Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp “tuyên chiến” với tham nhũng vặt

(Pháp lý) - Xuất phát từ những tố cáo, phản ánh của doanh nghiệp về tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, quan chức, thời gian qua báo chí đã tích cực vào cuộc đồng hành cùng doanh nghiệp “tuyên chiến” với tham nhũng vặt. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyến cáo, để chống lại sự nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, tốt nhất doanh nghiệp cần kinh doanh minh bạch, đúng luật và nói không với việc đưa hối lộ.

Khi báo chí vào cuộc chống tham nhũng vặt

Mới đây, Hải quan Quảng Trị ra quyết định đình chỉ công tác 15 ngày với ông Lê Chí Thành, Chi Cục trưởng Hải quan cửa khẩu quốc tế La Lay (huyện Đăkrông) và 04 cán bộ dưới quyền, để xác minh thông tin những người này nhận tiền ngoài quy định của tổ chức, cá nhân khi thông quan tại đây.

Từ tố cáo của doanh nghiệp, Phóng viên vào cuộc điều tra cảnh nhũng nhiễu ở cửa khẩu La Lay
Từ tố cáo của doanh nghiệp, Phóng viên vào cuộc điều tra cảnh nhũng nhiễu ở cửa khẩu La Lay)

Trước đó, xuất phát từ nguồn tin tố cáo của nhiều người dân và doanh nghiệp vận tải, hàng hóa qua cửa khẩu La Lay (xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, thông thương với huyện Sa Mouay, tỉnh Salavan, CHDCND Lào) đều phải dùng tiền bôi trơn để được lực lượng chức năng cửa khẩu “nới lỏng” giám sát, tạo điều kiện xuất - nhập cảnh, Phóng viên báo điện tử Vietnamnet đã vào cuộc điều tra và phản ánh một kíp trực tại đây đã nhận tiền ngoài quy định rồi nhét vào hộc bàn làm việc.

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ từ nguồn tin tố cáo của doanh nghiệp, báo chí đã vào cuộc điều tra phản ánh. Bình luận về vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP. Hà Nội nhận định: Báo chí thời gian qua đã đồng hành rất tích cực cùng doanh nghiệp trong việc phòng, chống tham nhũng vặt.

Theo ông Quốc Anh, thực tế, khi xảy ra những hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, quan chức, bản thân các doanh nghiệp không dám tố cáo tới các cơ quan quản lý nhà nước, bởi nếu tố cáo thì công việc kinh doanh của họ sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hành vi bao che của các doanh nghiệp lại không đúng.
Báo chí đồng hành, phản ánh các vụ việc sai phạm, giúp tăng cường khâu kiểm tra giám sát từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. “Đôi khi cơ quan nhà nước phát hiện các chuyên viên mắc sai phạm không dám mạnh tay xử lý, thường bao che cho cán bộ có sai phạm. Còn báo chí là cơ quan trung gian phản ánh những sai phạm, vừa giúp doanh nghiệp, vừa giúp cơ quan quản lý nhà nước. Nguồn tin từ báo chí đã trở thành công cụ để kiểm tra, giám sát một cách khách quan”, ông Quốc Anh phân tích.

Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội
Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội)

Vị Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP.Hà Nội nhận định, báo chí đang phát huy mạnh mẽ vai trò chống tham nhũng vặt, thông qua việc phát hiện các vụ việc sai phạm và đưa ra ánh sáng, giúp môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Tuy nhiên, thời gian tới, báo chí cần tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò trung gian giúp cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, khi các hiện tượng gây nhũng nhiễu, phiền hà các doanh nghiệp vẫn hàng ngày, hàng giờ xảy ra.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Vũ Văn Thiệu - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh INCIP nêu quan điểm: Luật Báo chí 2016 đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Báo chí bao gồm: Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội, làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân; Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Trong khi đó, doanh nghiệp là đối tượng chiếm số lượng không nhỏ trong những đối tượng hay tiếp xúc với các cơ quan hành chính nhà nước. Qua một số vụ việc xảy ra trên thực tế, có thể thấy doanh nghiệp cũng là đối tượng phải chịu sự nhũng nhiễu, tiêu cực nhiều nhất từ một số cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn tư lợi cá nhân.

Theo Luật sư Thiệu, trong những năm vừa qua, báo chí có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, là công cụ hữu hiệu góp sức cho người dân và doanh nghiệp xóa bỏ tệ nạn này. Từ những nguồn tin ban đầu từ doanh nghiệp, bằng năng lực và các biện pháp nghiệp vụ riêng của mình, với sự hỗ trợ của các phương tiện nghiệp vụ…, nhiều vụ việc tham nhũng đã được các nhà báo, cơ quan báo chí góp phần làm rõ.

“Các bài, loạt bài phóng sự, phóng sự điều tra đã phơi bày những sự thật, “vạch mặt chỉ tên” không ít những cá nhân, tập thể tham nhũng, phản ánh một bộ phận không nhỏ cán bộ, trong đó không ít cán bộ có chức, có quyền vì lợi ích cá nhân đã có các hành vi vi phạm pháp luật của Nhà nước, vi phạm các quy định về quản lý gây thiệt hại cho Nhà nước và xã hội, gây mất lòng tin của cán bộ, nhân dân”, Luật sư Thiệu nói.

LS. Thiệu nhận định, các bài báo phản ánh tình trạng tham nhũng vặt không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, mà còn tạo ra dư luận xã hội trong việc đấu tranh với những hành vi vi phạm, đồng thời thúc đẩy các cơ quan chức năng vào cuộc. Trong nhiều trường hợp, những kết quả từ quá trình điều tra của báo chí còn là những thông tin, chứng cứ ban đầu để các cơ quan chức năng mở rộng điều tra, tiếp tục làm rõ và xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực có liên quan.

Ở một góc nhìn khác, Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Gia đình) chia sẻ: vai trò của báo chí trong việc phòng, chống tham nhũng nói riêng và công cuộc phát triển đất nước nói chung không ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, LS. Hùng cho rằng, vì những yếu tố khách quan mà báo chí vẫn chưa phát huy hết được vai trò của mình. Bởi vì, trong công tác tác nghiệp của mình, nhiều nhà báo rất khó để tiếp cận được các thông tin để đăng bài về các đề tài liên quan đến tham nhũng.

Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia đình
Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia đình)

Doanh nghiệp kinh doanh minh bạch, hiểu luật để chống nhũng nhiễu, tham nhũng vặt

Để phát huy hơn nữa sự tương tác giữa báo chí và doanh nghiệp trong việc đẩy lùi tham nhũng, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, báo chí phải có nhiều giải pháp theo các chuyên đề cụ thể, đặc biệt liên quan đến phòng, chống tham nhũng.

“Thông qua các buổi tọa đàm chuyên đề với sự tham gia của chuyên gia kinh tế, các nhà làm luật,… các bên sẽ cùng ngồi lại, tìm ra những khúc mắc trong vấn đề chống tham nhũng. Đồng thời, các bên nên có các chuyên trang để tạo thành diễn đàn, công khai các vấn đề tham nhũng vặt, để cơ quan quản lý nhà nước thấy được các kiến nghị, sau đó có các đề xuất kịp thời, chính xác”, ông Quốc Anh nói.

Bên cạnh đó, vị Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội cũng đề xuất nên tuyên dương các chuyên viên nhà nước, các doanh nghiệp, nhà báo có hoạt động chống tham nhũng tốt để động viên kịp thời, lan tỏa hành động tích cực tới cộng đồng.

Luật sư Vũ Văn Thiệu cho rằng, phía doanh nghiệp phải tích cực cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, đặc biệt tích cực phản ánh những biểu hiện sai phạm của các cán bộ, công chức, từ chối mọi đòi hỏi, nhũng nhiễu của cán bộ không phù hợp với quy định của pháp luật.

Để làm được như vậy, người dân và doanh nghiệp cũng phải trang bị cho mình những hiểu biết và kiến thức pháp luật cần thiết để biết những yêu cầu nào là hợp lý, những yêu cầu nào không đúng với quy định của pháp luật, qua đó sử dụng chính pháp luật để làm công cụ đấu tranh với tham nhũng, lộng quyền.
Về phía các cơ quan báo chí, Luật sư Thiệu đề xuất cần tìm tòi và sâu sát hơn trong việc khai thác thông tin khi doanh nghiệp có phản ánh về các biểu hiện sai phạm của công chức. Bản thân các phóng viên, nhà báo cũng cần giữ được sự trong sạch, nghiêm túc với công việc và đứng về phía người dân, doanh nghiệp, cùng họ đấu tranh, phòng, chống tham nhũng.

Nhận định báo chí là một phương tiện thông tin không thể thiếu trong việc phòng, chống tham nhũng, Luật sư Trần Minh Hùng nhấn mạnh, doanh nghiệp cần tương tác với báo chí nhiều hơn để đảm bảo các thủ tục hành chính được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Bởi, nếu doanh nghiệp tương tác với báo chí thì các quy trình, thủ tục hành chính không phải do một người dân giám sát mà được toàn dân giám sát.

Bàn về giải pháp giúp doanh nghiệp “tuyên chiến” với tham nhũng sao cho đúng quy định của pháp luật, Luật sư Thiệu nhấn mạnh, bản thân người dân và doanh nghiệp phải trang bị cho mình những kiến thức và căn cứ pháp luật cần thiết, sử dụng pháp luật làm công cụ để đấu tranh với những đòi hỏi, nhũng nhiễu vô lý từ phía các cán bộ, công chức nhà nước.

Đồng thời, doanh nghiệp chỉ cần tuân thủ theo quy định của pháp luật và không chấp thuận bất cứ “yêu cầu” nào không phù hợp. Nếu như doanh nghiệp không được giải quyết yêu cầu, đề nghị của mình theo đúng quy định thì có quyền làm đơn khiếu nại, tố cáo theo quy định tại Luật khiếu nại, Luật Tố cáo,….

Để chống lại nạn tham nhũng, Luật sư Trần Minh Hùng nhận định, doanh nghiệp cần phải nói không với việc đưa hối lộ cho cơ quan nhà nước. Đồng thời, tố giác các hành vi vòi tiền của cán bộ nhà nước. Doanh nghiệp cũng cần làm việc tuân thủ pháp luật, không chạy chọt, để đẩy lùi nạn tham nhũng vặt.

Đồng quan điểm với các Luật sư, ông Quốc Anh cũng cho rằng, bước đi cụ thể và quan trọng trong việc chống tham nhũng vặt là doanh nghiệp phải kinh doanh minh bạch, sản phẩm đảm bảo chất lượng, đúng theo các quy trình và đúng pháp luật thì sẽ không bị hiện tượng vòi vĩnh. Đồng thời, doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí để tố giác kịp thời các hiện tượng vòi vĩnh. Bên cạnh đó, sự liên kết thông tin trên nền tảng 4.0 hiện nay, cũng là điều kiện để các doanh nghiệp mạnh dạn tố cáo tới báo chí và báo cáo tới các cơ quan quản lý nhà nước nhằm xử lý kịp thời các vấn đề nhũng nhiễu, vòi vĩnh.

Nguyễn Hòa

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin