Ai có lỗi khi giới thiệu ông Trịnh Xuân Thanh ra ứng cử ĐBQH?

Ông Trịnh Xuân Thanh là một trong những người đạt phiếu cao nhất ở Hậu Giang khi trúng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV. Thế nhưng khi Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng vào cuộc xác minh thì hóa ra, ông Thanh có những vi phạm trong quá trình công tác trước đó. Vậy ai phải chịu trách nhiệm khi giới thiệu ông Thanh ra ứng cử ĐBQH?

Trả lời Dân Việt, ông Đỗ Duy Thường - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN cho biết: Theo quy định, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ số lượng ĐBQH được bầu ở các tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Hậu Giang thì Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh này sẽ dự kiến cơ cấu, thành phần số lượng người ứng cử ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp tỉnh. Mặt trận Tổ quốc tỉnh trên cơ sở dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được bầu của các cơ quan, tổ chức sẽ tiến hành phân bổ cụ thể.

[caption id="attachment_144390" align="aligncenter" width="410"]Ông Trịnh Xuân Thanh. Ông Trịnh Xuân Thanh.[/caption]

"Ví dụ, theo cơ cấu dự kiến của Thường trực HĐND tỉnh phải có thành phần của UBND thì UBND họp để đề cử, giới thiệu người ra ứng cử" - ông Thường nói.

“Giá như vi phạm trong sử dụng xe có hai biển số của ông Trịnh Xuân Thanh được phát hiện sớm thì rất tốt, nó sẽ ngăn chặn được những hệ lụy tiếp theo. Để đến lúc ông Thanh được giới thiệu ra ứng cử, rồi trúng cử ĐBQH khóa XIV, cơ quan chức năng mới phát hiện và vào cuộc xử lý thì đúng là điều rất đáng tiếc”

Ông Đỗ Duy Thường - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam

Ông Thường nói tiếp: Khi UBND tỉnh Hậu Giang họp để giới thiệu ông Trịnh Xuân Thanh ra ứng cử ĐBQH, phải có biên bản lấy ý kiến của UBND tỉnh và cử tri nơi ông Thanh làm việc. Bên cạnh đó phải lấy ý kiến cử tri nơi ông Thanh cư trú, người dân ở đây trên cơ sở hiểu biết đến đâu nhận xét đến đó.

"Những người đủ tiêu chuẩn do cơ quan, tổ chức giới thiệu, khi có ý kiến của cử tri nơi công tác và nơi cư trú với số phiếu tín nhiệm cao, nếu không có đơn khiếu nại, tố cáo gì thì Mặt trận Tổ quốc sẽ giới thiệu họ ra ứng cử. Còn trúng cử hay không, số phiếu cao hay thấp là ở cử tri" - ông Đỗ Duy Thường cho hay.

Cũng theo ông Đỗ Duy Thường, khi ông Trịnh Xuân Thanh nộp hồ sơ ứng cử, trong hồ sơ ứng cử có sơ yếu lý lịch và bản kê khai tài sản. Hồ sơ này do Ủy ban bầu cử tỉnh Hậu Giang xem xét.

"Nếu hồ sơ đó đủ điều kiện thì giới thiệu sang Mặt trận Tổ quốc để hiệp thương, khi gửi sang chỉ là bản tóm tắt lý lịch" - ông Thường cho biết.

Theo ông Thường, chỉ khi phát hiện có vấn đề, cơ quan chức năng mới kiểm tra việc kê khai lý lịch, còn không thì hồ sơ đó không bị kiểm tra.

"Kê khai là để đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Còn anh kê khai không trung thực mà bị cử tri hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hiện, khi đó sẽ bị tiến hành kiểm tra theo quy trình của pháp luật kê khai tài sản " - ông Thường khẳng định.

Dấu hiệu của chạy chức, chạy luân chuyển?

Theo ông Thường, qua vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, vấn đề giám sát của nhân dân, phát hiện của dân đối với cán bộ, công chức càng đặc biệt quan trọng. Nếu không có việc phát hiện, kiểm tra của nhân dân Hậu Giang thì ông Thanh tới thời điểm này có lẽ vẫn không làm sao.

"Giá như vi phạm trong sử dụng xe có hai biển số của ông Trịnh Xuân Thanh được phát hiện sớm thì rất tốt, nó sẽ ngăn chặn được những hệ lụy tiếp theo. Để đến lúc ông Thanh được giới thiệu ra ứng cử, rồi trúng cử ĐBQH khóa XIV, cơ quan chức năng mới phát hiện và vào cuộc xử lý thì đúng là điều rất đáng tiếc" - ông Thường nêu quan điểm.

Trao đổi với Dân Việt, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đặt vấn đề: Phải xem xét nghiêm khắc trách nhiệm của những tập thể, cá nhân đã tạo điều kiện, ưu ái để ông Trịnh Xuân Thanh rời khỏi doanh nghiệp đang thua lỗ nặng tới gần 3.300 tỷ đồng (ông Thanh từng là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam-PV) để yên ổn chuyển về Bộ Công Thương giữ nhiều trọng trách. Rồi với “bàn đạp” này an toàn vào Hậu Giang làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

"Trả lời báo chí, Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang nói rằng ông Thanh là cán bộ được T.Ư luân chuyển về và khi Hậu Giang giới thiệu ông Thanh ra ứng cử ĐBQH cũng xuất phát từ việc ông Thanh là cán bộ do T.Ư bố trí. Nhưng bây giờ sự thật đã rõ, Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng đã kết luận ông Trịnh Xuân Thanh không thuộc diện cán bộ được T.Ư luân chuyển. Vậy việc này cần phải tiếp tục được làm rõ để thuyết phục dư luận" - GS Thuyết đề nghị.

Còn ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Qua theo dõi vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh, từ lúc phát hiện vi phạm đến khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng, tôi thấy đây là vụ việc điển hình của việc chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển.

"Đây là vụ việc cụ thể đã được Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư và đã kết luận ban đầu. Vụ việc này cũng là lời cảnh báo cho công tác tổ chức cán bộ của ta cũng như quy trình đề bạt, cất nhắc cán bộ. Cần phải xem xét, điều chỉnh ngay những lỗi trong quy trình này, tránh lặp lại những trường hợp tương tự như Trịnh Xuân Thanh " - ông Cuông yêu cầu.

Theo Danviet

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin