Bịt khoảng trống pháp lý đối với các dự án đầu tư nước ngoài

03/11/2023 20:23

Ngày 3/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai sửa đổi. Thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia công là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

Về quy định về đất đai đối với khu vực đầu tư nước ngoài, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, từ năm 2013 trở về trước, các dự án đầu tư nước ngoài thuộc diện Nhà nước thu hồi đất để cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất.

Nhưng khi Luật đất đai được ban hành thì các dự án này không thuộc diện thu hồi đất nữa và cũng không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Do vậy, thời gian qua, đã tạo ra khoảng trống pháp lý đối với các dự án đầu tư nước ngoài.

Nay tại các điều 28, 79, 128 của dự thảo Luật đã bổ sung quy định dự án đầu tư nước ngoài được Quốc hội hoặc Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư thì được thu hồi đất, hoặc được phép thương lượng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi dự án.

1-1699003538.jpeg

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa (Nam Định)

Theo bà Hoa, quy định này là cần thiết và phù hợp, nhất là trong bối cảnh nước ta sắp phải thực hiện quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD. “Có như vậy mới thu hút được nhà đầu tư nước ngoài mới và không làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài hiện hữu”, bà Hoa nhất trí với phương án 2, điểm c, khoản 1 Điều 28 của dự thảo Luật.

Liên quan đến vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng (Điều 79 của dự thảo Luật), theo đại biểu, so với Điều 86 của dự thảo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, chỉ có 4 khoản quy định về các trường hợp thu hồi đất một cách khái quát. Nay dự thảo Luật có 31 khoản quy định về các trường hợp cụ thể và 1 khoản có tính chất dự phòng các trường hợp khác để Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung sau này theo thủ tục rút gọn.

Đại biểu đoàn Nam Định nhất trí với cách quy định của Khoản 32 này, vì phù hợp với yêu cầu của Điều 54 Hiến pháp 2013 là “phải do Luật định”. Tuy nhiên, trong số các trường hợp cụ thể, dự thảo vẫn quy định các trường hợp khác như: khoản 18 quy định về “các trung tâm cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các cơ sở chuyên ngành khác”; hoặc Khoản 20 quy định về “các công trình sự nghiệp khác”.

“Các trường hợp khác này không rõ là trường hợp gì và cơ quan nào sẽ quyết định. Bởi vì, Quốc hội sẽ chỉ bổ sung trường hợp khác theo thủ tục rút gọn nếu không thuộc các trường hợp quy định từ K1 đến K31”, nhấn mạnh điều này, đại biểu Hoa đề nghị làm rõ những “trường hợp khác” là trường hợp nào, bởi luật phải minh bạch, nhất là những trường hợp liên quan quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Trường hợp chưa làm rõ được thì sau này có phát sinh thì trình Quốc hội bổ sung sau. Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát các trường hợp cụ thể từ K1 đến K31 đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Hiến pháp 2013, Nghị quyết 18 và bỏ các trường hợp khác như đã nêu trên.

2-1699003544.jpeg

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang)

"Đi đêm" thỏa thuận giá cao vẫn dở khóc, dở cười

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) quan tâm đến Điều 79, quy định về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia đã liệt kê 31 trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, ông còn băn khoăn, vì liệt kê các trường hợp cụ thể như vậy có thể vẫn chưa bao quát hết.

“Băn khoăn vì quy định như vậy vẫn chưa thể giải quyết triệt để một trong những bất cập lớn nhất đang đặt ra là khi Nhà nước thu hồi đất, người có đất được bồi thường theo bảng giá đất do Nhà nước ban hành, trong khi các doanh nghiệp và người có đất thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án thì giá đất thường cao hơn”, ông Tuấn nêu.

Theo đại biểu đoàn Bắc Giang, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân luôn cảm thấy thiệt thòi, thiếu sự đồng thuận khi Nhà nước thu hồi đất. Mặt khác, đối với doanh nghiệp khi triển khai dự án phải thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng gặp không ít khó khăn.

“Nhiều trường hợp doanh nghiệp phải mất nhiều năm để thỏa thuận, có trường hợp phải "đi đêm" để thỏa thuận với giá cao hơn, thiếu công bằng với số còn lại, song doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười khi đã thỏa thuận chuyển nhượng được trên 90% diện tích, thậm chí còn cao hơn mà vẫn không thể triển khai dự án dù chỉ còn số ít không đồng thuận”, ông Tuấn nói.

Đại biểu cho rằng, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khiếu kiện đơn thư phức tạp về đất đai ở các địa phương hiện nay, chiếm đến khoảng 75%. Vì vậy, ông Tuấn đề xuất Quốc hội xem xét, chỉnh sửa, bổ sung Điều 79 và các điều khoản liên quan trong dự thảo luật theo hướng Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng thực hiện dự án.

Bạn đang đọc bài viết "Bịt khoảng trống pháp lý đối với các dự án đầu tư nước ngoài" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin