Lâu nay, nói tới nghề báo, nghề phóng viên chiến trường vẫn được nhắc đến như mảng nguy hiểm nhất. Nhưng thực tế, với số lượng nhà báo bị giết hại không ngừng tăng lên, báo chí chống tham nhũng cũng trở nên hiểm nguy không kém. Để có được những bài báo chống tham nhũng sắc nhọn, không ít những cây bút đã phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình.
Những cái chết bất thường
Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng quả thật, nếu các phóng viên chiến trường chỉ thực sự rơi vào nguy hiểm khi xông pha tác nghiệp tại điểm nóng thì với các cây bút chuyên mảng điều tra chống tham nhũng, hiểm nguy dường như rình rập họ mọi lúc, mọi nơi, cả trong những tình huống khó ngờ nhất. Chưa kể, sự nguy hiểm đó đôi khi “lây lan” cả sang những người thân, tòa soạn, đồng nghiệp của họ.
Trong bảng thống kê những nhà báo bị thiệt mạng, sát hại trong năm của Ủy ban Quốc tế bảo vệ các nhà báo (CPJ), hầu như năm nào cũng có sự xuất hiện của các nhà báo chuyên viết về mảng chống tham nhũng.
Theo một khảo sát được CPJ thực hiện, ít nhất 20%, trong tổng số khoảng hơn 1.200 nhà báo thiệt mạng trong khi tác nghiệp trong khoảng thời gian từ 1992 đến nay là các nhà báo chuyên về mảng chống tham nhũng.
Theo thời gian, những con số đáng báo động ấy không hề có dấu hiệu giảm xuống, tính chất nghiêm trọng của những vụ nhà báo chống tham nhũng bị giết hại cũng không hề suy giảm. Bằng chứng là, trong năm 2017 vừa qua và những tháng đầu năm 2018 trở lại đây, đã xảy ra không ít những vụ nhà báo chống tham nhũng bị giết hại gây chấn động dư luận.
Đơn cử vụ nữ nhà báo điều tra nổi tiếng Daphne Caruana Galizia của Malta bị sát hại giữa thanh thiên bạch nhật hồi tháng 10-2017. Nữ nhà báo 53 tuổi đã thiệt mạng khi chiếc xe do bà điều khiển vừa ra khỏi nhà riêng ở thị trấn Mosta, ngoại ô Thủ đô Valletta, đã phát nổ. Vụ nổ kinh hoàng khiến chiếc xe bị phá hủy thành từng mảnh. Thủ tướng Malta Joseph Muscat lên án đây là vụ tấn công “man rợ”, “đi ngược lại với nền văn minh và nhân phẩm, chống lại tự do báo chí". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert lên án: “Đây là vụ tấn công hèn nhát cướp đi sinh mạng của một phóng viên dũng cảm, tài năng, người đã cống hiến cả sự nghiệp để phanh phui những hành vi tham nhũng”.
Lật lại “sơ yếu lý lịch” của bà Daphne Caruana Galizia mới thấy cái chết bi thảm của bà khó có thể là một sự không may. Bà Galizia là một nhà báo có tiếng ở Malta. Những bài báo sắc nhọn của bà được coi là "cái gai" nhắm vào Chính phủ và những nhân vật quyền lực ngầm ở Malta. Bà đã phanh phui rất nhiều bê bối từ các ngân hàng chuyên phục vụ rửa tiền đến những mối liên quan giữa ngành công nghiệp cờ bạc trực tuyến của Malta và mafia, chuyện tham nhũng, hối lộ... đặc biệt ở lĩnh vực chính trị, khi liên tục đưa ra các cáo buộc tham nhũng đối với các chính trị gia từ các đảng phái, trong đó có cả Thủ tướng Muscat và vợ ông.
Trang blog cá nhân của bà ra mắt năm 2008 có lúc đạt tới 400.000 người xem/ngày - cao hơn lượng phát hành của toàn bộ báo chí Malta. Những năm gần đây, với tư cách là người đứng đầu phóng sự điều tra vụ bê bối Hồ sơ Panama ở Malta, bà Galizia có công lớn trong việc phanh phui mối liên hệ giữa Malta và Hồ sơ Panama, lật tẩy các chiêu trò trốn thuế của nhiều cá nhân, tổ chức trên thế giới liên quan tới Hãng luật Mossack Fonseca. Chính điều này khiến bà Galizia được tờ Politico bình chọn là một trong 28 người sẽ tạo ra “cơn địa chấn” ở châu Âu năm 2017.
Ngày 22-2-2018, khi thủ phạm sát hại nữ nhà báo Daphne Caruana Galizia vẫn chưa được làm sáng tỏ thì làng báo chí điều tra châu Âu lại một lần nữa chấn động, bàng hoàng trước việc Jan Kuciak - nhà báo chống tham nhũng, tiêu cực nổi tiếng bậc nhất ở Slovakia bị bắn chết cùng vợ ngay tại nhà riêng ở làng Velka Maca, phía Tây Slovakia. Cả hai vợ chồng Jan Kuciak đều bị liên tiếp những mảnh đạn bắn vào ngực và đầu. Cảnh sát Slovakia nhận định đây là vụ giết người hết sức dã man và lịch sử Slovakia hiện đại chưa từng chứng kiến một vụ giết nhà báo như vậy.
Nhìn lại những loạt bài báo chấn động mà Jan Kuciak đã viết mới thấy, cũng như nữ đồng nghiệp Daphne Caruana Galizia, cái chết của anh không hề là một vụ giết người đơn thuần. Khoảng mấy năm trở lại đây, Jan Kuciak nổi như cồn tại Slovakia nhờ hàng loạt bài báo liên quan đến tình trạng tài chính ám muội hoặc trốn thuế của những công ty có liên quan đến các nhà đầu tư và thương nhân hàng đầu nước này. Nhiều người trong số họ có quan hệ với Chính phủ hoặc những người quyền lực như Robert Kalinak, Bộ trưởng Nội vụ và Jan Pociatek, cựu Bộ trưởng Tài chính. Trước khi bị giết hại, Jan Kuciak được cho là đang trong quá trình điều tra một đường dây tham nhũng quy mô lớn có liên quan đến nhiều chính trị gia và doanh nhân.
Những lời thỉnh cầu rơi vào hư không
Cái chết bi thảm của Jan Kuciak đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng chính trị lan khắp Slovakia, thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ của dân chúng đối với tình trạng tham nhũng ở quốc gia châu Âu này, khiến Thủ tướng Slovakia Robert Fico buộc phải từ chức. Các nhà điều tra Slovakia hối hả vào cuộc. Khoản tiền thưởng 1 triệu euro cũng được hứa hẹn trao cho người nào cung cấp được thông tin giúp tìm ra thủ phạm. “Kẻ sát nhân máu lạnh phải bị trừng trị. Chúng ta phải tìm ra chúng và đảm bảo an toàn cho các nhà báo” - Tổng thống Slovakia Andrej Kiska tuyên bố.
Tại Malta, cách đó hơn nửa năm, Thủ tướng Joseph Muscat đã ra lệnh cho cơ quan chức năng khẩn trương truy lùng thủ phạm. Chính phủ Malta công bố số tiền thưởng trị giá 1 triệu euro cho các thông tin về nghi phạm gây ra cái chết của bà Daphne Caruana Galizia. Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange, đã tuyên bố thưởng 20.000 euro cho thông tin về những kẻ giết người. Một cuộc điều tra quốc tế đã được tiến hành với sự tham gia của chuyên gia đến từ Mỹ, Hà Lan và Europol.
Tuy nhiên, sau tất cả những xáo động, ồn ào ấy, tới thời điểm này, bất chấp những cuộc điều tra, vẫn chưa có bất kỳ manh mối nào về thủ phạm gây ra cái chết của Jan Kuciak, của Daphne Caruana Galizia. Mọi bức xúc, những lời thỉnh cầu, những quyết tâm điều tra cho ra thủ phạm gây ra tội ác với các nhà báo… đã rơi vào hư không. Thực trạng đáng buồn này cũng không phải chuyện mới mẻ. Theo CPJ, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ các vụ nhà báo bị giết hại nói chung, các nhà báo chống chống tham nhũng nói riêng, bị giết hại được điều tra một cách đến nơi đến chốn. Phần nhiều hoặc rơi vào im lặng hoặc là đánh chuông gõ mõ ồn ào ban đầu nhưng rốt cuộc chẳng mang lại kết quả nào.
Công lý phải được thực thi
Sau cái chết của Jan Kuciak, ông Antonio Tajani, Chủ tịch Nghị viện châu Âu nhắc lại vụ sát hại nhà báo người Malta Daphne Caruana Galizia hồi tháng 10-2017 và cho rằng nữ phóng viên này “sẽ không yên nghỉ chừng nào công lý chưa được thực thi”. Ông kêu gọi nhà chức trách Slovakia tiến hành một cuộc điều tra nghiêm túc cùng với sự trợ giúp của quốc tế nếu cần thiết cho cái chết của Jan Kuciak.
Tại Malta, hàng ngàn người đã đổ xuống đường phố ở Thủ đô Valletta để bày tỏ sự phẫn nộ trước cái chết của nữ nhà báo điều tra nổi tiếng Daphne Caruana Galizia. Họ yêu cầu công lý phải được đáp ứng.
Nhưng thực tế, bất chấp sự mong mỏi của dư luận, trong những vụ sát hại nhà báo dã man như vụ Jan Kuciak, vụ Daphne Caruana Galizia… công lý vẫn chưa được thực thi.
Cụm từ “công lý phải được thực thi” vẫn là lời kêu gọi khẩn thiết đầy tuyệt vọng mà giới truyền thông đang hướng đến những người bảo vệ luật pháp.
Dĩ nhiên, vẫn biết, sinh nghề tử nghiệp. Đã chọn nghề báo, nhất là lại bước vào mảng đầy nguy hiểm như đấu tranh chống tham nhũng, chẳng nhà báo nào không ý thức được những gì đang rình rập, đe dọa họ. Nhiều nhà báo luôn sẵn sàng lăn xả vào “điểm nóng”.
Nhưng nhà báo trước hết cũng là một con người. Đã là con người thì không gì quý giá hơn mạng sống. Phóng viên ảnh chiến trường người Hà Lan Jeroen Oerlemans, trước khi ngã xuống khi đang tác nghiệp đã từng thốt lên: “Không có bức ảnh, bài báo nào đáng phải trả giá bằng mạng sống”. Thật vậy! Không có nhà báo nào đáng phải trả giá mạng sống của mình vì những bài báo.
Thế nên, câu chuyện bảo vệ các nhà báo khi tác nghiệp tại các “điểm nóng” nói chung, tại những địa hạt nguy hiểm như chống tham nhũng nói riêng, dù chẳng mới, bất chấp mọi nỗ lực, vẫn luôn là vấn đề nhức nhối. Đâu đâu cũng vang lên cụm từ “bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp” nhưng trên thực tế ai bảo vệ họ, bảo vệ như thế nào vẫn là câu hỏi ngỏ. Cả Jan Kuciak, Daphne Caruana Galizia nhiều ngày trước khi bị sát hại, đều lên tiếng công khai trên facebook, thậm chí trình báo với cảnh sát việc họ đang bị đe dọa. Nhưng sự cầu cứu ấy, dường như chẳng mang lại kết quả nào. Công lý trong việc bảo vệ nhà báo phải được thực thi - dường như vẫn là khát khao cháy bỏng của những người cầm bút trên toàn thế giới.
Một tia hy vọng
Năm 2017, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) - Tổ chức toàn cầu về chống tham nhũng - đã tham gia Chiến dịch bảo vệ các nhà báo chống tham nhũng trên phạm vi toàn cầu (ProtectJournalists) - do Tổ chức Nhà báo không biên giới (RSF) khởi xướng.
Tham gia chiến dịch này còn có hơn 130 tổ chức phi Chính phủ và các cơ quan báo chí truyền thông trên toàn thế giới.
“Các nhà báo chống tham nhũng mới chính là những người chống tham nhũng mạnh mẽ nhất, bởi chính họ là người phanh phui những kẻ tham nhũng. Nhưng đây cũng là công việc vô cùng nguy hiểm và vì thế, họ cần được bảo vệ nhiều hơn nữa” - José Ugaz, Chủ tịch của Transparency International khẳng định.
Mục tiêu trước mắt của chiến dịch ProtectJournalists này là thúc đẩy sự ra đời của vị trí đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về bảo vệ an toàn cho các nhà báo. Theo đó, đại diện đặc biệt này sẽ thường xuyên làm việc với Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng như các tổ chức thành viên của Liên hợp quốc về mọi vấn đề liên quan tới việc bảo vệ an toàn cho nhà báo khi tác nghiệp, trong đó có việc thúc đẩy sự ra đời một kế hoạch hành động về bảo vệ an toàn cho các nhà báo.
Theo Báo Thanh tra