4 tội danh chứng khoán có hiệu lực từ 1/1/2018

Các tội này gồm: Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; Sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; Thao túng giá chứng khoán và làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán.
12
Tính đến ngày 6/12 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành khoảng 300 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, với tổng số tiền thu về là 18 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Có thể thấy, các vi phạm trong các năm gần đây chỉ bị xử lý hành chính.

Tuy nhiên, từ 1/1/2018, Luật Hình sự sửa đổi 2015 sẽ có hiệu lực với 4 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán gồm: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; Tội thao túng giá chứng khoán; Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán.

Có thể tóm tắt quy định về 4 tội danh này như sau:

1. Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán

Tội này được quy định tại Điều 209.

Hành vi phạm tội được xác định là: cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán.
Hình thức xử phạt bao gồm phạt tiền (đến 2 tỷ đồng), cải tạo không giam giữ hoặc tù với thời hạn lên đến 5 năm, tùy vào mức độ gây thiệt hại, số tiền thu lợi bất chính, hoặc tái phạm. Ngoài ra có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt tiền đến 5 tỷ đồng và có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.

2. Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán

Tội này được quy định tại Điều 210.

Người phạm tội được xác định là: biết được thông tin liên quan đến công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng chưa được công bố mà nếu được công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán của công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng đó mà sử dụng thông tin này để mua bán chứng khoán hoặc tiết lộ, cung cấp thông tin này hoặc tư vấn cho người khác mua bán chứng khoán trên cơ sở thông tin này.

Tùy theo số tiền thu lợi bất chính, số tiền gây thiệt hại cho nhà đầu tư, vi phạm có tổ chức hoặc tái phạm, mức phạt có thể lên đến 5 tỉ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm. Ngoài ra có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt tiền đến 10 tỉ đồng và có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.

3. Tội thao túng thị trường chứng khoán

Tội này được quy định tại Điều 211.

Các hành vi được xác định là phạm tội bao gồm:

– Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;

– Thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;

– Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;

– Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;

– Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;

– Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Tùy theo số tiền thu lợi bất chính, số tiền gây thiệt hại cho nhà đầu tư, vi phạm có tổ chức hoặc tái phạm, người phạm tội có thể chịu mức phạt tiền lên đến 4 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm. Ngoài ra có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt tiền đến 10 tỷ đồng và có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 - 3 năm hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.

4. Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán

Tội này được quy định tại Điều 212.

Điều này quy định, người nào làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán thì tùy theo số tiền thu lợi bất chính, mức gây thiệt hại cho nhà đầu tư, vi phạm có tổ chức hoặc tái phạm nguy hiểm có thể bị phạt tiền đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm.

Ngoài ra có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Theo doanhnhansaigon

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin