(Pháp lý) - Sự cố Nhà máy nước mặt Sông Đà bị nhiễm dầu thải đặt ra một vấn đề rất nghiêm trọng, đó là an ninh nguồn nước, cụ thể là chất lượng của nước và bảo đảm không bị thiếu nước trong sinh hoạt và sản xuất. Do đó, bên cạnh việc xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong vụ việc, thì về lâu dài, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần phải có giải pháp (trong đó cần học hỏi thế giới) đảm bảo nguồn nước sạch và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến nước.
Nước nhiễm dầu thải
Đêm 8/10, đầu nguồn khe núi tại xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) bị đổ trộm dầu thải. Dầu chảy ra suối Trâm rồi lan vào hồ Đầm Bài - nơi chứa nước để cấp cho Nhà máy nước sạch Sông Đà.
Ngày 10/10, người dân khu vực Tây Nam Hà Nội phát hiện nước có mùi khét. Nhà chức trách vào cuộc và thông báo nước sinh hoạt ở khu vực này bị nhiễm chất Styren với tỷ lệ cao hơn 1,3 - 3,6 lần so với mức cho phép.
Ngày 16/10, Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Kỳ Sơn khởi tố vụ án về tội gây ô nhiễm môi trường liên quan vụ đổ trộm dầu thải đầu nguồn Nhà máy nước sạch sông Đà.
Trách nhiệm quản lý: nhiều hạn chế
Sự cố này đặt ra một vấn đề lớn là an ninh nguồn nước hiện nay còn chưa được bảo đảm. Dầu thải là chất dễ phát hiện nhưng vẫn không phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Do đó, giả sử có những sự cố tàu vận chuyển hóa chất va chạm, đổ trên sông Đà hay có âm mưu phá hoại, có những chất độc hại nguy hiểm hơn, nhưng không mùi không vị được đổ xuống nguồn nước thì sao?!
Ông Hoàng Văn Bảy - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) từng nhận định: Đáng lưu ý, tại các địa phương, cán bộ quản lý tài nguyên nước thiếu về số lượng, không có chuyên môn sâu về chuyên ngành, hoạt động còn mang tính kiêm nhiệm. Do kinh phí hạn chế nên công tác xây dựng mạng lưới các điểm, trạm quan trắc, giám sát tài nguyên nước; điều tra, thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước khó thực hiện. Ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên nước của người dân còn chưa cao, vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân xả nước thải chưa qua xử lý vào môi trường; việc sử dụng tài nguyên nước còn lãng phí, chưa hiệu quả, tình trạng hoạt động hành nghề khoan nước dưới đất trái phép còn diễn ra phức tạp, khó kiểm soát...
Mặc dù những người có trách nhiệm đã nhận rõ vấn đề nhưng khi xảy ra sự cố cũng khó xác định cụ thể cơ quan, tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm. Đó là bất cập rất đáng quan tâm hiện nay.
Ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Cần nhìn rộng ra từ vụ tràn dầu thải ở Nhà máy nước mặt Sông Đà, để thấy còn quá nhiều lỗ hổng trong quản lý về an ninh nguồn nước” . Ông Sơn khẳng định: Ở cả quy mô quốc gia, chúng ta đang bỏ ngỏ một vấn đề rất quan trọng, đó là vấn đề về an ninh nguồn nước, nhất là nguồn nước mặt được sử dụng sản xuất nước sạch.
Chất lượng nguồn nước không bảo đảm
An ninh nguồn nước hiện nay rất đáng lo ngại, mà sự cố Nhà máy nước mặt Sông Đà là hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng về chất lượng nước.
Thực tế nguồn nước mặt cung cấp cho các nhà máy nước hiện nay khó bảo đảm an toàn. Ví dụ, các phương tiện thủy có công suất động cơ thủy dưới 220KW, Bộ Giao thông - Vận tải quy định phải có can, két, thùng chứa nước nhiễm dầu, phải đưa nước nhiễm dầu lên bờ để xử lý tập trung nhưng hầu hết tàu thuyền có thể cứ xả thẳng ra sông. Nguồn ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, chăn nuôi, dư lượng chất bảo vệ thực vật trong trồng trọt… ở hai bên bờ sông vẫn hàng ngày xả ra sông… Với thực tế quản lý nguồn nước hiện nay, nguồn ô nhiễm, nguồn thải độc có nhiều cơ hội xâm nhập vào hệ thống nước mặt, hệ thống sản xuất nước sạch của nhà máy, thậm chí từ đường ống bơm tới nhà dân.
Nguồn nước như vậy, nhưng công nghệ của các nhà máy có nhiều hạn chế dẫn đến việc kiểm soát chất lượng nước đầu vào của các nhà máy nước chưa bảo đảm an toàn. Nhà máy nước mặt Sông Đà chỉ quan trắc nguồn với nước đầu vào với mấy chỉ tiêu: quan trắc độ đục, độ pH, nhiệt độ, còn những chất khác như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu... không có quan trắc.
Do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra nhằm bảo đảm an toàn nguồn nước là các nhà máy nước phải thay đổi công nghệ kiểm tra chất lượng nước, kiểm tra liên tục hàm lượng một số loại hóa chất độc trong nước trước khi đưa vào nhà máy, có khả năng tự chuyển sang chế độ báo động khi phát hiện có hóa chất độc hại vượt ngưỡng quy định.
Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng doanh nghiệp không thể bảo vệ được toàn bộ nguồn nước trên sông, mà cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý cấp cao hơn theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Bộ và các cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường hằng năm. Ví dụ như sông Đà, phải thiết lập một vùng bảo vệ, cấm tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm cho nguồn nước này. Qua quan sát, hiện hai bên bờ sông Đà vẫn còn nhiều nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm tới nguồn nước.
Việt Nam là quốc gia thiếu nước
Bên cạnh bảo đảm chất lượng nước, an ninh nguồn nước còn ở góc độ bảo đảm đủ nước sạch cung cấp cho người dân. Theo đánh giá của Ngân hàng Châu Á thì Việt Nam thuộc diện quốc gia thiếu nước. Tài nguyên nước nội địa Việt Nam chỉ đạt mức trung bình kém của thế giới khoảng 3.600m3/người một năm thấp hơn mức bình quân toàn cầu là 4000m3/người một năm. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và môi trường khẳng định tăng trưởng kinh tế, sức ép dân số và chất lượng cuộc sống liên tục gia tăng trong những thập kỷ qua đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước. Tại Việt Nam, nguồn nước ở một số khu vực đang bị khan hiếm đến mức báo động.
Quá trình đô thị hóa của Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, nếu như không có những giải pháp hữu hiệu nhằm đối phó trong công tác quản lý tài nguyên nước, bảo vệ nguồn tài nguyên nước... quá trình đô thị hóa sẽ khó có thể phát triển bền vững. Giải quyết bài toán về sức ép ngày càng gia tăng đối với nguồn nước từ quá trình đô thị hóa và tìm ra hướng giải quyết giúp đảm bảo nguồn nước sạch cho toàn đô thị là một thách thức lớn hiện nay.
Bài học kinh nghiệm từ quốc tế
Học hỏi kinh nghiệm quốc tế để tìm ra các giải pháp hữu hiệu trong việc cung cấp thêm nguồn nước sạch cho các đô thị nói riêng và các địa phương trong cả nước nói chung là việc làm đúng đắn trong tình trạng khan hiếm nguồn nước sạch ở Việt Nam hiện nay.
Hãy xem các quốc gia trên thế giới xử lý vấn đề này như thế nào?
Cơ quan quản lý nước quốc gia của Singapore (PUB) đang bắt tay vào sự thay đổi mới trong quản lý tài nguyên nước ở Singapore. Cơ quan này đang khuyến khích mọi người tham gia vào 3P (People – Public – Private: Con người - Hạ tầng – Tư nhân) để tiến tới sở hữu chung về nguồn nước ở Singapore.
Cách tiếp cận 3P này đã được thể hiện trong khẩu hiệu của PUB: Nước cho tất cả - Bảo vệ, Giá trị, Tận hưởng. Trọng tâm của cách tiếp cận mới này là Chương trình Nước thiết thực, sạch và đẹp: Chuyển đổi các hồ chứa cùng với chất lượng nước của chúng thành các dòng suối, sông, hồ sạch và đẹp nhằm tiến tới một thành phố sống động của những khu vườn và nước. Đồng thời, các không gian cộng đồng mới này sẽ đưa mọi người gần với nước hơn, vì vậy, người dân sẽ đánh giá và trân trọng nguồn tài nguyên quý giá này hơn.
Duy trì nguồn nước sạch liên tục như xây hồ chứa, làm những giải pháp hạn chế bay hơi nước được thực hiện tại Lot Angeles, Mỹ. São Paulo – một thành phố lớn và đông dân nhất của Brazil đã xây dựng sáu hồ chứa, nối liền với 48km đường hầm để chứa nước ngọt. Hiện tại, thành phố này cũng đang hướng tới một giải pháp tương tự như Singapore, đó là giải pháp tái sử dụng nguồn nước thải để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Hay ở Trung Quốc, nhiều khu vực ven biển đang sử dụng biện pháp khử muối lấy nước sạch. Thanh Đảo, một thành phố ven biển, đã xây dựng một nhà máy khử muối để sản xuất nước sạch phục vụ cho 500.000 hộ dân mỗi ngày.
Nhà máy đã sử dụng phương pháp thẩm thấu ngược để lọc nước biển, loại bỏ muối và tạp chất. Singapore là một trong các quốc gia có nhà máy xử lý nước biển bằng công nghệ thẩm thấu ngược lớn nhất ở Châu Á với việc sản xuất 30 triệu gallon nước một ngày (136.000 m3) nhằm đáp ứng 10% nhu cầu về nước của người dân Singapore.
Hay ở Nhật Bản, người dân sử dụng nước trực tiếp từ vòi với các tiêu chuẩn rất cao đảm bảo 51 tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đặt ra… Để có được nước sạch chất lượng cao, họ có nhà máy rất hiện đại nhưng nguồn nước cung cấp cho các nhà máy cũng rất sạch. Được biết, nước cung cấp cho Tokyo có đến 80% được lấy từ 2 con sông là Tonegawa và Arakawa, 20% còn lại là lấy từ sông Tamagawa.
Nước từ sông Tamagawa tinh khiết đến nỗi chỉ cần xử lý tiêu chuẩn cơ bản thôi là đã có thể uống được luôn rồi. Trong khi đó 2 con sông đầu tiên thì chất lượng hơi thấp hơn một chút nhưng khi được lọc qua dây chuyền công nghệ tiên tiến nói trên thì vẫn đảm bảo để cung cấp cho người dân.
Điều quan trọng nữa, có thể tiếp thu từ nhiều quốc gia là hệ thống pháp luật liên quan đến nước thật sự nghiêm minh và hiệu quả. Từ năm 1972, Mỹ đã ban hành Luật Nước sạch (LNS) là một trong những đạo luật môi trường có hiệu quả, nhằm phục hồi, duy trì và bảo vệ nguồn nước, đảm bảo cung cấp nước cho nhu cầu sinh hoạt, giải trí của người dân và đem đến môi trường sống an toàn cho nhiều loài thủy sinh. Trong 32 năm qua, LNS vẫn phát huy được sức mạnh, tính bền vững, hiệu quả và chặt chẽ.
Bảo Thư