"Xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm là cần thiết, tôi nghĩ sẽ không làm tổn thương đến những người làm báo mà có thể xem đây là một bài học kinh nghiệm về đạo đức nghề nghiệp" - Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn trao đổi khi đề cập tới quyết định thu hồi thẻ nhà báo của ông Mai Phan Lợi do ông ký chiều qua.
[caption id="attachment_142986" align="aligncenter" width="410"]
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn: Nhà báo khi tham gia mạng xã hội rất dễ xảy ra tình trạng xung đột lợi ích nếu nội quy cơ quan báo chí không đủ kiểm soát[/caption]
Trái đạo đức, trái đạo lý
Thưa Bộ trưởng, Bộ TT&TT đã nhanh chóng quyết định thu hồi thẻ nhà báo của nhà báo Mai Phan Lợi (Trưởng VPĐD báo Pháp Luật TP HCM tại Hà Nội) dựa theo căn cứ nào?
Báo Pháp Luật TP HCM đã ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ đồng thời kèm theo báo cáo cụ thể về những sai phạm của Mai Phan Lợi với tư cách là một nhà báo, Đảng viên. Căn cứ pháp luật để thu hồi thẻ nhà báo đã ghi rõ trong quyết định.
Chúng tôi phải cân nhắc khi ra quyết định này vì đang dịp kỷ niệm Ngày nhà báo Việt Nam (21/6).
Tuy nhiên, xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm là cần thiết, tôi nghĩ sẽ không làm tổn thương đến những người làm báo mà có thể xem đây là một bài học kinh nghiệm về đạo đức nghề nghiệp.
Mai Phan Lợi đã có hành vi vi phạm về việc đưa thông tin trên mạng xã hội các cơ quan chức năng đã nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn tái phạm.
Gây bức xúc cho cộng đồng gần đây nhất là việc Mai Phan Lợi đưa ra thăm dò nhân vụ máy bay Su-30 và Casa 212 bị nạn trên biển khi đang làm nhiệm vụ xúc phạm đến gia đình, người thân, đồng đội liệt sĩ và Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngoài ra hành vi của Mai Phan Lợi về mặt nghề nghiệp là trái đạo đức, về đạo lý của con người cũng không thể chấp nhận được.
Vi phạm cá nhân nhưng thuộc tổ chức
Những thông tin vi phạm như Bộ trưởng đang nói là do cá nhân Mai Phan Lợi viết trên Diễn đàn nhà báo trẻ vậy có liên quan gì đến tư cách nhà báo hay không, thưa Bộ trưởng?
Tôi đã trả lời nhiều lần, Việt Nam không cấm sử dụng mạng xã hội. Nhưng luật pháp Việt Nam quy định mạng xã hội phải được hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật.
Đối với các chủ thể cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, hiện các cơ quan chức năng đang nghiên cứu bổ sung vào luật.
Trường hợp Mai Phan Lợi chủ thể vi phạm là cá nhân nhưng thuộc tổ chức là báo Pháp Luật TP HCM, cá nhân này đã được cơ quan xác định vi phạm Bộ quy tắc ứng xử về đạo đức và các vi phạm khác.
Ở khía cạnh khác, nhà báo khi tham gia mạng xã hội rất dễ xảy ra tình trạng xung đột lợi ích nếu nội quy cơ quan báo chí không đủ kiểm soát được.
Cần lưu ý tư cách nhà báo khi tham gia mạng xã hội và cung cấp những thông tin vượt qua khỏi phạm vi thông tin cá nhân mang tính chất thông tin báo chí.
Ngoài việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp, hành vi này có thể vi phạm pháp luật theo các nghị định 72, 174, các thông tư liên quan và điều 122 Bộ luật hình sự.
Nhân kỷ niệm ngày 21.6, qua vụ việc đáng tiếc này xin Bộ trưởng có vài lời đối với những nhà báo?
Hiện nay mạng xã hội ở Việt Nam đang phát triển mạnh, tôi xin lưu ý các cơ quan báo chí trong việc sử dụng fanpage, các nhà báo sử dụng mạng xã hội cần đưa những thông tin có ích cho cộng đồng, có lợi cho quốc gia, góp phần xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh và tử tế.
Nhân kỷ niệm ngày Nhà báo Việt Nam tôi xin chúc các cơ quan báo chí ngày càng phát triển, giữ vững ý chí lập trường, xứng đáng với truyền thống nghề báo.
Xin chúc toàn thể các nhà báo sức khoẻ, trao dồi nghiệp vụ thường xuyên, rèn luyện đạo đức, có nhiều đóng góp cho gia đình và xã hội.
Xin cảm ơn Bộ trưởng
Theo Vietnamnet