là một không gian cư trú của cộng đồng người sống tập trung và hoạt động trong những khu vực kinh tế phi nông nghiệp” . Còn trong Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, đô thị là “nơi dân cư đông đúc, là trung tâm thương nghiệp và có thể có cả nông nghiệp, thành phố hoặc thị trấn” (Từ điển Bách khoa Việt Nam (2005), Nxb Từ điển bách khoa, tr.836)
Do phương thức sản xuất thay đổi, đô thị cũng thay đổi theo. Những yếu tố cấu thành nên đô thị ngày nay cũng khác so với thời xưa. Sự khác biệt này thể hiện qua sự phát triển của khoa học kỹ thuật, cơ sở kinh tế, quy mô dân số… Theo đó, đô thị là “điểm dân cư tập trung với mức độ cao, chủ yếu là lao động phi nông nghiệp, có cơ sở hạ tầng thích hợp, là trung tâm chuyên ngành tổng hợp, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước, của một miền lãnh thổ, của một tỉnh, huyện hoặc một vùng trong tỉnh, huyện” .
Nghiên cứu tìm hiểu sâu, chúng ta có thể thấy có rất nhiều định nghĩa với những tiêu chí khác nhau ở Việt Nam cũng như trên Thế giới, tuy vậy, ở Việt Nam hầu hết các cơ quan quản lý đô thị cũng như các nhà nghiên cứu đều dựa theo Nghị định số 132/HĐBT ngày 5/5/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) để xác định thế nào là một đô thị. Theo đó, đô thị là các điểm dân cư có các yếu tố cơ bản sau:
- Là trung tâm tổng hợp hay trung tâm chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng lãnh thổ nhất định.
- Quy mô dân số nhỏ nhất là 4.000 người (vùng núi có thể thấp hơn).
- Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm 90% trong tổng số lao động, là nơi sản xuất và dịch vụ thương mại hàng hóa phát triển.
- Có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình công cộng phục vụ dân cư đô thị. Mật độ dân cư được xác định tùy theo từng loại đô thị phù hợp với đặc điểm từng vùng”.
Trên cơ sở 04 tiêu chí được xác định trên, Quyết định 132/HĐBT ngày 5/5/1990 cũng đã phân đô thị thành 05 loại như sau:
- Đô thị loại I: là đô thị rất lớn, có vai trò thúc đẩy sự phát triển của cả nuớc, dân số từ hơn 1 triệu người trở lên, mật độ dân cư bình quân trên 15.000 người/km2, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp là 90% tổng số lao động của thành phố.
- Đô thị loại II: là đô thị lớn có vai trò thúc đẩy sự phát triển của một vùng lãnh thổ, dân số từ 35 nghìn đến 1 triệu người, mật độ dân số bình quân trên 12.000 người/km2, và tỉ lệ lao động phi nông nghiệp 90% tổng số lao động của thành phố.
- Đô thị loại III: là đô thị trung bình lớn, có vai trò thúc đẩy sự phát triển của một tỉnh hay từng lĩnh vực của một vùng lãnh thổ, dân số từ 100.000 đến 300.000 người, mật độ dân số bình quân trên 10.000 người/km2 (vùng núi có thể thấp hơn), tỉ lệ lao động phi nông nghiệp 80% tổng số lao động của đô thị.
- Đô thị loại IV: là đô thị trung bình nhỏ, có vai trò thúc đẩy sự phát triển của một tỉnh hay một vùng trong tỉnh; dân số từ 30.000 đến 100.000 người (vùng núi có thể thấp hơn); mật độ dân cư trung bình trên 8.000 người/km2 (vùng núi có thể thấp hơn), tỉ lệ lao động phi nông nghiệp 70% tổng số lao động của đô thị.
- Đô thị loại V: là những đô thị nhỏ, có vai trò thúc đẩy sự phát triển của một huyện hoặc một vùng trong huyện; dân số từ 4.000 (mức quy định tối thiểu cho cho một điểm dân cư đô thị) đến 30.000 người (vùng núi có thể thấp hơn), mật đô dân số bình quân 6.000 người/km2, tỉ lệ lao động phi nông nghiệp 60% tổng số lao động của toàn đô thị (mức quy định tối thiểu cho một điểm dân cư đô thị).
Tuy nhiên, trải qua hơn 10 năm từ 1990 đến năm 2000, các đô thị ở Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả về không gian và dân số, quy mô của các đô thị đã thay đổi nhiều, việc phân loại đô thị theo nghị định 132/HĐBT không còn phù hợp. Vì thế, Chính phủ đã ban hành nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2001 về việc phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo đó, đô thị được phân thành 6 loại, gồm: đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, đô thị loại II, đô thị loại III, đô thị loại IV và đô thị loại V.
Trải qua hơn 15 năm, từ năm 2001 đến năm 2016, trước tốc độ phát triển nhanh của các đô thị ở Việt Nam, ngày 25/5/2016, Uỷ ban thường vụ Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị với các quy định về tiêu chí phân loại, cách tính điểm, thẩm quyền và thủ tục phân loại đô thị. Theo đó, mỗi loại đô thị có những yêu cầu riêng về vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; quy mô dân số; mật độ dân số; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; trình độ phát triển cơ sở hạ tầng để được công nhận loại đô thị.
1.2 Đô thị hóa
Nằm trong lĩnh vực biến đổi kinh tế- xã hội, đô thị hóa là một hiện tượng chi phối sâu sắc đến cội rễ của cấu trúc xã hội, vì thế đô thị hóa trở thành một đối tượng nghiên cứu quan trọng.
Khác với sự hình thành đô thị thời cổ đại, quá trình đô thị hóa hiện đại bắt nguồn từ tiền đề công nghiệp hóa, với sự phát triển các chức năng xã hội - chính trị của những trung tâm dân cư mới, với sự phân biệt vùng cư trú được quy định bởi sự phân công lao động xã hội.
Theo Từ điển Bách Khoa Larousse thì đô thị hóa là hiện tượng dân số tập trung ngày càng dày đặc tại những địa điểm có tính chất đô thị. Đô thị hóa được xác định bằng sự kiện tăng dân số và sự phát triển không gian của thành phố. Từ điển tiếng Việt cũng có định nghĩa tương tự và đồng thời đã nhấn mạnh vai trò của thành thị đối với phát triển xã hội: “Đô thị hóa là quá trình tập trung dân cư ngày càng đông vào các đô thị và làm nâng cao vai trò của thành thị đối với sự phát triển của xã hội”. ( Từ điển tiếng Việt (1988), NXB Hà Nội tr.5)
Theo đó quá trình đô thị hóa về bản chất là sự chuyển đổi lối sống của đô thị, bởi trong quá trình hiện đại hóa, có sự di chuyển tập trung nhân khẩu nông nghiệp về thành thị, nhưng nếu lối sống của các cư dân ấy không trở thành lối sống đô thị, thì quá trình đô thị hóa cũng có thể coi như chưa đi đến bản chất của vấn đề.
Nhìn chung các định nghĩa trên khi nhận diện quá trình đô thị hóa cơ bản dựa vào dấu hiệu dân cư, bên cạnh đó còn có sự mở rộng không gian lãnh thổ đô thị và vai trò của đô thị trong sự phát triển của quốc gia.
Theo GS. Đàm Trung Phường, một trong những nhà đô thị học của Việt Nam thì quan niệm: “Đô thị hóa là một quá trình chuyển dịch lao động, từ hoạt động sơ khai nhằm khai thác tài nguyên thiên nhiên sẵn có như nông, lâm, ngư nghiệp, khai khoáng, phân tán trên một diện tích rộng khắp, hầu như toàn quốc, sang những hoạt động tập trung hơn như công nghiệp chế biến, sản xuất, xây dựng cơ bản, vận tải, sửa chữa, dịch vụ thương mại tài chính, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật v.v…, Quá trình đô thị hóa diễn ra song song với động thái phát triển không gian kinh tế – xã hội (spacial socieconomy), trình độ đô thị hóa phản ánh trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, của nền văn hóa và phương thức tổ chức lối sống xã hội… Do vậy, có thể nói đô thị hóa là một quá trình diễn biến về kinh tế, xã hội, văn hóa, không gian gắn liền với những tiến bộ khoa học kỹ thuật… .
Theo quan điểm này, thì đô thị hóa là một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện, trên tất cả mọi lãnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, lối sống, khoa học - kỹ thuật, không gian cư trú… của con người, từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp và có thể chia quá trình đô thị hóa ấy qua 3 thời kỳ khác nhau:
Một là, thời kỳ đô thị hóa tiền công nghiệp với cái xe quay sợi, biểu trưng cho văn minh nông nghiệp, tương ứng với cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ 1, hay còn gọi là cách mạng thủ công nghiệp kéo dài cho đến nửa đầu thế kỷ XVIII.
Hai là, thời kỳ đô thị hóa công nghiệp với động cơ máy hơi nước, biểu trưng cho nền văn minh công nghiệp, tương ứng với cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ 2; hay còn gọi là cách mạng công nghiệp mở đầu từ nước Anh nửa sau thế kỷ XVIII.
Ba là, thời kỳ đô thị hóa hậu công nghiệp với máy tính điện tử, biểu trưng cho văn minh tin học hay văn minh trí tuệ, tương ứng với cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật đã và đang diễn ra từ thập niên 40 của thế kỷ XX đến nay.
Mỗi thời kỳ như vậy, quá trình đô thị hóa đều tạo ra phong cách làm việc, ăn, ở và một hình thái phân bổ dân cư với một cấu trúc đô thị tương ứng.
Điểm đáng chú ý trong quan niệm đô thị hoá là gắn quá trình đô thị hoá với quá trình công nghiệp hoá- hiện đại hoá; và xác định tiêu chí cơ bản nhất để đánh giá mức độ đô thị hoá của một vùng lãnh thổ cũng như của một quốc gia là tỷ lệ phần trăm dân số đô thị so với tổng số dân của vùng lãnh thổ ấy hoặc của quốc gia ấy. Đây cũng chính là tiêu chí, cơ sở xác định trình độ đô thị hoá được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
Khái quát lại có thể thấy các định nghĩa, quan điểm về đô thị hoá, về cơ bản là thống nhất với nhau ở chỗ coi đô thị hoá là một vấn đề mang tính quy luật tất yếu khách quan và có tính toàn cầu, tiến bộ rõ rệt cùng với sự chuyển đổi mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện về các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, lối sống của con người từ nông thôn sang thành thị; từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp với sự tập trung dân cư phi nông nghiệp trong các đô thị theo những tỷ lệ ngày càng cao… Sự khác nhau trong cách hiểu về khái niệm đô thị hoá chủ yếu nằm ở góc độ và phương pháp tiếp cận.
Ở đây chủ yếu dựa vào những định nghĩa, tiêu chí cơ bản đã được công nhận về đô thị, đô thị hoá để tìm hiểu quá trình đô thị hoá ở quận 2 từ 1997 – 2015 đã diễn ra như thế nào. Đặc điểm của quá trình ấy, hoàn cảnh lịch sử và những chính sách đã chi phối, tác động đến nó, những bài học kinh nghiệm được rút ra từ việc nghiên cứu này.
2. Chủ trương, chính sách phát triển đô thị ở Quận 2 Thành Phố Hồ Chí Minh từ năm 1997 đến năm 2015
2.1. Quá trình thành lập Quận 2
Trong thời kỳ 1975-1996, theo các văn bản chính thức của Nhà nước, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) chỉ có 12 quận nội thành là các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình và Phú Nhuận, cộng thêm 6 huyện ngoại thành là Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Thủ Đức và Cần Giờ.
Từ lâu, người dân bản địa đã sống cuộc sống của một cư dân thuộc vùng đô thị hóa bán nông bán công. Trước 1975, do chiến tranh, đô thị hóa của quận 2 mang tính cưỡng bức: bến cảng, xí nghiệp nhà máy, cầu đường… đều chủ yếu phục vụ cho guồng máy chiến tranh, trong khi đó, đại bộ phận nông dân trình độ văn hóa thấp; cơ sở hạ tầng kém, thiếu trường học, nơi chữa bệnh, thiếu các công trình văn hóa; môi trường xã hội cũng hết sức phức tạp.
Từ sau 1975, chính quyền Thành phố đã có nhiều chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa, cải thiện cuộc sống cho nhân dân về nhiều mặt, giảm cách biệt giàu nghèo. Tuy nhiên chỉ sau khi có chính sách đổi mới (1986), sự thay đổi diện mạo của TP.HCM mới thật sự rõ nét, kinh tế phát triển, quy hoạch, cải tạo, xây dựng mới nhiều công trình tầm cỡ. Riêng vùng đất quận 2, theo đà phát triển chung của Thành phố, cũng có những bước chuyển mình, nhưng do không có sự tập trung chỉ đạo cụ thể, cũng như chỉ là những phường của quận Thủ Đức, nên sự đầu tư còn mang tính phân tán. Rõ ràng, cho đến trước khi được thành lập, quận 2 vẫn còn mang đậm tính chất một vùng nông nghiệp với đường sá hạ tầng yếu kém, nhà ở, điện nước…thiếu thốn. Đó là một thực tại, là điểm xuất phát của quận 2 khi bước vào quá trình đô thị hóa.
Cho đến ngày 1/4/1997, quận 2 mới được thành lập từ địa bàn các xã An Phú, An Khánh, Thủ Thiêm, Bình Trưng và Thạnh Mỹ Lợi (Thủ Đức cũ) với diện tích 5020 ha. Nhưng theo Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg ngày 10/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM đến năm 2020, thì quận 2 đã được xếp vào “khu nội thành phát triển (gồm 5 quận mới)”. Việc quy định mang tính văn bản hành chính nói trên, đã thể hiện rõ định hướng cho sự phát triển.
Bên cạnh đó, vai trò và vị trí của quận 2 trong quy hoạch phát triển kinh tế Thành phố có thể thấy qua Quyết định số 6577/QĐ-UB-Quản lý đô thị của Uỷ ban Nhân Dân Thành phố về quy hoạch chung quận 2 đến năm 2020: “ Cùng với sự phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TP.HCM, quận 2 có vị trí quan trọng, sẽ là trung tâm mới của Thành phố sau này; Quận 2 được quy hoạch là quận trung tâm đối trọng với quận 1, là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ,… mang tầm chiến lược trong sự phát triển của TP.HCM ở hiện tại và trong tương lai…”
Đối diện khu trung tâm cũ qua bờ sông Sài Gòn, quận 2 là đầu mối giao thông về đường bộ, đường xe lửa, đường thủy nối liền Thành phố với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Vì vậy, quận 2 được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của cả Thành phố và Trung ương, những dự án lớn về hạ tầng kỹ thuật đã, đang và sắp thực hiện sẽ kích thích và thu hút mạnh mẽ sự đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước vào địa bàn Quận. Hơn nữa, quận 2 có tiềm năng về quỹ đất xây dựng, mật độ dân số còn thưa, được bao quanh bởi các sông rạch lớn, môi trường còn hoang sơ nên đã nhân lên gấp bội lợi thế về địa bàn kinh tế của Quận.
2.2. Quận 2 trong không gian Thành phố Hồ Chí Minh
Quận 2 được thành lập năm 1997 trên cơ sở tách ra từ 05 xã Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi, Cát Lái, An Khánh, An Phú thuộc huyện Thủ Đức với diện tích tự nhiên 5020 ha, theo Nghị định số 03/NĐ-CP ngày 06/01/1997 của Chính phủ.
* Vị trí địa lý:
Quận 2 nằm ở phía Đông Bắc của thành phố Hồ Chí Minh, trên tả ngạn sông Sài Gòn. Phía Bắc giáp quận Thủ Đức, Bình Thạnh (qua sông Sài Gòn và sông Rạch Chiếc). Phía Nam giáp quận 7, huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai (qua sông Sài Gòn và sông Đồng Nai). Phía Đông giáp quận 4, quận 1, quận Bình Thạnh (qua sông Sài Gòn). Từ năm xã thuộc huyện Thủ Đức: An Phú, An Khánh, Thủ Thiêm, Bình Trưng và Thạnh Mỹ Lợi. Quận 2 được chia thành 11 phường gồm: An Phú, Thảo Điền, An Khánh, Bình An, Thủ Thiêm, An Lợi Đông, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Thạnh Mỹ Lợi và Cát Lái.
* Các yếu tố tự nhiên:
Địa hình quận 2 khá phức tạp, có nhiều kênh rạch, độ dốc theo hướng Bắc Nam. Địa hình nhìn chung phẳng và thấp với 2 vùng địa hình tự nhiên gò và bưng xen lẫn, hướng đổ dốc không rõ, độ cao mặt đất bình quân từ 0,5m đến 1,1m. Các gò cao đáng chú ý là gò Bình Trưng cao từ 2m đến 5m, gò Cát Lái cao từ 2m đến 2,6m. Ở những vùng có độ cao dưới 1m bị ngập nước và rút nước theo chế độ thủy triều.
Về thổ nhưỡng, ở quận 2 phần lớn thuộc nhóm đất phèn và đất phù sa, có kết cấu đất xấu, hiện trạng chỉ phù hợp với việc trồng và lên liếp trồng cây ăn quả.
Thủy văn chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều của sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Nguồn nước ngầm ở các vùng gò cao khá phong phú và có chất lượng khá tốt để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Đối với khu vực bưng trũng, mức nước ngầm từ 0,5-0,8m, có độ pH cao, thường xuyên bị nhiễm phèn mặn, phải xử lý bằng hệ thống lọc mới có thể dùng cho sinh hoạt.
* Tài nguyên thiên nhiên:
Tổng diện tích tự nhiên của Quận 2 là 5.020 ha; trong đó, đất nông nghiệp chiếm 51,8%, đất ở chiếm 9,8%, đất chuyên dùng 9,4%, diện tích còn lại là hệ thống sông rạch. Với hiện trạng như trên, Quận 2 có một quỹ đất lớn, hầu hết là đất trống, thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng các công trình và phát triển hệ thống giao thông nối liền giữa khu vực trung tâm nội thành và các vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.
Được bao bọc bởi 2 con sông lớn là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và 2 con rạch là rạch Bà Cua, rạch Chiếc, cùng với hệ thống kênh rạch chằng chịt, Quận 2 có một tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, rất thích hợp với việc phát triển các loại hình dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao gắn với du lịch sinh thái, đặc biệt thuận lợi phát triển hệ thống cảng phục vụ sản xuất, phát triển giao thông thủy.
Có thể thấy, Quận 2 có “vị trí nhiệm vụ” nối kết 3 khu năng động của nội thành (quận 1, quận 4, quận 7) với Nhơn Trạch (Đồng Nai) và vùng Bến Đò, Hội Sơn, Long Bửu. Sông Sài Gòn, sông Đông Nai với những chi lưu chằng chịt tạo cho Quận 2 một vùng đô thị sinh thái với nhiều tiềm năng phát triển.
2.3. Những chính sách tác động đến quá trình đô thị Quận 2 từ năm 1997 đến năm 2015
Có thể nói, trước 1997, Quận 2 là một “ốc đảo”, cả ba bề đều là sông nước, hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị được các chuyên gia đánh giá là “vùng trũng” của TP Hồ Chí Minh. Tuy vậy, với chủ trương phát triển đô thị Việt Nam và với những điều kiện thuận lợi về không gian, cảnh quan và vị trí chiến lược, trong những năm qua, chính quyền TP.HCM đã đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, hàng loạt các chủ trương, chính sách đã tạo điều kiện để Quận 2 phát triển; các khu đô thị hiện đại đang được hình thành, kết cấu hạ tầng đang hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy đô thị phía đông của Thành Phố phát triển.
Chủ trương, chính sách phát triển đô thị ở Quận 2 của Chính phủ và UBND TP. HCM từ năm 1997 đến 2015 có những mục tiêu cụ thể, có thể thấy rõ sự khác biệt trong chủ trương, chính sách phát triển Quận 2 qua 2 giai đoạn: 1997- 2006 (tập trung chuyển đổi cơ cấu KT, đầu tư CSHT để thu hút đầu tư và cải thiện đời sống người dân ở Quận 2) và 2007-2015 (phát triển CSHT đồng bộ khu vực phía Đông Tp.HCM, liên kết vùng KT giữa các tỉnh của miền Đông nam bộ và hình thành khu đô thị kiểu mẫu Thủ Thiêm).
* Giai đoạn 1997- 2006:
Trong Nghị định số 03/NĐ-CP ngày 06/01/1997 của Chính phủ về sự hình thành các Quận mới của TP.HCM, tại mục II đã chỉ dẫn “Thành lập Quận 2 và các phường thuộc Quận 2” trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã An Phú, An Khánh, Thủ Thiêm, Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi thuộc huyện Thủ Đức. Theo đó, địa giới hành chính của Quận 2 được xác định: Đông giáp Quận 9; Tây giáp Quận Bình Thạnh và Quận 1; Nam giáp Quận 7; Bắc giáp Quận Thủ Đức và Quận 9. Việc phân tách địa giới hành chính nhằm tăng cường phát triển về kinh tế, xã hội của Quận, dựa trên sự am hiểu chính xác của chính quyền địa phương về điều kiện kinh tế - xã hội và các đặc điểm về địa lý, dân cư… của khu vực này. Trên cơ sở đó, chính quyền đề ra các kế hoạch và có những chính sách nhằm phát huy được thế mạnh của từng khu vực trong địa bàn Quận 2, giúp cho công tác quy hoạch đúng hướng, đạt hiệu quả, phục vụ tốt hơn nhu cầu và lợi ích của nhân dân.
Theo Quyết định phê duyệt “Điều chỉnh qui hoạch chung Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ (quyết định số 123/1998/QĐ-TTg ngày 10/7/1998) đã xác định: “Cùng với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TP.HCM, Quận 2 có vị trí quan trọng, sẽ là “trung tâm dịch vụ - thương mại - công nghiệp - văn hoá - thể dục thể thao của TP. HCM trong quá trình ĐTH các quận ngoại thành”.
Trên cơ sở đó, ngày 07/12/1998, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 6577/QĐ-UB-QLĐT phê duyệt quy hoạch chung Quận 2 đến năm 2020. Theo quy hoạch, chức năng và động lực phát triển chủ yếu là “Trung tâm dịch vụ - thương mại - công nghiệp - văn hóa - thể dục thể thao” với quy mô dân số ổn định khoảng 600.000 dân. Quy hoạch chung còn xác định các chỉ tiêu kỹ thuật đô thị, các khu chức năng chủ yếu. Đó là cơ sở căn bản cho định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quận 2.
Theo Quyết định 622/QĐ-TTg tháng 7/2000 của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải về việc phê duyệt đầu tư xây dựng Đại lộ Đông - Tây TP.HCM (nay là Đại lộ Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt), Quận 2 có 4 khu đô thị quan trọng dọc theo hai “xương sống” này là: Thảo Điền, An Phú - An Khánh, City Horse và KĐTM Thủ Thiêm.
Không chỉ có các quyết định quan trọng tác động đến lãnh vực bất động sản, mà các quyết định khác liên quan đến đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng lớn nhỏ đã tạo điều kiện cho sự tăng tốc phát triển Quận 2 về mọi mặt.
Trong Quyết định 126/2003/qđ-ttg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/1/2003 về việc thành lập và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Cát Lái - Cụm II, Thành Phố Hồ Chí Minh. Sau khi xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, các nhà máy đã nhanh chóng mọc lên, lấp đầy KCN và đi vào hoạt động ổn định với tổng vốn đầu tư khoảng 450 tỷ đồng. Diện tích KCN Cát Lái dần được mở rộng để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc hình thành Khu công nghiệp địa phương đã mở ra hướng phát triển cho ngành CN - TTCN của Quận, góp phần quan trọng trong việc di dời các nhà máy trong khu vực dân cư, giải quyết tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp. Quận đã có những chính sách hấp dẫn để mời gọi doanh nghiệp các nơi về đầu tư tại địa phương.
Quyết định 791/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ năm 2005 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển khu vực TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa -Vũng Tàu (Nhóm cảng số 5) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, có đề cập đến việc di dời các cảng trên sông Sài Gòn (Tân Cảng Sài Gòn, cảng Nhà Rồng, cảng Khánh Hội) và Nhà máy đóng tàu Ba Son. Theo quy hoạch phát triển Cảng của Việt Nam, từ năm 2005, (khi Cầu Thủ Thiêm hoàn tất xây dựng) sẽ chuyển toàn bộ các hoạt động đón tàu container từ cảng Tân Cảng sang cảng Cát Lái. Với quy hoạch này, tốc độ đô thị hóa xung quanh cảng Cát Lái của Quận 2 phát triển mạnh, các dịch vụ cảng cũng trở nên nhộn nhịp.
Như vậy, quyết định trên đã biến cảng Cát Lái trở thành cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam. Cảng Cát Lái được nối với Quốc lộ 1, xa lộ Vành đai trong, xa lộ Vành đai ngoài, xa lộ HCM - Long Thành - Dầu Giây bằng đường Liên Tỉnh Lộ 25 với tải trọng H30 trên toàn tuyến. Qua các xa lộ này, hàng hóa được lưu thông từ Cảng Cát Lái đến các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long một cách dễ dàng và nhanh chóng. (Từ Tân Cảng Cát Lái, trung bình mỗi ngày có hàng chục ngàn xe container, xe tải chở hàng hóa xuất nhập khẩu từ các khu công nghiệp, khu chế xuất của TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương…). Cảng Cát Lái hiện chiếm thị phần trên 85% sản lượng container xuất nhập khẩu thông qua các cảng tại khu vực TP Hồ Chí Minh và lọt vào TOP 40 cảng container có sản lượng thông quan lớn nhất trên thế giới .
* Giai đoạn 2007- 2015
Quận 2 được xem là cửa ngõ phía Đông TP.HCM, mắt xích quan trọng kết nối Quận 9, Thủ Đức và các tỉnh Đông Nam Bộ. Với tình hình kinh tế TP.HCM và các vùng ngày càng phát triển dẫn đến tình trạng quá tải lưu lượng xe trên Xa lộ Hà Nội. Trước tình hình đó, trục Xa lộ Hà Nội được mở rộng lên đến 140m. Dự án được bắt đầu triển khai trong năm 2009 cùng với dự án mở rộng Quốc lộ 51.
Khủng hoảng kinh tế vào năm 2008 đã tác động đến tất cả các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn Quận 2 đặt những nền tảng quan trọng cho sự phát triển sau này. So sánh tốc độ đô thị hóa của Quận 2 so với các quận hình thành theo Nghị định 03 của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Quận 7 đi trước nhưng có thể sẽ về sau (vì hiện nay, mức độ đầu tư của Thành phố cho cơ sở hạ tầng ở khu Đông rất lớn).
Trong giai đoạn 2007- 2015, hàng loạt công trình giao thông quan trọng hình thành: khánh thành cầu Phú Mỹ (năm 2009), thông xe toàn tuyến Đại lộ Đông - Tây và hầm vượt sông Sài Gòn (năm 2011), khánh thành cầu Sài Gòn (tháng 2 năm 2013), thông xe toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, khởi công tuyến Vành đai Đông (một phần của Vành đai 2 TP.HCM) (năm 2015), khởi công tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (năm 2014)… Ước tính, trong giai đoạn từ 2010-2020, khu Đông TP.HCM, trong đó có Quận 2 sẽ đầu tư xây dựng 11 dự án hạ tầng lớn nhỏ với tổng vốn đầu tư khoảng 250.000 tỷ đồng, chiếm 70% tổng vốn đầu tư của toàn Thành phố. Thành phố xác định, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Xa lộ Hà Nội là hành lang phát triển chính. Trên các tuyến hàng lang này sẽ phát triển các KĐTM có mật độ xây dựng cao, đồng bộ về hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị. Hệ thống giao thông huyết mạch này không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh sống, làm việc, vận chuyển hàng hóa, nhân lực… mà còn kết nối Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức, phát triền khu đô thị khoa học - công nghệ trong tương lai.
Khu vực phía Đông của TP.HCM giáp ranh với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… đều là những trung tâm phát triển kinh tế lớn của vùng với nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất; kết nối TP.HCM với các địa phương trên sẽ hình thành nên các chuỗi sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao cho đất nước. Hơn nữa, tại đây đã có Khu công nghệ cao, nơi nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng, sản xuất nhiều sản phẩm có hàm lượng chất xám cao; có khu Đại học Quốc gia TP.HCM với hàng chục trường đại học, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho thành phố và khu vực.
Với quy hoạch phát triển của TP.HCM, Quận 2 còn được tiếp sức bởi sự hình thành KĐTM Thủ Thiêm (tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn đối diện Quận 1, với tổng diện tích 657 ha) được xem có vai trò quan trọng đối với TP.HCM, ví như Phố Đông đối với Thượng Hải (Trung Quốc). Ngày 19/6/2012 Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã ban hành Quyết định số 3165/QĐ-UBND về duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. Với quyết định trên, KĐTM Thủ Thiêm được quy hoạch là một trung tâm mới, hiện đại và mở rộng của trung tâm TP.HCM trong thế kỷ XXI, với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố, khu vực và có vị trí quốc tế; là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí; đảm nhiệm một số chức năng mà Trung tâm thành phố hiện hữu còn thiếu và hạn chế phát triển.
Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm là một công trình chiến lược, mở ra cơ hội tăng tốc phát triển mọi mặt và nâng cấp TP.HCM ngang tầm các đô thị hiện đại của khu vực và quốc tế. Theo tác giả Huỳnh Thế Du cho rằng: “Thủ Thiêm cần phải được tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Cùng với Quận 2, quận 9, Thủ Đức, đô thị mới Thủ Thiêm với chức năng là trung tâm tài chính lớn, sẽ giúp thành phố hình thành nên cả một hướng phát triển năng động làm đòn bẩy cho sự phát triển trên nhiều mặt của TP.HCM nói riêng và vùng TP.HCM nói chung” (Nguyễn Khoa. (16/06/2014). Phát triển đô thị về phía Đông. Khai thác từ http://quanlidothi.com/xem/1093/phat-trien-do-thi-ve-huong-dong-loi-ich-nao-cho-thanh-pho.html )
Theo quy hoạch được duyệt, quy mô Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm có diện tích là 657 ha thuộc địa bàn các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông và một phần phường Bình An, Bình Khánh. Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm được chia làm 5 khu vực chính gồm khu lõi trung tâm chính, khu vực hồ trung tâm, khu châu thổ phía Nam, khu dân cư phía Đông, khu phía Bắc Đại lộ Đông - Tây và dọc theo đại lộ vòng cung gắn với khu dân cư phía Bắc. Dự kiến khi hoàn thành, Thủ Thiêm sẽ là nơi cư trú cho 150.000 cư dân, thu hút 220.000 lao động đến làm việc và khách vãng lai là 1 triệu người (tối đa trong dịp lễ hội); hơn một nửa diện tích của khu đô thị sẽ được dành cho cây xanh và giao thông. Đây là khu đô thị sinh thái đậm chất Nam Bộ với hệ thống kênh rạch, ao hồ được nạo vét và giữ nguyên.
Kết luận:
Với diện tích tự nhiên khá rộng và tiếp giáp với trung tâm thành phố, Quận 2 có vị trí và vai trò chiến lược trong định hướng phát triển đô thị của TP.HCM. Vị trí và vai trò chiến lược của Quận 2 thể hiện ở những điểm sau:
- Vị trí chiến lược về giao thông: Là đầu mối giao thông về đường bộ, đường sắt nội đô, đường thủy nối liền Thành phố với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu (Quận 2 là cửa ngõ giao thông của TP.HCM với các tỉnh). Hiện tại trên địa bàn Quận 2 có trục đường quốc lộ chính đi phía Bắc, đường cao tốc từ Quận 2 đi các tỉnh thành; có cửa ngõ thông thương từ Cảng Cát Lái và sân bay Quốc tế Long Thành, tương lai có tuyến đường Metro chạy qua, là các tuyến nối trung tâm). Đặc biệt, Quận 2 còn có một khu cảng container lớn vào loại bậc nhất đất nước: Tân Cảng Cát Lái. Sự thuận lợi về giao thông sẽ là tiền đề cho sự phát triển mọi mặt kinh tế, xã hội của Quận 2 trong hiện tại và tương lai.
- Vị trí chiến lược về phát triển đô thị: Với định hướng phát triển đô thị phía Đông thì Quận 2 cùng với quận 9 trở thành trọng điểm phát triển đô thị mới của Thành phố HCM. Lợi thế của Quận 2 là quỹ đất còn khá lớn nên trên địa bàn Quận 2 sẽ phát triển các dự án đô thị lớn, tầm cỡ để cùng với nội thành hiện tại trở thành khu trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố Tp.HCM, của khu vực trong tương lai.
- Vai trò đặc biệt quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội: Với vị trí chiến lược trên và tiềm năng to lớn, Quận 2 sẽ là địa bàn trọng điểm trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế với các trung tâm tài chính, thương mại, du lịch, thể thao lớn của Thành phố HCM. Đó sẽ là điều kiện thuận lợi to lớn để Quận 2 phát triển mạnh mọi mặt kinh tế - xã hội.
Có thể thấy trong quá trình phát triển ĐTH, Quận 2 đã chịu tác động bởi nhiều yếu tố, tuy vậy, có 2 yếu tố quan trọng tác động đến quá trình đô thị hóa Quận 2 đó là yếu tố về môi trường tự nhiên, vị trí địa lý và yếu tố về con người (đó là hệ thống chính trị và các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, công nghệ cùng với việc thu hút lực lượng làm việc và sinh sống có trình độ chuyên môn cao).
Với vị trí chiến lược và tiềm năng to lớn, Quận 2 đã được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của cả Thành phố và Trung ương. Trong các quyết định quy hoạch tổng thể cho Quận 2 đã xác định các chỉ tiêu kỹ thuật đô thị, các khu chức năng chủ yếu, các dự án lớn về cấu trúc hạ tầng… sẽ là địa bàn trọng điểm trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế trong và ngòai nước.
Mặc dù chịu tác động do yếu tố thị trường, song quy hoạch đô thị ở Quận 2 vẫn nằm trong hệ thống quản lý tập trung từ trên xuống. Quy hoạch vẫn chủ yếu dựa vào việc chuyển hóa những mục tiêu kinh tế xã hội trong các kế hoạch 5 năm.
Quá trình đô thị hóa hiện nay ở Quận 2 phụ thuộc nhiều vào các quyết định mang tính hành chính về việc chỉ định những khu vực dành cho đô thị hay cho phát triển CN và dịch vụ. Hệ thống CSHT đã được chính quyền phát triển như một dạng nam châm thu hút đầu tư không chỉ nhiều thành phần kinh tế trong nước mà còn thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài. Với chính sách đầu tư mạnh mẽ này, Quận 2 đã tạo ra cơ sở hạ tầng cần thiết để có thể phát triển không chỉ là những khu đô thị mới mà còn có thể phát triển những khu công nghiệp và dịch vụ quy mô lớn. Có thể quan sát thấy ở nhiều nơi tại Quận 2 đang vào một guồng đầu tư rất lớn, nhanh và đầy ấn tượng. Hải cảng, đường cao tốc và những hạ tầng khác, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, khu vui chơi, giải trí v.v. đã và đang được quy hoạch và xây dựng với một tốc độ đáng kinh ngạc.
Quận 2 có những lợi thế so sánh vượt trội so với các quận khác, trong đó có thể kể đến lợi thế về vị trí địa lý và các điều kiện tự nhiên; lợi thế về quy mô và tiềm năng phát triển; lợi thế về cơ sở hạ tầng vật chất và cơ sở hạ tầng xã hội; lợi thế về nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao; lợi thế về y tế và giáo dục và lợi thế về vị thế chính trị - xã hội. Các lợi thế trên là điều kiện quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, mỗi lợi thế lại có ý nghĩa tương đối và bản thân chúng cũng biến đổi, tùy thuộc vào các nhân tố tác động lên chúng cũng như môi trường mà tại đó những nhân tố này hiện hữu.
Chính vì vậy, Chính quyền Quận 2 cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thu hút đầu tư, phát huy lợi thế không gian, cảnh quan môi trường; khai thác thật tốt lợi thế đất đai, nâng cao năng lực quản lý, không để phá vỡ quy hoạch, ngăn chặn triệt để tình trạng xây dựng không phép, từng bước hình thành khu đô thị văn minh kiểu mẫu của thành phố và cả nước. Việc xác định đúng vị trí, vai trò chiến lược cùng với những lợi thế của Quận 2, kết hợp đúng đắn và uyển chuyển những chủ trương, chính sách của Nhà nước nói chung và của TP.HCM nói riêng sẽ là những yếu tố tác động tích cực đến quá trình đô thị hóa ở Quận 2.
NCS. Nguyễn Thị Hồng Trang
(Giảng viên trường ĐH Sài Gòn)