Trung Quốc đang tăng cường đầu tư ở vùng Viễn Đông Nga (RFE), làm dấy lên lo ngại về sự gia tăng làn sóng di cư người Trung Quốc cũng như vấn đề về môi trường.
Những cuộc gặp gỡ gần đây giữa giới chức Trung Quốc và Nga cho thấy nỗ lực mới nhất nhằm tăng cường quan hệ 2 nước, đặc biệt là khu vực dọc biên giới. Tuy nhiên, theo báo South China Morning Post (Hồng Kông), giống như nhiều quốc gia khác, Nga ngày càng thấm thía việc hợp tác với Trung Quốc có thể là con dao 2 lưỡi.
Quan hệ Nga - Trung đang ở thời điểm tốt nhất trong lịch sử. Đó là lời khẳng định của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với truyền thông tại hội nghị thượng đỉnh hồi tuần trước ở Nga. Tuyên bố được củng cố qua gói tài trợ 10 tỉ USD của Bắc Kinh cho các dự án cơ sở hạ tầng xuyên biên giới với Nga.
Dẫu thế, giới phân tích cho rằng hoạt động đầu tư của Trung Quốc trong khu vực chỉ châm thêm dầu vào căng thẳng, gia tăng lo ngại về sự hiện diện của Bắc Kinh ở RFE. Hệ quả không tránh khỏi là dòng người di cư từ Trung Quốc mà người dân địa phương xem là dấu hiệu mở rộng lãnh thổ của Bắc Kinh.
Từ năm 2009, Trung Quốc và Nga đã khởi động chương trình hợp tác dài hạn ở khu vực biên giới, gồm 205 dự án trọng điểm - Nga 94 dự án và Trung Quốc 111 dự án. Dù vậy, trong khi phía Nga không mấy mặn mà, phía Trung Quốc lại cực kỳ sốt sắng thực hiện các dự án ở Nga như khai thác quặng kim loại, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, sản xuất xi măng, hiện đại hóa các cơ sở hải quan và kiểm soát biên giới. Điều kiện tiên quyết để thực hiện các dự án như vậy của Trung Quốc là đưa một lượng lớn lao động đến Nga. Trung Quốc còn muốn chuyển nhiều doanh nghiệp lớn sang RFE, từ các dự án xây dựng đến đóng tàu và viễn thông.
Thực tế, các hoạt động kinh tế của Trung Quốc tại RFE vẫn đang mở rộng với sự ưu đãi ngầm của Nga, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Gần đây, 2 nước ký kết thỏa thuận mới, trong đó Nga cho Trung Quốc thuê 150.000 ha đất nông nghiệp tại khu vực ngoại Baikal ở phía Đông Siberia trong 49 năm với giá 5 USD/ha. Hầu hết đất rừng của Nga gần biên giới đã được Trung Quốc thuê để phục vụ hoạt động khai thác gỗ.
Bất chấp những lo ngại về thoái hóa đất, sức khỏe con người... do Trung Quốc dùng hóa chất tràn lan trong nông nghiệp, lợi ích kinh tế của cả hai bên đang càng ngày phụ thuộc lẫn nhau. Thế nhưng, điều này cũng không tránh khỏi làm gia tăng chủ nghĩa dân tộc và bài ngoại ở Nga. Hợp tác với Trung Quốc chỉ có hiệu quả khi nhiều người Nga lựa chọn sống và làm việc ở RFE, nhờ vào cơ sở hạ tầng được cải thiện và các ngành công nghiệp mới. Nếu không, sự hiện diện ngày càng tăng của người Trung Quốc trong khu vực có thể trở thành một "quả bom địa chính trị hẹn giờ".
Theo NLD