Bắc Ninh với những bước tiến tăng tốc và đột phá

(Pháp lý) - Với sự năng động, quyết tâm cao của hệ thống chính trị, nỗ lực đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, Bắc Ninh đã tạo được những bước đột phá về quy mô kinh tế.
1-1703129274.png

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang và Tổng giám đốc Công ty nhà đất Hàn Quốc (LH) trao biên bản ghi nhớ dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, ngày 23/6/2023

Kinh tế đối ngoại là điểm sáng trong thành tựu 25 năm xây dựng và phát triển, với dấu ấn nổi bật là thu hút vốn đầu tư từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, lĩnh vực điện tử đã tạo bước đột phá lớn cho hoạt động ngoại thương. Nhờ tích cực đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư cùng các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp nên thu hút đầu tư nước ngoài của Bắc Ninh tiếp tục khởi sắc. Tận dụng tốt lợi thế về vị trí địa lý trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Bắc Ninh đồng thời đã điều chỉnh quá trình lựa chọn đột phá chiến lược trong từng giai đoạn để đưa công nghiệp vươn lên trình độ mới.

Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ được quan tâm và từng bước tạo điểm nhấn bứt phá, hình thành liên kết, kết nối các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI nâng cao chuỗi giá trị toàn cầu; từng bước tạo nền tảng vững chắc và khẳng định vai trò đầu tàu về kinh tế.

Điểm nổi bật cho đầu tư phát triển là thu hút được vốn của nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới như Samsung, Canon, Hồng Hải, Nokia, Microsof... Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 2.109 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đạt 24,94 tỷ USD (đứng thứ tư cả nước về quy mô vốn đầu tư thu hút luỹ kế).

Điểm mới trong xúc tiến đầu tư và thu hút vốn là đẩy mạnh đầu tư gắn với phát triển bền vững các khu cụm công nghiệp, bảo đảm nhất quán trong chính sách thu hút hỗ trợ luôn sát cánh và đồng hành cùng các nhà đầu tư. Thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, đầu tư chất lượng cao và quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng.

Năm 2023, hoạt động ngoại giao kinh tế ở Bắc Ninh dường như bận rộn hơn với các cuộc “Gặp gỡ” “Đối thoại”, với hàng loạt đối tác tiềm năng trong và ngoài nước: Gặp gỡ Hàn Quốc khu vực Bắc Bộ; Đối thoại với doanh nghiệp FDI; Gặp gỡ Bắc Ninh - Nhật Bản; Hội nghị xúc tiến đầu tư các ngành điện tử Trung Quốc, tiếp Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ...

Trong năm 2023, quán triệt phương châm đối ngoại chủ động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, hợp tác với các địa phương, đơn vị cũng được đẩy mạnh, với việc ký kết Chương trình hợp tác phát triển Bắc Giang - Bắc Ninh; thành lập các đoàn công tác tìm hiểu cơ hội hợp tác và xúc tiến đầu tư tại Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu... Tỉnh còn thành lập “Tổ công tác đặc biệt” và năm tổ chuyên gia giải quyết khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn.

Giai đoạn 1997-2010 là những năm tỉnh định hình mô hình phát triển kinh tế, với việc tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hình thành các khu công nghiệp tập trung, củng cố các cụm công nghiệp làng nghề, thu hút vốn đầu tư các tập đoàn kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Mỹ... nhằm xây dựng nền tảng.

Giai đoạn 2011-2021, với nền tảng của gần 15 năm trước cùng với sự gia tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp FDI, kinh tế Bắc Ninh có đà để tăng tốc.

Đến năm 2021, quy mô Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh đã tăng lên 227,0 nghìn tỷ đồng, gấp gần 5 lần năm 2010 và gấp 54,1 lần năm 1997; chiếm 2,71% GDP cả nước và xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ tư vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là dấu ấn quan trọng, đưa Bắc Ninh trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế cả nước. Từ một tỉnh thuần nông, với nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, nhờ định hướng đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp với nhiều cơ chế, chính sách được vận dụng linh hoạt, đã góp phần đẩy nhanh sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế.

2-1703129281.png

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu và doanh nghiệp Nhật Bản tại chương trình Gặp gỡ Bắc Ninh - Nhật Bản, ngày 17/11/2023

Tính chung 25 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh đạt 13,9%/năm. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng thấp nhất (+2,2%/năm); khu vực công nghiệp - xây dựng ngày càng khẳng định vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế với tốc độ tăng đạt 17,9%/năm, còn khu vực dịch vụ cũng đạt tốc độ tăng hai con số với 12%/năm.

Quy mô kinh tế mở rộng, cơ sở kinh tế tăng nhanh đã góp phần gia tăng các nguồn thu cho ngân sách. Từ năm 2011, Bắc Ninh là tỉnh thứ 13 tự cân đối và có điều tiết về ngân sách Trung ương (7%/năm). Năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 33,26 nghìn tỷ đồng, gấp 168 lần năm 1997; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 1997-2021 là 23,7%/năm.

Vượt qua những khó khăn, thách thức của năm 2023, GRDP năm 2023 ước đạt 220,2 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành). Cơ cấu kinh tế: khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 72,18%; dịch vụ chiếm 20,68%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,88%; khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,26%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 27.966 tỷ đồng. Xuất khẩu ước đạt 40.342 triệu USD; nhập khẩu 33.280 triệu USD.

Định hình mô hình phát triển hợp lý, hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển về quy mô, Bắc Ninh không chỉ trở thành cực tăng trưởng vững chắc của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô, mà đang ngày càng khẳng định vai đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc gia.

Năm 2024, Bắc Ninh đặt ra nhiều nhiệm vụ đối ngoại quan trọng và đẩy mạnh hoạt động hợp tác cấp địa phương với các đối tác nước ngoài, vì vậy, Tỉnh mong muốn Bộ Ngoại giao tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ hoàn thành tốt các mục tiêu đối ngoại đã đề ra, cụ thể như sau:

Tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa kết nối, xây dựng, đặc biệt có cách thức giúp địa phương làm việc trực tiếp và vận động nhà đầu tư có hiệu quả; giúp tỉnh Bắc Ninh xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá hình ảnh, văn hóa, du lịch của địa phương tới các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Hỗ trợ triển khai hiệu quả hợp tác địa phương giữa Bắc Ninh với địa phương các nước như Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Kazakhstan, Nhật Bản...

Quan tâm, thúc đẩy để Dự án Làng Việt Nam – hiện đang được phía huyện Bonghwa, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự án có tổng số vốn dự kiến là gần 160 triệu USD, gồm các công trình chính như: Khu di tích triều đại nhà Lý, khu dân ca Quan họ, nhà truyền thống Việt Nam, con đường kỷ niệm Hàn Quốc - Việt Nam. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam, giúp người dân Hàn Quốc hiểu rõ hơn về phong tục tập quán của người dân Việt Nam, cũng như giúp hậu duệ Vương triều Lý tại Hàn Quốc hiểu rõ hơn về gốc tích của tổ tiên, qua đó thắt chặt tình hữu nghị giữa 2 bên. Tỉnh Bắc Ninh mong Bộ Ngoại giao hỗ trợ lồng ghép nội dung giới thiệu về dự án và đề nghị Chính phủ Hàn Quốc quan tâm, hỗ trợ dự án trong các cuộc tiếp xúc, nhất là cấp cao, giữa hai nước thời gian tới.

Hỗ trợ, giúp đỡ trong việc giới thiệu, điều phối các chương trình, dự án PCPNN vào 4 lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên trong giai đoạn 2021 - 2025 bao gồm: Bảo vệ môi trường đặc biệt là môi trường làng nghề; nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành công nghiệp phụ trợ trong nước; giải quyết các vấn đề xã hội; đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp. Tạo điều kiện để tỉnh tham gia các đoàn công tác tìm hiểu và học tập kinh nghiệm trong vận động và quản lý các dự án PCPNN; cung cấp thông tin, đầu mối về người Bắc Ninh ở nước ngoài để hỗ trợ tỉnh trong việc điều tra, thống kê người Bắc Ninh ở nước ngoài; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại.

Quan tâm vận động, thúc đẩy để UNESCO sớm ghi danh “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong việc thúc đẩy các quốc gia/vùng lãnh thổ tham gia đặt biểu tượng quốc gia/vùng lãnh thổ tại Công viên Hữu nghị của tỉnh.

Bùi Lộc

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin