3 điều luật hình sự điều chỉnh vi phạm pháp luật về bảo hiểm

25/12/2017 19:45

(Pháp luật) - Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

[caption id="attachment_188270" align="aligncenter" width="410"]Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ 1/1/2018 đã bổ sung một số tội danh mới liên quan tới vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ 1/1/2018 đã bổ sung một số tội danh mới liên quan tới vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm[/caption]

Tội danh trên được quy định tại Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, điều luật quy định: Người nào thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hoặc gây thiệt hại thì chịu các hình phạt sau:

1. Thực hiện một trong các hành vi sau, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội;

b) Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, Điều 214 Bộ luật Hình sự 2015 còn quy định 15 tình tiết tăng nặng và 22 tình tiết giảm nhẹ đối với người phạm tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tùy từng trường hợp phạm tội, đối tượng, tính chất, mục đích phạm tội,... sẽ có những quy định pháp luật cụ thể phù hợp miễn, giảm hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Đối với người đã bị tuyên án, tùy từng trường hợp, đối tượng,... pháp luật có những quy định xem xét miễn chấp hành hình phạt, giảm hình phạt đã tuyên hoặc giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

Tội gian lận bảo hiểm y tế

Được quy định tại Điều 215 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, điều luật quy định: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế hoặc gây thiệt hại:

a) Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng;

b) Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định thì chịu hình phạt sau:

1. Phạm tội chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế 500.000.000 đồng trở lên; b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, Điều 215 Bộ luật Hình sự 2015 còn quy định 15 tình tiết tăng nặng và 22 tình tiết giảm nhẹ đối với người phạm tội gian lận bảo hiểm y tế.

Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động

Tội danh trên được quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ thì chịu các hình phạt sau:

1. Phạm tội không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm: a) Phạm tội 02 lần trở lên; b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người; d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên; b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng; b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 còn quy định 15 tình tiết tăng nặng và 22 tình tiết giảm nhẹ đối với người phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Ngoài ra, Điều 216 còn quy định 6 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là: a) Câu kết với pháp nhân khác để phạm tội; b) Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng; c) Phạm tội 02 lần trở lên; d) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm; đ) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội; e) Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội hoặc nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm. Và quy định 5 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là: a) Đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; b) Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; c) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; d) Tích cực hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án; đ) Có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chính sách xã hội.

Nhóm PV (tổng hợp)

 

Bạn đang đọc bài viết "3 điều luật hình sự điều chỉnh vi phạm pháp luật về bảo hiểm" tại chuyên mục Chính sách mới. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin