Bài học về hợp tác kinh doanh nhìn từ một vụ việc

27/11/2017 17:29

Hai bên có quan hệ họ hàng, cùng quê, đã hợp tác kinh doanh nhiều năm. Trong khi hai bên đang tiến hành thanh quyết toán thì một bên tố cáo bên kia ra cơ quan Cảnh sát điều tra... Vụ việc chưa kết thúc nhưng là bài học về việc công khai, minh bạch, chấp hành đúng pháp luật kinh doanh cần được rút ra cho mỗi bên.

Hợp tác kinh doanh gỗ

Ông Vũ Hữu Chính, ở xã Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội hợp tác kinh doanh gỗ với người em họ bên vợ là ông Bùi Trọng Nghĩa, giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Điệp Dương (trụ sở công ty tại Km17+400 Đại lộ Thăng Long, xã Yên Sơn, Quốc Oai, Hà Nội).

Theo tài liệu ông Chính cung cấp thì từ năm 2009 đến năm 2015 ông Chính và ông Nghĩa hợp tác kinh doanh bằng phương thức ông Chính sang Lào mua gom gỗ, ông Nghĩa cung cấp vốn và vận chuyển, tiêu thụ qua Công ty Điệp Dương.

Theo ông Chính cho biết thì hai bên liên kết kinh doanh nhưng không mở sổ sách, không thanh quyết toán từng đợt hay từng năm, dẫn đến nhiều năm không quyết toán được với nhau. Ông Chính còn cho biết, ông Nghĩa đã nhận hai sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và sử dụng đất) của gia đình ông Chính để thế chấp vay vốn phục vụ kinh doanh chung, đến nay hai bên chưa quyết toán được và hai sổ đỏ nhà ông Chính vẫn do ông Nghĩa sử dụng.

Một số tin nhắn qua lại giữa ông Chính và số điện thoại được cho là của ông Nghĩa.
Một số tin nhắn qua lại giữa ông Chính và số điện thoại được cho là của ông Nghĩa.)

Hd0002 Hd0003

Sau nhiều lần trao đổi, hai bên mới đưa ra bản thỏa thuận về phương thức quyết toán với nội dung là: “Do thời gian dài chưa quyết toán nên việc quyết toán cần có sự tập hợp kiểm tra sổ sách cho chính xác. Hai bên nhất trí việc quyết toán trên tinh thần trung thực, bình tĩnh, có trách nhiệm, thiện chí và tôn trọng lẫn nhau”.

Phía ông Nghĩa yêu cầu cung cấp chứng từ để thanh toán nên ông Chính sang Lào lập lại giấy tờ, xin xác nhận của các đối tác vẫn mua bán những năm qua. Tuy nhiên , tài liệu không được ông Nghĩa tin cậy và cho rằng có gian dối.

Nhiều tin nhắn qua lại giữa hai bên ( tin nhắn do ông Chính chụp lại gửi các cơ quan chức năng và báo chí) cho thấy ông Chính nhiều lần hối thúc ông Nghĩa gặp, đối chiếu, đối thoại để thanh quyết toán, nhưng chưa thành vì ông Nghĩa bận?.

Phía ông Nghĩa từng đưa ra bản kê những khoản tiền vay lãi suất cao nhiều năm qua, dẫn đến kết quả thua lỗ nhiều tỷ đồng. Ông Chính không đồng ý và yêu cầu ông Nghĩa cung cấp từng hợp đồng tín dụng trong từng giai đoạn để xác định số tiền đó có vay cho việc kinh doanh giữa ông Nghĩa với ông Chính hay việc riêng của công ty Điệp Dương... nhưng ông Nghĩa không cung cấp. Sự việc chưa được hai bên gặp gỡ giải quyết , thì ngày 6/9/2017 ông Chính nhận được giấy mời của Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội yêu cầu đến làm việc để hỏi về đơn tố cáo của ông Bùi Trọng Nghĩa.

Bài học nào được rút ra?

Đến làm việc với Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội, ông Chính mới biết ông Nghĩa có đơn tố cáo ông Chính đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Nghĩa. Vì vậy, gần 3 tháng qua, ông Chính đã nhiều lần được triệu tập, được mời đến làm việc với Cảnh sát hình sự xung quanh việc hợp tác kinh doanh với ông Nghĩa.

Xưởng gỗ của Công ty Điệp Dương theo website của Công ty
Xưởng gỗ của Công ty Điệp Dương theo website của Công ty)

Nếu đúng như những gì ông Chính trình bày thì vụ việc đang trong giai đoạn hai bên xem xét đối chiếu để thanh quyết toán, chưa biết thua lỗ hay có lãi, chưa biết bên nào phải trả tiền cho bên nào, nên một bên tố cáo bên kia lừa đảo là chưa có căn cứ. Trước hết đây là giao dịch dân sự - kinh tế, nên phải giải quyết bằng pháp luật dân sự - kinh tế mới phù hợp.

Qua vụ việc này có thể rút ra một số bài học về việc kinh doanh:

1.Việc kinh doanh là hoạt động bình thường của công dân, được Nhà nước và pháp luật tạo điều kiện về mọi mặt để doanh nghiệp phát triển, hoạt động kinh doanh của người dân được thuận lợi. Tuy nhiên, việc kinh doanh phải tuân thủ pháp luật, nếu vi phạm đương nhiên bị xử lý theo pháp luật về kinh doanh, hoặc hình sự, hoặc hành chính... tùy theo hành vi vi phạm. Nếu không có hành vi vi phạm pháp luật thì đương nhiên pháp luật sẽ bảo vệ để bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, không hình sự hóa quan hệ dân sự.

2.Hiện nay cơ quan Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội chưa có kết luận về đơn tố cáo của ông Nghĩa nên chưa biết nội dung tố cáo đúng hay không, hướng xử lý như thế nào, nhưng luật có qui định “người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật”. Vì vậy khi làm đơn tố cáo tội phạm, phải xác định rõ trách nhiệm trước pháp luật.

3.Trong kinh doanh hay các giao dịch dân sự cần minh bạch, có sổ sách, chứng từ cẩn thận để tránh những sai sót, nhầm lẫn, nghi ngờ lẫn nhau, dẫn đến những tranh chấp không đáng có.

Trương Vĩnh

Bạn đang đọc bài viết "Bài học về hợp tác kinh doanh nhìn từ một vụ việc" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin