Bộ đôi ‘đả hổ diệt ruồi’ mới của ông Tập

Trong nhiệm kỳ lãnh đạo thứ hai của ông Tập Cận Bình, chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” sẽ được dẫn dắt bởi bộ đôi Triệu Lạc Tế - Dương Hiểu Độ.

Ủy ban Giám sát quốc gia (NSC) vừa được thành lập của Trung Quốc (TQ) được đánh giá là một cơ quan siêu quyền lực với quy mô hoạt động vô cùng lớn và tính chất độc lập trong hoạt động không bị kiểm soát bởi tòa án, viện kiểm sát và các cơ quan chấp pháp. Thế nhưng quyền lực thật sự bên trong NSC sẽ là Ủy ban Kiểm tra và kỷ luật trung ương (CCDI) của Đảng Cộng sản TQ (CPC). Trật tự bất thành văn này được thể hiện qua mối liên hệ giữa hai cái tên: Dương Hiểu Độ, Chủ nhiệm NSC và Triệu Lạc Tế, Chủ nhiệm CCDI.

Sự lựa chọn bất ngờ

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), ông Dương Hiểu Độ, sinh năm 1953, là người gốc Thượng Hải nhưng trải qua gần 25 năm công tác tại khu vực Tây Tạng. Từ một lãnh đạo công ty dược quốc doanh, ông Dương sau nhiều năm hoạt động đã thăng tiến lên chức vụ phó chủ tịch của chính quyền quản lý khu tự trị nhiều biến động, theo tờ Nikkei Asian Review. Ông Dương được luân chuyển trở về quê nhà Thượng Hải và công tác tại “trái tim” tài chính của đại lục TQ từ năm 2001 đến năm 2014. Ông được cho là bắt đầu tiếp xúc, giành được sự tin tưởng của ông Tập Cận Bình từ năm 2007 khi nhà lãnh đạo tương lai của TQ trở thành bí thư Thành ủy Thượng Hải.

Sau khi ông Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng, ông Dương Hiểu Độ vào năm 2014 được chỉ định là phó chủ nhiệm CCDI. Với vị trí này, ông Dương được truyền thông đánh giá là cánh tay phải của ông Vương Kỳ Sơn, nguyên Chủ nhiệm CCDI và là kiến trúc sư trưởng của chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”. Ông cũng từng giữ chức vụ bộ trưởng Bộ Giám sát và lãnh đạo Cục Phòng, chống tham nhũng quốc gia đã được giải thể và sáp nhập vào NSC.

Tờ Nikkei gọi ông là nhân vật chủ đạo xúc tiến các chính sách của CCDI nhằm thúc đẩy kỷ cương, sự cần kiệm đối với đảng viên CPC và quan chức chính phủ như: Cấm việc treo các băng rôn chào mừng, các hình thức trải thảm đỏ, mở đại tiệc và vung tiền mua hoa trang trí trong các hoạt động đón tiếp quan chức các cấp. Trả lời Tân Hoa xã vào năm 2017, ông Dương từng cho biết các hoạt động tiệc tùng tiêu tốn công quỹ tại TQ đến gần 32 tỉ USD mỗi năm. Chính trị gia gốc Thượng Hải vào tháng 10-2017 đã được bầu vào Bộ Chính trị 25 người của Ủy ban Trung ương CPC, nằm trong 15 gương mặt mới của cơ quan lãnh đạo hàng đầu trong mọi chính sách của đất nước.

Việc bổ nhiệm ông Dương làm chủ nhiệm NSC là một bất ngờ lớn đối với những nhà quan sát chính trị TQ, chuyên trang phân tích quốc tế The Diplomat nhận định. Nhiều chuyên gia về chính trị TQ từng dự đoán rằng vị trí đó sẽ dành cho người kế nhiệm ông Vương Kỳ Sơn lãnh đạo CCDI là ông Triệu Lạc Tế, một ngôi sao đang lên trên chính trường TQ.

 Ông Dương Hiểu Độ tuyên thệ nhậm chức chủ nhiệm NSC, cơ quan chống tham nhũng mới của Trung Quốc. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Ông Dương Hiểu Độ tuyên thệ nhậm chức chủ nhiệm NSC, cơ quan chống tham nhũng mới của Trung Quốc. Ảnh: TÂN HOA XÃ)
 Ông Triệu Lạc Tế (trái) là người kế nhiệm ông Vương Kỳ Sơn (phải) lãnh đạo CCDI. Ảnh: WSJ
Ông Triệu Lạc Tế (trái) là người kế nhiệm ông Vương Kỳ Sơn (phải) lãnh đạo CCDI. Ảnh: WSJ)

Nhạc trưởng sau bức màn?

Khi được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị hồi tháng 10-2017, ông Triệu Lạc Tế, sinh năm 1957, là ủy viên trẻ nhất trong tập hợp bảy thành viên quyền lực này và được giới quan sát đánh giá là một trong những nhân vật nhận được nhiều sự tin tưởng của ông Tập Cận Bình. Trước đó, ông Triệu giữ chức trưởng Ban Tổ chức trung ương và được ví von là nhân vật “khắc phục hậu quả” của cuộc chiến chống tham nhũng. Tờ Nhân Dân Nhật Báo của TQ năm 2014 từng viết: “Bất cứ khi nào ông Kỳ Sơn hành động, ông Triệu Lạc Tế sẽ lại bận rộn”. Là người lãnh đạo cơ quan nhân sự của Ủy ban Trung ương CPC, ông Triệu chịu trách nhiệm lấp những vị trí lãnh đạo để lại bởi các tham quan bị kỷ luật bằng những nhân vật có được sự tin cậy của ông Tập. Theo bình luận của SCMP, kể từ khi bước chân vào Bộ Chính trị năm 2012, điểm mạnh của ông Triệu là không có mối quan hệ “bè phái chính trị” nào nổi trội và sự ủng hộ tuyệt đối dành cho các quyết định của ông Tập. Chuyên gia phân tích chính trị TQ Bo Zhiyue tại New Zealand cho biết: “Nếu như ông Triệu là một người có tham vọng cá nhân lớn, chúng ta sẽ nhìn thấy những người có quan hệ thân thiết với ông ấy được thăng quan tiến chức. Tuy nhiên, các nhà quan sát không phát hiện dấu hiệu này”.

Ông Triệu cũng là một nhân vật tài năng trong lứa những quan chức cấp cao của TQ trưởng thành sau giai đoạn Cách mạng văn hóa. Ông Triệu lớn lên ở TP Tây Ninh, thủ phủ tỉnh Thanh Hải, phía Tây Bắc TQ nhưng cha mẹ ông là người gốc Thiểm Tây, cùng quê với ông Tập. Ở tuổi 42, ông đã trở thành lãnh đạo chính quyền tỉnh Thanh Hải và là lãnh đạo cấp tỉnh trẻ nhất TQ khi đó. Chỉ bốn năm sau, ông trở thành bí thư Tỉnh ủy Thanh Hải, cũng lập kỷ lục lãnh đạo tỉnh ủy trẻ nhất trong thời gian này. Trong giai đoạn giữ chức bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây từ năm 2007 đến năm 2012, ông được người dân ví von là “bí thư nhân dân” vì những chuyến thăm thường xuyên tới các khu vực nghèo khó. Năm 2008, Thiểm Tây đạt mức tăng trưởng GDP 15%, trở thành một trong hai đơn vị cấp tỉnh khi đó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP trên 13%.

Tờ The Diplomat nhận định ông Dương Hiểu Độ nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ vị trí phó chủ nhiệm CCDI. Bước đi này sẽ đảm bảo được sự lãnh đạo hiệu quả của CCDI và rộng hơn là sự lãnh đạo tuyệt đối của CPC đối với NSC, một cơ quan còn non trẻ nhưng nắm trong tay siêu quyền lực. Ông Dương dù là tân chủ nhiệm của NSC và là ủy viên Bộ Chính trị nhưng về “trật tự” trong CCDI và trong Bộ Chính trị thì ông đều được xếp thấp hơn ông Triệu Lạc Tế. Tờ The Diplomat cho rằng sợi dây liên hệ này giữa hai nhân vật cấp cao nhất chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” hiện nay sẽ quyết định “trật tự” quyền lực giữa CCDI và NSC, từ đó tránh được sự giẫm chân lên nhau trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Ông Triệu Lạc Tế có phải là “nhạc trưởng” của chiến dịch chống tham nhũng sau “bức rèm” NSC hay không, điều này sẽ cần thêm thời gian để quan sát. Trở lời tờ báo này, một cựu giảng viên khoa học chính trị tại ĐH Thanh Hoa, Bắc Kinh đánh giá: “Sẽ là một điều thú vị để theo dõi liệu ông Dương sẽ báo cáo trực tiếp cho ông Tập Cận Bình và Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn, hay sẽ báo cáo lại cho ông Triệu Lạc Tế”.

Liệu sẽ có bộ ba quyền lực?

Ông Vương Kỳ Sơn cũng là một ẩn số khác trong chiến dịch chống tham nhũng giai đoạn này. Dù không còn ở trong Bộ Chính trị TQ, ông Vương Kỳ Sơn cũng được Quốc hội TQ “phá lệ” và bầu làm phó chủ tịch nước. Vị trí này trước đây thường mang tính chất ngoại giao là chính, theo tờ SCMP.

Đã có nhiều dự đoán ông Vương sẽ đảm trách nhiệm vụ chính là hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Ông Vương luôn được đánh giá là “cánh tay phải” của ông Tập Cận Bình và nhiều khả năng sẽ được ông Tập tạo điều kiện nắm quyền lực thật sự thông qua các ban chỉ đạo do ông Tập đứng đầu. Về lý thuyết, ông Vương vẫn có thể thay mặt ông Tập giải quyết công việc trong các ban chỉ đạo này. Việc giám sát hoạt động chống tham nhũng cũng có thể được ông Vương thực hiện thông qua các ban chỉ đạo này.

Tờ Nikkei Asian Review cũng cho rằng tác giả của ý tưởng đưa vào Hiến pháp TQ nội dung khẳng định NSC là một “cơ quan nhà nước” có thể chính là ông Vương Kỳ Sơn. Tháng 11-2017, ngay sau khi thôi làm chủ nhiệm CCDI, ông Vương đã có một bài xã luận dài đến 5.000 từ trên tờ Nhân Dân Nhật Báo nhấn mạnh tính cấp thiết của cuộc chiến chống tham nhũng và mục tiêu “nhổ tận gốc các nhóm lợi ích thông đồng với suy thoái chính trị và tham nhũng kinh tế”. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy ông Vương sẽ theo dõi từng bước tiến của cuộc chiến chống tham nhũng.

Theo PLO

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin