5 nhóm giải pháp phục hồi kinh tế

12/11/2021 08:27

Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu tham mưu Chính phủ xây dựng chương trình phục hồi phát triển kinh tế, xã hội để trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Nhiều nước chấp nhận tăng trần nợ công để phục hồi kinh tế

Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tư lệnh ngành trả lời chất vấn nhóm vấn đề cuối cùng về: Giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia. Tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển.

Phát biểu trước khi đăng đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng chia sẻ ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn, cơ cấu lại nền kinh tế... Đây là những quyết sách quan trọng và là căn cứ để các cấp, ngành địa phương thực hiện trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, trước tác động của dịch Covid-19, ngay từ đầu năm 2020, Bộ đã chia sẻ, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia, các tổ chức quốc tế tham mưu ban hành các chính sách chưa từng có tiền lệ, nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người dân, người lao động giảm chi phí duy trì sản xuất và góp phần ổn định đời sống người dân khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tư lệnh ngành KH&ĐT nhận định, các chính sách đã ban hành nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh… hạn chế tác động đứt gãy của chuỗi cung ứng sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch, sớm khắc phục khó khăn, thách thức để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu tham mưu Chính phủ xây dựng chương trình phục hồi phát triển kinh tế, xã hội để trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Đây là một vấn đề lớn, phức tạp, quan trọng của đất nước, tác động toàn diện tới nền kinh tế”.

11-1636680287.jpg
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn.

Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, đại biểu Mai Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) nêu vấn đề những kinh nghiệm từ gói hỗ trợ trong dịch Covid-19 của quốc tế? Thứ hai là quan điểm của Bộ KH&ĐT về mục tiêu, đối tượng của chương trình phục hồi phát triển phục hồi về kinh tế? 

Về những kinh nghiệm từ gói hỗ trợ của quốc tế, Bộ trưởng KH&ĐT cho biết, dịch Covid-19 vừa qua tác động mọi mặt từ kinh tế đến xã hội của thế giới và Việt Nam. Đối với thế giới họ đã có những quyết sách và chính sách rất nhanh.

Bộ trưởng Dũng cho biết, thứ nhất họ có gói hỗ trợ rất lớn, chưa có tiền lệ. Thứ hai là họ chấp nhận tăng trần nợ công và bội chi ngân sách. Thứ ba là thực hiện những biện pháp này làm rất nhanh.

“Chính vì thế, cùng với tiêm chủng nhanh các nước này đã hồi phục nhanh về kinh tế”, Bộ trưởng Dũng nói.

Bộ trưởng KH&ĐT cho biết, về chính sách tài khóa các nước này tăng chi phí cho y tế, trợ giúp xã hội. Hỗ trợ về tiền mặt, lương thực, tiền điện, miễn giảm thuế. Hỗ trợ dòng tiền với các ngành kinh tế ưu tiên và đầu tư hạ tầng.

Chính sách tiền tệ, các nước cũng duy trì lãi suất thấp, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hạn chế chi trả cổ tức bằng tiền.

Về mục tiêu, đối tượng của chương trình phục hồi phát triển phục hồi về kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi nghiên cứu, tiếp thu chuyên gia trong ngoài nước cùng với tình hình thực tiễn ở trong nước, Bộ KH&ĐT nêu ra những quan điểm:

Thứ nhất quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp, phải đảm bảo được kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Thứ hai, phải có hỗ trợ cung và cầu của nền kinh tế.

Thứ ba là thực hiện phù hợp chính sách tài khóa và tiền tệ, gắn kết chặt chẽ chiến lược phát triển kinh tế 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm, kế hoạch tài chính công, kế hoạch cơ cấu nền kinh tế.

Thứ tư là thực hiện các chính sách tác động ngay, kịp thời để hỗ trợ, tính đến vấn đề dài hạn như xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Thứ năm là giữa chính sách và giải pháp phải gắn với cơ chế thực hiện cụ thể để đảm bảo thực hiện khả thi và hiệu quả. Hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, gắn với nguồn lực và vay trả của nền kinh tế.

Về mục tiêu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, phục hồi và phát triển nhanh trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ; phải bảo đảm, chủ động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp để hoạt động trong mọi điều kiện trước tác động của dịch bệnh; bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của giai đoạn 2021 – 2025 là khoảng 6,5 - 7 % như mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra; phải ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, nuôi dưỡng và củng cố các nguồn thu ngân sách nhà nước; an toàn hệ thống tổ chức tín dụng; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân, người nghèo, đối tượng yếu thế; tránh giải thể, phá sản và thâu tóm của doanh nghiệp.

Về đối tượng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, là người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các ngành có tiềm năng, khả năng để phục hồi nhanh và có thể tạo thành động lực lan tỏa cho nền kinh tế, đóng góp lớn cho nền kinh tế.

Về phạm vi là trên cả nước nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Đối với người dân hay người lao động, Bộ trưởng cho biết, phải xác định rõ một số đối tượng; đối với doanh nghiệp, địa phương thì cần có một số địa bàn trọng điểm.

“Về thời gian thực hiện, dự tính báo cáo và nếu được Quốc hội thông qua thì sẽ thực hiện trong 2 năm (2022 – 2023) để phục hồi nhanh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

11-1636680287.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội.

2025-2030 sẽ đầu tư cao tốc tới Hà Giang

Với câu hỏi thứ ba được đại biểu Mai Thị Thúy đề cập là tuyến đường cao tốc Hà Giang kết nối với cao tốc Phú Thọ và Tuyên Quang hiện nay đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch mạng lưới giao thông 2021-2030, đây là điều kiện quan trọng để tỉnh Hà Giang và các tỉnh lân cận phát triển, đại biểu này đặt câu hỏi, khi nào đầu tư?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết theo quy hoạch sẽ thực hiện trong giai đoạn 2025-2030. Tuy nhiên, Bộ trưởng ủng hộ thực hiện trong thời gian sớm hơn nếu có điều kiện.

Người đứng đầu Bộ KH&ĐT lý giải khi có tuyến đường này sẽ rất có hiệu quả bởi sẽ kết nối các trục dọc, hướng tâm từ Hà Nội thông ra cửa khẩu Thanh Thủy. Từ đó, mở ra không gian phát triển mới cho các tỉnh miền núi phía Bắc và kết nối với thị trường Trung Quốc. Bộ trưởng cho biết sẽ trình Chính phủ xem xét để đầu tư sớm hơn tuyến đường này.

5 nhóm giải pháp phục hồi kinh tế

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) chất vấn về giải pháp và chủ trương cụ thể để đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế thời gian tới?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính: 

Thứ nhất, tập trung mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Việc mở cửa sẽ chắc chắn, an toàn, có lộ trình và phù hợp với chiến lược chống dịch và khả năng tiêm vắc-xin cũng như nguồn cung thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; tăng tính chủ động cho doanh nghiệp.

Thứ hai, hỗ trợ an sinh xã hội và tạo việc làm cho người lao động; hỗ trợ các đối tượng chính sách, người lao động, đào tạo, kết nối việc làm, phát triển thị trường lao động; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…

Thứ ba, hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp, gồm có hỗ trợ sức chống chịu đặc biệt ở một số lĩnh vực bị tác động mạnh mẽ. Bộ đang xem xét, trình Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền cho phép kéo dài, gia hạn, miễn giảm các loại thuế, phí cho doanh nghiệp; cấp bù lãi suất cho một số doanh nghiệp lĩnh vực ưu tiên vay.

Thứ tư, phát triển kết cấu hạ tầng, khuyến khích PPP; đẩy mạnh đầu tư công tập trung cho hạ tầng chiến lược, trọng điểm quốc gia, mang động lực lớn; đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập.

Thứ năm, tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh; có chính sách quản trị rủi ro, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô…

Trong sáng mai (12/11), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/5-nhom-giai-phap-phuc-hoi-kinh-te-a533550.html

Bạn đang đọc bài viết "5 nhóm giải pháp phục hồi kinh tế" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin