Tất cả các nước G7 cùng với Áo và Cộng hòa Séc đã đồng ý với việc được đánh giá theo khung mới mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang xây dựng để kiểm tra các quốc gia giàu có có đang thực hiện đủ trong việc chống tham nhũng hay không.
Kể từ năm 1997, IMF đã có các giao thức để giải quyết nạn tham nhũng ở các nước nghèo và ngăn chặn tội phạm tài chính liên quan đến tham nhũng, nhưng theo Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde, cần thiết phải có thông tin về tham nhũng xuyên quốc gia và trách nhiệm của các quốc gia giàu có.
“Mặt còn lại của mọi hành vi nhận hối lộ là đưa hối lộ. Và các quỹ nhận được thông qua tham nhũng thường là các quỹ được che giấu ở bên ngoài đất nước, thường thấy ở trong các khu vực tài chính của các thủ đô lớn". “Rất có thể các quốc gia này có "bàn tay sạch" ở nhà nhưng lại có "tay bẩn" ở nước ngoài", bà Lagarde nói trong một thông báo được đăng trên trang web của IMF.
Khung mới được đưa ra sau khi IMF đánh giá rằng, tỷ lệ tham nhũng cao hơn có liên quan đến tăng trưởng GDP, đầu tư và thu nhập thuế thấp hơn đáng kể; cùng với đó là sự bất bình đẳng cao hơn và tăng trưởng toàn diện thấp hơn.
Các quốc gia G7 cùng với Áo và Cộng hòa Séc đã đồng ý được đánh giá liên quan đến việc hệ thống tài chính của họ đã có hiệu quả như thế nào trong việc ngăn chặn và hình sự hóa hoạt động rửa tiền, điều này thường đồng hành với hối lộ.
Khung mới cũng dẫn ra sự bất ổn ngắn hạn cũng như hậu quả kinh tế dài hạn ở các nước có tham nhũng đang gia tăng. Bà Lagarde kêu gọi sự giám sát nhiều hơn nữa đối với các chương trình cho vay của Quỹ để kiểm tra công tác quản lý bị ảnh hưởng bởi tham nhũng như thế nào. Trong trường hợp của Ukraine, Quỹ đã từ chối đợt hỗ trợ tài chính nhiều lần vì luật chống tham nhũng tại quốc gia này còn yếu.
Có thêm ít nhất 24 cán bộ dự kiến bị Văn phòng Ủy ban Chống tham nhũng khu vực công Thái Lan điều tra về vai trò của họ trong bê bối tham ô Quỹ Giáo dục vì sự phát triển cuộc sống.
Trung tá Korntip Daroj, quyền Tổng Thư ký Văn phòng cho biết, Ủy ban được yêu cầu khởi động cuộc điều tra tại cuộc họp ngày 26-4: “Căn cứ trên thông tin từ Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục, chúng tôi chắc chắn rằng có ít nhất 24 quan chức cần được điều tra".
Bê bối tham nhũng liên quan đến Quỹ Giáo dục vì sự phát triển cuộc sống có nguồn kinh phí khởi đầu là 600 triệu bạt, đã được phơi bày vào tháng trước. Rojana Sintee, một quan chức được xếp hạng C8, khai nhận mình là người phải chịu trách nhiệm duy nhất trong vụ tham nhũng quy mô lớn kéo dài hơn 1 thập kỷ này. Bộ Giáo dục đã sa thải Rojana và đang tiến hành các cuộc điều tra mở rộng vì nghi ngờ Rojana có thể có người đồng phạm.
Trung tá Korntip cho biết, Văn phòng Chống rửa tiền cũng đã hỗ trợ trong việc kiểm tra đường đi của dòng tài chính từ quỹ.
Văn phòng của ông Korntip đang điều tra một số vụ tham nhũng lớn. Khi được hỏi về tiến độ điều tra án tham nhũng tại các trung tâm bảo trợ người nghèo, ông Korntip cho hay, các cuộc điều tra sơ bộ đã phát hiện nhiều bất thường tại 56 trung tâm. “Ủy ban Chống tham nhũng khu vực công đã yêu cầu tiến hành điều tra sâu hơn đối với 33 trung tâm”, ông nói, đồng thời tin tưởng rằng, Ủy ban sẽ thông qua quyết định điều tra bổ sung tại cuộc họp tới.
Ông Korntip cho biết, cuộc điều tra đang được tiến hành tại các trung tâm bảo trợ thuộc 17 tỉnh. Cho đến nay, kết quả điều tra ghi nhận không có sự bất thường tại Trung tâm Bảo trợ người nghèo ở tỉnh Prachin Buri và Nakhon Si Thammarat.
Theo Báo Thanh tra