
Toàn cảnh Hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức sáng ngày 30/5
1. Về Điều 9, khoản 1 Dự thảo
- Có một số ý kiến đề nghị giữ nguyên khoản 1 Điều 9 như quy định hiện hành vì quy định này đã cô đọng, ổn định và không trùng lặp với các điều khoản khác của Hiến pháp.
- Có một số ý kiến đề nghị bổ sung cụ thể thêm loại hình “tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ” vào đoạn 1 của khoản này cho đầy đủ và phù hợp với quy định tại Quyết định số 118-QĐ/TW của BCH Trung ương Đảng.
- Có ý kiến đề nghị làm rõ chức năng của MTTQVN theo hướng bổ sung chức năng “tư vấn” thành “tư vấn, giám sát, phản biện xã hội” theo luật định, bảo đảm các hoạt động này có căn cứ hiến định và cơ sở pháp lý chặt chẽ.
2. Về Điều 9 khoản 2 Dự thảo
Đa số ý kiến cho rằng cần cân nhắc thêm cách diễn đạt từ “trực thuộc” để mô tả quan hệ giữa MTTQVN và các tổ chức thành viên, cần rõ hơn về mặt hành chính, pháp lý để không làm mất tính độc lập tương đối của những tổ chức thành viên, tránh cách hiểu mang tính hành chính hóa, không phù hợp với tính chất liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của MTTQVN.
Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định thừa nhận vai trò của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và các tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp trong khối Mặt trận, bảo đảm phản ánh đầy đủ các thành phần của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.
3. Về Điều 9 khoản 3 Dự thảo
Đa số ý kiến nhất trí dự thảo Khoản 3 Điều 9
Một số ý kiến cho rằng quy định hiện hành của Khoản 3 Điều 9 Hiến pháp 2013 là đầy đủ và phù hợp, do đó không cần sửa đổi.
4. Về Điều 10 Dự thảo
Nhiều ý kiến cho rằng,
Thứ nhất, cần cân nhắc, làm rõ thêm cụm từ “trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” như phân tích ở Điều 9.
Thứ hai, cần cân nhắc nội dung “của giai cấp công nhân và của người lao động”. Thực tiễn hiện nay, Công đoàn Việt Nam đại diện chung cho người lao động, không phân biệt thành phần hay giai cấp, nên việc tách bạch “giai cấp công nhân” riêng có thể không cần thiết.
Thứ ba, đề nghị chuyển nội dung “là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn” xuống cuối Điều 10 Dự thảo. Việc sắp xếp lại như vậy sẽ giúp kết cấu điều luật mạch lạc hơn: trước tiên nêu rõ vị thế, chức năng chung của Công đoàn, sau đó mới khẳng định vai trò đại diện cấp quốc gia và quốc tế của Công đoàn một cách đầy đủ, chính xác về mặt tổ chức.
5. Về Điều 84 khoản 1 Dự thảo
Đại đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định của Hiến pháp 2013 nhằm bảo đảm quyền trình dự án luật của các tổ chức thành viên của Mặt trận, bởi lẽ:
Thứ nhất, mặc dù các tổ chức này đã được tổ chức thống nhất trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng họ vẫn có tính độc lập tương đối; do đó việc duy trì quy định hiện hành sẽ bảo vệ quyền sáng kiến lập pháp đã được Hiến pháp ghi nhận cho những tổ chức này.
Thứ hai, việc sắp xếp, tổ chức lại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên vừa qua chủ yếu nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, chứ không nhằm hạn chế quyền lập pháp hiến định của các tổ chức đó. Vì vậy, khi sửa đổi, cần bảo đảm không làm suy giảm quyền trình dự án luật, pháp lệnh đã được Hiến pháp ghi nhận đối với các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Thứ ba, trường hợp nếu cần giới hạn thì chí ít đề nghị giữ nguyên quyền trình dự án luật của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ mà không ảnh hưởng tới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương công tác tham gia xây dựng pháp luật; việc tổ chức nào được giao nhiệm vụ xây dựng và trình dự án luật do cơ quan có thẩm quyên phân công [1].
6. Về Điều 110 Dự thảo
Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ khái niệm “đơn vị hành chính dưới tỉnh” trong dự thảo Điều 110. Thay vì sử dụng thuật ngữ chung chung, Hiến pháp nên liệt kê cụ thể các cấp hành chính (như xã, phường, thị trấn hoặc đặc khu) hoặc dùng khái niệm “cấp cơ sở” để phản ánh đúng mô hình chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở) theo Nghị quyết 60-NQ/TW. Quy định rõ ràng như vậy sẽ bảo đảm tính minh bạch và định hướng thống nhất khi triển khai.
Một số ý kiến khác đề nghị điều chỉnh kết cấu của Điều 110 để nội dung mạch lạc hơn. Cụ thể, nên nhập khoản 1 và khoản 2 thành một, đồng thời đưa “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” vào cùng danh mục các đơn vị hành chính thay vì tách thành một khoản riêng. Cách quy định này giúp liệt kê thống nhất tất cả các loại đơn vị hành chính (từ cấp tỉnh, cấp dưới tỉnh đến đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt), tránh chồng chéo, thiếu logic.
Về trình tự thay đổi đơn vị hành chính, đa số ý kiến đề nghị giữ quy định phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương trước khi quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách hoặc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, tương tự như Hiến pháp 2013. Đây là nguyên tắc quan trọng thể hiện quyền làm chủ của Nhân dân, thực tiễn cho thấy việc hỏi ý kiến người dân đã mang lại hiệu quả, tạo đồng thuận xã hội.
7. Về Điều 111 Dự thảo
Hầu hết ý kiến nhất trí Dự thảo.
8. Về Điều 112 Dự thảo
Hầu hết ý kiến nhất trí dự thảo.
Bên cạnh đó, có một số ý kiến đề nghị bổ sung vào khoản 1 quy định chính quyền địa phương “chịu sự giám sát của Nhân dân và sự giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Bổ sung này cụ thể hóa nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân (Điều 2 Hiến pháp 2013) và vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (Điều 9) và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ. Qua đó bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động dưới sự giám sát của Nhân dân, nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Về kỹ thuật lập pháp, nên bỏ cụm “và địa phương” trong khoản 2 để tránh trùng lặp, vì ngay sau đó đã có “chính quyền địa phương từng cấp”. Việc này giúp câu văn chặt chẽ, rõ ràng hơn, đồng thời nhấn mạnh sự phân định thẩm quyền giữa trung ương và từng cấp chính quyền địa phương.
9. Về Điều 114 Dự thảo
Hầu hết ý kiến nhất trí dự thảo.
Một số ý kiến cho rằng Ủy ban nhân dân không chỉ chịu trách nhiệm trước HĐND và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên mà phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, do vậy cần bổ sung cụm từ “trước pháp luật” nhằm nhấn mạnh trách nhiệm pháp lý của UBND. Do đó có thể sửa thành: “Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu… chịu trách nhiệm trước HĐND, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên và trước pháp luật.”
10. Về Điều 115 Dự thảo
Theo Hiến pháp 2013, đại biểu HĐND là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của dân và “có quyền chất vấn Chủ tịch UBND…, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện KSND”. Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng quy định HĐND giám sát hoạt động của Tòa án và Viện kiểm sát cùng cấp; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND 2015 cũng yêu cầu HĐND “xem xét báo cáo công tác của… TAND, VKSND” và “xem xét việc trả lời chất vấn”. Như vậy pháp luật đã giao HĐND vai trò giám sát hoạt động công quyền ở địa phương, trong đó chất vấn là công cụ minh bạch, trực tiếp bắt buộc người được hỏi phải chịu trách nhiệm. Chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp, công khai, nếu không được quyền chất vấn sẽ dẫn đến đại biểu HĐND sẽ khó có thể trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri liên quan đến Tòa án, Viện KSND. Vì vậy cần giữ lại quyền chất vấn của HĐND đối với Chánh án và Viện trưởng VKSND, việc này bảo đảm quyền giám sát tư pháp của nhân dân và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
11. Về Điều 2 Dự thảo Nghị quyết
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 2013 bổ sung quy định cho phép “trường hợp đặc biệt, chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ chức danh lãnh đạo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp”. Cơ chế này được đề xuất nhằm kịp thời kiện toàn tổ chức bộ máy khi sáp nhập địa phương, bảo đảm chính quyền mới kịp hoạt động, nhất là khi nhiệm kỳ HĐND hiện tại còn ngắn.
Cơ bản các ý kiến đều nhất trí với Dự thảo./.
[1] Các tổ chức thành viên của MTTQ từng chủ trì xây dựng và trình Quốc hội thông qua dự án luật:
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Dự án Luật Công đoàn.
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Dự án Luật Bình đẳng giới.
- Hội Luật gia Việt Nam: Dự án Luật Trọng tài thương mại
- Hội Luật gia Việt Nam: Dự án Luật Trưng cầu ý dân
- Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: Dự án Luật hoạt động chữ thập đỏ