Báo chí ASEAN trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quản trị tòa soạn số

09/12/2023 09:23

Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” là một diễn đàn mở để thảo luận các vấn đề lý thuyết, chia sẻ tình hình, tiến trình và các gợi mở phương pháp, giải pháp chuyển đổi số trong báo chí truyền thông tại Việt Nam và các quốc gia thuộc khu vực ASEAN.

Ngày 07/12/2023, tại Hà Nội, Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, với sự tham dự của 07 đoàn đại biểu quốc tế đến từ Liên đoàn các nhà báo ASEAN, gồm: Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore; các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí, cơ sở  đào tạo báo chí tại Việt Nam.

Tham luận tại hội thảo sẽ đi sâu vào những vấn đề về quản trị tòa soạn số hiện nay, như: Xu hướng phát triển báo chí số trên thế giới và các quốc gia khu vực; Quản trị tòa soạn số - cơ hội và thách thức và việc ứng dụng công nghệ, công cụ số, nền tảng số, đào tạo nhân lực số trong bối cảnh mới. Các nhà khoa học, chuyên gia và các nhà báo tiếp cận và phân tích sâu về quản trị nội dung và quản trị tòa soạn số, hướng tiếp cận vấn đề từ công nghiệp văn hóa, công nghiệp nội dung, công nghiệp số, kinh tế - kinh doanh - tài chính.

anh-1-1702088522.jpeg

Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị toà soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”

 

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh đến việc Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số báo chí. Ngày 06/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cuối năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công bố mức độ trưởng thành về chuyển đổi số của các cơ quan báo chí. Nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đã mạnh dạn đưa sản phẩm báo chí của mình lên không gian mạng, xuyên biên giới, đem lại trải nghiệm mới, bài học mới trong quá trình làm báo trên không gian mạng.

anh-2-1702088549.jpeg

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu

 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, chuyển đổi số trong truyền thông thực chất là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm phong phú thêm hệ sinh thái truyền thông số với những tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông tới người tiêu dùng thông tin. Việc các nước ASEAN cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết về chiến lược, cách làm hay trong việc thúc đẩy và định hướng các cơ quan báo chí truyền thông trong nước chuyển đổi số một cách bền vững là rất cần thiết.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm bày tỏ mong muốn thông qua Hội thảo, các đại biểu sẽ trao đổi mở để chia sẻ tình hình, tiến trình hoạch định chính sách và các phương pháp tốt nhất để chuyển đổi số trong truyền thông. Đây là nền tảng cho việc tiếp tục thảo luận, đề xuất các sáng kiến, ưu tiên hợp tác trong thời gian tới.

anh-3-1702088549.jpg

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo

 

Báo cáo đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ, trong lĩnh vực báo chí, chuyển đổi số là quá trình ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động sản xuất và phân phối thông tin, làm phong phú thêm hệ sinh thái truyền thông số với những tính năng mới, ưu việt hơn, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông tới công chúng.

Báo chí số thúc đẩy siêu tương tác xã hội mạnh mẽ: Tương tác giữa các tờ báo với nhau, giữa tờ báo với công chúng, giữa tờ báo với mạng xã hội, giữa công chúng với nhau, giữa công chúng với cơ quan chức năng, giữa cơ quan báo chí với các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách...

Tuy nhiên, cùng với những cơ hội, ông Lợi cho rằng, chuyển đổi số còn mang lại những thách thức không nhỏ, mà lớn nhất là sự cạnh tranh quyết liệt của mạng xã hội với đặc điểm dễ tiếp cận, dễ chia sẻ, thông tin nhanh nhạy, đa dạng... “Những cơ hội và thách thức đó buộc mọi cơ quan báo chí trên thế giới cũng như ở các nước ASEAN phải nhanh chóng thích ứng, đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số”.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, thực hiện chuyển đổi số các cơ quan báo chí ở Việt Nam là sự thay đổi về tổng thể và toàn diện kể cả phương thức, cách làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo các tác phẩm báo chí, cũng như về nhận thức và thái độ của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí.

Đồng thời, đó cũng là hoạt động phát triển báo chí dựa trên mô hình hội tụ, đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện để thực hiện một cách hiệu quả chức năng cung cấp thông tin cập nhật, khách quan, đa chiều… tới công chúng ở trong nước và trên thế giới.

Xét cho cùng, mục tiêu của chuyển đổi số chính là nhằm xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn và phụng sự xã hội” - Ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý báo chí số tại quốc gia mình, Chủ tịch Hội đồng báo chí quốc gia Thái Lan Chavarong Limpattamapanee cho rằng cùng với xu thế phát triển số, đang có một cuộc cạnh tranh rất gay gắt giữa các cơ quan báo chí chính thống và truyền thông mạng xã hội. Khó khăn lớn nhất trong quản lý các cơ quan báo chí là phải tạo ra các nền tảng tin tức, duy trì được chuyên nghiệp, tính chính xác, cạnh tranh với các truyền thông mạng xã hội. Trong khi đó công nghệ thay đổi nhanh, các cơ quan báo chí phải tìm cách hòa nhập, tiếp thu được các thành quả công nghệ, ứng dụng trong hoạt động...

anh-4-1702088549.jpg
 

Các đại biểu thuộc Liên đoàn Báo chí ASEAN (CAJ) tham dự hội thảo.

 

Các đại biểu Việt Nam và quốc tế tham dự hội thảo đều nhất trí rằng, chuyển đổi số là xu thế toàn cầu có tác động sâu rộng lên các lĩnh vực của nền kinh tế-chính trị-xã hội các quốc gia. 

Đối với báo chí, chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý nội dung, tác nghiệp, sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung, kinh doanh…; từ đó tối ưu hoá quản trị toà soạn; tạo ra những sản phẩm chất lượng, những trải nghiệm mới hấp dẫn, tiện ích và sự tiếp cận, tiếp nhận hiệu quả của công chúng, tăng các giá trị mới cho cơ quan báo chí và nền báo chí quốc gia. 

Một mô hình toà soạn số, với báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu và báo chí tự động cần các điều kiện kỹ thuật công nghệ, nguồn nhân lực và sự đổi mới phương thức tổ chức, quản trị toà soạn.

Lưu Huy
Bạn đang đọc bài viết "Báo chí ASEAN trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quản trị tòa soạn số" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin